Giữa lúc nông dân biểu tình, EU lại sắp ban hành một kế hoạch lớn nhằm chống biến đổi khí hậu
Các điều khoản chính của luật Phục hồi Thiên nhiên mới bao gồm ngăn chặn phát thải carbon từ đất và làm ngập trở lại các vùng bãi lầy trước kia đã khô cạn.
Liên minh Âu Châu sắp phê chuẩn một kế hoạch lớn nhằm chống biến đổi khí hậu và cải thiện hoạt động bảo vệ thiên nhiên ở khối 27 quốc gia này, sau một loạt các cuộc biểu tình của nông dân và sự phản đối từ nhóm lớn nhất trong Nghị viện.
Tiền đề là 80% môi trường sống ở châu Âu đang ở tình trạng yếu kém, luật Phục hồi Thiên nhiên của EU quy định rằng các quốc gia thành viên EU phải khôi phục ít nhất 30% môi trường sống trong tình trạng yếu kém của họ vào năm 2030, 60% vào năm 2040, và 90% vào năm 2050, theo một tuyên bố.
Tuyên bố này cho biết: “Một khi đã đạt đến tình trạng tốt rồi thì các quốc gia EU sẽ phải bảo đảm khu vực đó không bị xuống cấp một cách đáng kể.”
Các mục tiêu chính của luật mới là khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, và tuân thủ các cam kết quốc tế của Liên minh, theo văn bản được thông qua của luật Phục hồi Thiên nhiên.
Luật phục hồi thiên nhiên mới này đã được Nghị viện Âu Châu thông qua hôm thứ Ba (27/02) với 329 phiếu thuận, 275 phiếu chống, và 24 nghị viên không tham gia bỏ phiếu.
Để có hiệu lực, luật này phải được Hội đồng Âu Châu, một cơ quan lập pháp khác của EU, thông qua.
Dự luật này yêu cầu các quốc gia thành viên EU cải thiện hai trong số ba chỉ số sau: chỉ số quần thể bướm đồng cỏ, trữ lượng carbon hữu cơ trong đất trồng trọt được đo bằng đơn vị tấn carbon trên một hecta, và tỷ lệ đất nông nghiệp được sử dụng có các đặc điểm cảnh quan có tính đa dạng cao.
Khả năng giữ lại carbon trong đất
Luật được thông qua này xem trữ lượng và mức hấp thu carbon tự nhiên là “căn bản để chống lại khủng hoảng khí hậu.”
Theo cơ quan môi trường EU, “Đất ở EU đang mất đi lượng carbon dưới dạng phát thải CO2, xu hướng này có thể cản trở tham vọng đạt được các mục tiêu về khí hậu của Liên minh Âu Châu nếu không được đảo ngược.”
Cơ quan này cho biết, một phần đáng kể lượng phát thải carbon từ đất là do canh tác và thoát nước trên đất. Tuy nhiên, theo cơ quan này, việc cô lập carbon trong đất nhiều hơn hoặc giảm lượng thất thoát có thể dẫn đến “những hậu quả tiêu cực đối với đa dạng sinh học và sản xuất lương thực.”
Việc sử dụng đất trồng trọt
Luật nêu rõ, các đặc điểm cảnh quan có tính đa dạng cao trên đất nông nghiệp sẽ góp phần khôi phục đa dạng sinh học ở Liên minh Âu Châu. Những đặc điểm này bao gồm những vùng đất bỏ hoang có chủ đích để phục hồi, các dải đệm, bờ giậu, cây hoặc nhóm cây, phần rìa ruộng, các khoảnh đất nhỏ, những con mương, suối, vùng đất ngập nước nhỏ, ruộng bậc thang, ụ đá, tường đá, ao nhỏ, và các đặc điểm văn hóa, như đã được nêu trong quy định của luật phục hồi thiên nhiên.
Để đủ tiêu chuẩn là “đặc điểm cảnh quan có tính đa dạng cao” theo luật mới, thì những đặc điểm này phải không được sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp như chăn thả gia súc, và không được rải phân bón hoặc bị phun thuốc trừ sâu, ngoại trừ trong một số điều kiện cụ thể.
Dự luật này nêu rõ: “Việc bảo đảm hệ sinh thái đa dạng sinh học và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thực chất có mối liên hệ lẫn nhau.”
Tuyên bố cho biết, một trong những cách hiệu quả nhất về chi phí để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp là khôi phục các bãi lầy trước đây đã bị làm khô cạn cho việc canh tác.
Do đó, luật phục hồi này quy định các quốc gia EU phải khôi phục, chủ yếu thông qua làm ngập nước trở lại, ít nhất 30% diện tích bãi lầy đã bị làm khô cạn vào năm 2030, 40% vào năm 2040, và 50% vào năm 2050. Tuyên bố này cho biết, nông dân và chủ đất tư nhân sẽ có quyền quyết định có làm ngập trở lại vùng đất đó hay không.
Các quy định của luật này cho phép gieo trồng một số lượng hạn chế các loại cây dùng trong công nghiệp làm sinh khối hoặc cỏ khô, và một số ít cây lương thực trên vùng đất được làm ngập trở lại.
Luật quy định: “Những lợi ích đáng kể nhất về khí hậu được tạo ra bằng cách khôi phục và làm ngập đất trồng trở lại, sau đó là khôi phục đồng cỏ thâm canh.”
Luật nông nghiệp hiện hành của EU yêu cầu nông dân, những người nhận được một số trợ cấp nhất định từ Liên minh Âu Châu, phải giữ 4% đất canh tác của họ ở trạng thái bỏ hoang hoặc không sản xuất.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình của nông dân nổ ra vào mùa đông trên khắp châu Âu để phản đối những hạn chế do các biện pháp của EU đặt ra nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chi phí gia tăng, và cạnh tranh không công bằng từ ngoại quốc, Ủy ban Âu Châu đã thông qua một dự luật nới lỏng quy tắc này.
Theo một tuyên bố của ủy ban, quy tắc này sắp được thay thế tạm thời trong một năm bằng quy tắc yêu cầu nông dân phân bổ 7% đất đai của họ để trồng trọt mà không sử dụng thuốc trừ sâu, cây trồng cố định đạm — chẳng hạn như đậu lăng, đậu Hà Lan, hoặc đậu tằm — hoặc các loại cây mọc giữa hai mùa vụ chính và có thể được sử dụng làm cỏ khô hoặc phân xanh.
Tuyên bố cho biết luật phục hồi thiên nhiên tạo ra khung quy định cho “việc dừng khẩn cấp, theo yêu cầu của Nghị viện.” Nghị viện nêu rõ trong tuyên bố rằng các điều khoản về nông nghiệp có thể bị đình chỉ trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như sản xuất lương thực không đủ cho EU do tình trạng sụt giảm đất nông nghiệp nghiêm trọng.
Các nghị viên EU nhận xét về luật phục hồi thiên nhiên
Sau cuộc bỏ phiếu, ông César Luena, Nghị viên Nghị viện Âu Châu (MEP) người Bồ Đào Nha kiêm báo cáo viên về luật này, cho biết trong tuyên bố: “Hôm nay là một ngày quan trọng đối với châu Âu, khi chúng ta chuyển từ bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên sang khôi phục thiên nhiên.” Ông Luena, thành viên nhóm nghị viên EU thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ, đã cảm ơn “các nhà khoa học đã cung cấp bằng chứng khoa học và chống lại sự phủ nhận khí hậu cũng như những thanh niên đã nhắc nhở chúng ta rằng không có hành tinh B, cũng không có kế hoạch B.”
Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP), nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện Âu Châu, là một nhóm ủng hộ mạnh mẽ cho cộng đồng nông nghiệp.
Ông Manfred Weber, Nghị viên Đức đồng thời là Chủ tịch EPP, cho biết: “Chúng ta đang thực hiện thêm các quy định quan liêu đối với nông dân của mình trong một thời điểm mà sản xuất lương thực và giá lương thực đang có tác động trực tiếp.”
Ông Weber kêu gọi tạm dừng các hành động môi trường như vậy để bảo vệ khả năng cạnh tranh kinh tế.
Nghị viên Romania Cristian Terheş, một thành viên của nhóm nghị viên Những người theo phái Bảo tồn truyền thống và Cải cách Âu Châu, cho biết tại Nghị viện Âu Châu rằng ông đã bỏ phiếu chống lại luật này “vì luật này sẽ làm giảm thu nhập của nông dân, làm suy giảm an ninh lương thực, gây thiệt hại cho vùng nông thôn Romania, và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói do giá lương thực tăng.”
Mặc dù thừa nhận rằng “có thể làm nhiều hơn nữa để tăng cường đa dạng sinh học và cứu lấy những cánh rừng”, nhưng ông Terheş cho biết “luật này không xoay quanh điều đó.” Thay vào đó, ông nhận định thêm, luật này sẽ dẫn đến phá hoại nền nông nghiệp và hoạt động sản xuất lương thực tự nhiên, do đó sẽ gây ra tình trạng thiếu lương thực và tăng giá lương thực.
“Tất cả những đề nghị điên rồ trong luật này đều được thực hiện với cái cớ là giảm lượng phát thải carbon, một điều hoàn toàn vô lý về mặt khoa học — trừ phi quý vị muốn kiểm soát dân số và làm mọi người nghèo đi,” ông Terheş nói.
Ông Terheş cho biết, carbon dioxide là cần thiết để thực vật tạo ra oxy. “Khí hậu toàn cầu đã luôn thay đổi — ngay cả trước khi con người xuất hiện trên trái đất này — và sẽ luôn thay đổi.”
Ông nói thêm: “Ý tưởng cho rằng bằng cách giết bò hoặc đánh thuế thịt hoặc sữa cao hơn thì khí hậu thế giới sẽ thay đổi thật sự là rất nực cười.”
Nghị viên Ireland Chris MacManus, một thành viên của nhóm nghị viên Cánh Tả, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảo ngược tình trạng động thực vật mất đi trên diện rộng. Tuy nhiên, ông nói, mối quan tâm của nông dân phải được giải quyết.
Ông MacManus cho biết: “Điều quan trọng là chính phủ Ireland và EU phải bảo đảm rằng sẽ việc làm ngập trở lại đất là tự nguyện, bảo vệ sinh kế của các gia đình nông dân Ireland… và sự tham gia của các bên liên quan vào việc ra quyết định về bất kỳ biện pháp và kế hoạch nào tại địa phương.” Ông cũng kêu gọi tài trợ để tạo ra khuyến khích tài chính cho nông dân thay vì áp dụng các khoản phạt.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times