Những minh chứng hoàn mỹ về đạo nghĩa chị dâu em chồng
Chúng ta thường nghe rất nhiều người hiện đại nói rằng, ngoài mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, thì mối quan hệ giữa chị dâu em chồng cũng rất khó ứng xử. Có lẽ con người ngày nay với thói quen tư duy của xã hội hiện đại, cho nên rất hiếm khi nghĩ đến việc đứng trên quan điểm của đối phương để suy xét vấn đề. Chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian, xem người xưa thuyết giảng về đạo nghĩa chị dâu em chồng như thế nào.
Âu Dương Thị đối xử với em chồng tốt hơn cả con gái
Vào thời nhà Tống có một người tên là Liêu Trung Thần, lấy con gái nhà Âu Dương làm vợ. Sau khi Âu Dương Thị về nhà chồng hơn một năm thì cha mẹ chồng qua đời vì dịch bệnh, để lại cô bé Nhuận Nương mới vài tháng tuổi còn đang bú sữa. Khi đó Âu Dương Thị cũng vừa sinh con gái, thế là nàng đồng thời nuôi hai đứa bé bằng sữa của mình. Cứ như vậy vài tháng, sữa của Âu Dương Thị không đủ cho hai đứa trẻ, nàng bèn đem con gái mình nhờ hàng xóm nuôi giúp, còn bản thân chuyên tâm nuôi dưỡng Nhuận Nương.
Hai bé gái cùng tuổi dần dần lớn lên, tình yêu thương của Âu Dương Thị đối với Nhuận Nương còn hơn cả với con ruột của mình. Con gái không lý giải được, hỏi mẹ nguyên nhân tại sao. Âu Dương Thị nói: “Con là con gái của mẹ, tiểu cô là con gái của bà nội con. Con còn có mẹ, tiểu cô không còn mẹ, mẹ đối với hai người làm sao như nhau đây?” Nói xong, nàng rơi nước mắt. Con gái hiểu tấm lòng của mẹ, từ đó gặp việc gì cũng nhường Nhuận Nương, không hề tranh giành.
Về sau, Liêu Trung Thần đến huyện Thanh Hà làm quan. Hai cô gái cũng đã đến tuổi cập kê. Các gia đình giàu có, quyền quý ở địa phương lũ lượt nhờ người mai mối đến cầu hôn con gái của Liêu Trung Thần. Âu Dương Thị nói với bà mối: ‘Nhuận Nương vẫn chưa xuất giá, con gái của tôi làm sao dám gả trước cho người khác đây?”
Bởi vì Âu Dương Thị có suy nghĩ như vậy, nên cuối cùng đã có một gia đình giàu có hỏi cưới Nhuận Nương. Âu Dương Thị chuẩn bị hồi môn hậu hĩnh cho em chồng, từ trang sức đến quần áo và các vật dụng hàng ngày, đầy đủ mọi thứ. Tất cả đều được đóng gói trong những chiếc hộp đẹp đẽ cùng nàng dâu bước về nhà chồng. Sau này khi con gái ruột của mình xuất giá, của hồi môn mà Âu Dương Thị chuẩn bị cho con so với em chồng thì kém xa.
Âu Dương Thị cả đời đối xử rất tốt với em chồng, Nhuận Nương thường nói với mọi người rằng: “Chị dâu của tôi, chính là mẹ ruột của tôi.”
Sau khi Âu Dương Thị qua đời, Nhuận Nương đau buồn mãi không thôi, thậm chí khóc đến thổ huyết, cũng vì thế mà bệnh hơn một năm. Thâm tình dành cho chị dâu của nàng khiến mọi người không khỏi xúc động, nghe thấy tiếng khóc của nàng, không ai không rơi lệ.
Lữ Khôn, nhà văn và là nhà tư tưởng nổi tiếng triều Minh đã nhận xét trong cuốn “Khuê Phạm” do ông biên soạn rằng: “Những người làm dâu trên đời này nếu đều hiền đức như Âu Dương Thị, thì cả thế giới là Nhuận Nương rồi.”
Trâu Anh nhận lỗi thay chị dâu
Vào thời nhà Tống có một người tên là Trâu Anh, mẹ của nàng, Trâu Thị, là kế thất. Nàng có một anh trai do chính thất sinh ra, lấy vợ là Kinh Thị. Bởi vì con trưởng không phải do mình sinh ra, cho nên Trâu Thị ghét luôn cả Kinh Thị, thường xuyên gây khó dễ, thậm chí không cho nàng ăn no.
Trâu Anh hoàn toàn không đồng ý với cách hành xử của mẹ, thường lén lút đem đồ ăn của mình cho chị dâu. Nếu như mẹ phạt chị dâu làm việc, Trâu Anh sẽ cùng làm với chị dâu. Khi Kinh Thị phạm lỗi, Trâu Anh thảy đều nhận lỗi về mình, không để mẹ trách tội chị dâu.
Có một lần, mẹ muốn phạt đòn Kinh Thị, Trâu Anh quỳ trước mặt mẹ, khóc nói: “Con một ngày nào đó cũng phải gả cho nhà người ta. Nếu như con gặp mẹ chồng như vậy, mẹ có vui không? Lấy lòng để đo lòng, sao mẹ lại muốn cha mẹ của chị dâu ngày ngày vì lo lắng cho con gái mà mặt ủ mày chau chứ?” Trâu Thị nghe xong thì nổi giận đùng đùng, muốn phạt roi Trâu Anh. Nàng nói, “Con nguyện ý chịu đòn thay cho chị dâu. Chị dâu không có lỗi, xin mẹ nghĩ lại.”
Sau này, Trâu Anh được gả cho một người có học. Cha mẹ chồng và chị em dâu nghe nói nàng là người hiền đức, vậy nên đều rất kính trọng nàng, cả nhà trên dưới êm ấm hòa thuận.
Một hôm, Trâu Anh mang đứa con nhỏ mới mấy tháng tuổi về nhà mẹ đẻ. Chị dâu đặt cháu bé trên giường, nhưng lơ đễnh một chút, đứa bé ngã lăn xuống đất, rách cả trán. Trâu Thị rất tức giận, Trâu Anh bèn biện giải giúp chị dâu: “Là con nằm nghỉ trên giường của chị dâu, không cẩn thận khiến thằng bé ngã lăn khỏi giường. Chị dâu không biết chuyện gì cả.”
Không ngờ, cháu bé sau đó không may qua đời. Kinh Thị hối hận đau buồn mãi, không ăn không uống. Trâu Anh nén nỗi đau và nước mắt trong lòng, cố gắng an ủi chị dâu: “Chị không nên như vậy. Hôm qua em nằm mơ, mơ thấy thằng bé đáng phải mất, nếu không sẽ bất lợi cho em.” Cứ như vậy, nàng ép chị dâu ăn được một chút.
Có lần Trâu Anh mắc bệnh rất nặng, Kinh Thị vì nhớ tới tình nghĩa của em chồng mà quyết định ăn chay ba năm. Còn mẹ của Trâu Anh khi biết con gái ở nhà chồng được trên dưới kính trọng, trong tâm cũng xúc động, sau này cũng trở thành một người mẹ hiền từ.
Có người mẹ như Trâu Anh gieo đức, các con của nàng sao có thể không xuất sắc? Trong năm người con trai của Trâu Anh, có bốn người đỗ Tiến sĩ, còn Trâu Anh thì hưởng thọ 93 tuổi.
Lữ Khôn bình luận về Trâu Anh rằng: “Kỳ đa thọ đa nam đa quý tử, đãi thiên sở dĩ báo thiện nhân dư”, ý là bà sống thọ, nhiều con trai nhiều quý tử, đó là trời giúp đắc thiện báo chăng. Đích thực là như vậy!
“Trần Đường Tiền” cao nghĩa độ lượng
Vào thời nhà Tống, tại huyện Lạc ở Hán Châu (nay là phía bắc huyện Quảng Hán tỉnh Tứ Xuyên) có một nữ nhân là Vương Thị, khi chưa xuất giá đã rất tiết tháo, rộng lượng và trọng nghĩa.
Khi Vương Thị 18 tuổi, nàng được gả cho Trần An Tiết ở cùng quận. Ai ngờ, chẳng lường được số trời, kết hôn mới hơn một năm thì Trần An Tiết đã qua đời, để lại cho Vương Thị đứa con còn đang quấn tã, cha mẹ chồng tuổi đã cao và cô em gái còn thơ ấu.
Vương Thị cảm nhận được áp lực cuộc sống, nuốt nước mắt nói với cha mẹ chồng: “Người ta nuôi con trai, vốn là hy vọng có thể phụng dưỡng song thân, gánh vác công việc gia đình. Bây giờ đến tình cảnh như thế này, cũng thật sự không thể làm gì được. Con nguyện ý giống như con trai của cha mẹ lúc tại thế, chèo chống gia đình, phụng dưỡng song thân, nuôi dưỡng em gái cùng con của con.” Cha mẹ chồng mừng rỡ nói: “Quả là như thế, vậy thì con trai của chúng ta vẫn giống như chưa qua đời vậy.”
Sau khi mai táng chồng, Vương Thị tự mình gánh vác gia đình, hơn nữa rất có quy củ. Cha mẹ chồng rất vừa ý, cảm thấy mười phần an ủi. Ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ chồng, Vương Thị còn tự thân giáo dục con trai và em chồng nhỏ tuổi. Cô em chồng đến tuổi cập kê, Vương Thị tìm mối hôn sự gả chồng cho nàng, cũng chuẩn bị rất nhiều của hồi môn.
Khi con trai sắp trưởng thành, Vương Thị mời thầy Nho danh tiếng trong vùng dạy bảo. Con trai 20 tuổi sau khi được đội mũ (nghi thức đánh dấu tuổi trưởng thành của nam tử vào thời xưa) thì vào Thái học để học tập, nhưng không ngờ năm 30 tuổi thì đột nhiên qua đời. Vương Thị lần nữa phải nhận chịu nỗi bi thương, nhưng nàng vẫn kiên cường đối mặt, tiếp tục dưỡng dục hai cháu trai Trần Cương và Trần Phất. Về sau, hai cháu trai đều chuyên tâm học hành và có danh vọng.
Cha mẹ chồng sau khi qua đời, em gái đã xuất giá thỉnh cầu Vương Thị chia cho gia sản, mà những gia sản này phần lớn là nhờ Vương Thị vất vả gây dựng lên. Vương Thị không hề xem trọng, đem phần lớn tài sản trong nhà chia cho cô em chồng, không chút luyến tiếc.
Tuy nhiên, chưa đến thời gian 5 năm, tài sản cô em chồng có được toàn bộ đều bị người chồng phá sạch, cô em chồng đành phải mang con quay về nhà mẹ đẻ, trong lòng tràn đầy hối hận. Đối với việc em chồng trở về nhà, Vương Thị vẫn rất rộng lượng, mua ruộng dựng phòng ở cho em, cũng giúp đỡ dưỡng dục cháu trai, coi như con của mình. Từ đầu đến cuối, nàng đều không có một lời oán trách.
Đối với những người họ hàng nghèo khó cùng đường, Vương Thị đều ra tay giúp đỡ, tận lực chiếu cố họ. Có đến ba, bốn chục người nhận sự trợ giúp của nàng. Thậm chí cách xa hơn trăm dặm có một người họ hàng họ Cam, bởi vì nghèo khó mà bất đắc dĩ đem bán con gái nhỏ của mình cho tửu quán. Vương Thị sau khi biết chuyện, cũng xuất tiền chuộc lại cô bé.
Rất nhiều việc thiện và nghĩa cử của Vương Thị đã khiến bà con trong thôn cảm động, họ cũng rất kính trọng nàng. Mọi người đều không gọi nàng bằng họ mà tôn xưng nàng là “Đường Tiền”. “Đường Tiền” vốn là cách xưng hô của con cái trong nhà đối với mẹ mình, để bày tỏ tình cảm rất tôn kính đối với Vương Thị, người trong thôn đã lấy cách xưng hô với mẹ để gọi nàng.
Việc làm của Vương Thị có ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Sau khi nàng qua đời, con cháu tuân theo di huấn, năm thế hệ chung sống rất hòa thuận, được xưng là gia đình Nho giáo hiếu thuận ở địa phương. Triều đình biết sự tích của nhà họ Vương, đã đặc biệt hạ lệnh khen thưởng.
Lữ Khôn đánh giá Vương Thị là: “Đường Tiền hiếu dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cháu, giúp đỡ họ hàng, rộng bày công đức, trau dồi danh tiết, không việc nào là không thiện. Mà tình nghĩa chị dâu em chồng, thật hiếm có trên đời.”
Xem xong những câu chuyện nhỏ này, có lẽ chúng ta cũng có thể cảm nhận được phần nào về đạo nghĩa giữa chị dâu em chồng của người xưa.