Viết cho Ngày Hiền Mẫu: Tóc trắng bay trong gió
Mẹ tôi có mái tóc rất dày. Tôi nhớ khi còn nhỏ, được ngồi sát vào lưng của mẹ, cầm chiếc lược nhỏ bằng gỗ màu vàng sữa, chải tóc cho mẹ, chia rồi tết, rồi gỡ ra, chải lại, rồi tết thành kiểu tóc khác… Sau lưng người mẹ bao dung là chiếc nôi tuổi thơ của tôi. Thời gian cứ vậy trôi qua tựa như con sông dài, hình ảnh bé nhỏ dần lớn lên khỏi nôi, hòa chung với nụ cười hiền hậu của mẹ… Đó là tất cả ký ức của tôi về mẹ.
Khi mẹ tôi mất, tóc bà bị rụng hết, là do uống thuốc hay hóa trị, tôi cũng không rõ nữa. Trên đầu mẹ được quấn một chiếc khăn lụa màu xanh, trông như đang ngủ thiếp đi mãi mãi.
Vào cái ngày mùa đông ấy, họ hàng đều đến dự buổi tiễn biệt cuối cùng. Tất cả những tiếng gào khóc đau lòng xé ruột đột ngột im bặt khi cánh cửa sắt của lò hỏa thiêu nặng nề rơi xuống. Tôi nhìn qua cửa sổ, trông lên ống khói lớn, tôi thầm biết làn khói xám đang bay dần khỏi ống khói kia là gì. Bầu trời đã cướp đi mẹ tôi, cướp đi tuổi thơ của tôi. Một bàn tay tôi mặc cho cha nắm chặt, nhưng bàn tay còn lại tôi giữ chặt túi áo. Tôi giấu cặp kính của mẹ trong túi áo bông, còn có cả chiếc lược gỗ nhỏ. Chúng rất cứng, khi tôi giữ mạnh, khiến lòng bàn tay đau nhức. Cảm giác đau đớn ấy khắc sâu trong lòng, từ đó không ngừng hiện lên trong cuộc đời tôi.
……
Vào một ngày của năm 2004, tôi đi bộ trên đường phố Roppongi, Tokyo. Xe cộ tấp nập, những tòa nhà cao chót vót, những đường cong, đường thẳng của TV Asahi khiến mắt tôi như bị thôi miên. Thời thế đang đổi thay, một số việc tôi cần làm cũng thực tế như tất cả những người hiện đại khác: Tôi phải đến một cửa hàng tiện lợi để sao chép ba bản tài liệu, xin giấy phép cửa hàng trực tuyến; Cần gọi điện cho bạn hỏi xem cuối tuần này nên ăn lẩu hay thịt nướng, chi phí của mọi người không nên quá cao, nguyên liệu được mua với số lượng lớn tại cửa hàng thực phẩm, tiền đồ uống được tính chia đều cho mọi người… Tầm nhìn lúc cao lúc thấp, đế giày của phụ nữ thời trang khiến bước chân họ giống như đang bám trên đế nhọn của chiếc ly, lúc lên lúc xuống. Những chiếc ô che nắng xanh xanh đỏ đỏ của người qua đường như chiếu tia sáng vào dòng suy nghĩ đang phân tán của tôi.
Đúng lúc đó, hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi xuất hiện ở ngã tư trước mặt tôi. Dòng người đủ màu sắc như tách ra làm hai trước mặt, còn bà đứng lặng lẽ như một tảng đá giữa dòng sông. Thân hình bà thon gầy, mặc một chiếc áo sơ mi cotton trắng và chiếc quần vải màu xanh lam. Kiểu trang phục này, không hiểu vì sao, đã mở ra một không gian khác bị phong ấn từ lâu trong tâm trí tôi: quê hương, bầu trời, tuổi thơ…
Tôi quan sát, thấy một tay bà cầm xấp tài liệu in, tay kia cầm một tờ tài liệu đưa ra ngoài để tặng mọi người. Những người đi đường vội vã không tiếp nhận, thậm chí không thèm dừng lại để nhìn. Bà vẫn đứng kiên nhẫn ở đó, thỉnh thoảng xoay người nghiêng theo theo bước chân của những người xung quanh, lưng hơi khom xuống, trong mắt thoáng hiện lên một tia hy vọng.
Tôi chầm chậm bước đến gần bà và dừng lại. Khi bà nhìn thấy tôi, trên khuôn mặt nở nụ cười, khiêm tốn và bình tĩnh. “Xin chào,” bà nói. Trong phút chốc, sự giao hòa va chạm của hai ánh mắt khiến chúng tôi như thấu hiểu lẫn nhau, không cần nói thêm lời nào nữa. “Chào bà,” tôi nhận lấy tờ giấy bà đưa, hơi ấm của bàn tay vẫn còn lưu lại trên đó.
Tôi thầm nghĩ, bất kể ấn phẩm Hoa ngữ ấy có nội dung gì, tôi đều có thể tin tưởng bà ấy, cảm giác tựa như chúng tôi đã từng quen biết nhau. Sự thân thiết khi gặp gỡ những người bạn đồng hương khiến tôi cảm thấy mình có thể làm được điều gì đó cho bà. Có thể ủng hộ nhà hàng Trung Quốc của bà, có thể quyên góp cho trại trẻ mồ côi của bà, thậm chí có thể giúp bà ấy đi tìm con mèo bị lạc, v.v. Tôi nghĩ tờ giấy mà bà đưa cho tôi chẳng có gì khác ngoài những nội dung này. Bất kể nội dung gì, trên đường phố Tokyo này, mọi lời kêu gọi nhỏ bé nhất của con người đều được phép, miễn là nó không vi phạm pháp luật.
Tôi gật đầu với bà rồi tiếp tục bước đi. Đúng lúc tôi sang đường, một cơn gió thổi mạnh, mái tóc bạc phơ của bà chầm chậm tung bay lên, làm hiện rõ từng đường nét thanh chiết trên toàn bộ khuôn mặt. Đường nét ấy là phác họa của thời gian, nhưng lại không hề có một tia đau khổ. Ngược lại, toàn bộ khuôn mặt bà tỏa ra ánh sáng kiên định và bình yên, mà nguồn gốc của ánh sáng đó dường như thật xa xôi, xuyên qua tầng tầng lớp lớp, là thứ mà tôi không cách nào có thể hình dung được. Tôi sững sờ, lưu giữ khoảnh khắc ấy trong tim.
Bất tri bất giác, tôi đã bước đi một đoạn đường khá xa. Và mái tóc bạc trắng bay trong gió kia lại gợi lên trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm. Mẹ tôi nếu còn sống đến tuổi này, bà cũng sẽ có mái tóc bạc trắng như vậy. Bao nhiêu năm trôi qua, có lúc vội vã, có lúc thất vọng, có lúc bối rối, tôi đã đi qua biết bao con đường xa lạ ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy ánh mắt dõi theo vô hình trên đám mây kia là sự quan tâm vô hạn của mẹ, là tình yêu thương vô bờ bến. Cuối cùng, nó có nhẹ nhàng rơi xuống và biến thành cuộn tranh như hình ảnh vừa đến trước mắt tôi hay không? Bởi vì người phụ nữ lớn tuổi kia dường như có hàng ngàn lời muốn nói với những người chưa từng gặp như tôi. Trong mơ màng, tôi không biết tại sao mình lại cảm thấy như vậy. Khi định thần lại, tôi nhìn xuống tờ tài liệu đang cầm trên tay, đột nhiên, trên tờ giấy xuất hiện một dòng chữ lấp lánh – “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
………
Mười năm nữa đã trôi qua, trong mười năm này, tôi đã thay đổi từ một người bình thường không có mục đích sống, trở thành một học viên Pháp Luân Công đang đi trên con đường phản bổn quy chân. Tôi cũng phát tờ tài liệu trên đường phố lạnh giá, cũng giương biểu ngữ và tham gia đoàn diễn hành dẫu trời mưa gió… Bởi vì tôi cũng giống như hàng triệu học viên Pháp Luân Công khác, chỉ mong muốn mọi người trên thế giới này có thể minh tỏ sự thật. Mười năm trước, nhận trên tay tờ tài liệu mỏng manh, tôi như được kết nối với cơ duyên từ vạn cổ. Tôi đã từng hỏi, người phụ nữ lớn tuổi đã đợi tôi trên phố mười năm trước là ai? Tôi rất muốn nói lời cảm ơn với cô ấy, nhưng thật không ngờ rằng, tôi không thể tìm thấy cô. Tôi đã đến ngã tư đó nhiều lần, nhưng chưa bao giờ gặp lại mái tóc trắng bay trong gió kia một lần nữa. Nhưng mà hiện tại tôi biết rằng, điều này cũng không còn quan trọng.
Có lẽ rằng trong cõi u minh, có một loại tình yêu, một loại quan tâm sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh vào thời khắc nguy nan nhất của cuộc đời. Trong thế giới phàm trần, chúng ta thường cho rằng loại sức mạnh này đến từ tình mẫu tử chí cao vô thượng nơi nhân thế. Vâng, mười năm trước tôi cũng nghĩ như vậy.
Có thể nói, tình mẫu tử là ngọn lửa ấm áp, là thanh âm đẹp đẽ nhất trên đời. Hôm nay, tôi muốn nói rằng: Tình mẫu tử là biểu hiện của thiện niệm, của lòng vị tha vô tư vô ngã, là cụ thể hóa, nhân tính hóa Phật tính của sinh mệnh trong các mối nhân duyên.
Tình yêu lớn nhất của một người đến từ người mẹ, vậy tình yêu và từ bi cho toàn nhân loại và vạn sự vạn vật là đến từ đâu?