Sườn xám – Phong vận phương Đông xuyên suốt thế kỷ
Nhìn từ xa là một bức tranh phong cảnh, nhìn gần là một loại phong cách, nhìn kỹ khắp nơi đều là công phu – đây chính là sườn xám, trang phục kinh điển mang đậm sắc thái Trung Hoa.
Trong mắt nhiều người phương Tây, sườn xám khẳng định là đại diện tiêu biểu cho văn hóa và thẩm mỹ của trang phục phương Đông. Trên thực tế, sườn xám là kiểu mẫu điển hình về sự hòa nhập của văn hóa Trung Quốc và phương Tây.
Trong ngôn ngữ của nền giáo dục Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng cộng sản, “thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc” trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị miêu tả là hủ bại, u ám, dân chúng lầm than… Tuy nhiên trên thực tế, đây là thời đại các bậc cao nhân xuất hiện không ngừng, là một giai đoạn lịch sử mà văn hóa phương Đông và phương Tây thật sự giao lưu dung hòa, cũng là thời đại của sự tao nhã và duyên dáng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Chính trong thời đại này, thời trang sườn xám đã đạt đến đỉnh cao ở Trung Quốc, định hình nên lịch sử trang phục phụ nữ rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc cận đại.
Ngày nay, mọi người khi nói đến sườn xám là đã vượt qua trang phục cá nhân. Nó là nét văn hóa có sức lôi cuốn sâu xa, là hệ thống thủ công mỹ nghệ cầu kỳ tinh xảo, và là một biểu tượng thẩm mỹ mang đậm sự quyến rũ độc đáo của phương Đông. Nếu xem sườn xám chỉ là một trang phục có thể tôn lên những đường cong của người phụ nữ, thì đó là một cách hiểu sai lầm về sườn xám. Tuy rằng sườn xám dựa theo sự cắt may và kiểu dáng của trang phục phương Tây, nhưng lại được thoát thai từ cội nguồn văn hóa truyền thống Trung Quốc, khiến cho nó mang vẻ “vận vị” độc đáo của phương Đông. Loại “vận” này chính là cốt lõi làm nên vẻ đẹp của sườn xám.
Thiết kế kinh điển mang phong cách Trung Quốc và phương Tây
Về nguồn gốc của sườn xám, có một cách nói rằng sườn xám là “áo dài của người Bát Kỳ (còn gọi là người Mãn),” bắt nguồn từ trang phục dài rộng kiểu áo đầm dài của phụ nữ tộc Mãn Châu triều đại nhà Thanh, sau đó do chịu ảnh hưởng của trang phục người Hán, nên dần dần được cải tiến.
Sườn xám của phụ nữ Mãn Châu có kiểu dáng thẳng và rộng rãi, vạt dưới tương đối phình to. Vào đầu thế kỷ 20, cùng với quá trình thâm nhập của phương Tây vào phương Đông, sườn xám đã tiếp thu cách cắt may ba chiều của trang phục phương Tây, bắt đầu sử dụng kỹ thuật may mặc giảm ngực, giảm eo, giáp tay và may vai, cộng thêm xếp ly ngực, ghép tay vào thân áo v.v. Từ đó, sườn xám đã biến đổi từ kiểu dáng thẳng rộng thành kiểu dáng có đường cong ôm eo vừa vặn.
Trong hình là Hoàng hậu và vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1920. Hoàng hậu Uyển Dung để tóc uốn xoăn tân thời, mặc bộ sườn xám in hoa có tay, trang điểm tinh tế và nở nụ cười thân thiện.
Trước khi trở thành Hoàng hậu của nhà Thanh, tiểu thư Uyển Dung đã tiếp nhận một nền giáo dục tốt theo phong cách phương Tây. Bà xuất thân là một tiểu thư nổi tiếng con nhà giàu, có thể nói tiếng Anh trôi chảy và mang đầy đủ tư tưởng văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Có lời đồn rằng, Hoàng hậu Uyển Dung không thích áo dài truyền thống của triều Thanh vì trông “mập” và “dày”, nên đã từng mời thợ may riêng nổi tiếng Lý Xuân Phương cải tiến áo dài cho mình.
Trong thời Trung Hoa Dân Quốc sau triều đại nhà Thanh, “sườn xám” bắt đầu phổ biến ở Thượng Hải, cuối cùng trở thành trang phục tiêu biểu của phụ nữ Trung Hoa. Vào thời kỳ đầu, phụ nữ Dân Quốc đi giày vải và giày da đế bằng kết hợp với sườn xám. Kể từ những năm 30 của thế kỷ 20, khi giày cao gót ngày càng thịnh hành, phụ nữ Trung Hoa Dân Quốc bắt đầu sử dụng nó kết hợp với sườn xám.
Trong hình dưới, cô gái ở ngoài cùng bên phải mặc sườn xám với họa tiết kẻ sọc lớn in trên sợi tổng hợp khá thịnh hành vào thập niên 1930 – 1940; chiếc sườn xám của cô gái ở giữa có họa tiết hoa lá và đường viền tối màu; cô gái ở ngoài cùng bên trái đi tất mỏng kết hợp với sườn xám.
Ở Trung Hoa Dân Quốc vào những năm 30 của thế kỷ 20, kiểu dáng của sườn xám cơ bản ổn định. Các thợ may tư nhân khi đó đã đưa các yếu tố thời trang phương Tây lồng vào chiếc sườn xám đang khá thịnh hành của chị em phụ nữ Trung Hoa Dân quốc, khiến loại trang phục mang đầy đủ văn hóa Trung Quốc và phương Tây này phát triển đến đỉnh điểm. Cứ như vậy, trang phục thời thượng kinh điển lưu truyền suốt 100 năm của Trung Quốc đã được ra đời dưới bàn tay tài hoa của những người thợ may Dân Quốc. Trong lịch sử thời trang thế giới, sườn xám là mẫu hình trang phục văn hóa truyền thống phương Đông tiếp thu đặc điểm của phương Tây. Sự ý nhị trong văn hóa độc đáo của nó, khiến phụ nữ cả phương Đông và phương Tây đều mê mẩn.
Đằng sau sự ra đời và phát triển đến đỉnh cao của “sườn xám” là phong thái Dân Quốc không thể sao chép, là một thời đại xán lạn của tự do, cùng sự dung hòa giữa Trung Quốc và phương Tây, và cũng là sự bùng nổ về sức sáng tạo.
Khung cảnh rực rỡ của thời đại Trung Hoa Dân Quốc huy hoàng
“Thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc” được nói ở đây, tức là quãng thời gian hơn 30 năm kể từ khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1912 đến khi Trung Cộng bắt đầu thống trị vào năm 1949. Đây là thời kỳ quan trọng kế thừa quá khứ và mở ra tương lai trong lịch sử Trung Quốc. Trong thời đại tự do, cởi mở này, các trào lưu tư tưởng xung đột gay gắt, truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây, giao hòa và xung đột. Trong thời kỳ Dân Quốc, dân trí được khai mở, các bậc thầy và tài nữ liên tiếp xuất hiện, các loại thư tịch và ấn phẩm nườm nượp ra đời.
Trong rất nhiều các ấn phẩm xuất bản trong thời kỳ Dân Quốc, họa báo “Lương hữu” (Người bạn tốt) được cho là tập san phát hành số lượng lớn nhất, phạm vi phát hành rộng nhất, và có sức ảnh hưởng nhất thời đó. “Lương hữu” ra đời vào mùa xuân năm 1926 tại Thượng Hải, nơi có bầu không khí quốc tế và nhạy cảm về thời trang nhất thời Dân Quốc. Hầu hết các trang bìa là phụ nữ, chủ yếu là những minh tinh nổi tiếng. Được xem là nơi ghi chép lại cuộc sống thời Dân Quốc, trang bìa của “Lương hữu” đã chứng kiến những thay đổi về thẩm mỹ và thời trang của phụ nữ thời kỳ này, đồng thời ghi lại những năm tháng thanh xuân đặc biệt của phụ nữ Dân Quốc. Trang phục của phụ nữ trên trang bìa chủ yếu là sườn xám với nhiều dáng vẻ khác nhau.
Trang bìa của họa báo “Lương hữu” số tháng 12/1934 là Nguyễn Linh Ngọc (Ruan Lingyu), ngôi sao điện ảnh và truyền hình thời Dân Quốc. Chiếc sườn xám trong hình là kiểu sườn xám dài đến chân, cổ cao, tay ngắn, có viền. Chiếc sườn xám này có hoa văn kẻ sọc màu vàng chanh hoàn chỉnh, không chiết ly ở ngực và eo, vừa vặn với thân hình từ trên xuống dưới, có thể phần nào thấy được kỹ năng chế tác và cắt may cao siêu của những người thợ may thời bấy giờ. Đồng thời, kỹ thuật may viền mép trên chiếc sườn xám này vô cùng tinh xảo. Viền mép là dùng để chỉ kỹ thuật may áo ở các chỗ có mở miệng như may các đường viền cổ áo, cổ tay áo, đường xẻ, gấu áo của sườn xám. Chỗ khó của kỹ thuật này là bảo đảm cho các đường may chỗ cong của trang phục được trơn tru và không bị nhăn.
Vẻ đẹp quý giá của nghề thủ công truyền thống
Từ việc cắt may dựa theo vóc dáng, cho đến viền mép, làm nút áo và thêu, v.v., sự ra đời của một chiếc sườn xám thủ công cần đến rất nhiều kỹ thuật tinh tế. Những kỹ thuật này đều mang đặc điểm truyền thống của Trung Quốc, khiến cho chiếc sườn xám ngoài việc trở nên đẹp mắt và tinh tế, còn có rất nhiều ý vị. Vẻ đẹp của sườn xám ngoài phom dáng tổng thể, chất liệu và màu sắc còn nằm ở những chi tiết tinh xảo này.
Hoàng Liễu Sương (Anna May Wong), là ngôi sao điện ảnh Hollywood người Mỹ gốc Hoa đầu tiên. Chiếc sườn xám cô mặc trong bức hình sử dụng kỹ thuật trang phục truyền thống độc đáo của Trung Quốc – Viền mép. Viền mép chính là ở những chỗ ngoài rìa của sườn xám như tà áo, cổ áo, tay áo, đường xẻ tà và dưới gấu, v.v, dùng các loại vải có màu khác với thân áo viền lại. Trên đường viền đa số đều được thêu hoa, thường dùng kim khéo léo thêu trực tiếp trên bề mặt trang phục. Phần viền trong bức hình là “tam viền”, tổng cộng có ba đường viền. Đường viền của sườn xám có rất nhiều loại, có “ngũ viền”, “bát viền” hay thậm chí là “thập bát viền.”
Nút áo, cũng là một biểu tượng văn hóa đẹp giống như bông hoa nở trên chiếc sườn xám. Sự nhẹ nhàng, sang trọng, cầu kỳ và lộng lẫy của những chiếc nút áo thể hiện đầy đủ kỹ nghệ truyền thống và trình độ tay nghề của những người thợ thủ công đằng sau một chiếc sườn xám. Tạo hình của nút áo rất đa dạng, phổ biến là nút áo hình chữ nhất, nút áo hình các loài hoa (nút áo hoa mai, hoa cúc, hoa hồng, hoa thủy tiên, v.v.), nút áo hình các loài động vật (như nút áo phượng hoàng, chim én, bươm bướm, chuồn chuồn), và loại nút áo kiểu thắt nút Trung Quốc (nút áo cát tường, nút áo như ý, nút áo đồng tâm), v.v. Những chiếc nút áo làm bằng tay có thể khiến cho chiếc sườn xám trở nên nghệ thuật, tinh tế và đẹp mắt hơn.
Những chiếc sườn xám cao cấp thường sử dụng kỹ thuật thêu – một báu vật thủ công mỹ nghệ của Trung Quốc đã truyền thừa hàng ngàn năm. Đó là một loại kỹ thuật sử dụng kim, đem các sợi màu như tơ, bông, nhung, .v.v., thông qua động tác mũi kim lên xuống trên bề mặt hàng dệt để phác thảo ra các hoa văn, họa tiết hoặc ký tự khác nhau. Chất liệu để thêu thường lộng lẫy và quý phái, phù hợp để chế tác ra những chiếc sườn xám mặc trong trường hợp lễ nghi hoặc những ngày trọng đại.
Dáng áo thanh mảnh tròn trịa, mặc vào “vừa vặn người nhưng không ôm sát da thịt” chính là sườn xám. Từ cổ, vai, cánh tay, ngực, eo, mông cho đến chân, nó có thể khiến toàn bộ đường nét của phái nữ được phác họa thành một bức tranh uốn lượn mềm mại và hoàn mỹ. Khi nhẹ nhàng cất bước, đường xẻ hai bên làm cho tà áo dưới bay nhẹ. Sự ý nhị toát lên nét riêng của sườn xám – duyên dáng, kín đáo, tự nhiên, đều là những nét đẹp tao nhã và khéo léo của người phụ nữ phương Đông.
Fenzhi Zhang thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ