Loài hoa nào tượng trưng cho Mẹ trong văn hóa truyền thống Trung Hoa?
Tháng Năm thoang thoảng hương cỏ hoa, hoa cẩm chướng đong đưa trong gió, gửi đi thông điệp kỷ niệm ‘Ngày Hiền Mẫu’ (Mother’s Day). Hiện nay, người dân ở nhiều quốc gia đều kỷ niệm Ngày Hiền Mẫu để bày tỏ lòng biết ơn đối với Mẹ, trong đó, có nhiều quốc gia kỷ niệm Ngày Hiền Mẫu trùng với Mỹ quốc.
Năm 1913, Quốc hội Hoa Kỳ quyết định lấy ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm làm Ngày Hiền Mẫu; đồng thời lấy hoa cẩm chướng – loài hoa mà mẹ của Anna Jarvis (người đề xướng) yêu thích nhất làm biểu tượng cho Ngày Hiền Mẫu.[1] Lễ kỷ niệm Ngày Hiền Mẫu diễn ra trên thế giới cho đến nay đã được 110 năm. Còn trong lịch sử Trung Hoa, kỳ thực từ rất sớm đã có một loài hoa tượng trưng cho Mẹ, thậm chí còn lâu đời hơn cả hoa cẩm chướng. Vậy đó là loài hoa gì?
Thi nhân, họa gia Vương Miện cuối triều Nguyên có hai bài thơ viết về loài hoa này:
Bài thơ: “Mặc huyên đồ nhị thủ kỳ nhất”
Xán xán huyên thảo hoa, la sinh bắc đường hạ.
Nam phong xuy kỳ tâm, dao dao vi thùy thổ?
Từ mẫu ỷ môn tình, du tử hành lộ khổ…
Tạm dịch:
“Hai bài thơ về bức tranh hoa huyên – bài thứ nhất”
Rực rỡ hoa huyên thảo, mọc bên chái nhà của mẹ
Gió nam thổi vào lòng, đong đưa nở vì ai?
Mẹ hiền tựa cửa trông, con xa quê trên đường khổ…
Bài thơ: “Mặc huyên đồ nhị thủ kỳ nhị”
Huyên thảo sinh bắc đường, nhan sắc tiên thả hảo.
Đối chi hữu dư ẩm, bối chi na khả đạo?
Nhân tử hiếu thuận tâm, khởi tại vinh dữ cảo?
Tạc tiêu thiên vũ sương, giang không tuế hoa lão.
Du tử vị năng quy, cảm khái tâm như đảo.
Tạm dịch:
“Hai bài thơ về bức tranh hoa huyên – bài thứ hai”
Hoa huyên nở ở bắc đường, màu sắc rực rỡ lại tươi đẹp.
Nâng ly uống ngắm nhìn hoa, mẹ phương xa có biết?
Lòng hiếu thuận của con, há có chuyện tươi tốt hay héo tàn?
Đêm qua sương giăng đầy trời, sông không tuổi thêm bạc trắng.
Con xa quê chưa thể về, bùi ngùi lòng đau đớn thay.
Vương Miện là một danh sĩ nổi tiếng cuối thời Nguyên đầu thời Minh, ông có phẩm cách thanh cao kiên trung như hoa mai, vô cùng hiếu thuận với mẹ. Theo cuốn “Chiết Giang Thông Chí” ghi chép, sau khi cha của Vương Miện qua đời, ông đón mẹ vào thành để phụng dưỡng. Qua một thời gian, mẹ của ông nhớ cuộc sống ở quê nhà nên muốn về quê sống. Vì muốn mẹ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, ông đã mua một con bò trắng kéo xe cho mẹ, còn bản thân ông mặc một bộ y phục giản dị, đội mũ kiểu cổ đi theo sau xe. Xe bò đi trên đường phố bị một số trẻ nhỏ ngăn lại trêu đùa, Vương Miện không để bụng, hơn nữa còn cười hiền lành với chúng. Vương Miện mộc mạc chất phác, một lòng thuần hiếu, không bị nhiễm bụi trần thế gian.
Hai bài thơ “Mặc Huyên Đồ Nhị Thủ” của Vương Miện vịnh cây hoa huyên thảo mọc ở chái bắc đường (là gian nhà nơi mẹ của ông ở), ký gửi tâm tư nhớ thương và cảm ân của người con hiếu thảo đối với người mẹ. Đúng vậy, hoa huyên thảo (hay còn gọi là cỏ huyên, hoa hiên) chính là loài hoa truyền thống tượng trưng cho người mẹ trong văn hóa Trung Hoa.
Cây huyên thảo là loại cây phổ biến ở nhiều vùng, có thể sinh trưởng khắp đồng ruộng, lá dài mảnh, hoa nở có màu vàng hoặc màu vàng cam, khiến cho người ta có cảm giác được an ủi và ấm áp. Hình dáng của hoa huyên thảo gợi lên sự thong dong tươi sáng, ôn hòa ung dung, triển hiện khí chất thanh khiết ấm áp, giống như người mẹ nhân từ khoan dung vậy! Loài hoa này chỉ nở trong ngày rồi tàn úa, ngày hôm sau lại nở ra đóa hoa mới, giống như tình yêu thương của người mẹ từng ngày từng ngày vô tận, luôn mới mẻ bền bỉ không đoạn dứt.
Trong “Kinh Thi”, tập thơ cổ nhất của Trung Quốc, đã có bóng dáng hoa huyên thảo. Từ đó có thể thấy rằng hoa huyên thảo là hình ảnh đại biểu, tượng trưng cho người mẹ, điều này đã được hình thành từ rất sớm trong các điển cố văn hóa Trung Hoa. Trong “Kinh Thi – Quốc Phong – Vệ Phong” có thiên “Bá Hề”, trong đó có câu thơ hỏi tìm cỏ huyên thảo nơi đâu? “Yên đắc huyên thảo ngôn thụ chi bối”, nghĩa là: Tìm đâu được hoa huyên mà trồng ở thềm sau nhà [nơi mẹ ở]. Người hiện đại như chúng ta bây giờ không hiểu “ngôn thụ chi bối” rốt cục là ở đâu. Trong cuốn “Mao Thị Truyện” thời Hán có chú thích rằng: “Huyên thảo, lệnh nhân vong ưu. Bối, bắc đường dã” (tạm dịch: Cây huyên thảo, làm cho người ta quên đi nỗi buồn. Bối, là chỉ bắc đường vậy). Có nghĩa là cây huyên thảo được trồng ở gian phía bắc trong nhà.
Bắc đường là nơi ở của người nữ chủ của gia đình, cũng chính là nơi ở của người mẹ. Trong bố cục ngôi nhà của người xưa, phần phía sau gian nhà chính (đông đường) là bắc đường, là nơi người nữ chủ gia đình sinh sống. Bởi vậy “Bắc đường” dùng để chỉ “người mẹ”. Cây huyên thảo trồng ở bắc đường, cho nên “bắc đường” còn được gọi là “Huyên đường”, cũng là để chỉ người mẹ. Từ những ghi chép này, có thể thấy rằng vào thời Hán cách đây hai nghìn năm, hoặc có thể là vào thời kỳ Xuân Thu, hoa huyên thảo đã là loài hoa truyền thống tượng trưng cho người mẹ. Câu thành ngữ “Huyên đường nhật vĩnh” là câu thường được chúc vào ngày sinh nhật của mẹ, kính chúc mẹ phúc thọ dài lâu, mạnh khỏe hạnh phúc, và cũng rất thích hợp để bày tỏ lòng biết ơn đối với mẹ trong Ngày Hiền Mẫu.
Huyên thảo còn có một tên gọi khác khá đặc biệt, đó là “Vong ưu thảo” (Cỏ quên buồn lo). Tương truyền, thưởng thức hoa huyên thảo có thể khiến người ta quên đi ưu phiền. Trong cuốn “Dưỡng Sinh Luận” của văn học gia Kê Khang thời Tam Quốc có viết rằng “Huyên thảo vong ưu” (cây huyên thảo quên nỗi buồn). Cây huyên thảo làm cho người ta quên đi ưu sầu, không chỉ bởi vì hoa của nó có dáng vẻ xinh đẹp, mà là vì nó còn có tác dụng thảo dược. Trong tác phẩm “Thảo Bản Đồ Kinh” của Tô Tụng thời Tống có nói, cây huyên thảo “chủ an ngũ tạng, lợi tâm chí, khiến người ta vui vẻ, quên sầu lo, nhẹ thân, sáng mắt”, mùa thu hoạch hoa là vào tháng Năm. Trong loài huyên thảo có một giống cây mà nụ hoa của nó có thể ăn được, thường gọi là “Kim châm” hay “Hoàng hoa thái”.
Trồng hoa huyên thảo ở bắc đường để khiến mẹ vui vẻ, giúp mẹ quên đi những ưu lo, là một biểu hiện về lòng hiếu thuận của những người con đối với cha mẹ trong văn hóa Trung Hoa. Phận làm con, người dân Trung Hoa cổ xưa thường trồng hoa huyên thảo ở bắc đường để tặng mẹ, mong mẹ có thể quên đi mọi ưu phiền tâm tư. Và đây là việc làm hiếu nghĩa quanh năm suốt tháng không ngừng, bền bỉ lâu dài, không chỉ trong một Ngày Hiền Mẫu duy nhất của năm!
Chú thích:
[1]: Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) được khởi xướng bởi Anna Jarvis (1864-1948), bà cả đời không lập gia đình mà luôn ở bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Mẹ của Anna Jarvis luôn biết cảm thông, rất nhân ái thiện lương, bà mong muốn lập ra một ngày để tưởng niệm những người mẹ vĩ đại đã thầm lặng dâng hiến, nhưng tiếc rằng nguyện vọng chưa thành thì bà đã qua đời. Anna Jarvis muốn hoàn thành tâm nguyện của mẹ, vì thế từ năm 1907, bà bắt đầu tổ chức các hoạt động kỷ niệm, kêu gọi công nhận Ngày Hiền Mẫu là một ngày lễ chính thức và hợp pháp. Ngày 10/05/1908 các hoạt động kỷ niệm Ngày Hiền Mẫu chính thức được tổ chức tại tiểu bang Tây Virginia và tiểu bang Pennsylvania của Hoa Kỳ. Và hoa cẩm chướng – loài hoa mà mẹ của Anna Jarvis yêu thích nhất khi còn sống, đã trở thành biểu tượng của Ngày Hiền Mẫu. Năm 1913, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định lấy ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm làm Ngày Hiền Mẫu theo luật định.