Có phải Hoa Kỳ đã dàn xếp vụ phá hủy đường ống Nord Stream?
Theo nghiên cứu của ký giả trứ danh người Mỹ Seymour Hersh, Hoa Kỳ và Na Uy phải chịu trách nhiệm cho việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Nếu cáo buộc trên được chứng minh là đúng, thì chính phủ liên bang Đức sẽ phải thay đổi hoàn toàn định hướng địa chính trị của mình.
Ai đã cho nổ đường ống dẫn khí đốt Đức-Nga thuộc dự án Nord Stream ở Biển Baltic hồi cuối tháng 09/2022? Phóng viên huyền thoại 85 tuổi người Mỹ Seymour Hersh đã xác định Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Na Uy là những thủ phạm chính gây ra ba vụ nổ dẫn đến tổng cộng bốn vụ rò rỉ trong các đường ống của các tuyến dẫn khí Nord Stream 1 và 2.
Tuy nhiên, trong bài đăng có nhan đề “Cách Mỹ Loại Bỏ Đường Ống Nord Stream” (“How America Took Out The Nord Stream Pipeline”) trên trang Substack của mình, ông Hersh chỉ đề cập đến một nguồn ẩn danh “duy nhất có kiến thức trực tiếp về việc lập kế hoạch hoạt động” từ bộ máy quyền lực của Hoa Kỳ. Lệnh này được cho là do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra.
Hoa Thịnh Đốn đã phủ nhận mọi liên quan. Phía Na Uy cũng chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào.
Đã sớm trù tính từ tháng 12/2021?
Theo báo cáo của ông Hersh, mà cho đến nay ông mới chỉ công bố trên trang Substack trực tuyến của mình, cuộc tấn công lớn nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Đức kể từ Đệ nhị Thế chiến được cho là đã xảy ra như sau:
Muộn nhất là vào tháng 12/2021, Tổng thống Joe Biden, cũng như Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, và Ngoại trưởng Antony Blinken, được cho là đã cân nhắc cụ thể về việc phá hủy các đường ống. Làm như vậy là để ngăn chặn việc vận chuyển khí đốt từ Nga và do đó chặn hàng tỷ dollar lợi nhuận cho Moscow, đồng thời cắt đứt Đức khỏi nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga. Một hiệu ứng thêm vào sau đó nữa là chính Hoa Kỳ có thể bán nhiều khí đốt hơn cho Đức. Ngoài ra, Tổng thống Biden muốn tước khỏi tay Điện Kremlin một phương tiện gây áp lực đối với Đức và Tây Âu mà Moscow có thể đã sử dụng để giảm bớt sự can dự của các nước này vào cuộc chiến ở Ukraine.
Theo ông Hersh, vấn đề đối với Tòa Bạch Ốc sẽ sớm không còn là về việc liệu có nên tiến hành việc đó hay không mà chỉ còn là nên tiến hành việc đó như thế nào. Đặc biệt là câu hỏi về việc làm thế nào để có thể tấn công mà không bị phát hiện. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken, và Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đã tham gia bàn thảo các kế hoạch, ông Hersh viết. Mọi người đều hiểu rõ rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ được xem như “một hành động chiến tranh.” Giám đốc CIA William Burns đã tập hợp một nhóm công tác để lên kế hoạch và tổ chức phá hủy các đường ống mà không bị phát hiện.
Theo nguồn tin ẩn danh, hồi tháng 03/2022, các thành viên của nhóm công tác này đã gặp gỡ cơ quan mật vụ và hải quân địa phương của Na Uy. Trong buổi gặp này, hải quân Na Uy đã đề nghị một địa điểm thích hợp gần đảo Bornholm làm địa điểm tấn công.
Tháng 06/2022, các thợ lặn của Hải quân Hoa Kỳ được cho là đã lắp đặt các thiết bị nổ trên các đường ống theo lệnh của Tổng thống Biden. Trên thực tế, hôm 14/06/2022, tạp chí Seapower của Hải quân Hoa Kỳ đã đưa tin về cuộc tập trận truyền thống quy mô lớn BaltOps của lực lượng này, diễn ra gần các bãi nổ từ ngày 05-17/06/2022 — với lý do chính thức là “để thử nghiệm công nghệ mới.” Theo NATO, “16 quốc gia” đã tham gia, cụ thể là “14 đồng minh NATO và 2 quốc gia đối tác,” với hơn “45 tàu, hơn 75 phi cơ, và 7,000 nhân viên.”
Theo ông Hersh, Tổng thống Joe Biden ban đầu đã muốn phá hủy các đường ống dẫn khí đốt 48 giờ ngay sau khi cuộc tập trận kết thúc — nhưng sau đó sợ rằng dư luận sẽ nghi ngờ hành động này có thể liên quan đến cuộc tập trận của NATO. Vì vậy, Tòa Bạch Ốc đã đề nghị một giải pháp kích nổ chậm bằng các kíp nổ từ xa. Các cơ quan mật vụ Hoa Kỳ CIA và NSA đã tham gia vào tất cả những hành động này mà không thông báo gì cho Quốc hội Hoa Kỳ.
Các thiết bị nổ được lắp đặt sẵn từ trước cuối cùng đã được kích nổ vào ngày 26/09/2022 với sự trợ giúp của Na Uy. Để thực hiện nhiệm vụ này, trước khi các vụ nổ xảy ra, một trinh sát cơ của Na Uy đã đặt một thiết bị định vị thủy âm, ông Hersh giải thích.
Gần như ngay sau đó, vào hôm 27/09/2022, Ba Lan, Đan Mạch, và Na Uy đã nhanh chóng đưa đường ống dẫn khí đốt mới Baltic Pipe của họ vào hoạt động. Khí đốt của khu vực Scandinavia hiện đang chảy qua đường ống này đến Ba Lan.
Na Uy, Đan Mạch, và Thụy Điển đã biết những gì?
Như ông Hersh đã viết, Na Uy tham gia vì với tư cách là một thành viên khối NATO, Oslo có quan hệ quân sự tốt với Hoa Kỳ và có trách nhiệm đền đáp sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ. Ngoài ra, sau khi các đường ống Đức-Nga bị phá hủy, Na Uy có thể bán khí đốt tự nhiên của mình sang Châu Âu một cách dễ dàng hơn.
Ông Hersh viết, trích dẫn nguồn tin ẩn danh của mình rằng Đan Mạch và Thụy Điển đã được chính phủ Hoa Kỳ thông báo trước là “các hoạt động lặn” có thể diễn ra gần khu vực Biển Baltic của họ. Không có thêm thông tin chi tiết nào được cung cấp cho Copenhagen và Stockholm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ yêu cầu hai nước nên giữ im lặng. Vào thời điểm đó, không khó để Hoa Kỳ đạt được sự im lặng của hai nước: Đan Mạch cũng là một phần của NATO và cũng duy trì một “cộng đồng tình báo với Vương quốc Anh.” Còn Thụy Điển vừa nộp đơn xin gia nhập NATO.
Hoa Kỳ: Cáo buộc ‘hoàn toàn sai sự thật’
Hôm 08/02, theo thông tin từ tờ Die Welt, một phát ngôn viên cho cơ quan tình báo hải ngoại CIA của Mỹ đã dứt khoát bác bỏ cáo buộc của ông Hersh: “Câu chuyện này hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn là bịa đặt.” Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cũng nói chính những lời này về thông tin của ông Hersh: “Đây hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn là bịa đặt.” Trước các cáo buộc tương tự về việc Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về các vụ nổ giống như cáo buộc của ông Hersh, Tòa Bạch Ốc trước đó đã đáp lại với gợi ý rằng những lời buộc tội đó có liên quan đến “tin giả của Nga.”
Theo nhận định của giám đốc vận hành Nord Stream phía bên Đức, ông Matthias Warnig, người mà theo một bài báo trên Die Zeit, được xem là thân cận với Tổng thống Vladimir Putin hơn bất kỳ ai khác ở phương Tây, thì Vương quốc Anh cũng có thể đứng sau vụ tấn công này.
Theo một bài báo trên tờ Deutsche Wirtschaftsnachrichten, Nga cũng nghi ngờ rằng ít nhất thì London có thể đã tham gia. Hôm 30/09/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc các cường quốc “Anglo-Saxon” chịu trách nhiệm cho các vụ nổ tại các đường ống Nord Stream. Bộ Quốc phòng Anh đã giải thích những cáo buộc từ Moscow vào cuối tháng Mười bằng cách nói rằng Nga muốn “đánh lạc hướng khỏi những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine.”
Ngược lại, trước bài viết của ông Hersh, Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải trả lời các câu hỏi, tờ Nordkurier cho biết.
Nga bị nghi ngờ ngay sau vụ tấn công
Một điều rõ ràng sau các cuộc tấn công ngày 26/09/2022, rằng vụ tấn công này phải được thực hiện bằng những nỗ lực to lớn về hậu cần và kỹ thuật, điều mà không một cá nhân khủng bố nào có thể thực hiện, mà phải là do chính quyền đứng sau. Nga đã nhanh chóng bị nhiều chính trị gia quốc tế coi là nghi phạm chính, chẳng hạn như Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, theo thông tin từ hãng thông tấn Reuters. Các lập luận chính: Nga muốn làm suy yếu Đức và Châu Âu qua việc cắt nguồn cung cấp khí đốt đồng thời làm suy yếu quyết tâm ủng hộ Ukraine của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Morgenmagazin của đài truyền hình công cộng Đức ARD hôm 29/09/2022, ông Roderich Kiesewetter (CDU), thành viên ủy ban kiểm soát các cơ quan tình báo của Nghị viện Đức (Bundestag), cho biết ông nghĩ “rõ ràng” là hành động phá hoại có thể do Nga thực hiện. Một ngày trước đó, tờ The Times của Anh đã suy đoán rằng “Nga có thể đã bí mật thả một thiết bị không người lái dưới nước mang theo chất nổ vào các điểm khác nhau trong đường ống,” như n-tv.de đã đưa tin. Vào thời điểm đó, chính phủ Ukraine cũng cho rằng đó là một “cuộc tấn công khủng bố” của Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó đã bác bỏ những cáo buộc như vậy là “ngu ngốc và phi lý.” The Washington Post đưa tin hôm 22/12/2022 rằng không có “bằng chứng thuyết phục” nào cho thấy Nga có liên quan đến các vụ nổ. Tờ báo dẫn lời một quan chức Châu Âu và “23 quan chức ngoại giao và tình báo ở 9 quốc gia” cũng có kết luận tương tự. Tuy nhiên, Washington Post cho biết Nga vẫn là “một nghi phạm chính.”
Tuy nhiên, một tháng rưỡi sau, Tổng Chưởng lý Đức Peter Frank vẫn không có bằng chứng nào về việc Nga có liên quan đến vụ việc này. Điều này đã được nhiều báo đưa tin, trong đó có tờ Die Welt gần đây nhất vào ngày 04/02/2023. Tuy nhiên, các cuộc điều tra của Cảnh sát Liên bang và Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức vẫn đang tiếp diễn, ông Frank nhấn mạnh.
Im lặng vì ‘lợi ích quốc gia’
Những tuyên bố của ông Frank đã được chờ đợi từ lâu: sau khi Thụy Điển thông báo cho chính phủ Đức về tình hình điều tra của họ vài tuần sau vụ tấn công, chính phủ Đức đã ra lệnh không công khai những điều này.
Những phát hiện kể trên là những thông tin phải tuân theo “các hạn chế của ‘quy tắc bên thứ ba’” và do đó ảnh hưởng đến “việc trao đổi thông tin quốc tế giữa các cơ quan tình báo.” “Nhiều thông tin hơn sẽ không được cung cấp vì lý do lợi ích quốc gia — thậm chí là ngay cả khi không ở dạng mật,” là câu trả lời của chính phủ liên bang Đức đối với yêu cầu tương ứng từ nghị viên Đảng Cánh Tả Đức (Die Linke) Zaklin Nastic. Hôm 01/11/2022, Đảng Sự Lựa Chọn Khác Cho Nước Đức (AfD) cũng đệ trình một bảng câu hỏi (pdf) cho chính phủ liên minh gồm Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP), và Đảng Xanh (Bündnis 90/Die Grünen). Theo thông tin từ linkezeitung.de, chính phủ đã từ chối trả lời 18 trong số 55 câu hỏi của AfD, một lần nữa viện dẫn lý do “mối quan tâm về việc giữ bí mật” của mình.
Vậy giờ đây có những yếu tố nào cho thấy sự chủ mưu hoặc đồng lõa của Hoa Kỳ? Theo thông tin từ nhiều hãng thông tấn khác nhau, nếu quý vị tuân theo nguyên tắc “Cui bono” (“Ai được hưởng lợi từ hành động đó?”) thì:
- Ngay từ ngày 27/01/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã tuyên bố rằng “Nếu Nga xâm lược Ukraine, thì bằng cách này hay cách khác, Nord Stream 2 sẽ không thể tiếp tục tiến hành.” Phát ngôn của bà đã được cổng thông tin trực tuyến Jouwatch đưa tin.
- Ngày 07/02/2022, trong chuyến công du tới Hoa Thịnh Đốn của Thủ tướng Olaf Scholz (SPD), Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “sẽ không còn Nord Stream 2 nào nữa” nếu Nga xâm lược Ukraine. “Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho dự án này,” ông Biden hứa.
- Hai ngày trước khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, cụ thể là vào ngày 22/02/2022, chính phủ liên bang Đức đã dừng quá trình cấp giấy phép cho đường ống hoàn toàn mới Nord Stream 2 — như một phản ứng chính thức “đối với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận sự độc lập của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.”
- Một ngày sau vụ nổ, hôm 27/09/2022, Nghị viên Ba Lan Radek Sikorski đã tweet một bức ảnh về mặt nước biển nhiễu động với dòng chữ “Cảm ơn, Hoa Kỳ.” Ngay sau đó, ông được cho là đã xóa tweet trên. Theo Jouwatch, ông Sikorski đã kết hôn với biên tập viên Anne Applebaum của tờ The Atlantic. Cả hai đều được xem là “những người có lập trường cứng rắn trong cuộc chiến Ukraine.”
- Theo Jouwatch, vào ngày 30/09/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gọi cuộc tấn công là “một cơ hội to lớn để loại bỏ một lần và mãi mãi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và từ đó tước khỏi tay Tổng thống Vladimir Putin khả năng vũ khí hóa năng lượng như một phương tiện để thúc đẩy các kế hoạch đế quốc của ông ta.”
- Theo Express.at, vào ngày 30/10/2022, tin tặc nổi tiếng quốc tế Kim “Dotcom” Schmitz đã tweet tuyên bố rằng cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã gửi một tin nhắn tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken không lâu sau khi các vụ nổ xảy ra. Nội dung tin nhắn ghi là “Việc đó đã được thực hiện xong” (“It’s done”).
- Ký giả Hersh báo cáo rằng hồi cuối tháng 01/2023, tại một phiên điều trần của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ, Thứ trưởng Victoria Nuland đã nhấn mạnh rằng bà rất vui vì giờ đây Nord Stream 2 đã là “một khối kim loại dưới đáy biển.”
Vậy thủ phạm là ai? Như tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Agatha Christie
Không thể phủ nhận rằng Hoa Kỳ, cũng như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Vương quốc Anh, các nước vùng Baltic, và cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là Ukraine, và cả các quốc gia khác nữa có thể có một phần lợi ích chung, một phần lợi ích riêng đối với việc ngăn chặn hoạt động giao hàng từ Nord Stream đến Đức. Điều này đã được cổng thông tin Thụy Sĩ watson.ch khẳng định ngay sau vụ nổ.
Đảng Xanh cũng luôn vận động chống lại các đường ống dẫn khí đốt cho “quốc gia chuyển đổi năng lượng” Đức: chẳng hạn như NDR đã đưa tin, Ngoại trưởng Annalena Baerbock vẫn luôn muốn ngăn đưa Nord Stream 2 vào vận hành hồi tháng 10/2021. Tuy nhiên sau đó, bà Baerbock đã trở nên sẵn sàng thỏa hiệp hơn trước khi Thủ tướng Scholz chấp nhận tạm dừng dự án này hồi tháng 02/2022.
Đến ngày 26/09/2022 thì mọi chuyện trở thành sự đã rồi ở Biển Baltic. Mặt khác, nếu không thì Nga sẽ gây hại không chỉ cho Đức và Châu Âu, mà còn cho chính bản thân nước này. Bởi vì các đường ống cũng thuộc về Nga và thị trường bán hàng cho Đức được xem là một thị trường béo bở.
Theo thông tin từ Deutschen Wirtschaftsnachrichten, các đường ống ngầm Nord Stream 1 và 2 dài hơn 1,200 km có thể cung cấp 110 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Đức nếu được giữ nguyên vẹn. Con số này tương ứng với hơn 50% “khối lượng xuất cảng khí đốt thông thường của Nga.”
Ngày nay, về căn bản chỉ có một đoạn Nord Stream 2 duy nhất có khả năng vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức. Nhưng cả Đức và Nga đều đang cương quyết bác bỏ việc giao hàng — vì sự phản đối của mỗi bên trong cuộc chiến Ukraine. Gần đây nhất, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị cung cấp khí đốt cho Đức vào giữa tháng 10/2022 thông qua đoạn đường ống Nord Stream 2 vẫn còn nguyên vẹn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.