Cuối cùng, tôi đã hiểu tấm lòng của người mẹ!
Đó là ngày cuối tuần, một buổi hoàng hôn mùa xuân có màu sắc và mùi vị tựa như nước cam mới vắt vậy! Tôi đã hứa sẽ đi dạo chợ đêm với bạn, nhưng mẹ tôi lúc tan sở lại gọi điện, giọng nói giống như một cô bé đang hân hoan vui mừng: “Ngày mai mẹ đi du xuân với bạn. Trên đường đi làm về con mua giúp mẹ một túi bánh mì, để mẹ mang theo ăn trưa nhé!”
“Đi du xuân ạ?”. Tôi sửng sốt: “A, mẹ cũng muốn đi chơi xuân sao?”. Không cần suy nghĩ, tôi một mực từ chối: “Mẹ, con có hẹn đi chơi với các bạn rồi, con không có thời gian…”
Sau một hồi lâu kỳ kèo, mẹ tôi năn nỉ: “Chỉ mua một túi bánh mì, rất nhanh thôi, sẽ không bị trễ đâu con!”.
Cuối cùng khi mẹ có chút tức giận, tôi mới miễn cưỡng đồng ý. Nghĩ rằng phải “tốc chiến tốc thắng” mới được, thế là lúc vừa tan sở tôi bèn chạy vội đến tiệm bánh mì. Nhưng khi tôi nhìn thấy cửa hàng bánh đó từ xa, tâm tôi chùng xuống – cửa tiệm thực sự rất đông người, cả đoàn người đang xếp hàng nối đuôi nhau đến tận bên ngoài cửa. Bởi vậy, tôi không thể không than thở với bản thân mình.
***
Dòng người di chuyển chậm chạp, tôi liên tục kiểm tra đồng hồ, thỉnh thoảng còn kiễng chân để nhìn về phía trước, tôi phải đứng đó gần 20 phút mới gần vào được phía trong. Lúc này tôi dường như đã đầu nặng chân nhẹ, bụng đói đến hoa cả mắt, nghĩ đến các bạn chắc hẳn đang đợi mình, càng cảm thấy sốt ruột dậm chân.
Lúc này, duy chỉ có làn gió ấm áp và nhẹ nhàng của mùa xuân bao quanh khiến là tôi dễ chịu. Còn lại, mùi thơm của bánh mì nướng mới xuất lò càng khiến tôi phát hỏa. Tôi thực sự không biết mẹ tôi nghĩ gì, ngày nghỉ không ở nhà nghỉ ngơi, lại còn muốn đi du xuân, mẹ không cảm thấy mệt sao? Hơn nữa còn đi chơi với bạn, một nhóm các cụ các bà già, có gì thú vị chứ? Đi chơi xuân, về cơ bản là chuyện của trẻ con, mẹ bao nhiêu tuổi rồi, còn đi chơi xuân nữa chứ?
Tôi đang miên man suy nghĩ ấm ức, thì những người phía trước nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt về thứ tự xếp hàng. Có người nhiệt tình đứng lên, đếm số lượng và chủng loại mua của từng người rồi sắp xếp thứ tự cho mọi người. Dù gì thì tôi cũng là người cuối cùng của lò nướng thứ 3, cũng sắp đến rồi, vì vậy ít nhiều có chút hy vọng. Tôi thở phào, đổi chân đứng chờ đợi tiếp.
* * *
Đúng lúc này, phía sau có người khẽ gọi: “Cô gái à”. Tôi quay đầu lại, nhìn thấy một người phụ nữ trung niên mà tôi không quen biết, tôi khó chịu hỏi: “Có chuyện gì vậy cô?”
Người phụ nữ cười khiêm tốn: “Cô gái, chúng ta thương lượng chút đi? Cháu xem, cô chỉ đứng sau cháu, nhưng phải đợi sang một lò bánh khác. Mà cô đang muốn mua bánh cho con trai, ngày mai nó đi du xuân. Cô đợi chút nữa còn phải về nhà nấu cơm, tối còn phải đưa nó đến trường luyện thi. Nếu cháu không vội, cô nghĩ, ừm…”. Vẻ mặt cô ấy tỏ vẻ khó nói: “Cháu mua bánh cho ai?”
Tôi trả lời cô ấy một cách tự nhiên: “Cháu mua cho mẹ, ngày mai mẹ cháu cũng đi du xuân”.
Tôi thực sự không hiểu vì sao khi tôi vừa trả lời xong, cả cửa tiệm bỗng dưng im lặng lạ lùng, đồng thời mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi.
Có người lớn tiếng hỏi tôi: “Bạn nói bạn mua cho ai vậy?”. Tôi chưa kịp trả lời thì chị bán hàng đã cười nói: “Chà, hôm nay chị bán được hơn mấy trăm túi, nhưng em là người đầu tiên mua cho mẹ đấy”.
Tôi giật mình, nhìn xung quanh thì nhận ra rằng, hầu hết tất cả những người xếp hàng đều là phụ nữ, từ tóc bạc trắng đến phụ nữ trẻ. Những chiếc túi lớn nhỏ mà họ mang theo đều minh chứng rằng họ là những bà nội trợ, những bà mẹ.
“Còn bạn thì sao?”
“Đương nhiên là mua cho tiểu hoàng đế nhà chúng tôi rồi”. Không biết là ai trả lời, mọi người cười rộ lên.
Người phụ nữ sau lưng tôi liên tục nói: “Thật xin lỗi, cô thật không ngờ tới, không ngờ tới. Tiệm này đông người như thế, mà cháu cũng chịu khó chờ, thật không dễ dàng. Lúc đầu cô cũng không muốn đi, nhưng đứa con trai cứ nhất định muốn mua bánh mì. Một năm chỉ có một lần này, nên cô sẵn sàng để nó được đi chơi ăn uống vui vẻ. Chúng ta khi còn bé đi chơi xuân, chẳng phải cũng chỉ mang cái này đi ăn thôi sao?”
Khuôn mặt cô bỗng ánh lên niềm hạnh phúc nhẹ nhàng, tôi bèn hỏi: “Đến giờ cô có còn nhớ những lần du xuân hồi bé không?”
Cô ấy cười nói: “Sao không nhớ chứ? Bây giờ cũng muốn đi, hàng năm đều nghĩ, dù chỉ ngồi trên bãi cỏ và phơi mình trong nắng thôi cũng tốt rồi, dù sao cũng là thưởng thức mùa xuân. Thế nhưng không có thời gian”. Cô khẽ thở dài: “Có lẽ, cô cũng chỉ mong đợi đến khi con cái lớn như cháu, thì may ra mới có cơ hội đi”.
Hóa ra là vậy, chuyến đi chơi xuân không phải là tâm huyết dâng trào nhất thời của mẹ tôi, mà là mong ước đã chôn chặt trong lòng mấy chục năm. Tôi là con gái của mẹ, tại sao tôi vẫn không hề biết!
Chiếc túi ni lông trên tay cô chứa đầy đồ uống, bánh bông lan, thạch và những thứ khác mà trẻ em yêu thích. Nó nặng trĩu, khiến người cô hơi nghiêng sang một bên. Nhưng cô vẫn không chịu đặt xuống để nghỉ ngơi, cô giải thích với tôi: “Không thể đặt nó xuống được, sợ chúng bẹp mất!”. Cứ như vậy, cô ấy đang gánh vác trách nhiệm mà theo cô không thể để nó méo mó mất, và cứ thế một mực kiên trì xếp hàng chờ đợi.
Nụ cười của cô, trong sự bình thản cũng có kèm theo một tiếng thở dài: “Ai bảo ta là mẹ? Chịu khó chút đi! Đến lúc đứa trẻ hiểu được và mua đồ cho ta thì sẽ tốt thôi!”. Ánh mắt cô ấy nhìn tôi thật sâu, và giọng nói đầy sự khẳng định: “Dù sao thì ngày đó cũng không còn xa nữa”.
Chỉ vì sự có mặt của tôi mà mang đến cho cô ấy niềm tin mạnh mẽ như vậy sao? Tôi tức khắc nhớ lại, lúc nãy tôi đã ba lần bảy lượt từ chối mẹ như thế nào, trong lòng cảm thấy đau nhói.
***
Đúng lúc này, một thúng bánh mì mới ra lò nóng hổi được bưng ra, thật thơm phức. Người phụ nữ phía trước tôi bỗng quay lại nói: “Chúng ta đổi vị trí đi, em mua trước đi”.
Ta sửng sốt một chút, nhanh chóng khiêm tốn nói: “Không cần đâu ạ, chị đã đợi lâu như vậy rồi”.
Cô ấy chạy ra phía sau lưng tôi, khuôn mặt cô hơi già dặn hằn rõ dấu tích của thời gian, nhưng giọng nói ấm áp và dứt khoát mà chỉ một người mẹ mới có được: “Nhưng mẹ của em đã đợi hơn 20 năm rồi”.
Thế là sau đó, một bác gái phía trước cũng mỉm cười tránh ra, một chị gái đứng phía trên đó quay lại nhìn bà rồi cũng lặng lẽ lùi lại. Tôi thấy họ cứ như vậy, an tĩnh, thong dong, từng người một tản ra thành một vòng trước mặt tôi, rẽ đường để tôi bước vào cửa hàng.
Tôi đứng đó, sững sờ, bồi hồi không dám tiến về phía trước.
“Mau lên!”. Có người thúc giục tôi: “Mẹ của em đang ở nhà đợi em đó!”
Tôi thẫn thờ nhìn từng người trong số họ, và họ mỉm cười đáp lại tôi. Ánh mắt của họ in hằn sức nặng của thời gian, nhưng cũng ánh lên niềm tin vào tương lai, và hơn thế nữa, đó là sự dịu dàng vô hạn.
Trong khoảnh khắc, tôi rõ ràng biết rằng vào lúc này, điều mà họ nhìn thấy không phải là tôi, mà là hình ảnh những đứa con sẽ khôn lớn của họ. Có lẽ rằng tất cả các bà mẹ trên thế gian này, vốn không quen nhắc đến sự vất vả khó nhọc của mình, cũng chẳng đòi hỏi yêu cầu gì… Mà ước mơ nhỏ nhoi duy nhất của họ, đó là mong một ngày nào đó, con mình trên đường tan sở sẽ mang về cho mình một túi bánh mì!
Lúc này đây, con đường bước vào quầy hàng bỗng dưng trở nên dài vô tận… Tôi thận trọng bước đi trong cảm xúc của mỗi từng người mẹ, giống như vừa trải qua một quãng đời rất dài vậy. Từ một cô bé vô lo vô nghĩ không thấu hiểu chuyện nhân sinh, cuối cùng tôi cũng đã hiểu tấm lòng của người mẹ.
Tác giả: Diệp Khuynh Thành
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ