NATO hành động để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển bị Nga nhắm đến
Hôm thứ Sáu (16/06), NATO cho biết họ đang hành động để bảo vệ các đường ống và dây cáp dưới biển. Đây dường như là một phản ứng đối với nhận xét gần đây của một lãnh đạo cao cấp Nga, người tuyên bố rằng sẽ là công bằng nếu Nga cắt đứt hoạt động truyền dữ liệu dưới biển của đối thủ.
Nói tại một cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở chính của liên minh quân sự này ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Nga có “năng lực để biết được vị trí cụ thể, nhưng cũng sở hữu cả khả năng tiến hành các hành động chống lại cơ sở hạ tầng quan trọng” ở ngoài khơi châu Âu.
“Đây là về đường ống dẫn khí đốt, đường ống dẫn dầu, nhưng không kém phần quan trọng là hàng ngàn km cáp internet, vốn rất quan trọng đối với xã hội hiện đại của chúng ta — đối với giao dịch tài chính, đối với thông tin liên lạc,” ông nói thêm. “Đây là ở Biển Bắc, Biển Baltic, nhưng [cũng] là ở trên toàn bộ Đại Tây Dương, Biển Địa Trung Hải.”
Ông Stoltenberg cho biết để giải quyết mối đe dọa này, NATO đang thành lập một trung tâm chỉ huy mới có nhiệm vụ giám sát các mối đe dọa và tấn công vào cơ sở hạ tầng dưới biển trong vùng biển của NATO. Trung tâm này sẽ được mở tại Northwood, một vùng ngoại ô của London.
“Không đời nào chúng ta có thể có sự hiện diện của NATO [trên] mỗi một km trong toàn bộ hàng ngàn km cơ sở hạ tầng dưới đáy biển, ngoài khơi này. Nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn việc thu thập thông tin, tình báo, chia sẻ thông tin, kết nối các điểm, bởi vì trong khu vực tư nhân cũng có rất nhiều thông tin.”
Vụ phá hoại đường ống Nord Stream
Thông báo hôm thứ Sáu được đưa ra hai ngày sau khi ông Dimitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, quy kết cho các quốc gia phương Tây về vụ phá hoại đường ống Nord Stream, nói rằng không có lý do gì để Nga không làm điều tương tự để trả đũa.
“Giờ đây khi sự đồng lõa của các quốc gia phương Tây để phá hoại các đường ống Nord Stream đã được chứng minh, thì không nên có bất kỳ ràng buộc nào, kể cả những ràng buộc về mặt đạo đức, đối với chúng tôi để ngăn cản chúng tôi phá hủy hệ thống cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển của đối thủ,” ông Medvedev viết trên kênh Telegram của mình, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.
Vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công hồi tháng Chín năm ngoái nhắm vào các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới biển trị giá hàng tỷ dollar từ Nga đến Đức. Nhưng Nga đã nhanh chóng chỉ tay vào Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.
Vài ngày sau các vụ nổ, trong một bài diễn văn tại Điện Kremlin đánh dấu việc sáp nhập bốn khu vực ở miền đông Ukraine, ông Putin cho biết, “Các biện pháp trừng phạt là không đủ đối với phương Tây, nên họ đã chuyển sang phá hoại. Thật khó tin, nhưng đó là sự thật!” “Bằng cách tạo ra các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt quốc tế Nord Stream chạy dọc theo đáy biển Baltic, họ thực sự đã bắt đầu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu.”
Hoa Kỳ đã phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công đường ống này, mặc dù Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận vụ việc mang đến “cơ hội rất lớn” cho các quốc gia châu Âu từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga.
“Đây là một cơ hội to lớn để loại bỏ một lần và mãi mãi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và từ đó tước khỏi tay Tổng thống Vladimir Putin khả năng vũ khí hóa năng lượng như một phương tiện để thúc đẩy các kế hoạch đế quốc của ông ta,” ông Blinken nói. “Điều đó rất có ý nghĩa và mang lại cơ hội chiến lược to lớn cho những năm tới.”
Những người suy đoán rằng cuộc tấn công này là hành động của Hoa Kỳ cũng trích dẫn nhận xét của Tổng thống (TT) Joe Biden ngay trước khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraine. Trình bày cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Biden tuyên bố sẽ không có Nord Stream 2 nào nữa nếu chiến tranh nổ ra.
“Nếu Nga xâm lược — điều đó có nghĩa là xe tăng hoặc quân đội lại băng qua biên giới Ukraine … thì sẽ không còn Nord Stream 2 nào nữa. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho dự án này,” ông nói, và nói thêm, “Tôi hứa với quý vị, chúng ta sẽ làm được.”
Hồi tháng Hai, ký giả điều tra Seymour Hersh đã đăng trên blog của ông một bài viết nói rằng cuộc tấn công này do các thợ lặn của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện trong một chiến dịch được TT Biden ra lệnh. Ông Hersh, người nổi tiếng với phóng sự đoạt giải Pulitzer phơi bày vụ thảm sát Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam, cho biết nguồn tin của ông “có kiến thức trực tiếp về việc lập kế hoạch hoạt động.”
Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ những tuyên bố như vậy, gọi chúng là “hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn là hư cấu.”
Gần đây hơn, hồi tháng Ba, New York Times và tờ Die Zeit của Đức đưa tin rằng các quan chức tình báo của Hoa Kỳ và châu Âu đã nhận được thông tin tình báo sơ bộ cho thấy một nhóm phá hoại thân Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công vào các đường ống này.