Liên minh Âu Châu đặt ra thời hạn để các nước thành viên áp dụng luật di trú và tị nạn mới
Một chuyên gia cho biết Hiệp ước Di trú và Tị nạn giải quyết “tính không hiệu quả cao” của hệ thống trục xuất trong Liên minh Âu Châu.
Sau nhiều năm tranh cãi chính trị, được ghi dấu bằng sự thay đổi thái độ đối với vấn đề nhập cư trên khắp lục địa này, cuối cùng thì các quy định mới về tị nạn và di trú của Liên minh Âu Châu (EU) đã được khai triển.
Tám năm để hình thành, Hiệp ước về Di trú và Tị nạn của EU đã được các nhà lập pháp công nhận hồi tháng Tư, nhưng các chi tiết cụ thể hơn vẫn chưa được cơ quan điều hành của khối này, Ủy ban Âu Châu, nghĩ ra.
Những chi tiết quan liêu đó, chủ yếu dưới dạng những yêu cầu đối với các quốc gia thành viên, đã được công bố hôm 12/06 trong kế hoạch thực hiện của ủy ban này.
Trong “Kế hoạch Thực hiện Chung cho Hiệp ước về Di trú và Tị nạn,” Ủy ban Âu Châu đã đặt ra các mốc và hướng dẫn quan trọng để tất cả 27 quốc gia thành viên EU thiết kế kế hoạch thực hiện quốc gia cho hiệp ước này vào cuối năm nay và bắt đầu áp dụng luật mới vào giữa năm 2026.
Ủy ban này cho biết các yêu cầu của hiệp ước chủ yếu tập trung vào sàng lọc, tiếp nhận, và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, là phụ thuộc lẫn nhau và cần được thực hiện song song.
Theo hướng dẫn của ủy ban này, các quốc gia thành viên bắt buộc phải ghi danh và sàng lọc tất cả những người nhập cư bất hợp pháp về danh tính, tình trạng dễ gặp rủi ro, sức khỏe, và bất kỳ rủi ro an ninh tiềm tàng nào. Theo tuyên bố của ủy ban, các thủ tục xin tị nạn và trục xuất những công dân không thuộc EU đã nhập cảnh trái phép vào Liên minh Âu Châu phải “nhanh chóng, hiệu quả và hợp lý.”
Ủy ban cho biết các nước EU nên áp dụng một “quy trình biên giới bắt buộc” đối với những người nhập cư bất hợp pháp gây ra rủi ro về an ninh hoặc không đủ tiêu chuẩn để được hưởng quy chế tị nạn hoặc biện pháp bảo vệ quốc tế khác.
Cơ quan điều hành của EU yêu cầu các quốc gia phải cung cấp cho người xin tị nạn mức sống phù hợp với nhu cầu của họ, trong đó có rút ngắn thời gian chờ cấp giấy phép lao động và chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người nộp đơn và gia đình họ.
Theo tuyên bố này, các quốc gia có thể yêu cầu những người xin tị nạn ở lại một khu vực được chỉ định như một điều kiện để nhận trợ cấp và chỉ có thể cung cấp những nhu cầu cơ bản cho những người nộp đơn đang quá cảnh đến một quốc gia đích khác.
Các quốc gia thành viên EU cũng cần bảo đảm rằng các quyền cơ bản của người xin tị nạn được bảo vệ chẳng hạn như “nhân phẩm và quyền tị nạn thực sự và có hiệu lực, kể cả đối với những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như trẻ em,” ủy ban này cho biết. Các quốc gia cũng cần tăng cường những nỗ lực liên quan đến “hội nhập và hòa nhập của người di cư.”
Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các thủ tục trục xuất hiệu quả để trả lại những người nhập cư bất hợp pháp bị từ chối tị nạn hoặc gây ra mối đe dọa an ninh cho các nước EU.
Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia EU cần nâng cấp Eurodac—hệ thống thông tin dấu vân tay hiện có của EU—để bổ sung hình ảnh khuôn mặt và thông tin thêm cho người nhập cư bất hợp pháp và người xin tị nạn. Việc tăng cường này là “một điều kiện tiên quyết quan trọng để thực hiện tất cả các yếu tố khác của hiệp ước,” Ủy ban Âu Châu cho biết.
Quy chế đồng thuận chia sẻ gánh nặng
Kế hoạch thực hiện này thực thi các điều khoản “đồng thuận” của Hiệp ước Di trú và Tị nạn.
Hiệp ước này thiết lập một “quy chế đồng thuận bắt buộc mới” sẽ yêu cầu tất cả các thành viên EU giúp đỡ các thành viên khác đang bị quá tải bởi tình trạng nhập cư bất hợp pháp hàng loạt. EU sẽ tạo ra một quỹ thường niên mà mỗi thành viên EU sẽ phải đóng góp bằng việc cho tái định cư những người nhập cư bất hợp pháp đến lãnh thổ của mình hoặc bằng tiền.
EU sẽ chỉ định cho mỗi quốc gia một hạn ngạch đóng góp hàng năm dựa trên dân số và tổng sản phẩm quốc nội của họ. Nước đó phải đóng góp hạn ngạch được giao, nhưng có quyền tự do quyết định hình thức đóng góp, có thể dưới hình thức tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ của mình hoặc trang trải chi phí cho các nước EU khác để tiếp nhận người nhập cư.
Ông Margaritis Schinas, phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu phụ trách thúc đẩy lối sống Âu Châu, nói trong một tuyên bố rằng kế hoạch thực hiện này là “một kế hoạch chi tiết” nhằm giúp các nước EU biến hiệp ước di trú “thành hiện thực.”
Tiến sĩ Marcin Kedzierski, một giáo sư phụ tá tại khoa quan hệ quốc tế của Đại học Kinh tế Krakow ở Ba Lan, nói rằng Hiệp ước về Di trú và Tị nạn là “một bước tiến nào đó” khi so sánh với đề xướng ban đầu của EU nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hồi năm 2015.
Năm 2015, khoảng 1.3 triệu người, hầu hết chạy trốn chiến tranh ở Syria và Iraq, đã tìm nơi nương náu ở châu Âu. Vào thời điểm đó, hệ thống tị nạn của EU sụp đổ, các trung tâm tiếp nhận ở Hy Lạp và Ý bị quá tải, và các quốc gia xa hơn về phía bắc đã dựng hàng rào để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp tiến vào.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 07/06, ông Kedzierski nói với The Epoch Times rằng vào thời điểm đó, EU đã nảy ra ý tưởng di dời người tị nạn và người nhập cư từ quốc gia thành viên này sang quốc gia thành viên khác để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ông Kedzierski giải thích rằng hiệp ước di trú mới này sử dụng một phương pháp khác. Chẳng hạn, nước Ý, phần lớn được bao quanh bởi Biển Địa Trung Hải, có thể không có đủ khả năng thực hiện các thủ tục tị nạn cho tất cả các công dân ngoài EU đến nước này.
Các tuyến đường chính mà người di cư từ châu Phi và một số quốc gia khác sử dụng để đến EU là qua Biển Địa Trung Hải.
Hồi tháng Ba, Cơ quan Biên giới và Tuần duyên của EU, Frontex, đã báo cáo rằng cơ quan này đã phát hiện khoảng 380,000 lượt vượt biên bất hợp pháp vào EU trong năm 2023, tăng 17% so với năm trước, theo một bản tóm tắt hàng năm của Frontex.
Ông Kedzierski cho biết hiệp ước mới quy định rằng một quốc gia như Ý có thể gửi một số người xin tị nạn đang đến biên giới của mình tới các quốc gia ở Bắc Âu như Ba Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, hoặc những quốc gia khác. Ông nói rằng những quốc gia đó có nhiệm vụ giải quyết những người nhập cư bất hợp pháp và hoặc là cấp cho họ quyền tị nạn hoặc là trục xuất họ.
“Nếu những quốc gia khác không có trung tâm tị nạn và không muốn thực hiện các thủ tục sàng lọc người nhập cư, thì họ phải trả tiền cho những quốc gia có thể thực hiện các thủ tục đó,” ông Kedzierski nêu rõ.
“Hiệp ước di trú nhấn mạnh rất nhiều vào khía cạnh kiểm tra và khía cạnh trục xuất.” Ông Kedzierski nói rằng hiệp ước này giải quyết tính không hiệu quả cao của hệ thống trục xuất khỏi Liên minh Châu Âu.
Chẳng hạn, Đức đã giải quyết và sàng lọc những người nhập cư chạy trốn cuộc chiến ở Syria hồi năm 2015, nhiều người trong số họ đã được cấp tị nạn. Tuy nhiên, ông Kedzierski cho biết nước này không thể trục xuất những người bị từ chối tị nạn, và nói thêm rằng điều này cho thấy một điểm yếu đáng kể trong hệ thống trục xuất của EU.
Kế hoạch viện trợ cho châu Phi
Đầu năm nay, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni công bố một kế hoạch nhằm hạn chế nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi bằng cách thúc đẩy mối quan hệ kinh tế của lục địa này với châu Âu. Được đặt tên là Kế hoạch Mattei theo tên cố sáng lập viên công ty dầu khí nhà nước Eni của Ý, ông Enrico Mattei, kế hoạch này nhằm mục đích thúc đẩy các ngành năng lượng và nông nghiệp của châu Phi.
Bà Meloni cho biết, củng cố nền kinh tế địa phương ở châu Phi là một cách khuyên can những thanh niên Phi Châu bất mãn di cư về phía Bắc. Chính phủ Ý đã cam kết cấp 5.5 tỷ EUR (5.95 tỷ USD) ban đầu cho các khoản vay, trợ cấp, và bảo lãnh cấp quốc gia, và đang tìm kiếm sự trợ giúp từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế như EU.
Ông Kedzierski nói rằng Liên minh Âu Châu đã tranh luận trong một thời gian dài về ý tưởng tạo ra một kế hoạch viện trợ lớn cho châu Phi. Năm 2017, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Antonio Tajani đã kêu gọi “Kế hoạch Marshall cho châu Phi” trị giá 40 tỷ EUR (43 tỷ USD).
Kế hoạch Marshall là một chương trình viện trợ của Hoa Kỳ nhằm tái thiết Tây Âu sau sự tàn phá của Đệ nhị Thế chiến.
Tuy nhiên, “cuối cùng, luôn có một câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả tiền cho việc đó, và không ai muốn làm vậy,” ông Kedzierski nói.
Ông Kedzierski nói rằng sau cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, tốc độ di cư chậm lại do EU trả tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Phi Châu để ngăn chặn nhập cư.
Năm 2016, một thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết nhằm ngăn chặn người nhập cư tràn vào châu Âu. Đổi lại, Liên minh Âu Châu đồng ý cung cấp viện trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ để trang trải chi phí tiếp đón người tị nạn.
Tuy nhiên, tình hình chính trị đã thay đổi, và họ không còn khả năng trả tiền cho các nước để ngăn chặn việc di cư, ông Kedzierski khẳng định.
“Không thể ngăn chặn được [sự di cư hàng loạt] này trên thực tế nếu điều kiện sống ở Bắc Phi về cơ bản không được cải thiện,” ông Kedzierski nói. “Ngay cả khi những chiếc thuyền chở người di cư chìm ở Địa Trung Hải, thì việc đó cũng sẽ không khiến nhiều người di cư ngừng đi thuyền [đến châu Âu].”
Hội nghị thượng đỉnh gần đây của Nhóm Bảy Nước (G7), tuần trước nhóm họp tại Ý, đã “hoan nghênh” Kế hoạch Mattei cho châu Phi, theo một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 đại diện cho Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times