Triết lý về luân hồi: Quay đầu nhìn lại vùng tuyết rơi
Hôm qua, tôi dạo chơi trong rừng thông gần nhà. Cơn gió lạnh thấu xương từ phương Bắc của tháng Chạp thổi đến, lớp tuyết dày cũng đã phủ kín trên mặt đất. Trời đất lúc này đã trở thành một mảng mênh mông, rừng thông cũng sớm tĩnh lặng như tờ. Thỉnh thoảng có thể nhìn thấy dấu vết của những con thỏ và con sóc hoang lưu lại trên lớp đất tuyết, còn có cả dấu chân của người qua đường in lại trên đó.
Vừa đi, tâm trí tôi vừa hồi tưởng lại những ký ức lượm nhặt cành thông, hái nấm, trồng khoai tại nơi này cách đây mười năm về trước. Ngắm nhìn những cây thông đang lớn dần theo thời gian và những mầm non chỉ vừa mới được ngắt hái, tự nhiên tôi nghĩ đến một từ: Luân hồi.
Cây cối như thế, con người cũng như vậy.
Một cá nhân kể từ thời khắc sinh mệnh được bắt đầu sinh ra, rồi tiến nhập vào thế giới hồng trần này, thì đã bắt đầu không ngừng tiếp nhận những nghiệp chướng của vòng sinh tử luân hồi. Trong vòng luân hồi, rất nhiều thời khắc mà ta trải nghiệm là khắc cốt ghi tâm, rất nhiều thời khắc trải nghiệm nên thơ, lãng mạn, cũng có một số trải nghiệm rất đỗi bình thường.
Nếu nói rằng những trải nghiệm từ kiếp này qua kiếp khác của một người như biển lớn, vừa sâu thẳm chẳng thể đo lường, vừa phong phú vô vàn, vậy thì chúng ta có thể kể lại những câu chuyện, giống như khi thủy triều trên biển rút đi nhưng vẫn lưu lại vô số vỏ sò trên bãi cát. Tuy là những câu chuyện nhỏ, nhưng lại lấp lánh trong biển lớn luân hồi.
Chúng ta cẩn thận nhặt những mảnh vỏ sò lên, rửa sạch để chúng lộ ra dáng vẻ vốn có ban đầu; dùng tay vuốt nhẹ, trong lòng tự nhiên dấy lên một loại cảm giác ấm áp, một loại cảm giác yêu thương không thể nói nên lời.
Tuy mỗi câu chuyện trong “bộ truyện của chúng ta” không dài, nhưng cũng đủ để độc giả từ trong đó thể ngộ được những triết lý, cảm thụ được sự lãng mạn, và có được những bài học khác nhau …
Thật đúng là:
Biển trần nhặt sò dẫn cơ duyên,
Danh lợi tình trung khổ triền miên.
Luân hồi hiểu rõ nhờ chân ý,
Tiêu sái nhân gian chân bước liền.