Câu chuyện Thần Tiên: Đông Phương Sóc là Thái Bạch tinh hạ phàm, có công năng thăng thiên nhập địa
Đông Phương Sóc có rất nhiều công năng đặc dị. Lời nói và hành động của ông rất hài hước, thú vị, lưu lại thế gian rất nhiều thần tích và truyền thuyết.
Trong bài thơ “Ngọc hồ ngâm” của Lý Bạch có viết: “Thế nhân bất thức Đông Phương Sóc, Đại ẩn Kim Môn (1) thị trích tiên” (Người thế gian không biết rằng Đông Phương Sóc là tiên bị giáng xuống trần ẩn trong Kim Môn). Các quan lại trong triều đình nhà Hán coi Đông Phương Sóc là “kẻ cuồng”. Đông Phương Sóc tự nhận mình là ẩn sỹ tránh đời trong triều đình. Ông nói “sở vị tị thế ư triều đình gian giả” (người vì tránh đời mà ở trong triều đình). Câu này đủ tỏ rõ công năng thần tích của ông, không giống với những hành vi “hài hước” cuồng điên của kẻ phàm tục.
Đông Phương Sóc sinh vào thời Hán Cảnh Đế. Mẫu thân ông là Điền Thị qua đời ba ngày sau khi ông được sinh ra. Người phụ nữ hàng xóm đã nhận nuôi ông, vừa đúng lúc bình minh ló dạng từ phương đông, nên đặt tên cho ông là Đông Phương Sóc. “Thái bình quảng ký” ghi lại rằng Đông Phương Sóc hai trăm tuổi, nhưng diện mạo rất trẻ, khuôn mặt như thiếu niên.
Công năng lúc thiếu thời
Ngay từ nhỏ, Đông Phương Sóc đã hiển lộ những “công năng đặc dị” khác người.
Khi Đông Phương Sóc được ba tuổi, ông có thể thuộc lòng bất kỳ kinh thư bí văn nào dù mới chỉ xem qua một lần. Ông thường chỉ lên bầu trời, nói chuyện một mình.
Một ngày nọ, Đông Phương Sóc đột nhiên biến mất. Sau một tháng, ông lại xuất hiện, ông bị dưỡng mẫu đánh một trận. Sau đó, Đông Phương Sóc lại rời nhà, lần này qua một năm, ông mới trở về. Dưỡng mẫu rất kinh ngạc khi thấy ông biến mất rồi lại trở về. Bà nói: “Con xa nhà một năm rồi mới trở về, làm sao khiến ta không lo lắng đây?” Đông Phương Sóc nói: “Con chỉ là đi Tử Nê Hải (biển bùn tím) một chuyến, nước bùn trong biển làm dơ y phục của con, con mới đến Ngu Tuyền (còn gọi là Ngu Uyên, tức nơi mặt trời lặn) giặt áo, sáng đi trưa đã về rồi, sao lại nói con đã đi một năm?”
Dưỡng mẫu lại hỏi ông: “Con đã đi qua những nơi nào?” Đông Phương Sóc đáp lời: “Con giặt y phục xong, đang ngồi ở Sùng Đài của Minh gian (Âm phủ) nghỉ ngơi, ngủ một giấc ngắn. Vương Công đưa con đi ăn Hồng Lật, Hà Tương. Con ăn rất nhiều, no quá đỗi. Ông ấy lại đưa con đi uống nửa chén Thượng thiên hoàng lộ. Sau khi con thức dậy, thấy một con hổ đen đang nghỉ bên đường, con bèn cưỡi nó trở về. Vì con gấp rút lên đường nên dùng sức đánh vào con hổ, con hổ bị đau nên cắn vào chân của con.”
Dưỡng mẫu nghe vậy cảm thấy đau lòng, nên đã xé một mảnh vải từ chiếc váy thường mặc để băng bó vết thương ở chân cho Đông Phương Sóc. Sau đó, Đông Phương Sóc lại rời nhà đi đến nơi xa vạn dặm. Khi nhìn thấy một cái cây khô héo, ông treo miếng vải mà dưỡng mẫu quấn quanh chân mình lên cây, kết quả miếng vải lập tức hóa thành một con rồng. Người đời sau gọi nơi này là “Bố Long trạch” (Đầm Rồng Vải).
Tinh linh của sao Thái Bạch
Những năm Nguyên Phong thời Hán Vũ Đế, Đông Phương Sóc ngao du đến Thái Hồ, là nơi trước khi phân chia vũ trụ thiên địa, tình cờ gặp được sinh mẫu (mẹ ruột) của ông là Điền Thị đang hái lá dâu bên bờ Bạch Hải.
Lúc này, một Hoàng my lão ông (lão ông có lông mày màu vàng) đột nhiên xuất hiện trước mặt Đông Phương Sóc. Ông ấy chỉ vào Điền Thị và nói: “Bà ấy là thê tử trước đây của ta, nay đã trở thành Thần sao Thái Bạch. Bây giờ, con cũng là tinh linh của sao Thái Bạch.”
Lão ông lại nói: “Ta không ăn thức ăn mà nuốt khí tu luyện đã hơn chín mươi năm rồi. Đồng tử (con ngươi) trong hai mắt của ta có thể phát ra ánh sáng lam, ta có thể nhìn thấy những điều thâm thúy tinh vi ẩn tàng của sự vật. Xương và tủy của ta ba ngàn năm hoán đổi một lần, lột da thay tóc hai ngàn năm một lần. Ta sống tới nay đã ba lần hóa cốt, năm lần thay da.”
Vào cung nhà Hán
Khi Hán Vũ Đế mới lên ngôi, ông đã chiêu mộ rộng rãi những nhân sỹ hiền lương ngay chính và có tài năng trong khắp thiên hạ, phá lệ chọn dùng. Đông Phương Sóc lúc đó hai mươi hai tuổi, giống như Mao Toại (2) tự tiến cử bản thân. Ông viết thư cho Hán Vũ Đế, tự giới thiệu: Mười ba tuổi, [thảo dân] đã bắt đầu học tập. Trong ba năm đã học xong văn sử. Mười lăm tuổi bắt đầu học kiếm thuật. Mười sáu tuổi [thảo dân] học tập ‘Kinh Thi’, ‘Kinh Thư’, đọc thuộc lòng hai mươi hai vạn chữ nội dung trong đó. Mười chín tuổi, [thảo dân] học tập binh pháp của Tôn Tử và Ngô Khởi, học thuộc hai mươi hai vạn chữ bao gồm cả bày binh bố trận và chỉ huy chiêng trống.
Đông Phương Sóc khen mình trong thư tự giới thiệu: Mắt sáng như bảo thạch, răng chỉnh tề như vỏ sò, dũng mãnh như Mạnh Bôn (3), nhanh nhẹn như Khánh Kỵ (4), liêm khiết như Bào Thúc (5), thành thật như Vĩ Sinh (6). Tư chất như vậy đủ để trở thành đại thần của Thiên tử.
Ông được vị vua yêu tài Hán Vũ Đế phong cho chức quan Lang, sau này chuyển sang các chức quan như Thường Thị lang, Thái trung Đại phu. Các đại thần khác trong cung nhà Hán coi Đông Phương Sóc là một “kẻ cuồng”, còn ông tự nhận mình là ẩn sỹ, vì tránh đời mà ở trong triều đình, “sở vị tị thế ư triều đình gian giả” (người vì tránh đời mà ở trong triều đình).
“Sử ký-Hoạt kê liệt truyện” ghi lại rằng, trong rừng sồi phía sau cung điện Kiến Chương xuất hiện một dị thú, trông giống một con nai sừng tấm nhưng lại không phải nai sừng tấm. Hán Vũ Đế nhận được báo cáo, đích thân đến xem. Ông hỏi các quan đại thần vốn tinh thông vạn vật, thông hiểu kinh sách tên của con thú lạ, nhưng không ai biết. Vì thế Hán Vũ Đế triệu kiến Đông Phương Sóc đến xem.
Đông Phương Sóc nhìn một cái rồi nói: “Thần biết thứ này, thỉnh bệ hạ ban rượu ngon và yến tiệc thịnh soạn, thần mới nói”. Vũ Đế đáp ứng ông. Đông Phương Sóc lại nói: “Chỗ kia có 100 mẫu ruộng công, ao cá và đất lác cói lau sậy, nếu Hoàng thượng có thể ban cho thần, thần mới nói đáp án”. Hán Vũ Đế đều đáp ứng ông.
Khi đó Đông Phương Sóc mới nói: “Con vật này tên là Sô Nha (驺牙). Sô Nha xuất hiện dự báo rằng tương lai sẽ có dị tộc quy thuận triều đình ta. Sô Nha đến trước. Răng của nó trước và sau chỉnh tề đồng đều, một dạng như nhau, nên gọi nó là Sô Nha.” Quả nhiên, một năm sau, Hỗn Tà Vương của Hung Nô dẫn mười vạn người tới quy hàng nhà Hán.
Hán Vũ Đế khi về già yêu thích thuật tu Tiên, rất thân cận Đông Phương Sóc.
Thiên Hán năm thứ hai, Hán Vũ Đế rất mong muốn đắc Đạo thành Tiên nên đã triệu tập các phương sỹ (tức những người cầu Tiên học Đạo) hiểu đạo thuật từ các nơi đến Thương Long Quán, yêu cầu họ thuật lại những điều kỳ lạ và các việc khác thường của những vùng đất xa xôi.
Vì vậy, Đông Phương Sóc dâng lên một bản tấu chương nói: “Thần từng du ngoạn Bắc Cực, đến Kính Hỏa Sơn. Đó là nơi mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến, rồng ngậm lửa chiếu sáng bốn phía của ngọn núi. Nơi đó cũng có vườn rừng, ao hồ, vườn hoa, trồng các chủng loại kỳ hoa dị mộc. Trong vườn có một loại cỏ là Minh Hành thảo, phát sáng như đèn vàng kim. Cắt loại cỏ đó làm cây nến để đốt thì có thể soi rõ được quỷ hồn. Có một vị Tiên tên là Ninh Phong từng đốt một nhánh Minh Hành thảo vào ban đêm, có thể chiếu hiện ngũ tạng trong bụng nên nó còn gọi là “Động Phúc thảo”. Nếu bệ hạ cắt loại cỏ này, băm nhỏ làm thuốc nhuộm, rồi sơn lên tường của Minh Vân Đạo quán, thì ban đêm ngồi trong Đạo quán không cần thắp nến. Vì thế, loại cỏ này còn được gọi là “Chiếu Mị thảo”. Nếu hái loại cỏ này đặt dưới chân thì có thể xuống nước mà không bị chìm.
Đông Phương Sóc từng đi đến Bắc cực, cũng từng đi đến Đông Cực. Ông nói với Vũ Đế: “Thần đã đến Đông Cực, nơi đây có Cát Vân Trạch.”
Có một lần Hán Vũ Đế hỏi Đông Phương Sóc: “Sao lại gọi là Cát Vân (mây lành)?” Đông Phương Sóc nói: “Ở Cát Vân quốc thường lấy màu của mây để dự đoán cát hung. Nếu có việc tốt lành sắp xảy đến, thì mây lành ngũ sắc sẽ khởi lên đầy nhà, ánh sáng rực rỡ nhiều màu chiếu lên người ta. Nếu Cát Vân ngũ sắc này rơi trên hoa cỏ cây cối thì sẽ biến thành sương ngũ sắc, mùi vị rất ngọt ngào.”
Hán Vũ Đế hỏi: “Khanh có thể lấy một ít Cát Vân và sương ngũ sắc này về không?”
Đông Phương Sóc nói: “Thần đi cắt Cát Vân thảo cho ngựa ăn, cưỡi ngựa mà đi thì có thể lấy về được, một ngày có thể đi về hai ba lần.”
Đông Phương Sóc khi ở Cát Vân của Đông Cực, có được một con ngựa thần thân cao 9 xích (3 mét). Thần mã này phi rất nhanh, Đông Phương Sóc cưỡi nó vòng quanh mặt trời ba vòng mà chưa hết một ngày, nên gọi nó là “Bộ Cảnh Câu”. Nhưng nếu một người bình thường cưỡi con Bộ Cảnh Câu này, nó sẽ biến thành một con ngựa chậm chạp yếu đuối.
Bộ Cảnh Câu ăn Cát Vân Thảo do Đông Phương Sóc cắt về lập tức không còn đói nữa. Vì thế, Đông Phương Sóc cưỡi thần mã hướng về phía đông, lúc mặt trời lặn mới trở về. Ông mang về nước sương chứa trong chén bằng ngọc lưu ly màu xanh lam, trong mỗi chén lấy một nửa dâng lên cho Hán Vũ Đế. Vũ Đế lấy sương ngũ sắc ban cho chúng đại thần. Những đại thần uống sương ngũ sắc thì lão nhân biến thành thiếu niên, có bệnh thì đều hết bệnh.
Lúc sinh thời, Đông Phương Sóc từng nói: “Người trong thiên hạ không có ai có thể biết ta. Người duy nhất biết ta chỉ có Thái Vương Công”. Sau khi Đông Phương Sóc qua đời, Hán Vũ Đế nghe được câu này, liền triệu kiến Thái Vương Công tra hỏi: “Ông biết Đông Phương Sóc không?”
Thái Vương Công đáp: “Không biết.”
Hán Vũ Đế lại hỏi: “Ông am hiểu những điều gì?”
Thái Vương Công đáp: “Thần am hiểu lịch pháp tinh tượng.”
Hán Vũ Đế hỏi ông: “Tinh tú trên trời đều đang ở đó phải không?”
Thái Vương Công đáp: “Thưa, các tinh tú đều có cả, duy chỉ có Tuế tinh (tức sao Thái Bạch) là không thấy 18 năm nay, nhưng mấy hôm nay đã thấy lại rồi.”
Hán Vũ Đế ngửa mặt than thở rằng: “Đông Phương Sóc bên cạnh trẫm 18 năm, trẫm lại không biết ông ấy là Tuế tinh!”
Chú thích:
(1) Kim Môn là chỉ ‘Kim Mã Môn”, cửa cung Vị Ương thời nhà Hán. Vì cạnh cửa có dựng con ngựa đồng nên gọi là “Kim Mã Môn”. Hán Vũ Đế từng ra lệnh các học sỹ đến đây chờ chiếu chỉ.
Câu này xuất từ “Sử ký: Hoạt kê liệt truyện”. Đông Phương Sóc từng uống rượu say trong bữa tiệc, nằm trên mặt đất hát: “Chìm trong thế tục, lánh thế cửa Kim Mã, trong cung điện có thể trốn đời, bảo toàn thân mình, cần gì phải vào nơi núi sâu, ngồi dưới lều cỏ.”
(2) Mao Toại: Mao Toại tự tin vào khả năng đảm đương trách nhiệm quan trọng mà mạnh dạn tự tiến cử. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Sử ký – Bình Nguyên Quân liệt truyện”: Năm 251, thủ đô Hàm Đan nước Triệu bị quân Tần bao vây, Bình Nguyên Quân nước Triệu phải đi cầu cứu nước Sở. Môn khách Mao Toại của ông tự kiến nghị được đi cùng. Ở đó, may nhờ tài năng của Mao Toại mà Bình Nguyên Quân mới thu được thành công như ý muốn.
(3) Mạnh Bôn là dũng sỹ có sức mạnh vô song sống ở nước Vệ thời Chiến Quốc. Tương truyền ông có sức mạnh cực đại, xứng hàng cùng Hạ Dục, Ô Hoạch.
(4) Khánh Kỵ là công tử nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc. Khánh Kỵ khi chạy thì nhanh như mãnh thú, khi đánh nhau thì vạn người không địch lại được. “Tả Truyện” ghi chép rằng Khánh Kỵ cùng dòng tộc với Phù Sai, từng nhiều lần khuyên bảo Ngô vương Phù Sai: “Nếu không thay đổi chính lệnh (tức mệnh lệnh của nhà cầm quyền), nhất định mất nước.”
(5) Bào Thúc hay Thúc Nha chính là Bào Thúc Nha, Bào Tử, là Đại phu nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông là một hiền sỹ liêm khiết.
(6) Vĩ Sinh, là một nhân vật trong “Trang tử-Đạo Chích”. Vĩ Sinh đợi gặp một người con gái ở dưới cầu. Cô gái không đến, nước sông dâng cao, Vĩ Sinh không chịu thất tín rời đi, vì vậy bị chết chìm.