EU đạt được thỏa thuận chứng nhận, giám sát các hoạt động loại bỏ carbon
EU cho biết luật mới sẽ giúp tạo thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia loại bỏ carbon và nông dân áp dụng canh tác carbon.
Hôm 20/02, hai cơ quan lập pháp của Liên minh Âu Châu (EU) đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về các quy định mới về tự nguyện chứng nhận, ghi danh tham gia, và giám sát việc loại bỏ carbon trong khối này.
Hội đồng Âu Châu và Nghị viện Âu Châu đã đồng ý xác định và kiểm soát việc loại bỏ carbon vĩnh viễn, canh tác carbon, và lưu trữ carbon trong các sản phẩm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, theo một tuyên bố từ hội đồng này.
Theo nghị quyết về các chu trình carbon bền vững, vốn được Nghị viện Âu Châu thông qua hồi tháng 04/2023, hoạt động loại bỏ carbon “phải đóng vai trò ngày càng lớn để đạt được tính trung hòa khí hậu của EU vào năm 2050.” Theo tuyên bố của các nhà lập pháp, thì đó là để “cân bằng lượng phát thải mà không thể loại bỏ được.”
Thỏa thuận đạt được vẫn là tạm thời, cho tới khi Nghị viện và Hội đồng Âu Châu chính thức thông qua. Theo như tuyên bố, luật mới này bao gồm việc chứng nhận bốn kiểu loại bỏ carbon:
- Loại bỏ carbon vĩnh viễn để lưu trữ trong khoảng thời gian vài thế kỷ
- Lưu trữ carbon tạm thời trong các sản phẩm có tuổi thọ cao trong thời gian ít nhất 35 năm. Chẳng hạn: công trình xây dựng bằng gỗ
- Lưu trữ carbon tạm thời từ canh tác carbon trong thời gian ít nhất là 5 năm. Chẳng hạn như những cánh rừng và đất, những vùng đất ngập nước, và những đồng cỏ biển được phục hồi
- Giảm lượng phát thải carbon từ đất nông nghiệp trong thời gian ít nhất là 5 năm. Chẳng hạn như quản lý vùng đất ngập nước, không xới đất và trồng các loại cây che phủ như cỏ, cây họ đậu, và cây thân thảo, và giảm sử dụng phân bón
Mặc dù những quy định này sẽ áp dụng cho các hoạt động diễn ra ở EU, nhưng tuyên bố cho biết ủy ban này “nên xem xét khả năng cho phép lưu trữ carbon địa chất ở các nước thứ ba lân cận, miễn là họ phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn của EU.”
Theo tuyên bố này, Ủy ban Âu Châu sẽ phát triển các phương pháp chứng nhận chi tiết với sự trợ giúp của một nhóm chuyên gia.
Lợi ích của việc loại bỏ carbon
Tuyên bố cho biết mỗi tấn CO2 được loại bỏ thông qua các hoạt động thu hồi carbon được chứng nhận theo luật mới này được coi là một đóng góp cho các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của EU và các quốc gia thành viên theo Thỏa thuận Paris.
Thỏa thuận Paris yêu cầu mỗi quốc gia tham gia phải báo cáo với Liên Hiệp Quốc 5 năm một lần về những đóng góp của mình trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Luật mới này quy định rằng thông tin chứng nhận và đánh giá phải được công khai. Một cơ quan ghi danh điện tử trên toàn EU sẽ được thành lập sau bốn năm. Theo tuyên bố, phí sẽ được tính cho việc truy vấn cơ quan ghi danh, và thu nhập từ các khoản phí đó sẽ được sử dụng để tài trợ cho cơ quan ghi danh này.
Ban đầu ủy ban đã đề xướng sáng kiến chứng nhận loại bỏ carbon hồi tháng 11/2022. Các chứng chỉ loại bỏ carbon sẽ củng cố “việc trao đổi của các nhóm loại bỏ carbon đã được xác minh thông qua các thị trường bù đắp carbon tự nguyện,” ủy ban cho biết trong đề xướng.
Tuyên bố nói rằng việc chứng nhận loại bỏ carbon sẽ có thể tạo ra các cơ hội kiếm thu nhập mới cho các ngành công nghiệp khai triển công nghệ loại bỏ và lưu trữ carbon và cho những người nông dân tham gia vào hoạt động canh tác carbon có tính sáng tạo.
“Thỏa thuận đạt được ngày hôm nay về điều luật quan trọng này sẽ đưa EU trở thành nơi đi đầu toàn cầu trong việc loại bỏ carbon,” bà Lídia Pereira, một thành viên Nghị viện Âu Châu đại diện cho Bồ Đào Nha và là báo cáo viên về dự luật này, cho biết trong một tuyên bố hôm 20/02. “Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân và phát triển các thị trường carbon tự nguyện trong khi tôn trọng tính toàn vẹn của khí hậu và ngăn chặn hiện tượng ra vẻ thân thiện với môi trường.”
Các phương pháp còn nhiều hạn chế
Theo Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), việc cô lập carbon trong đất thông qua các phương pháp canh tác carbon có những hạn chế.
Để đạt được mục tiêu giảm khí thải nhà kính, nhiều nông dân trên toàn thế giới cần thay đổi cách họ canh tác đất đai trong hàng trăm năm tới, điều này đặt ra “một thách thức lớn về kinh tế và xã hội,” cổng thông tin khí hậu của MIT cho biết.
Trong năm 2020, các nhà nghiên cứu tại Đại học California–San Diego đã nghiên cứu các dự án thương mại hóa công nghệ thu hồi và cô lập carbon trong 20 năm qua và kết luận rằng 80% trong số các dự án đó đã thất bại, theo tuyên bố của trường đại học này.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy độ tin cậy về thu nhập và các ưu đãi vốn phụ thuộc vào chính sách và chính trị, “cùng với chi phí vốn và sự sẵn sàng về công nghệ,” là những yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các dự án này. Trường đại học này nói trong tuyên bố rằng động lực lớn duy nhất của các công ty đó là nhằm bù đắp khoản đầu tư mà họ đã bỏ ra bằng cách bán lượng CO2 họ thu được cho các công ty hóa dầu vốn sẽ sử dụng chúng để tăng cường khai thác dầu khí.
Năm 2022, Viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng (IEEFA) ước tính rằng, kể từ khi thương mại hóa công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon vào những năm 1970, công nghệ này chủ yếu được sử dụng để tăng cường thu hồi dầu. Theo phân tích của viện này, chỉ khoảng 10–20% các dự án sử dụng công nghệ này để lưu trữ carbon trong các cấu trúc địa chất chuyên dụng.
IEEFA cho biết: “Việc thu hồi carbon chỉ thu được một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải từ vòng đời sản xuất dầu khí, và hiệu quả lâu dài của quy trình này thì vẫn còn phải bàn.”
“Ngay cả khi có thể bơm carbon dioxide xuống lòng đất, thì không có gì bảo đảm rằng nó sẽ ở đó và không rò rỉ vào khí quyển,” IEEFA cho biết thêm, trích dẫn về sự thất bại của dự án In Salah ở Algeria, dự án này đã bị đình chỉ vào năm 2011 sau 7 năm hoạt động “do những lo ngại về tính nguyên vẹn của lớp niêm phong và những chuyển động đáng ngờ của lượng carbon dioxide bị kẹt lại dưới lòng đất.”
Lưu trữ carbon ở Na Uy
Theo trang web của chính phủ Na Uy, nước này có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hồi và lưu trữ carbon dioxide và vận hành thành công các dự án tại các địa điểm Sleipner và Snohvit, vốn là những dự án quản lý carbon duy nhất đang hoạt động ở châu Âu hiện nay.
Dự án tại Sleipner đã hoạt động từ năm 1996 và Snohvit từ năm 2008. Cả hai địa điểm, đều do công ty năng lượng nhà nước Equinor của Na Uy điều hành, lưu trữ CO2 bị tách ra trong quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên và bơm nó trở lại lòng đất.
Tuy nhiên, trong một báo cáo năm 2023, cố vấn Grant Hauber của IEEFA cho biết kinh nghiệm tính tới nay với Sleipner và Snohvit “làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu thế giới có năng lực kỹ thuật, sức mạnh giám sát quy định, và cam kết vững chắc trong nhiều thập niên về vốn và nguồn lực cần thiết để giữ carbon dioxide được cô lập vĩnh viễn dưới biển–như Trái Đất cần hay không.”
Ông Hauber nói trong một tuyên bố: “Trong khi ngành dầu khí đã quen với việc đối phó với sự không chắc chắn trong hoạt động thăm dò và sản xuất, thì rủi ro sẽ tăng gấp bội khi cố gắng đưa thứ gì đó như CO2 trở lại lòng đất.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times