Hiền mẫu thời Tam Quốc: Trương Xương Bồ, phu nhân của Chung Do
Vào thời Tam Quốc, có một vị mẫu thân nổi tiếng hiền đức tên là Trương Xương Bồ (199-257). Bà là phu nhân của Chung Do, người được mệnh danh là “ông tổ của chữ Khải thư”. Bà Trương Xương Bồ nổi tiếng với đức tính đoan trang, tuân theo lễ nghĩa, chú trọng tu thân dưỡng đức. Cho dù đối với tôi tớ hầu hạ có địa vị thấp kém, bà cũng vẫn luôn coi trọng chữ tín, cho nên toàn thể gia tộc họ Chung đều rất kính trọng bà.
Một vị phu nhân khác của Chung Do (151-230) là Tôn thị, xuất thân từ gia đình quý tộc, có địa vị chính trong hậu viện nhà họ Chung, quản lý các công việc nội bộ trong phủ. Tôn thị giỏi ăn nói, khi nói chuyện thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên, bà lại không có thiện tâm, đố kỵ với người tài giỏi, thường xuyên ăn nói lung tung, bôi nhọ người khác. Hễ khi bản thân bà phạm phải sai lầm gì, chỉ cần bà thanh minh biện giải một hồi, vậy là được che đậy cho qua.
Tôn thị ghen tỵ với tài đức của Trương phu nhân, muốn bôi nhọ danh tiếng của bà, nhưng mãi vẫn chưa có cách nào hại được. Khi Trương phu nhân mang thai, Tôn thị càng đố kỵ hơn. Bà ta nảy sinh ý đồ ác độc, nhân lúc Trương phu nhân không để ý, đã bỏ thuốc độc vào thức ăn. Khi Trương phu nhân vừa ăn một miếng, cảm thấy không thích hợp, liền nôn hết thức ăn ra, nhưng vẫn bị ảnh hưởng của thuốc độc, không ngừng chóng mặt hoa mắt trong nhiều ngày.
Người hầu của Trương phu nhân khuyên bà tốt nhất nên nói chuyện này với phu quân Chung Do, nhưng bà không hề ầm ĩ mà chỉ lẳng lặng giải quyết việc này. Trương phu nhân nói: “Từ xưa tới nay, hễ khi chính thất, thê thiếp hãm hại lẫn nhau, thì đều tan nhà hại nước, vì vậy cổ nhân đều lấy đó làm bài học cảnh tỉnh. Nếu ta nói chuyện này với phu quân, mà phu quân không tin ta, vậy ai có thể làm chứng cho ta chuyện này đây? Hơn nữa, Tôn thị sẽ cho rằng, ta nhất định nói chuyện này với phu quân trước. Mà chuyện đã do bà ấy làm ra, chi bằng để bà ấy tự nói ra đi, như vậy có lẽ sẽ tốt hơn”. Vì vậy, Trương phu nhân giả bị bệnh không ra ngoài.
Quả đúng như dự đoán, Tôn thị tưởng rằng Trương phu nhân đã đem chuyện này nói với Chung Do, bà liền nói với phu quân rằng: “Thiếp muốn giúp Trương thị sinh một cậu con trai, nên đã lén cho chút thuốc bổ giúp sinh con trai vào thức ăn của nàng ấy. Bây giờ nàng ấy ngược lại nói thiếp dùng thuốc độc hại nàng ta”.
Chung Do nghe vậy thất kinh, nghĩ thầm: “Có được thuốc sinh con trai là việc tốt, nhưng nếu lén bỏ thuốc vào thức ăn của người khác, thì đúng là chuyện không bình thường”. Nghĩ vậy Chung Do liền cho gọi người hầu vào hỏi rõ mọi chuyện. Sau khi Chung Do biết rõ đầu đuôi sự việc, liền viết hưu thư bỏ Tôn thị và trục xuất bà ra khỏi gia tộc. Ngụy Văn Đế từng hạ chiếu, lệnh cho Chung Do rút lại giấy ly hôn, đón Tôn thị trở về, nhưng Chung Do thà mất mạng cũng không tuân theo.
Chung Do từng hỏi Trương phu nhân rằng, vì sao bà bị người khác đầu độc mà lại nhẫn nhịn không nói? Trương phu nhân trả lời, người trong nhà hãm hại lẫn nhau sẽ làm tan nhà hại nước. Chung Do nghe xong vô cùng cảm phục đức hạnh của Trương phu nhân. Sau khi bà sinh hạ Chung Hội (225-264), bà càng được Chung Do yêu mến và kính trọng.
Trương phu nhân am hiểu thi thư (Kinh thi và Kinh thư). Khi Chung Hội lên 4 tuổi, bà dạy con đọc “Hiếu kinh”; lên 7 tuổi thì đọc “Luận ngữ”. Chung Hội thông minh từ nhỏ, từ năm 8 tuổi cho đến năm 14 tuổi, cậu đã đọc hết các tác phẩm như “Kinh Thi”, “Thượng Thư”, “Kinh Dịch” v.v. Dưới sự giáo dục của mẫu thân, Chung Hội từ nhỏ đã ăn mặc giản dị, tự tay quản lý việc nhà, biết sống cần kiệm. Sau này trưởng thành làm quan, tất cả những phần thưởng nhận được, Chung Hội đều nộp lại hết cho triều đình.
Khi Chung Hội giữ chức Thượng thư lang, đại tướng quân Tào Sảng (?-249) lộng quyền, ngày ngày tổ chức yến tiệc uống rượu hưởng lạc. Một hôm, sau khi Chung Dục (210-263), anh trai của Chung Hội dự yến tiệc trở về nhà kể lại sự việc này. Trương phu nhân cho rằng Tào Sảng suốt ngày say rượu hưởng lạc như vậy, không thể nào giữ được phú quý lâu dài được.
Hai năm sau, cha con Tư Mã và Tào Sảng tranh quyền, phát động chính biến ở lăng Cao Bình. Chung Hội cũng tham gia vào sự kiện đó. Vì thế, mọi người đều rất lo lắng, nhưng Trương phu nhân lại hết sức bình thản.
Trung thư lệnh Lưu Phóng, Thị lang Vệ Quán, anh em nhà Hạ Hầu thường ngày kết giao với Chung Hội, thấy Trương phu nhân trấn tĩnh như vậy, liền không khỏi tò mò mà hỏi bà rằng, Chung Hội đang gặp nguy hiểm, vì sao bà không lo lắng?
Trương phu nhân bình thản nói: “Tướng quân Tào Sảng sống xa hoa, không biết kiềm chế, vì vậy mà tôi vẫn lo lắng không thôi. Thái phó (Tư Mã Ý, 179-251) phát động chính biến không phải để hại nước, mà chính để nhằm vào tướng quân. Hơn nữa con trai tôi còn ở ngay bên cạnh Hoàng đế, có gì mà phải lo lắng chứ? Nghe nói bên phía Tư Mã Ý xuất binh lần này, cũng không chuẩn bị nhiều quân và binh khí, trận chiến chắc chắn cũng sẽ không kéo dài.”
Tình hình chiến sự diễn ra đúng như lời Trương phu nhân dự đoán. Người đương thời đều hết lời ca ngợi tài đức sáng suốt của bà. Sau này, Chung Hội cũng được anh em Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu trọng dụng.
Dựa theo: “Tam quốc chí – Chung Hội truyện”, Quyển 28.