Bá phu nhân khuyên chồng làm gì để bảo toàn tính mệnh của con trai?
Trượng phu của nàng là người chính trực dám nói thẳng, bởi vậy nàng đã đoán trước được trượng phu của mình sẽ gặp phải tai họa. Nàng nên làm gì đây?
Đại phu Bá Tông của nước Tấn thời Xuân Thu là một người hiền tài, rất được Quốc quân Tấn Cảnh Công Cơ Cứ coi trọng.
Năm thứ 6 thời Tấn Cảnh Công (năm 594 trước Công Nguyên), nước Tống phái đại phu Nhạc Anh Tề đến nước Tấn, thỉnh cầu nước Tấn xuất binh trợ giúp nước Tống. Tấn Cảnh Công có ý muốn xuất binh giúp đỡ, nhưng lại bị Bá Tông ngăn cản. Câu chuyện xảy ra như sau:
Một năm trước đó, tức là năm thứ 5 thời Tấn Cảnh Công (năm 595 trước Công Nguyên), Sở Trang Vương phái người đi sứ đến nước Tề. Theo lễ tiết bang giao giữa các quốc gia vào thời điểm đó, nước Sở cần phải thông báo trước cho nước Tống biết việc sứ thần sẽ đi qua, đồng thời phải được sự cho phép của nước Tống mới có thể thông hành. Tuy nhiên, nước Sở ỷ vào thực lực của mình rất hùng mạnh, nên không thông báo cho nước Tống, cũng không nhận được sự đồng ý của nước Tống. Tống Văn Công cho rằng hành động lần này của nước Sở đã sỉ nhục nước Tống. Vì thế, ông ra lệnh sát hại sứ thần của nước Sở khi người này đi ngang qua nước Tống. Điều này lập tức khiến nước Sở giận dữ, phái đại quân đến bao vây nước Tống. Cứ như vậy, chiến sự hai bên giằng co. Sau khi nước Tống bị quân Sở bao vây trong vài tháng, Tống Văn Công đã phái đại phu Nhạc Anh Tề đến nước Tấn, thỉnh cầu nước Tấn xuất binh cứu trợ.
Tấn Cảnh Công trước đó có ý muốn đáp ứng thỉnh cầu của nước Tống, nhưng bị Bá Tông phản đối.
Bá Tông nói với Cảnh Công rằng: “Chúng ta sao có thể vì giúp nước Tống mà trở thành đối địch với nước Sở? Cổ nhân có một câu nói rằng, ‘Roi tuy dài, nhưng không bằng bụng ngựa’.” Ý muốn nói rằng, “mặc dù roi da rất dài, cũng không thể đánh vào bụng ngựa.”
Bá Tông cho rằng, nước Sở đang được Thiên thượng bảo hộ và đang ở thời kỳ hùng mạnh nhất. “Nước Tấn tuy lớn mạnh, nhưng sao có thể chống lại Thiên ý được?” Ngụ ý nói rằng, nước Tấn có lớn mạnh tới đâu cũng không thể đối địch với nước Sở.
Tấn Cảnh Công nghe xong lời này, tuy cảm thấy có lý, nhưng trong lòng ông vẫn lo nghĩ. Ông nói: “Chúng ta sao có thể chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, mà từ chối thỉnh cầu của người khác? Làm như vậy, ta cảm thấy là điều sỉ nhục!”
Bá Tông khéo léo giải thích: “Tục ngữ có câu, ‘giải quyết sự việc muốn cao hay muốn thấp đều là do tâm ý của mình.’ Trong sông hồ có bùn nhơ nước đục, trong lùm cỏ, chốn rừng núi có độc trùng, mãnh thú ẩn nấp, trong miếng ngọc trắng noãn cũng có tỳ vết.”
Bá Tông khuyên Cảnh Công: “Quân vương của một nước đôi khi không tránh khỏi việc phải nhẫn nhục chịu đựng. Đây đều là chuyện rất hiển nhiên. Hơn nữa, một sai sót nhỏ cũng không thể làm tổn hại đến đức lớn được! Ngài vẫn là nên nhẫn nhịn một chút! Tạm thời không xuất binh, đợi sau khi thực lực của nước Sở suy tàn, lúc đó lại bàn tiếp!”
Lời nói của Bá Tông khiến Tấn Cảnh Công liên tục gật đầu. Cứ như vậy, Tấn Cảnh Công liền từ bỏ ý định xuất binh trợ giúp nước Tống. Từ câu chuyện này đã để lại cho hậu thế một câu thành ngữ “roi dài không quất tới bụng ngựa,” dùng để ví von năng lực chưa đầy đủ.
Bá Tông là người có tài ăn nói. Ông luôn dám nói thẳng, dùng tài biện luận của mình để áp phục người khác. Tuy ông can đảm nói ra sự thật, nhưng tính cách tranh cường háo thắng thường dễ đắc tội với người khác. Điều này khiến thê tử của ông lo lắng. Bà cho rằng chồng mình ăn nói thẳng thắn không kiêng dè, dĩ nhiên điều này là đáng khen, nhưng ông lại không để ý cảm nhận của người khác. Ngoài việc giỏi lý lẽ, ông cũng cần phải có lòng khiêm tốn. Cứ như vậy về lâu dài, chồng mình chắc chắn sẽ bị người khác ghen ghét.
Lại nói vào lúc đó, nội bộ nước Tấn đã có mâu thuẫn nghiêm trọng. Giữa quân thần nghi kỵ lẫn nhau và giữa các quan đại thần cũng lục đục đấu đá.
Vì vậy, vào mỗi buổi sáng sớm, trước khi Bá Tông vào cung thượng triều, thê tử hiền tuệ của ông luôn nhắc nhở ông lời nói và việc làm nên khiêm tốn, hòa nhã một chút. Bá Tông nói: “Kẻ trộm ghét ông chủ, bách tính yêu kính minh quân,” ý là hành vi xử sự của một người, nhất định sẽ có người thích, tất nhiên cũng có người ghen ghét đố kỵ.
Thê tử của Bá Tông nói: “Phu quân luôn thích có chuyện thì nói thẳng, cứ như vậy tất sẽ có người không ngay thẳng bất chính căm ghét phu quân. Đến lúc đó tai họa nhất định sẽ rơi xuống người phu quân.”
Có lẽ đường làm quan của mình trôi chảy, nên Bá Tông xem lời khuyên của thê tử như gió thoảng bên tai.
Một lần, Bá Tông về nhà, trên khuôn mặt mang ý cười, tinh thần có thêm phần đắc ý tự mãn. Thê tử của ông thấy thế hỏi: “Trông phu quân có vẻ rất hài lòng, hôm nay đã xảy ra chuyện gì vậy?” Bá Tông đắc ý nói: “Hôm nay thượng triều, khi ta nói chuyện, các đại phu đều công nhận ta sáng suốt có tài ăn nói khéo léo như Dương Tử đấy!”
Thê tử ông vừa nghe vậy liền nói một câu: “Thực cốc bất hoa, chí ngôn bất sức,” ý là, hạt ngũ cốc chắc mẩy không nở hoa, lời nói sâu sắc đúng trọng tâm không cần chải chuốt. Bà nói tiếp: “Dương Tử chính là bởi vì hào nhoáng bề ngoài, nói mà không suy nghĩ, mới khiến bản thân gặp phải tai họa. Mọi người nói chàng giống ông ta, thì có gì đáng để chàng cao hứng đến như vậy?”
Dương Tử chính là quan đại phu Dương Xử Phụ của nước Tấn. Thời Tấn Tương Công đang trị vì, Dương Xử Phụ đã thuyết phục Tương Công thay thế Giả Quý (Hồ Xạ Cô) đang giữ chức Trung quân Soái. Sau khi Giả Quý bị giáng chức xuống làm Trung quân tá, thì ghi hận trong lòng. Năm 621 trước Công Nguyên, Giả Quý phái người trong bộ tộc của mình là Hồ Cúc Cư sát hại Dương Xử Phụ.
Lúc này, Tống Bá nghe thê tử nói xong, trong lòng bắt đầu nổi lên sự cảnh giác. Ông thầm nghĩ, thê tử của mình hiểu biết lý lẽ như vậy, bèn nói với thê tử: “Vậy ta mời các đại phu đến nhà mình uống rượu, nàng đến nghe nội dung họ trò chuyện một chút, được không?” Thê tử ông nói: “Được!”
Vài ngày sau, Bá Tông mở tiệc rượu chiêu đãi các quan đại phu. Suốt cả đêm đó, Bá Tông cùng các quan đại phu uống rượu, bàn luận chuyện trên trời dưới biển. Trong khi đó, thê tử của ông ở trong phòng sát vách. Khách và chủ đều vui vẻ. Sau khi tiễn khách về xong, Bá Tông đi vào phòng hỏi thê tử: “Hiền thê, nàng thấy thế nào về cuộc nói chuyện giữa ta và các quan đại phu hôm nay?”
Thê tử ông vẻ mặt lo lắng nói: “Tài ăn nói của các đại phu quả thực không hơn chàng. Tuy nhiên, từ bao lâu nay, dân chúng không còn ủng hộ và yêu mến Quốc quân nữa. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chàng thể nào cũng sẽ bị tai họa giáng đến. Hơn nữa, hiện tại quốc gia đã xuất hiện rất nhiều kẻ bất trung, còn chàng thì lại không thay đổi được tính cách ăn nói hùng hồn thẳng thắn, chỉ sợ tai họa nguy hiểm sẽ sớm ập đến.”
Bá Tông suy tính tình thế trước mắt, quả thực là đúng như lời thê tử nói. Ông hỏi thê tử: “Vậy bây giờ nên làm sao đây?”
Thê tử ông nói: “Sao phu quân không kết giao với người hiền tài, sau đó đưa con trai Chu Lê của chúng ta giao phó cho người đó?”
Bá Tông trầm mặc một hồi rồi nói: “Tốt lắm! Cứ làm như thế!” Thế là, Bá Tông kết giao với hiệp sĩ Tất Dương. Hai người kết làm bạn tốt.
Về sau, sau khi Cảnh Công qua đời, Tấn Lệ Công lên ngôi. Bá Tông nhận thấy mối nguy hại của việc nước Tấn bị một đại gia tộc công khanh độc quyền khống chế. Đặc biệt là nhóm đại thần được gọi là “Tam Khích” gồm Khích Kỹ, Khích Trừu và Khích Chí, đã nắm thực quyền về chính trị lẫn quân sự. Bá Tông chính trực dám nói thẳng đã nhiều lần khuyên Lệ Công rằng: “Gia tộc Khích thị thế lực đang mạnh, cần phải hạn chế bớt quyền của họ.” Sau khi “Tam Khích” biết được chuyện này đều căm hận Bá Tông đến tận xương. Họ liên danh thượng tấu, vu cáo Bá Tông tội danh phỉ báng triều chính. Cuối cùng, Bá Tông bị hại chết.
Sau khi Bá Tông bị hãm hại, con trai Bá Chu Lê của ông lâm vào tình cảnh nguy ngập. May mắn Bá Tông đã sớm nghe theo lời khuyên của thê tử, kết giao bằng hữu với Tất Dương. Bá Chu Lê được Tất Dương hộ tống, đến nước Sở tìm nơi nương tựa, từ đó mới bảo toàn được tính mạng.
Trong “Thư Kinh – Đại Vũ Mô” có câu nói: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi Thiên đạo.” Ý nói là tự mãn sẽ dẫn tới thất bại, khiêm tốn sẽ nhận được ích lợi, đây là quy luật tự nhiên, là chân lý phổ biến. Vậy mà Bá Tông chính trực dám nói thẳng lại không thực hiện được. Thế nhưng, thê tử của Bá Tông lại hiểu rõ đạo lý này. Người đời sau khen ngợi thê tử của Bá Tông là người biết “Thiên đạo,” nhờ đó bà đã bảo toàn được tính mệnh của con trai mình.