Sự giáo dưỡng của người mẹ là không thể nào thay thế
Rất nhiều người mẹ thường phải đối mặt với một vấn đề khó khăn trong cuộc sống: Đi làm để hoàn thành lý tưởng của mình, hay là ở nhà chăm sóc con? Điều này liên quan đến tình trạng kinh tế gia đình và các giá trị cá nhân, cũng là một quyết định rất khó khăn. Cá nhân tôi sau khi quay trở lại làm việc đã đưa ra quyết định của riêng mình.
Sau khi trở về Đài Loan (từ Hoa Kỳ), tôi trở lại nơi làm việc vì lý tưởng của mình, cố gắng thử cho các con đi học. Tuy nhiên, sau một thời gian làm như thế, tôi vẫn cảm thấy rằng khi trẻ còn nhỏ, nếu có thể và có cơ hội, người mẹ vẫn là nên cố gắng dành thời gian cho con.
Khi đó, Tiểu Hùng (con trai lớn của tôi) 8 tuổi và đang học lớp 2, một ngày của cậu bé diễn ra như sau: Lớp học kéo dài đến 12h40, ăn trưa tại trường rồi đi bộ sang lớp ‘An Thân’ ở đối diện. Lớp ‘An Thân’ nằm trong trường mẫu giáo của em trai cậu bé, công viên rất rộng, xung quanh có những bãi cỏ lớn để các cháu vận động. Các cô giáo ở lớp An Thân cũng rất tốt bụng. Các con được ngủ trưa, sau khi dậy thì làm bài tập, sau đó các con tự đọc sách, chơi cờ, chơi game, trước khi thi thì làm bài kiểm tra viết chữ quốc ngữ và toán học.
(“An Thân” là tên lớp học ở Đài Loan, chuyên giáo dục và chăm sóc trẻ sau giờ học).
Tuy nhiên, Tiểu Hùng từ khi còn nhỏ đã không thích ngủ trưa, cháu nói với tôi rằng lớp An Thân quy định mỗi trẻ đều phải ngủ hơn một giờ, vì vậy cháu phải nhìn chằm chằm lên trần nhà để vượt qua khoảng thời gian này. Nếu tôi có thể bầu bạn cùng con, hơn một giờ này chúng tôi có thể cùng nhau đạp xe, cùng nhau học bài, cùng nhau cầm vợt bắt bướm, cùng nhau đi chợ tìm hiểu về các loài cá, ngay cả khi hai mẹ con nhìn lên bầu trời và trò chuyện với nhau thì cũng tốt hơn so với việc nhìn chằm chằm lên trần nhà.
Lớp An Thân này 5h30 mới kết thúc, tôi đi làm đến 7-8h mới về, nên hai anh em phải đi học lớp An Thân thứ hai. Lớp An Thân thứ hai thực ra là tại nhà của L, bạn cùng lớp của em trai Tiểu Hùng. Mẹ của L đã cho các con tôi ăn tối tại nhà của cô, sau đó tôi và ông xã sẽ đón các con về nhà. Tôi cũng đặc biệt dặn mẹ của L, nếu thời tiết cho phép thì hãy cho các cháu ra sân chơi ở khu cộng đồng thay vì cứ ở suốt trong nhà. Một lớp An Thân là đã đủ, con trẻ cần được chạy nhảy tự do.
Gia đình L rất tốt bụng, họ sẽ để các con tôi chơi bên ngoài đến tối mịt mới về, họ còn nấu bữa tối thịnh soạn cho lũ trẻ. Chúng tôi không có người thân nào bên cạnh để giúp đỡ, chuyện này dường như là sự sắp xếp hoàn hảo nhất cho một gia đình có hai nguồn thu nhập. Tuy nhiên, thế vẫn là chưa đủ.
Khi con trẻ cần bạn, hãy để trẻ nhớ cái ôm của bạn
Sự bầu bạn của người mẹ có ý nghĩa đặc biệt đối với con trẻ. Tưởng Huân đã đề cập trong bài phỏng vấn “Mẹ, giáo viên mỹ học đầu tiên của tôi” rằng: “Cha mẹ trong thời đại của chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cho việc sinh hoạt. Ví dụ như chiếc chăn bông tôi đắp bây giờ trông rất xa xỉ, bởi vì nó là do mẹ tôi thêu, hơn nữa mẹ tôi sẽ khâu lại và giặt nó một lần mỗi tuần… Trong vài năm đến Nhật Bản này, tôi phát hiện Nhật Bản tới giờ vẫn có người dùng cách này để giặt chăn, may chăn. Đây mới gọi là phẩm chất cuộc sống, mới gọi là giàu có… Đột nhiên tôi cảm thấy quá trình tôi lớn lên là giai đoạn giàu có nhất, tất cả những sợi mì sợi thủ công, đồ thủ công đó… đều không mua được.”
“Cái gọi là cảm thụ vẻ đẹp cũng xuất phát từ tình cảm của bạn đối với một người, một địa điểm và một sự vật… Lớp mỹ học đầu tiên của tôi thực ra là do mẹ dạy, và không ai có thể thay thế được. Bởi vì không ai có thể thay thế được tình yêu của mẹ, nên không ai có thể thay thế được công việc giáo dưỡng của người mẹ.”
Tưởng Huân đưa ra một ví dụ đáng buồn: Anh ấy đã từng đến dạy tại công ty Trúc Khoa trong hai năm, nhân viên của công ty này đều tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông và Đại học Quốc gia Đài Loan, họ vừa vào công ty đã có cổ phiếu, nhưng nếu nghỉ việc trong vòng mười năm, tất cả cổ phiếu đều phải hoàn trả. Vì vậy, không ai trong số họ dám nghỉ việc, không ai về nhà trước 11 giờ tối. Có người nói với Tưởng Hân: Trong suốt 8 năm qua, anh ấy chưa bao giờ nghỉ phép. Một ngày sau khi Tưởng Huân giảng bài xong, có người hỏi một câu: “Con gái tôi 5 tuổi rồi, tôi nên cho cháu học violon hay piano?”
Tưởng Huân hỏi: “Anh có phải là người cha suốt 8 năm chưa có kỳ nghỉ nào và không về nhà trước 11 giờ tối không?”. Người đàn ông đó nói, “Phải.” Tưởng Hân nói với anh ấy: “Anh có thể không cần quan tâm đến việc học violon hay piano, anh có thể về nhà và ôm chặt con gái vào lòng không?”
Anh tiếp tục giải thích: “Tôi hy vọng một cháu bé 5 tuổi có thể nhớ được nhiệt độ cơ thể của cha nó… Nếu sau 16 tuổi anh muốn ôm con bé, cháu có thể không cần anh nữa, khi đó cháu cần cái ôm của một người đàn ông khác. Nhưng nếu hôm nay anh ôm con bé, cháu sẽ mang theo cái ôm của người cha để tiếp nhận cái ôm của người đàn ông thứ hai, như thế mới là tốt nhất.”
Tôi hy vọng rằng khi các con tôi lớn lên, chúng sẽ nhớ những ngày cùng mẹ đi bắt bướm, đạp xe băng qua đồng cỏ. Tôi hy vọng có thể nấu những bữa ăn nóng hổi cho các con, hơn nữa chỉ tôi mới biết bé nào thích súp lơ, bé nào không thích tôm, bé nào nên tránh ăn những loại rau mang tính hàn như rau muống và cải thảo. Tôi hy vọng có thể đích thân kiểm tra bài tập về nhà của các con, thay vì chỉ ký tên dưới dòng chữ “Hôm nay đã làm xong bài tập” do giáo viên viết vào cuốn sổ của lớp.
Tôi muốn hỏi các con: “Con có hiểu tất cả các từ mới học trong lớp quốc ngữ hôm nay không? Con có biết cách áp dụng chúng không?”. Mỗi ngày sau khi các con trở về nhà, cháu có vô số điều muốn nói với tôi, nhưng cháu lại đi ngủ lúc 9h30 và chúng tôi không thể nói đủ.
Em trai của Tiểu Hùng thường hỏi tôi: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ có dùng webcam xem con không? Mẹ thấy con làm gì? Có thấy con vẫy tay với mẹ không?”. Tôi luôn trả lời: “Có mà… mẹ thấy con đang ăn, đang ca hát…”
Tôi đã không làm vậy, tôi luôn nói dối trắng trợn. Tôi quá bận rộn với công việc, làm sao có thể luôn ở trên mạng để xem camera của trường mẫu giáo? Hơn nữa, tôi không muốn nhìn con mình qua lăng kính. Không muốn chút nào. Tôi muốn tự mình đến lớp học của con, trở thành người kể chuyện và tham gia vào các hoạt động của lớp. Đây đều là những điều tôi cho là chuyện quen thuộc ở Hoa Kỳ, nhưng sau khi trở về Đài Loan, tôi thấy mọi thứ không còn được như thế nữa.
Sau khi làm mẹ, các giá trị quan đã thay đổi. Tôi đã thử và sau đó hiểu ra rằng, lý tưởng có thể được hoàn thành bằng nhiều cách, khi con trẻ vẫn cần tôi, việc thiết lập mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng, đối với tôi đây chính là một lý tưởng rất quan trọng.
Tất nhiên, những người mẹ đi làm khi quyết định trở về với gia đình, sự lựa chọn như vậy sẽ phải đánh đổi thật lớn, đó là thu nhập của gia đình chắc chắn sẽ giảm! Tôi không phải tiểu thư, hoàn cảnh gia đình không phải giàu có đến mức không phải lo cơm ăn áo mặc, giải pháp của tôi là “Simple Life” – Cuộc sống tối giản:
Giảm bớt hưởng thụ vật chất không cần thiết: giảm thiểu ra ngoài xem phim, thay vào đó là đến thư viện mượn đĩa DVD, bớt mua mỹ phẩm và quần áo cá nhân, mượn sách từ thư viện và cùng con ra ngoài vận động nhiều hơn, nhưng đừng mua quá nhiều đồ chơi đi kèm cho trẻ.
Hạn chế ăn bên ngoài: tự mua nguyên liệu về nấu ăn cũng giúp cải thiện sức khỏe cho gia đình bạn.
Làm tốt công tác quản lý thu chi trong gia đình: sống trong khả năng thu nhập của gia đình, quản lý sổ sách kế toán.
Tự mình giáo dục con nhiều nhất có thể: Tôi giúp con học toán, giải bài tập về nhà, tìm sách tiếng Anh để luyện nghe, dạy ngoại khóa cho con, giảm thiểu chi phí cho các lớp luyện thi hoặc lớp học An Thân.
Theo hoàn cảnh của tôi, ước tính đại khái là nếu tôi tự chăm sóc ba người con, tôi có thể tiết kiệm ít nhất 20,000 đến 40,000 Đài tệ (TWD) mỗi tháng! Tôi dùng nỗ lực của bản thân để đổi lấy nhiều thời gian hơn dành cho con cái. Nhiều năm nỗ lực như vậy đã chứng minh rằng đây là một con đường khác rất khả thi… Tôi cũng biết ơn những ngày quay trở lại làm việc đã cho tôi hiểu biết mới về cuộc sống, đó là một bài học quý giá.
(Bài viết được trích từ cuốn: “Phương pháp nuôi dạy con tư duy sáng tạo của mẹ Tiểu Hùng” do Nhà xuất bản Dã Nhân, Đài Loan, cung cấp)