Lời tiên tri của ông Solzhenitsyn về sự sụp đổ của phương Tây
Người đàn ông từng là tù nhân của nhà tù Gulag của Liên Xô (cũ) vì chỉ trích Stalin, người mà sau đó đã nhận giải Nobel Văn học, bị chính quyền quê hương trục xuất sang phương Tây, và sau này khi đến Hoa Kỳ, ông đã đưa ra lời cảnh báo về tương lai sắp tới: “sự sụp đổ của các giá trị truyền thống, dẫn đến sự đầu hàng của phương Tây trước ma quỷ Marxist.” Khá nhiều người đã phản ứng gay gắt với những nhận định của ông vào thời điểm đó, nhưng hơn 40 năm đã trôi liệu đã đủ để kiểm chứng những điều ông nói khi thế giới chứng khiến sự trỗi dậy của Trung Quốc, “chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga”…?
Nhiều người đã nghe nói về ông Alexander Solzhenitsyn, người nhận giải Nobel Văn học và là một trong những tác giả Nga vĩ đại nhất. Các bài viết của ông được công nhận là đã góp phần hạ bức màn sắt của Liên bang Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Nhưng có rất ít người thực sự đọc những cuốn sách dài của ông. Ông Edward Erickson, giáo sư Anh ngữ danh dự từng làm việc sát cánh cùng ông Solzhenitsyn trong những năm 1980, nói rằng khi ông giảng dạy tại Đại học Calvin và đề cập đến khu [nhà tù] được mệnh danh là “Quần Đảo Gulag”, thì những sinh viên có hiểu biết về nạn diệt chủng Holocaust lại không hề biết gì về việc diệt chủng của những người Bolshevik và Stalin, cũng như các câu chuyện mà ông Solzhenitsyn đã mô tả. Ông Erickson thậm chí còn ngạc nhiên hơn nữa khi có những sinh viên đã nhầm lẫn giữa nhà tù “Gulag” với món súp “Goulash” được phục vụ trong phòng ăn của ký túc xá.
Ông Solzhenitsyn là người Nga không chỉ vì ông nói tiếng Nga, mà còn vì trong thâm tâm ông cảm thấy mình là người Nga. Trong tiểu sử của mình, ông gọi người Nga là dân tộc của mình và nước Nga là đất nước của mình. Ông đồng cảm với người dân Nga, đau khi họ đau, khóc khi họ khóc, và vui mừng khi họ vui mừng. Tôn giáo và truyền thống gắn kết ông với dân tộc của mình, điều đã diễn ra ở hầu hết các nền văn minh trong suốt chiều dài lịch sử. Ông Solzhenitsyn không gọi mình là một “người theo chủ nghĩa dân tộc”, ông thích từ “người yêu nước” hơn. Đấy cũng là cách ông mô tả về bản thân trong bức thư gửi ông Ronald Reagan vào năm 1982. Ông muốn tách mình khỏi “chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga” cổ xúy cho chủ nghĩa đế quốc Nga.
____________________________________________
Đức tin và truyền thống gắn kết ông với dân tộc của mình, điều đã diễn ra ở hầu hết các nền văn minh trong suốt chiều dài lịch sử.
____________________________________________
Tháng 02/1945, khi đang phục vụ trong Hồng quân, ông Solzhenitsyn bị chính quyền bắt sau khi chỉ trích Stalin, lý do bị bắt là gì thì không quan trọng. Ông đã giải thích về điều đó trong tác phẩm “Quần Đảo Gulag”, tác phẩm được viết bởi một tù nhân có trái tim rỉ máu, người đã trải qua hơn tám năm trong các trại lao động cưỡng bức Gulag, nơi mà bất cứ ai cũng có thể bị nhốt vào đó, vào bất cứ lúc nào.
Vào những năm 1920, những người giảng giải về tôn giáo cho trẻ em đều bị bắt và bị đưa đến đó (chiểu theo điều 58-10 của Bộ luật Hình sự RSFSR). Vào những năm 1930, số phận tương tự ập đến với giới trí thức nông thôn, những người bị nghi ngờ đã nổi dậy chống lại chế độ độc tài của giai cấp vô sản. Những ai bị đày đến đó: các nhà sử học, những người không bị trục xuất khỏi đất nước, những chủ doanh nghiệp bị xem là thành phần tư sản (do đó có thể cướp tài sản của họ), và những người Do Thái chạy trốn Đức Quốc Xã trong Đệ nhị Thế chiến.
Ông Solzhenitsyn được thả tự do vào năm 1953 và khoảng chín năm sau, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết “Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denisovich”. Đó là câu chuyện về cuộc đời của một tù nhân Gulag ở Siberia, tác phẩm đã được sử dụng để giảng dạy tại các trường học phổ thông Liên Xô nhờ sự ủng hộ của ông Nikita Khrushchev, người thay thế Stalin làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông Khrushchev lên án sự sùng bái cá nhân Stalin và tội ác của Stalin. Dưới thời trị vì của ông Khrushchev, ông Solzhenitsyn đã được phép xuất bản các tác phẩm của mình. Năm 1964, ông Khrushchev bị cách chức, và rồi vị thế của nhà văn cũng bị thay đổi.
“Quần Đảo Gulag” là một tác phẩm văn học và là tài liệu về cuộc sống của tù nhân trong các trại cải tạo lao động của Liên Xô. Cuốn tiểu thuyết được viết bí mật vào những năm 1960 – 1970, gồm ba tập. Theo hồi ký của nhà văn về tác phẩm “Cây Sồi và Con Bê”, “Những Người Cộng Sự Vô Hình”, ông đã phải giấu các bản thảo hoặc sao chép thành nhiều bản, sau đó chuyển lại cho những người bạn thân để cất giữ hoặc gửi ra nước ngoài. Bị KGB tước quyền tự do và bỏ tù là sự thật hàng ngày. Một trong những “cộng sự vô hình” của ông Solzhenitsyn đã bị sát hại, nguyên nhân có thể là do hợp tác với ông.
Ông Solzhenitsyn đã may mắn thoát khỏi bị ám sát trong gang tấc khi ở Thụy Sĩ vào năm 1978. Ông viết rằng trong cùng thập niên đó ông cũng bị đưa vào “danh sách thanh lý” (cùng với các tổ chức khủng bố cực tả). Trong phần phụ lục của cuốn sách “Những Người Cộng Sự Vô Hình”, ông đã tiết lộ bức thư của một cựu sĩ quan KGB mô tả vụ ám sát ông không thành vào năm 1971.
Một mặt, ông Solzhenitsyn yêu dân tộc mình và nước Nga; mặt khác, ông căm ghét chủ nghĩa cộng sản và các nhà lãnh đạo của nó. Ngoài ra, ông cũng thấy trước rằng phương Tây sắp sụp đổ, và ông đã mạnh mẽ cảnh báo về hiện tượng xã hội đó.
Bảo tồn truyền thống và đức tin đã thôi thúc ông Solzhenitsyn cảnh báo người phương Tây về chủ nghĩa cá nhân quá mức, không giới hạn đang xâm chiếm phương Tây và hệ thống giáo dục của các quốc gia hiện đại. Nhà văn cảm thấy rằng những điều này đem lại những mối nguy hại lớn: chúng phá hủy mối liên hệ thiêng liêng của con người với Chúa, phá hủy mối quan hệ lâu đời của một người với dân tộc của mình, với anh em của mình. Những nguy hại đó mở đầu cho sự thâm nhập của các lý thuyết Marxist tàn ác đang tìm cách tiêu diệt phương Tây.
____________________________________________
Chủ nghĩa cá nhân quá mức, không giới hạn đang xâm chiếm phương Tây và hệ thống giáo dục của các quốc gia hiện đại. Những nguy hại đó mở đầu cho sự thâm nhập của các lý thuyết Marxist tàn ác đang tìm cách tiêu diệt phương Tây.
____________________________________________
Đến phương Tây
Nhiều người phương Tây không biết nên nhận xét như thế nào về ông Solzhenitsyn khi ông sống ở Tây Âu (1974-1978) và Hoa Kỳ (1978-1992) sau khi ông bị chính quyền Xô Viết trục xuất khỏi đất nước. Họ biết ông là một vị anh hùng, một cựu tù nhân chính trị đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản và phơi bày sự khủng khiếp về chế độ đó, bị đe dọa về tính mạng của bản thân và của gia đình. Họ cũng biết rằng ông là một nhân vật quan trọng của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh và là một nhà văn tài năng từng đoạt giải Nobel Văn học.
Và thật không dễ dàng gì để họ “hiểu” được ông. Ông Solzhenitsyn trông không được hạnh phúc khi ở phương Tây. Ông không ngừng chỉ trích bản thân, tự cô lập mình, bày tỏ thái độ thù địch với giới truyền thông, và truyền thông đôi khi cũng thù địch với ông. Ông tỏ ra khinh thường văn hóa đại chúng. Ngoài ra, ông Solzhenitsyn đã nhìn thấy trước thảm họa và cái chết của phương Tây, điều này khiến ông bị cho là “bảo thủ”. Vào cuối những năm 1980, nhiều người đã mất hứng thú với ông.
Nhưng lời nói của ông không phải là không có cơ sở. Đúng hơn là ngược lại. Giống như một đầu máy xe lửa đang từ từ tăng tốc, ông Solzhenitsyn dần dần làm sâu sắc thêm những lời phê bình và phân tích tình hình mà sau này được ghi nhận là những lời tiên tri. Những tuyên bố như vậy bắt đầu vào tháng 06/1975, khi nhà văn được mời nói chuyện tại Hoa Thịnh Đốn trong một bữa tiệc tối do Liên đoàn các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ tổ chức. Ông cảnh báo thính giả Mỹ về vấn đề chính trị đang dẫn dắt họ.
“Có một liên minh, thoạt nhìn thật là lạ lùng, thật là kỳ diệu. Nhưng nếu quý vị suy nghĩ kỹ càng, thì đây là một liên minh được thiết lập rất chắc chắn và rất dễ hiểu: đó là liên minh giữa các nhà lãnh đạo cộng sản và các nhà lãnh đạo tư bản của quý vị,” ông Solzhenitsyn nói.
“Đây không phải là một liên minh mới,” ông tiếp tục, “trong hơn 50 năm qua, chúng tôi đã nhận thấy sự ủng hộ thường xuyên và ổn định từ các doanh nhân phương Tây đối với các nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô. Nền kinh tế Xô Viết cồng kềnh và không hiệu quả, tự nó không bao giờ có thể vượt qua được khó khăn, nhưng lại nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật đáng kể. Các dự án xây dựng trong kế hoạch 5 năm đầu tiên [của Liên Xô] được thực thi bằng công nghệ và vật liệu của Hoa Kỳ. Ngay cả Stalin cũng thừa nhận rằng 2/3 số nguyên liệu cần thiết được phương Tây đem đến.”
Ví dụ, ông Solzhenitsyn đề cập đến ông Armand Hammer, một doanh nhân người Mỹ đã gặp ông Lenin trong những năm đầu sau cuộc cách mạng cộng sản và đã kiếm được hàng triệu USD từ làm ăn với Liên Xô.
____________________________________________
“Các dự án xây dựng trong kế hoạch 5 năm đầu tiên [của Liên Xô] được thực thi bằng công nghệ và vật liệu của Hoa Kỳ. Ngay cả Stalin cũng thừa nhận rằng 2/3 số nguyên liệu cần thiết được phương Tây đem đến.”
____________________________________________
Đến ngày hôm nay, sự hợp tác đó vẫn không dừng lại, và lần này là giữa các nhà lãnh đạo của các nước tư bản và các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có vô số ví dụ: ông Bill Gates, người đã gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân vào năm 1994 với nỗ lực thâm nhập thị trường Trung Quốc; các ngân hàng lớn của Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley, đã đầu tư rất nhiều vào các tập đoàn của chính quyền Trung Quốc trong những năm 1990, giúp họ trở thành như ngày nay; một số chính trị gia ở Israel, trong hai thập kỷ qua, đã thúc đẩy một lượng lớn các dự án thương mại và công nghệ dựa trên sự hợp tác với lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, bao gồm cả cung cấp vũ khí.
Ông Solzhenitsyn đặc biệt bị choáng váng trước việc các doanh nhân Mỹ, những người đã tự mình tổ chức một cuộc triển lãm ở Moscow về các công nghệ được sử dụng để theo dõi tội phạm, nghe lén, chụp ảnh và nhận dạng.
“Những thứ đó được trưng bày ở Moscow để các điệp viên KGB của Liên Xô biết về chúng, như thể các nhà kinh doanh không hiểu KGB sẽ truy đuổi loại tội phạm nào. Chính phủ Liên Xô rất quan tâm đến công nghệ này và quyết định mua chúng. Những doanh nhân của quý vị đã rất háo hức bán hàng, và chỉ khi có nhiều tiếng nói phản đối ở đây (ở Mỹ) thì các giao dịch mới bị chặn. […] Mặc dù vậy, KGB đã có thời gian để thử nghiệm và sao chép công nghệ. Nếu ngày nay mọi người đang bị bức hại bởi các công nghệ tiên tiến và tốt nhất, thì quý vị có thể ‘cảm ơn’ các nhà tư bản phương Tây vì điều này,” nhà văn lập luận.
Dường như không có thay đổi gì kể từ bài diễn văn đáng nhớ đó của ông Solzhenitsyn. Vào năm 2002, nhà báo Ethan Gutman, người viết bài cho một số hãng thông tấn phương Tây, đã đưa tin rằng khi chính quyền Trung Quốc quyết định thành lập một hệ thống được gọi là “Công an mạng”, thì một công ty phương Tây hàng đầu đã giúp họ làm điều đó.
“Tôi đã bay đến Thượng Hải để tham dự triển lãm về kiến trúc thông tin,” ông Gutman nói trong một cuộc phỏng vấn. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy khi bước vào là dòng chữ Cisco.
Kỹ sư hệ thống của một công ty ở Trung Quốc đã rất cố gắng cho tôi thấy hệ thống này thành công như thế nào, hệ thống vừa mới được đưa vào hoạt động ở Trung Quốc. Ông giải thích rằng hệ thống Cisco không chỉ cung cấp quyền truy cập vào hồ sơ tội phạm hoặc hồ sơ vi phạm giao thông của một người mà còn cho phép dịch vụ an ninh Trung Quốc truy cập hồ sơ tại nơi làm việc của người dân trong vòng vài giây và lấy thông tin về quan điểm chính trị và cuộc sống gia đình của người đó.”
Ông Solzhenitsyn nói: “Đây là điều mà tâm trí con người hầu như không thể hiểu nổi: khát khao lợi nhuận cháy bỏng vượt qua mọi logic, phá hủy mọi sự tự chủ, lương tri chỉ để có được tiền”.
“Nhưng tôi phải nói rằng Lenin đã thấy trước toàn bộ quá trình này. Lenin, người đã dành phần lớn cuộc đời ở phương Tây chứ không phải ở Nga, người hiểu phương Tây hơn nhiều so với Nga, luôn viết và nói rằng các nhà tư bản phương Tây sẽ làm mọi cách để làm vững chắc nền kinh tế của Liên Xô. Họ sẽ cạnh tranh với nhau để bán hàng hóa rẻ hơn, bán nhanh hơn để Liên Xô mua của họ chứ không phải từ đối thủ cạnh tranh của họ.
Ông ta nói rằng họ sẽ tự đem lại cho Liên Xô mọi thứ, mà không cần nghĩ đến tương lai của mình sẽ ra sao. Và trong một thời điểm khó khăn, tại một cuộc họp đảng ở Moscow, Lenin đã nói: “Các anh em, đừng hoảng sợ, khi khó khăn lắm chúng ta sẽ cho giai cấp tư sản một sợi dây, và chúng sẽ treo cổ tự vẫn”. Sau đó, Karl Radek, người được chú ý bởi sự thông thái của mình đã nói: “Vladimir Ilyich, chúng ta có thể lấy dây ở đâu để treo cổ toàn bộ giai cấp tư sản đây?” Lenin đã không cần suy nghĩ nhiều và trả lời: “Chính bọn tư sản sẽ bán sợi dây đó cho chúng ta.” Trong nhiều thập niên, trong những năm 1920 và 1950, báo chí Liên Xô đã viết: “Chủ nghĩa tư bản phương Tây, ngày tàn của họ đã gần kề. Chúng ta sẽ tiêu diệt họ. Nhưng các nhà tư bản [phương Tây] dường như không nghe, không hiểu, không tin,” nhà văn tiếp tục.
____________________________________________
“Đây là điều mà tâm trí con người hầu như không thể hiểu nổi: khát khao lợi nhuận cháy bỏng vượt qua mọi logic, phá hủy mọi sự tự chủ, lương tri chỉ để có được tiền.”
____________________________________________
Ông Solzhenitsyn, người biết hệ thống này từ bên trong và tự mình trải nghiệm nó, đã bị choáng váng về mức độ hợp tác của các nhà tư bản phương Tây, đến nỗi trong bài diễn văn của mình, ông nhắc nhở khán giả về bản chất của vấn đề:
“Đây là hệ thống đã khởi động các trại tập trung đầu tiên trong lịch sử thế giới, tiêu diệt tất cả các đảng đối thủ và không chỉ bản thân các đảng, mà còn cả các thành viên của họ. Những ai không phải là đảng viên Đảng Cộng sản đều bị xóa sổ. Đây là hệ thống đã thực hiện tội ác diệt chủng nông dân: 15 triệu nông dân đã bị sát hại. Đây cũng là hệ thống, trong thời hòa bình, đã tạo ra nạn đói nhân tạo cướp đi sinh mạng của sáu triệu người ở Ukraine từ năm 1932 đến năm 1933.
Họ đã thiệt mạng ngay trước cửa nhà của Âu Châu, và Âu Châu thậm chí còn không nhận ra. Thế giới thậm chí còn không nhận thấy. Sáu triệu người! […] Trong ‘Quần Đảo Gulag’, tôi trích dẫn từ một cuốn sách do Hội đồng Tối cao Đảng Cộng sản Liên Xô [Bộ Chính trị] xuất bản năm 1920, kể lại một cách tự hào những thành tựu cách mạng của lực lượng cảnh sát mật trong năm 1918 và 1919. Các tác giả của cuốn sách này xin lỗi vì dữ liệu chưa hoàn toàn đầy đủ: vào năm 1918 và 1919, Hội đồng Tối cao Liên Xô đã kết tội mà không cần tòa án xét xử đối với hơn một ngàn người mỗi tháng. Các nội dung đó do chính Hội đồng Tối cao viết ra, trước khi người ta biết rõ lịch sử sẽ đánh giá về điều đó như thế nào.”
Như ông Solzhenitsyn đã dự đoán, các doanh nhân và chính trị gia tiếp tục thiện chí hợp tác và thậm chí còn đóng góp vào sự phát triển của hệ thống cộng sản. Bây giờ chúng ta thấy rằng ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã phạm tội ở quy mô lớn hơn những tội ác đã diễn ra ở Nga.
____________________________________________
Vào năm 1918 và 1919, Hội đồng Tối cao Liên Xô đã kết tội mà không cần tòa án xét xử đối với hơn một ngàn người mỗi tháng.
____________________________________________
Ảo tưởng về cộng sản
Trong bài diễn văn của mình, ông Solzhenitsyn cũng chỉ ra một trong những chủ đề nóng nhất và gây tranh cãi nhất vào thời điểm đó, mà sau này được đưa vào nhiều bộ phim Hollywood đó là về những tù binh Mỹ bị bắt ở Việt Nam cộng sản:
“Các nhà lãnh đạo của quý vị đã quá vội vàng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Bắc Việt Nam, đến nỗi họ đã quên giải thoát những người anh em Mỹ của quý vị khỏi bị giam cầm. Họ đã vội vàng ký hiệp ước khi vẫn còn khoảng 3,000 người Mỹ mắc kẹt. […]”.
Điều quan trọng đối với ông Solzhenitsyn là lý giải tại sao họ làm điều này:
“Dựa trên kinh nghiệm của tôi ở nhà tù Gulag, ở nơi đó có một luật lệ quy định rằng những người bị đối xử tàn tệ nhất và những người kiên định nhất trước đòn tra tấn – thì những người trung thực nhất, dũng cảm nhất, cứng rắn nhất đó – sẽ không bao giờ quay trở lại. Họ sẽ không bao giờ được xuất hiện trước thế giới [tự do] nữa, bởi vì họ sẽ kể những câu chuyện mà tâm trí con người khó có thể chấp nhận được.
Một số tù binh chiến tranh được trao trả tự do đã nói với quý vị rằng họ bị tra tấn. Điều này có nghĩa là những người vẫn chưa về bị tra tấn nhiều hơn, nhưng họ không lay chuyển một ly. Đây là những vị anh hùng quan trọng nhất của quý vị, những người đã đứng trước thử thách của sự cô lập. Nhưng hôm nay, rất tiếc, họ không thể nghe thấy tiếng vỗ tay của quý vị. Người ta không thể nghe thấy họ từ phòng biệt giam, nơi họ có thể mất đi sinh mạng hoặc ở lại đó trong 30 năm, như ông Raoul Wallenberg, một nhà ngoại giao Thụy Điển bị Liên Xô bắt năm 1945. Ông ta đã bị giam trong 30 năm và không được trả tự do.”
“Quý vị đã bỏ lại những người tốt nhất của mình trong nhà tù cộng sản” là thông điệp mà ông Solzhenitsyn gửi đến khán giả Mỹ khiến họ choáng váng. Và hàm ý không kém phần chắc chắn: không phải các nhà lãnh đạo của quý vị không biết những người cộng sản thực sự nghĩ gì. Các nhà lý luận và nhà nghiên cứu của quý vị “viết các sách chuyên đề, trong đó họ cố gắng giải thích những gì đang xảy ra [ở các nước cộng sản], nhưng đưa ra những lời giải thích ngây thơ khiến người Liên Xô chúng tôi không khỏi thích thú.” Ví dụ, “rằng các nhà lãnh đạo Liên Xô đã từ bỏ hệ tư tưởng vô nhân đạo của mình. Chả có gì xảy ra. Họ thậm chí không hề có ý định từ bỏ nó. […] Cũng có giả thuyết sau: hiện nay, nhờ công nghệ phát triển, ở Liên Xô đã có nền công nghệ, số lượng kỹ sư ngày càng nhiều, và chính kỹ sư là người điều khiển nền kinh tế. Họ, chứ không phải đảng, sẽ sớm quyết định số phận của xã hội.”
Những lời giải thích tương tự cũng được đưa ra ngày nay, lần này là trong bối cảnh Trung Quốc, khi trên các phương tiện truyền thông và giới học thuật tuyên bố rằng Trung Quốc đã từ bỏ tư tưởng cộng sản và đang hướng tới chủ nghĩa tư bản, và rằng các doanh nhân trong khu vực tư nhân đang ảnh hưởng đến đường hướng của đất nước.
“Nhưng tôi sẽ nói với quý vị,” ông Solzhenitsyn tiếp tục, “các kỹ sư quyết định số phận của đất nước giống như các tướng lĩnh của chúng tôi quyết định số phận của quân đội, tức là số không. Ảnh hưởng của họ là số không. Mọi thứ được thực hiện theo yêu cầu của Đảng. Đây là hệ thống của chúng tôi. Đây là một hệ thống mà trong suốt 40 năm không có các cuộc bầu cử thực sự, mà là một vở hài kịch, một trò hề; nó là một hệ thống không có báo chí độc lập; một hệ thống không có tòa án độc lập; một hệ thống trong đó người dân không có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại hoặc đối nội; một hệ thống trong đó tất cả những suy nghĩ khác với chính quyền đều bị dập tắt. […] Đây là một hệ thống mà chúng tôi bị nghe trộm ở hầu hết mọi căn hộ và mọi cơ quan; đó là một hệ thống mà trong đó những tên đồ tể tàn sát người hàng loạt không bao giờ bị đưa ra xét xử, chúng được nghỉ hưu với một khoản lương hưu khổng lồ và tiện nghi tối đa. Không có gì thay đổi trong hệ tư tưởng cộng sản mà các nhà lãnh đạo Liên Xô đã tôn thờ”.
Luật không có đạo đức
Vào tháng 06/1978, ông Solzhenitsyn đột ngột nghiêng về quan điểm chỉ trích khi ông đến để giảng bài tại Harvard, gây cảm giác khó chịu cho các sinh viên sắp tốt nghiệp của trường, những người đã lắng nghe ông. Lần này, ông Solzhenitsyn không chỉ chỉ trích các nhà lãnh đạo Mỹ, mà còn chỉ trích chính người Mỹ và nền văn hóa của họ.
Trong bài giảng về “Sự phân chia thế giới”, ông nhấn mạnh rằng người Mỹ đã bị cuốn hút quá mức bởi những quyền tự do mà Hiến Pháp trao cho họ và kết quả là họ trở nên yếu ớt. Ông cảnh báo rằng điều này chỉ có thể dẫn đến những điều tồi tệ.
Ông Ronald Berman, giáo sư văn học tại Đại học California, viết: “Bài diễn văn tại Harvard đã trở nên nổi tiếng nhất kể từ khi ông Winston Churchill nói chuyện với khán giả ở Missouri; và trong bài giảng của mình, ông Solzhenitsyn nói rằng một màn lưới sắt đã hạ xuống lục địa Âu Châu. Bài giảng được giảng bằng tiếng Nga, và dịch cho khán giả có mặt, sau đó công bố cho công chúng nhưng lại không được chuẩn bị theo quan điểm của ông Solzhenitsyn.”
Ông Solzhenitsyn bắt đầu bằng lập luận rằng sự tự do lớn hơn mà nền dân chủ phương Tây trao cho người dân dẫn đến sự bất bình đẳng lớn. Đây không phải là sự bất bình đẳng kiểu xã hội chủ nghĩa giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, mà là sự bất bình đẳng giữa hai kiểu tự do: “tự do làm việc thiện và tự do làm việc xấu”. Và trong xã hội phương Tây, theo ông, phạm vi của những hành động xấu xa đã lên đến đỉnh điểm.
____________________________________________
Tự do lớn hơn mà nền dân chủ phương Tây trao cho người dân cũng dẫn đến sự bất bình đẳng lớn. Sự bất bình đẳng giữa hai kiểu tự do: “tự do làm việc thiện và tự do làm việc xấu”
____________________________________________
Một ví dụ về điều này là những người sử dụng quyền tự do được trao cho họ dưới sự bảo trợ của luật pháp, đã bức hại đạo đức đối với những người trẻ tuổi thông qua “những bộ phim đầy nội dung khiêu dâm, tội ác và kinh dị.” Các phương tiện truyền thông cũng vậy, “được hưởng tự do rộng rãi nhất có thể”, nhưng lại thoải mái gây hiểu lầm cho công chúng bằng những thông tin không chính xác hoặc những kết luận sai lầm.
“Chúng ta có biết một nhà báo nào hay một tờ báo nào đã công khai bày tỏ sự hối hận không? Không! ông Solzhenitsyn nói. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến doanh thu của tờ báo. Nhà nước có thể phải chịu đựng rất nhiều vì sai lầm đã gây ra, nhưng nhà báo luôn né tránh nó. Người ta có thể sẽ bắt đầu viết những điều hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đây của mình, và sẽ làm như vậy với sự tự tin mới. Bao nhiêu tuyên bố vội vàng, thiếu chín chắn, hời hợt và sai lệch được nói ra hàng ngày [trên các phương tiện truyền thông], khiến độc giả bối rối?”
Theo ông Solzhenitsyn, các phương tiện truyền thông không làm tốt việc khai sáng cho xã hội. Do đó, những kẻ khủng bố đôi khi ca tụng họ hoặc tìm thấy “những vấn đề bí mật quốc phòng được tiết lộ công khai cho họ, hoặc chúng ta đang chứng kiến cuộc xâm phạm quyền riêng tư của những người nổi tiếng một cách trơ trẽn” nhân danh sự minh bạch.
“Truyền thông đã trở thành quyền lực lớn nhất ở các nước phương Tây, vượt qua cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và tòa án. Nhưng họ được bầu theo luật nào, và họ phải chịu trách nhiệm với ai? – nhà văn hỏi.
Như ông Solzhenitsyn đã nói, mặc dù vậy, về phương diện pháp lý thì không thể đổ lỗi cho giới truyền thông, cũng như người ta không thể đổ lỗi cho một công ty dầu mỏ đã mua một dạng năng lượng mới được phát minh chỉ để ngăn chặn mọi người sử dụng nó; nhà sản xuất thực phẩm cũng không thể bị đổ lỗi cho việc “đầu độc” (phun hóa chất) sản phẩm của họ để kéo dài thời hạn sử dụng; và cũng như vậy, theo quy định của pháp luật, quý vị không thể đổ lỗi cho các nhà sản xuất phim khiêu dâm và truyền bá bạo lực vào tâm trí người dân gây nguy hại cho xã hội.
Ông nói: “Sự bảo vệ [hợp pháp] các quyền cá nhân trong xã hội phương Tây đã chạm ngưỡng cực đoan đến mức toàn xã hội không còn được bảo vệ trước một số cá nhân nhất định,” ông nói. “Trên thực tế, người ta đã chứng minh rằng cuộc sống được tổ chức một cách hợp pháp không thể tự bảo vệ mình khỏi sự rỉ sét của tà ác.”
Nói cách khác, những hành động xấu vượt quá khả năng chống lại của xã hội, và sự mất cân bằng giữa thiện và ác được tạo ra đã kéo xã hội đi xuống.
Ông Solzhenitsyn không chỉ nói về luật pháp. Ông giải thích rằng hệ thống luật pháp và công lý, giống như những cái cân, là hệ thống trung tâm và quan trọng nhất mà phương Tây đã chọn để làm nền tảng cho nền dân chủ của mình. Ông Solzhenitsyn nói:
“Mọi mâu thuẫn đều được giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu một người đúng về luật lệ thì không cần gì khác, ngay cả khi anh ta sai về phương diện đạo đức, chẳng hạn như tác giả của một bộ phim khiêu dâm. Tôi đã trải qua cả cuộc đời mình dưới chế độ cộng sản, và tôi có thể nói với quý vị rằng một xã hội không có các trọng lượng pháp lý khách quan thì thực sự là một xã hội xấu. Nhưng một xã hội không có những ước thúc khác với những ước thúc của luật pháp thì cũng vô giá trị.”
“Hiện tại,” ông giải thích, “có một ý kiến lan truyền rộng rãi trong giới luật sư rằng luật pháp cao hơn đạo đức. Luật pháp là thứ được xây dựng và phát triển, còn đạo đức là thứ sơ khai và vô định dạng.” Đây không phải là sự thật. Trái lại, đạo đức ở trên luật pháp! Luật pháp là nỗ lực của con người chúng ta để thể hiện, thông qua các quy tắc, một phần của đạo đức – điều luôn ở vị trí cao hơn chúng ta. Chúng ta đang cố gắng hiểu đạo lý này, đưa nó xuống địa cầu và trình bày nó dưới hình thức là luật lệ. Đôi khi chúng ta thành công nhiều hơn, đôi khi ít hơn. Đôi khi chúng ta tạo ra một bức tranh biếm họa về đạo đức, nhưng đạo đức luôn ở trên luật pháp. Sự hiểu biết này không bao giờ được phủ nhận. Chúng ta phải khắc ghi điều này trong trái tim và khối óc của mình.”
____________________________________________
Một xã hội không có các trọng lượng pháp lý khách quan thì thực sự là một xã hội xấu. Nhưng một xã hội không có những ước thúc khác với những ước thúc của luật pháp thì cũng vô giá trị.
____________________________________________
Ông Solzhenitsyn tiếp tục cảnh báo rằng đôi khi lịch sử nhắc nhở phương Tây chống lại sự suy thoái của đạo đức.
Ông nói: “Có những triệu chứng mà lịch sử cảnh báo các xã hội đang có nguy cơ [suy đồi đạo đức]. Ví dụ, cảnh báo về sự suy tàn của nghệ thuật hoặc sự thiếu vắng các nhà tư tưởng vĩ đại.”
Đôi khi những cảnh báo thậm chí rất rõ ràng và hữu hình.
“Khi nền dân chủ và văn hóa của quý vị không có điện chỉ trong vài giờ, một đám đông công dân Mỹ bắt đầu nổi giận và tàn phá,” ông nói thêm.
Ông Solzhenitsyn cảnh báo rằng “các thế lực của tà ác đã bắt đầu cuộc tấn công quyết định của chúng. Quý vị có thể cảm thấy áp lực của chúng, nhưng quảng cáo trên màn hình của quý vị tràn ngập nụ cười và niềm vui. Có gì để vui mừng ở đây?”
Khi con người xem mình là sinh mệnh cao nhất
Trong phần tiếp theo của bài diễn văn của mình, ông Solzhenitsyn chuyển sang “Bánh răng chuyển tải thứ năm” và cảnh báo chống lại vấn đề căn bản của tư duy phương Tây. Ông Solzhenitsyn gọi phần này là “chủ nghĩa nhân văn và hệ quả của nó”. Mục tiêu của ông là chỉ ra nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái xã hội ở phương Tây, và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc nào.
Ông Solzhenitsyn nói:
“Sai lầm nằm ở trọng tâm của tư duy hiện đại. Tôi đang đề cập đến thế giới quan thịnh hành của phương Tây bắt nguồn từ thời Phục Hưng và được thể hiện mang tính chính trị kể từ thời kỳ Khai Sáng (bắt đầu từ giữa đến cuối thế kỷ 17 hoặc sau đó). Nó trở thành cơ sở của các học thuyết chính trị và xã hội ở phương Tây, và bây giờ nó có thể được gọi là ‘chủ nghĩa nhân văn duy lý’ hay ‘chủ nghĩa nhân văn tự chủ’. Quyền tự chủ này của con người bao gồm việc không bị một số thẩm quyền cao hơn đứng trước con người.”
Với quan điểm này, theo ông Solzhenitsyn, con người đứng ở trung tâm. Không phải là linh hồn, không phải là một sinh mệnh cao hơn. Con người là trung tâm của thế giới và được tôn thờ. Nhà văn tin rằng chúng ta đã thu hẹp những điều thuộc về tinh thần và chấp nhận vật chất ở mức độ lớn hơn rất nhiều. Nhờ quyền tự quyết của con người đã trở thành kim chỉ nam cho chúng ta, nên sự tồn tại của cái ác bên trong con người không được thừa nhận, và không có nhiệm vụ nào cao cả hơn việc đạt được hạnh phúc trên Trái Đất. Ý tưởng này đánh dấu sự khởi đầu của nền văn minh phương Tây hiện đại. Những gì vượt ra ngoài sự khỏe mạnh của thân thể và tích lũy của cải vật chất, tất cả các nhu cầu khác của con người và tất cả những gì vượt lên trên con người đều nằm ngoài phạm vi của các hệ thống nhà nước và xã hội.
Ông Solzhenitsyn khẳng định:
“Vì vậy, trong các nền dân chủ sơ khai, chẳng hạn như nền dân chủ Hoa Kỳ lúc mới thành lập, tất cả các quyền con người được trao cho là trên cơ sở nhận thức rằng con người là tạo vật của Chúa. Nói cách khác, tự do được trao cho con người là trong những điều kiện nhất định. Vậy là dưới những điều kiện nào? Không phải là với điều kiện người đó thỏa mãn mọi ý thích bất chợt của mình, mà với điều kiện người đó sử dụng quyền tự do này để tôn vinh tinh thần và đạo đức. Nhưng ngày nay con người đã gần như hoàn toàn giải thoát mình khỏi nhận thức truyền thống này.
Làm thế nào mà tất cả những điều này liên quan đến cái ác đang hoành hành ở phương Tây và đe dọa phương Tây? Ông Solzhenitsyn giải thích rằng “khi chủ nghĩa nhân văn phát triển và ngày càng trở nên duy vật hơn, nó cho phép chủ nghĩa xã hội, và sau này là chủ nghĩa cộng sản, sử dụng các khái niệm của nó.” Đó là lý do tại sao Karl Marx nói rằng chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là “… sự trỗi dậy của chủ nghĩa nhân văn thực tiễn.”
“Một tuyên bố không thể bị gọi là phi logic, vì chính những nền tảng làm nền cho chủ nghĩa nhân văn đang sụp đổ như có thể thấy trong tất cả các loại chủ nghĩa xã hội: chủ nghĩa duy vật vô hạn; từ bỏ tôn giáo và đức tin và tập trung vào các cấu trúc xã hội với cách tiếp cận có vẻ khoa học,” – nhà văn tiếp tục.
____________________________________________
Vì vậy, trong các nền dân chủ sơ khai, chẳng hạn như nền dân chủ Hoa Kỳ lúc mới thành lập, tất cả các quyền con người được trao cho là trên cơ sở nhận thức rằng con người là tạo vật của Chúa.
____________________________________________
Ông Solzhenitsyn giải thích một nền tảng khác của khái niệm nhân văn là thái độ đối với cái ác. Ông Solzhenitsyn phản đối quan điểm nhân văn, theo đó cái ác là một thế lực ở bên ngoài chúng ta, nó nằm trong các hệ thống xã hội khác nhau, và do đó chúng cần được sửa chữa. Ông tin rằng cái ác là một thế lực ẩn sâu trong trái tim và tâm trí của chúng ta. Trong cuốn sách “Ốc Đảo Gulag” ông Solzhenitsyn viết:
“Dần dần tôi thấy rõ ranh giới phân chia thiện và ác không chạy qua lại giữa các quốc gia, không phải giữa các giai cấp, không phải giữa các đảng phái – nó chạy qua lại trong trái tim mỗi người. Ranh giới này là di động, nó dao động trong chúng ta theo năm qua. Ngay cả trong một trái tim ngập chìm trong cái ác, nó vẫn giữ một chỗ nhỏ của cái thiện.”
Cách hiểu này của nhà văn cũng trái ngược với quan niệm của chủ nghĩa Marx, vốn bác bỏ trách nhiệm cá nhân và sự cần thiết phải nhìn vào chính bản thân mình, vào trái tim mình, và chỉ tay ra thứ gì đó bên ngoài mới là tội đồ: các giai cấp, thể chế và các nhóm khác nhau tạo nên xã hội.
Ông Solzhenitsyn nói: “Chúng ta đặt quá nhiều hy vọng vào chính trị và cải cách xã hội, chỉ để thấy rằng trên đường đi, chúng ta đã bị cướp mất ‘tài sản’ quý giá nhất, đó là đời sống tinh thần của chúng ta. Đời sống tinh thần của chúng ta ngày nay đang bị chà đạp bởi đảng [cộng sản] ở phương Đông và bởi thương mại hóa [vật chất] ở phương Tây. Đây là mấu chốt của cuộc khủng hoảng.”
Ông Solzhenitsyn kết luận rằng con người được sinh ra không chỉ để hạnh phúc, mà sứ mệnh của nhân loại trên Địa Cầu “chắc chắn phải mang tính tinh thần hơn: không phải là quay cuồng trong cuộc sống hàng ngày, không phải là tìm kiếm những cách tốt nhất để có được của cải vật chất để tiêu thụ chúng một cách vô lo. Con người được sinh ra là để hoàn thành một nghĩa vụ liên tục và nghiêm túc, để hành trình đời người là trải nghiệm về sự trưởng thành của đạo đức.”
____________________________________________
Con người được sinh ra là để hoàn thành một nghĩa vụ liên tục và nghiêm túc, để hành trình đời người là trải nghiệm về sự trưởng thành của đạo đức.
____________________________________________
Xác nhận lời tiên tri
Nhận xét của ông Solzhenitsyn đã bị chỉ trích nặng nề vào lúc đó. Sử gia Richard Pipes đã viết rằng “xã hội không phải là một hiệp hội với mục đích theo đuổi đạo đức thông thường, bởi vì đạo đức của một người này là sự bất công đối với một người khác; một quan niệm như vậy tất yếu dẫn đến chuyên quyền. Ngược lại, xã hội là môi trường bao dung và kiềm chế lẫn nhau trước những yếu kém của con người.”
Và ông James Reston, một ký giả chuyên mục của The New York Times, đã nhận xét một cách mỉa mai: “Ít nhất [ông Solzhenitsyn] đã được phép nói tất cả những điều này. […] ‘sự ưu việt về tinh thần’ ở Liên Xô có lẽ sẽ không cho phép điều này.”
Mặc dù các nhà phê bình phương Tây tiếp tục công kích ông Solzhenitsyn từ mọi phía, nhưng ông không trả lời họ. Lịch sử của ông với tư cách là một nhà văn bất đồng chính kiến, và việc ông chỉ trích đất nước đã khiến ông phải lưu vong, đã được tận dụng để nghi ngờ quyền lực của ông và làm mất uy tín của ông. Nhưng tất cả những điều này không thay đổi bất cứ thứ gì. Một câu hỏi quan trọng vẫn được đặt ra: quan điểm của ông Solzhenitsyn và những câu hỏi mà ông nêu ra trong các bài diễn văn của mình có đúng không?
Và từ quan điểm này, ngày nay, khoảng 40 năm sau, có thể nói rằng những lời cảnh báo của ông Solzhenitsyn hóa ra là có liên quan, và những lời tiên tri đã trở thành sự thật, ít nhất là một phần. Ông Joseph Pierce, một trong những tác giả cuốn tiểu sử của ông Solzhenitsyn, người đã phỏng vấn ông trước khi ông qua đời vào năm 2008, nói rằng việc chúng ta không nhận ra vấn đề cố hữu của các thuyết về nhân văn, chẳng hạn như việc nhấn mạnh vào quyền tự quyết không giới hạn của cá nhân, sự tôn thờ bản thân và tìm kiếm cái ác trong các thể chế xã hội trụy lạc, đã mở ra cánh cửa cho sự thâm nhập của các lý thuyết tân Marxist. Đây chính là điều mà ông Solzhenitsyn đã cảnh báo. Kết quả là, điều đó dẫn đến sự phá hủy các tư tưởng truyền thống.
Một ví dụ của điều này là “bản sắc chính trị” đã tràn qua xã hội phương Tây. Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp chính, như ở Liên Xô và Trung Quốc (công nhân chống lại giai cấp tư sản), đã được cải biên thông qua “bản sắc chính trị” thành một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn phù hợp với phương Tây: giữa nhiều nhóm bị áp bức (phụ nữ, đồng tính, da màu, Hồi giáo, v.v.) và nhiều kẻ áp bức (người da trắng, giai cấp tư sản, nhà nước, v.v.). Mục tiêu vẫn giữ nguyên: thúc đẩy đấu tranh trong xã hội, bởi vì, theo lý thuyết của Marx, xã hội tiến lên thông qua xung đột giữa các nhóm, cho đến khi đạt đến đỉnh điểm của cuộc đấu tranh trong đó những người bị bóc lột (bị áp bức) giành chiến thắng và thiết lập “chế độ độc tài của giai cấp vô sản.”
____________________________________________
Sự tôn thờ bản thân và tìm kiếm cái ác trong các thể chế xã hội trụy lạc, đã mở ra cánh cửa cho sự thâm nhập của các lý thuyết tân Marxist.
____________________________________________
Ở giai đoạn này, theo cùng một lý thuyết, các giai cấp bị chiếm đoạt (các nhóm bị đàn áp), cùng với các đặc điểm của họ như giới tính, quốc tịch, văn hóa, tôn giáo và địa vị, sẽ dần biến mất cho đến khi xã hội cuối cùng đạt đến trạng thái lý tưởng – một chủ nghĩa cộng sản không tưởng, trong đó không có áp bức, mọi người đều bình đẳng và không có sự khác biệt giữa các nhóm.
Không phải không có lý do, trong bối cảnh của cuộc cách mạng này, người ta thường đề nghị sử dụng ngôn ngữ không phân biệt giới tính để “đoàn kết” mọi người, nam giới và phụ nữ, và loại bỏ các “cấu trúc quyền lực” trong xã hội.
____________________________________________
Ông Pierce nói: “Đây là một cuộc cách mạng dựa trên việc xóa bỏ những giá trị mà nền văn minh của chúng ta luôn dựa vào – những giá trị truyền thống.”
____________________________________________
Ông Charles R. Kessler, giáo sư tại Đại học Claremont, viết: “Bài diễn văn của ông Solzhenitsyn tại Harvard là lời nhắc nhở về những gì phương Tây đã đánh mất và phải lấy lại nếu muốn sống sót qua những thử thách của thời đại chúng ta. Thông điệp của ông ấy một phần là lời cảnh báo, một phần là lời tiên tri, nhưng cũng một phần là lời khích lệ. Thời gian còn lại rất ít để người phương Tây rút ra bài học cho mình, thời gian là không chờ đợi.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Tiếng Nga
Xem thêm: