Cuộc trò chuyện giữa người mẹ và con trai
Thành tích không phải là điều quan trọng nhất nếu cha mẹ muốn quan tâm đến kết quả học tập của con. Hãy xem người mẹ này coi trọng điều gì trong suốt quãng đời học tập của con mình.
Con trai: Mẹ ơi con không ngủ được, mẹ có thể nói chuyện với con không?
Mẹ: Có chứ, con nói đi.
Con trai: Mẹ có hài lòng với thành tích học tập của con không?
Mẹ: Con thì sao, con có hài lòng với kết quả của chính mình không?
Con trai: Con thấy khá tự tin với kết quả đạt được mẹ ạ.
Mẹ: Có những lúc tự tin quan trọng hơn thành tích rất nhiều đó.
Con trai: Lẽ nào mẹ không quan tâm đến thành tích của con thật sao?
Mẹ: Thực sự thì mẹ không, con nghĩ xem, đã khi nào mẹ quan tâm đến thành tích của con?
Con trai: Con nhớ hồi tiểu học, khi con không chăm chỉ làm bài tập mẹ đã xé vở viết của con, rõ ràng là mẹ có quan tâm chứ!
Mẹ: Chính xác là mẹ để ý đến thái độ học tập của con. Không cần phải viết chữ quá đẹp quá nắn nót nhưng con cần phải làm bài nghiêm túc. Thái độ là một vấn đề quan trọng, không chỉ trong học tập, công việc mà ngay cả trong cuộc sống. Nếu con không nghiêm túc trong học tập thì trong cuộc sống cũng như vậy. Và kết quả không có gì ngoài thất bại con hiểu chứ.
Con trai: Con hiểu rồi, nhưng con vẫn băn khoăn là những năm học cấp hai, ngày nào về nhà mẹ cũng hỏi xem con có chú ý nghe giảng không mà…
Mẹ: Đó là mẹ quan tâm đến đạo đức học tập của con. Một học sinh mà trong lớp không nghiêm túc thì sẽ không tôn trọng thầy cô, rồi dẫn đến không tôn trọng tri thức, cuối cùng là đạo đức cũng chẳng đi đến đâu.
Con trai: Ồ, vậy khi con lên Cấp III, mẹ nhất định sẽ quan tâm thành tích của con, bởi vì nó liên quan đến thi tốt nghiệp rồi.
Mẹ: Không con yêu à, điều mà mẹ quan tâm nhất chính là chất lượng học tập của con. Một học sinh có đủ phẩm chất học tập tốt thì có thể tiếp thu tốt cả một quá trình học tập. Khi con đã cố gắng hết sức rồi thì kết quả như thế nào đâu cần quá quan trọng đúng không. Cái mẹ thực sự quan tâm là quá trình con nỗ lực. Điều đó mới quan trọng con ạ.
Con trai: Vậy sau khi con thi đại học, mẹ quan tâm điều gì ạ? Nghe người ta nói, lên đại học rất thoải mái, tự do, như là không cần để tâm chuyện hoc hành mấy.
Mẹ: Con yêu, khi con lên đại học thì mẹ lại quan tâm đến thành tích của con đấy. Con biết tại sao không, bởi vì sinh viên nào cũng cố gắng tận hưởng thời gian vui vẻ ấy mà con vẫn kiên trì, tiếp thu, học hỏi những kiến thức, kĩ năng cần thiết phục vụ cho bản thân thì cuối cùng con sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất, đúng không? Rồi tất cả những thứ ấy sẽ giúp con khỏi bỡ ngỡ khi bước vào xã hội, lựa chọn sự nghiệp, lựa chọn tình yêu, chính là hai điều sẽ theo con suốt cuộc đời.
Con trai: Con hiểu rồi, khi tiểu học mẹ quan tâm thái độ học tập của con, cấp II mẹ quan tâm đến đạo đức học tập, cấp III mẹ quan tâm đến chất lượng học tập và lên đại học mẹ mới quan tâm đến thành tích của con đúng không?
Mẹ: Con trai mẹ hiểu thật sâu sắc, tương lai khi con bước ra xã hội, mẹ quan tâm con có thể lựa chọn một cách đúng đắn hay không. Lựa chọn công việc, lựa chọn tình yêu, đây chính là những phần quan trọng trong cuộc đời con.
Con trai: Những chuyện này đối với con thì xa xôi quá, con vẫn chưa nghĩ đến.
Mẹ: Đừng vội, nhưng mẹ có lời khuyên chân thành cho con, đó là: Tâm càng tĩnh mới càng đi được xa… Chỉ có thời khắc giữ được tâm thái bình hoà, tĩnh lặng mới có thể khiến bản thân ngày càng đạt được cảnh giới cao hơn .
Con xem, 10 năm trước con vừa đòi chơi điện tử, nhưng mẹ đã từ chối một cách dứt khoát. Đến hiện tại, con có thể đã tốt hơn các bạn cùng tuổi một chút rồi, tính cách cũng không quá nông nổi như vậy nữa, điểm này đã khởi được tác dụng rất lớn. Xác định mục tiêu và trọng điểm của mỗi giai đoạn học tập, thì 10 năm sau con sẽ thấy được lợi ích to lớn của nó. Mẹ đánh giá cao việc con không so sánh bản thân với người khác, điều này thể hiện thái độ lạc quan tích cực của con. Có một tâm thái rộng mở, tương lai cho dù con có làm gì thì cũng không làm bản thân thất vọng và biết cách tận hưởng cuộc sống. Đây chính là hạnh phúc
Tiểu học xem trọng thái độ học, cấp II xem trọng đạo đức, cấp III xem trọng chất lượng, đại học cần xem trọng thành tích, tương lai xem trọng lựa chọn. Đây là một trình tự không thể đảo lộn, bởi vì giáo dục không có đường để quay trở lại.
Điều người mẹ quan tâm đối với quá trình học tập của con mình chính là để nuôi dưỡng nên một cá nhân vừa có đức vừa có tài. Bậc làm cha làm mẹ cũng phải học hỏi và hoàn thiện bản thân không ngừng. Nó đòi hỏi sự nhẫn nại, sự thấu hiểu, nhận thức sâu sắc về giá trị thật sự của một con người từ đó từng bước định hướng nhưng không gây áp lực lên bước đường quan trọng của con.
Ngọc Trân