Trên đường rước dâu, tân nương bị rơi khỏi xe và cái kết có hậu
Vào thời nhà Thanh, có một thị trấn nhỏ tên là Thanh Phong nằm giữa Hà Bắc và Hà Nam. Mặc dù Thanh Phong là một thị trấn nhỏ nhưng lại là một tuyến đường giao thông quan trọng, thương nhân qua lại con đường này không ngớt. Trong thị trấn có một người tên là Trần Vạn Ngôn. Anh ta có thu nhập trung bình và muốn lập gia thất. Thê tử sắp cưới của anh là người họ Ninh sống ở nông thôn. Hai bên gia đình quyết định hôn lễ sẽ diễn ra vào mùa đông. Buổi tối của ngày diễn ra hôn lễ, gia đình Trần Vạn Ngôn đã đốt đuốc để rước dâu. Tại sao phải đón dâu vào buổi tối? Bởi vì đây là tập tục của người dân địa phương. Vào ban ngày, mọi người đều sẽ rất bận rộn. Vả lại, chọn rước dâu vào buổi tối thì người khác không thấy được sự đơn sơ của chiếc xe đón dâu. Những người nghèo không thể chuẩn bị được chiếc xe rực rỡ sắc màu. Họ chỉ có thể ngồi xe bò và dùng nỉ đỏ phủ lên, tân lang sẽ cưỡi ngựa đi trước để dẫn đường.
Trần Vạn Ngôn đến Ninh gia, dùng xe đón tân nương về nhà theo tục lệ trong hôn lễ. Ngày hôm đó, trời đổ tuyết dày đặc. Trên xe còn có một phù dâu. Cô ấy đến từ nhà họ Trần, gọi là “thủ nữ khách.” Tuy địa vị thấp bé, nhưng cô ấy không phải là đầy tớ. Hôm đó, phù dâu uống rất nhiều rượu hỷ ở Ninh gia. Cô say khướt và không chú ý nên nôn mửa mọi thứ ra xe. Tân nương sợ cô ấy sẽ làm bẩn bộ y phục mới của mình, nên từng bước lùi về phía sau xe. Phía sau xe không có thanh chắn gỗ. Lúc này xe lại chạy rất nhanh. Bánh xe bất ngờ va phải một vật cứng trên mặt đất, chiếc xe bị xóc nảy mạnh. Tân nương không cẩn thận nên rơi khỏi xe. Những người phía trước đều đang chen chúc chạy theo xe, không có ai phát hiện ra tân nương đã rơi khỏi xe.
Lúc này, có một người buôn vải tên là Biện Phong đến từ Hà Nam. Anh ta cưỡi con la đi trong lớp tuyết dày đặc để về nhà ăn tết. Trên đường, anh gặp một cô gái đang ngồi khóc. Biện Phong liền đến xem thử và phát hiện cô gái là một tân nương. Anh hỏi cô ấy đã xảy ra chuyện gì. Sau khi Biện Phong biết chuyện, anh muốn đưa cô ấy quay về với tân lang, nhưng cổng thành phía bắc đã đóng rồi. Anh muốn đưa cô ấy về nhà mẹ đẻ, nhưng đường lại quá xa. Nếu anh bỏ mặc cô ấy ở đó cũng không được, nên không biết đưa cô ấy về đâu?
Lúc này, Biện Phong suy nghĩ, chỉ có thể cùng cô ấy dừng lại và đợi cho đến khi trời sáng. Nhưng sau đó anh lại thay đổi suy nghĩ, tốt hơn là nên đưa cô về nhà trước. Thế rồi, anh để cô cưỡi con la, còn Biện Phong thì đi theo sau. Một lúc sau, tuyết rơi càng dày hơn, anh không thể di chuyển được nữa. Anh bèn leo lên con la và đi cùng tân nương. Tân nương tuy cảm thấy vô cùng khó xử, nhưng người ta đang giúp đỡ mình, nên cô không thể cự tuyệt. Biện Phong cảm thấy rất vui, liền thúc con la tiến lên phía trước tận bảy mươi dặm. Về đến nhà, anh mở cửa và nói rằng: “Tôi đã đưa về một tân nương.” Người trong nhà đều cho rằng đây là tân nương của Biện Phong, ngay cả Biện Phong cũng cho rằng cô ấy đã trở thành tân nương của mình. Tân nương rơi xuống xe nhưng không có lấy một người đến hỏi thăm, trong lòng cô đã có chút thất vọng, bây giờ gặp nam nhân khác tại một nơi xa lạ cũng không thể làm gì khác.
Biện Phong không có thê tử, chỉ có mẫu thân thường xuyên đau ốm và một muội muội mười tuổi. Ninh thị lo liệu chu toàn việc nhà, chăm sóc mẹ và em gái rất tốt, vợ chồng yêu thương nhau. Một ngày nọ, Ninh thị ra vườn sau trồng đậu. Khi xới đất, nàng tìm thấy hai cái hũ. Mở ra xem thì thấy bên trong chứa đầy bạc, trị giá mấy ngàn lạng. Vì vậy, cô đã lấy một hũ chứa bạc và báo với Biện Phong, gia đình từ đó trở nên giàu có.
Cứ như vậy trôi qua mấy năm. Vào mùa thu năm nay, khi lúa mì chín, Biện Phong đi bán vải trở về nhà. Một buổi sáng nọ, anh ra ngoài để thu hoạch lúa mì, thì nhìn thấy một người đàn ông đang cầm lưỡi liềm nằm ở dưới đất. Biện Phong hỏi anh ta: “Sao anh không đi thu hoạch lúa mì?” Người đàn ông nói: “Bởi vì tôi không phải người dân ở đây, không ai muốn thuê tôi cả.” Biện Phong lại hỏi anh ta là người ở đâu? Anh ta trả lời rằng: “Tôi là người Thanh Phong.” Biện Phong nói: “Thanh Phong cách chúng tôi không xa, tại sao họ không thuê anh chứ? Anh có muốn làm việc cho tôi không?” Người đàn ông kia đồng ý và đi theo Biện Phong. Biện Phong hỏi anh ấy họ gì, anh ta trả lời là họ Trần. Người đàn ông họ Trần này vô cùng siêng năng. Trong khi người khác chỉ thu hoạch được một luống, thì anh ta có thể thu hoạch được hai luống. Biện Phong rất hài lòng và đã thuê anh ta với số tiền rất cao.
Biện Phong muốn sửa nhà và cần tìm thợ nề. Người đàn ông họ Trần nói: “Không cần tìm nữa đâu, tôi có thể làm được.” Buổi trưa vào một ngày nọ, Ninh thị đang thêu thùa trước cửa sổ, người đàn ông họ Trần đang trải cỏ dưới cầu thang. Ninh thị nghe thấy âm giọng nói chuyện của anh ta rất giống với người đến từ Thanh Phong, bèn hỏi: “Anh là người ở đâu?” Người đàn ông họ Trần nói: “Tôi là người Thanh Phong.” Ninh thị lại hỏi: “Có một người tên là Trần Vạn Ngôn, anh biết người đó không?” Người đàn ông họ Trần bật cười và nói: “Người đó là tôi, làm sao cô biết được tên tôi?”
Ninh thị đáp: “Tôi là người thân thích của Ninh gia. Nghe nói anh ấy đã lấy thê tử, lại để mất cô ấy, có thật vậy không?”
Người đàn ông họ Trần thở dài: “Đúng vậy, đây chính là lý do vì sao cho đến ngày hôm nay tôi trở thành người làm thuê cho người khác. Ngày ấy khi cưới vợ, trên đường trở về nhà thì lại để rơi mất vợ. Tôi ngỡ rằng là do Ninh gia đã giấu cô ấy đi rồi. Nhưng Ninh gia phát hiện con gái mất tích lại cho rằng tôi đã hãm hại cô ấy. Tôi rất hận Ninh gia và Ninh gia cũng đổ oan cho tôi. Chúng tôi đều đến quan phủ để cáo trạng. Cả hai gia đình đều vì vụ án này mà trói buộc với nhau, cuối cùng vẫn không thể kết án. Vụ án cứ thế bỏ lửng không thể giải quyết. Đến nay đã trôi qua năm năm. Quan viên đã đổi bốn nhiệm kỳ, họ cũng không có cách nào để giải quyết. Thay vì để vụ án này kéo dài sự nghi ngờ mà không có hướng giải quyết, tôi thấy không bằng bỏ cuộc thì hơn. Vì vậy, tôi kiến nghị với Ninh gia, hai bên hãy từ bỏ việc kiện tụng và họ đã đồng ý. Nhưng vì trải qua vụ việc kiện cáo này, gia đình tôi đã trở nên sa sút, phía Ninh gia cũng trở nên nghèo khó.”
Ninh thị hỏi: “Bây giờ anh còn hận Ninh gia không?” Người đàn ông họ Trần đáp: “Bây giờ chúng tôi biết cả hai bên đều không có ai lừa dối đối phương cả, đương nhiên chúng tôi không còn là kẻ thù nữa.” Ninh thị nói: “Đã rất lâu rồi, tôi không liên lạc với gia đình, tôi muốn nhờ anh mang lá thư này đến cho họ, anh có thể giúp tôi không?” Người đàn ông họ Trần đáp: “Được chứ.” Ninh thị liền niêm phong bức thư lại và còn có một gói đồ nữa. Bên trong gói đồ có rất nhiều thứ. Ninh thị đưa cho người đàn ông họ Trần lộ phí và chuẩn bị lương khô để anh ta mang theo. Sau khi Biện Phong trở về, Ninh thị nói: “Anh Trần mấy ngày nay muốn về nhà, tôi đưa tiền cho anh ấy, nhưng anh ấy không nhận lại đi mất rồi.”
Trên đường đi, người đàn ông họ Trần cảm thấy đói bụng, anh bẻ lương khô ra ăn, thì phát hiện bên trong có một cục vàng. Bẻ tiếp ba lần thì vẫn như vậy, nhưng anh không biết nguyên nhân vì sao. Sau khi đến Ninh gia, anh liền đưa lá thư và gói đồ cho họ. Mẹ của Ninh thị ban đầu có chút hoài nghi, bà mở phong thư và gói đồ ra xem, thì thấy ngoài vàng ra, còn có một chiếc trâm bằng vàng mà con gái bà đã nhận được từ nhà họ Trần khi xuất giá. Cha mẹ của Ninh thị biết rõ chân tướng của sự tình, lập tức đi theo anh Trần đến tìm Biện Phong. Khi đến nhà của Biện Phong, sau khi nhìn thấy con gái, mọi người ai nấy đều ôm nhau khóc nức nở. Họ muốn tìm Biện Phong để chỉ trích, trách mắng, nhưng Biện Phong lại không dám ra ngoài. Còn Trần Vạn Ngôn khi biết Ninh thị thật ra chính là thê tử bị mất tích của mình, thì anh cũng muốn đi tìm Biện Phong để “tính sổ.” Trần Vạn Ngôn tức giận đến nỗi vụ kiện sắp mở ra một lần nữa. Biện Phong lo lắng bất an, không biết phải làm như thế nào, không biết nên làm gì mới đúng.
Lúc này Ninh thị ra mặt, cô mời cha mẹ của mình, mẹ của Biện Phong, Biện Phong và Trần Vạn Ngôn cùng đến đình viện. Cô nói với mọi người: “Tôi vốn dĩ là con gái của Ninh gia, bây giờ tôi là thê tử của Biện gia. Nếu tôi đã trở thành thê tử của Biện gia, thì không thể quay lại làm thê tử của Trần gia được. Khi tôi lần đầu xuất giá gả đến nhà họ Trần, tuy Trần Vạn Ngôn không cố ý bỏ rơi tôi, nhưng sự thật là anh ta đã đánh mất tôi, đây là lỗi của chính Trần gia. Tôi bây giờ đã là người của Biện gia, đây cũng chính là ý Trời muốn tôi và Biện gia ở bên nhau.”
“Bây giờ dù có cáo trạng lên quan phủ, quan phủ phán quyết tôi phải quay về với Trần gia, nhưng tôi sẽ kiên quyết giữ đạo lý “nữ tử tòng nhất nhi chung” (Một đời chỉ gả cho một trượng phu, trượng phu mất cũng không xuất giá thêm lần nào nữa). Tôi không thể cùng mọi người về lại Trần gia, vậy mọi người phải làm sao đây? Bây giờ tôi có một ý kiến: Bởi vì tôi mà cha mẹ tôi đã mất đi gia sản. Tôi nguyện ý dùng tiền bạc để chuộc lại sản nghiệp của cha mẹ. Trần Vạn Ngôn cũng vì tôi mà phải hứng chịu những bất hạnh trong gia đình, đến tận bây giờ vẫn chưa thể lấy vợ. Biện Phong có một muội muội, chính là tiểu cô của tôi, hiện tại đã đến tuổi xuất giá. Tôi có thể gả cô ấy cho Trần Vạn Ngôn coi như đền bù, đồng thời tôi nguyện ý lấy ra thêm năm trăm lạng bạc để làm của hồi môn cho cô ấy. Bằng cách này hai gia đình có thể kết làm thông gia, xóa bỏ tất cả những nghi ngờ và bất mãn. Tuy đây là sự sắp đặt của con người, nhưng cũng có thể xem như ý nghĩa của đạo Trời vậy. Nếu không, việc kiện tụng đến quan phủ cuối cùng cũng chỉ dẫn tới tai vạ cho cả ba gia đình. Xin mời ba vị lão nhân làm chứng.”
Biện gia lo lắng bị quan trừng phạt, Ninh gia lo lắng đến chuyện tiền bạc, Trần Vạn Ngôn vui mừng vì có thể tìm được thê tử mới, cuối cùng mọi người đều đồng ý với cách giải quyết này. Vì vậy, Biện Phong hành lễ với Trần Vạn Ngôn, Trần Vạn Ngôn cũng đáp lễ với Biện Phong. Ninh thị lấy ra hũ bạc mà cô đã cất giấu, dùng một nửa số bạc trong đó đưa cho Ninh gia và Trần gia. Sau này, vào ngày muội muội của Biện Phong gả đến Trần gia, anh trai cô ấy cũng đi cùng cô. Ninh thị nói với Biện Phong rằng: “Khi đưa cô ấy đến Trần gia, hãy cẩn thận, đừng để cô dâu rơi khỏi xe và bị người khác lấy mất.”
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ