Hoàn dương sau khi qua đời, kể lại trải nghiệm làm lính canh ngục ở âm gian
Thời Nam Tống, ở thôn Tầm Khê, huyện Ô Trình, tỉnh Hồ Châu (nay là thị trấn cổ Nam Tầm, quận Ngô Hưng, thành phố Hồ Châu), có một người dân tên là Từ Tam. Vào một ngày tháng Bảy âm lịch năm Thiệu Hưng thứ 15 thời Cao Tông (năm 1145), Từ Tam đột ngột qua đời, qua bốn ngày sau thì ông sống lại. Về sau, Từ Tam kể lại cho mọi người nghe về những gì ông đã trải qua ở cõi âm.
Hóa ra, sau khi Từ Tam qua đời, hồn phách đã bị nha dịch cõi âm truy bắt đưa đến Âm Phủ. Lúc này Từ Tam nhìn thấy có một vị Chủ trì ngồi sau bàn, phía trước có các nha dịch lui tới, có vẻ công việc rất bận rộn.
Chỉ chốc lát, ông bị mang lên phía trước. Sau khi được thẩm vấn về những việc thiện ác trong cuộc đời của mình, có người đưa cho ông một cây chùy sắt, lệnh cho ông ở lại Âm gian làm lính canh ngục. Trách nhiệm của Từ Tam là cầm chùy sắt đứng ở dưới đại điện của Minh Phủ; hễ có kẻ ác bị đem đến đại điện để xét xử, khi họ tên của kẻ ác được đọc lên, thì ông cùng với những lính canh ngục khác sẽ cùng tiến lên phía trước, chuẩn bị hành hình. Sau khi phán quan đọc tội lỗi và việc ác khi còn sống của kẻ ác, sẽ ra lệnh cho những lính canh ngục này dùng chùy sắt nện kẻ đó.
Kẻ ác thường bị đánh rất thảm. Lính canh ngục cầm chùy sắt đánh xuống, kẻ ác liền đổ máu. Khi người đó bị đánh đến mức máu thịt be bét không còn hình người, quan Âm Phủ dùng nước phun một cái, người đó lại khôi phục lại nguyên hình dạng, sau đó lại tiếp tục chịu hình phạt. Hình phạt sẽ quay vòng như vậy, cho đến khi quan Âm Phủ kêu ngừng mới thôi. Từ Tam hồi tưởng lại, trong khoảng thời gian làm công việc lính ngục ở cõi âm này, ông đã trải qua nhiều lần thực thi hành hình như vậy.
Có một lần nhân lúc rảnh rỗi, Từ Tam bèn dạo chơi ở Âm Phủ. Không bao lâu, ông đến trước một gian phòng có đề chữ “Phán Quan Viện.” Từ Tam đi vào bên trong nhìn xem. Trong đó có các vật dụng như màn trướng, bàn và khay trà dùng để nghỉ ngơi, dường như là nơi để cho các Phán quan nghỉ ngơi.
Lúc này, Từ Tam nhìn kỹ căn phòng, người trong phòng chính là Vương Uẩn, người chủ cũ của ông trước đây khi còn ở nhân gian. Khi còn sống Vương Uẩn làm quan giám sát thuế, sau khi qua đời lại làm Phán quan ở nơi này.
Vương Uẩn nhận ra Từ Tam, va hỏi ông vì sao lại đi tới Âm Phủ. Từ Tam kể lại đầu đuôi sự việc, cũng nói mình nhớ nhân gian, hy vọng được trở về dương gian. Vương Uẩn đồng ý sẽ xem xét và xin ý kiến giúp ông. Sau đó, Vương Uẩn dẫn Từ Tam đi đến một phủ quan, dặn ông ngồi bên ngoài cửa chờ. Qua một lúc sau, Vương Uẩn đi ra nói với Từ Tam: “Ông vốn không nên tới đây, bây giờ ông có thể sống lại và trở về nhân gian rồi.” Tiếp đó, Vương Uẩn viết văn thư chấp thuận trở về dương gian giao cho Từ Tam, bảo ông cầm văn thư nhanh trở về dương gian.
Vương Uẩn còn nói với Từ Tam rằng: “Tôi ở đây làm Phán quan cũng không tệ lắm, chỉ là thiếu tiền âm với giấy, bút. Sau khi ông về dương gian hãy nói với người thân của tôi, nhanh chóng đốt cho tôi trăm vạn tiền Âm Phủ, hai trăm tờ giấy, hai mươi cây bút.” Vương Uẩn còn dặn dò Từ Tam, nói rằng người ở dương gian thường không cẩn thận khi đốt tiền Âm Phủ, đốt qua đến nơi thì có rất nhiều tiền là bị rách nát, rơi rớt tán loạn, dùng ở cõi âm rất khó khăn. Tốt nhất là dùng khăn gói lại rồi đốt, tuyệt đối đừng quên điều này. Nói xong, Vương Uẩn còn lấy lược chải đầu của mình cài lên trên cánh tay trái của Từ Tam, rồi nói: “Cây lược này là vật tùy táng của tôi, đưa cho ông làm vật chứng để người thân của tôi tin ông.”
Từ Tam rơi nước mắt cảm tạ Vương Uẩn, sau đó cầm văn thư vui mừng bước lên con đường trở về dương gian. Trên đường nhiều lần gặp quỷ sai ngăn cản, Từ Tam lấy văn thư ra, quỷ sai vừa nhìn thấy thì cho ông đi qua. Sau đó Từ Tam leo lên một ngọn núi và té xuống, hồn phách liền quay về với nhục thân, rồi hoàn dương sống lại. Người nhà vừa thấy Từ Tam sống lại thì vô cùng khiếp sợ.
Từ Tam vừa mới sống lại, thân thể còn có chút yếu ớt. Ông dự định nghỉ ngơi một vài ngày, lúc rảnh rỗi sẽ đến nhà Vương Uẩn chuyển lời. Kết quả còn chưa kịp đến nhà của Vương Uẩn, thì Từ Tam lại tạ thế. Qua ngày hôm sau, người nhà của Vương Uẩn đến trách móc rằng: “Tối hôm qua, người trong nhà chúng tôi đã nằm mộng thấy Vương Uẩn. Trong mộng, Vương Uẩn trách Từ Tam đã trở về dương gian rồi cũng không đến nhà chúng tôi nói một tiếng, chuyển lời của ông ấy, khiến Vương Uẩn đành phải báo mộng cho người thân.”
Lần này Từ Tam qua đời, sau ba ngày thì đã sống lại. Sau khi tỉnh dậy, Từ Tam nói: “Tôi bị vị Thần nọ ở nơi đó giữ lại, bảo tôi tham gia trò chơi đua thuyền.” Lúc này mọi người nhìn thấy trên cánh tay trái của Từ Tam quả thực có buộc cái lược chải đầu, hình dáng nút thắt vẫn còn y nguyên.
Bảy năm sau, Từ Tam đến Ngụy Đường, Tú Châu (nay là thị trấn Ngụy Đường, huyện Gia Thiện, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang) làm ruộng thuê cho nhà họ Phương để kiếm sống. Lại qua tiếp bảy năm sau, vì Từ Tam nợ tiền thuế lương thực lâu ngày không thể trả được, nên ông chuẩn bị chạy về quê cũ trốn nợ. Không ngờ rằng, khi thuyền đi qua Thái Hồ thì xảy ra tai nạn, cả nhà Từ Tam đều chết đuối.
Những việc Từ Tam trải qua là do Hồng Cảnh Bùi, em trai của của Hồng Mại, tác giả cuốn “Di Kiên Chí” kể lại. Hồng Cảnh Bùi là con rể của nhà họ Phương.