Cuộc chiến phi cơ không người lái: UAV có ảnh hưởng lớn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine
Theo các quan chức, vào sáng hôm 21/06, lực lượng phòng không Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái — lần thứ ba trong hai tháng — ngay bên ngoài địa phận Moscow.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ba phi cơ không người lái của Ukraine đã bị phá hủy sau khi tiếp cận các cơ sở nhạy cảm ở khu vực Moscow.
Báo chí Nga sau đó đưa tin rằng cuộc tấn công trên là nhằm vào một sư đoàn bộ binh Nga đóng cách Điện Kremlin chỉ 35 dặm (khoảng 56 km).
The Epoch Times không thể kiểm chứng những khẳng định này của Moscow. Trong khi đó, Kyiv bác bỏ các cáo buộc rằng họ là tác nhân trong vụ việc này.
Tuy nhiên, câu chuyện này làm nổi bật vai trò trung tâm ngày càng tăng của phi cơ không người lái trong cuộc xung đột Nga-Ukraine vốn sắp bước sang tháng thứ 16.
“Phi cơ không người lái đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột trước đây, đặc biệt là cuộc chiến năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan,” ông Abdullah Agar, một nhà bình luận quân sự nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times.
Ông nói: “Tuy nhiên, loại vũ khí này chưa bao giờ được sử dụng rộng rãi — hoặc trên một chiến trường rộng lớn như vậy — như trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.”
Theo ông Agar, một cựu sĩ quan Lực lượng Đặc nhiệm, cuộc chiến này đã cách mạng hóa công nghệ và chiến thuật của phi cơ không người lái, “làm thay đổi cách chiến đấu của các cuộc xung đột hiện đại.”
Chiến thuật biến hóa khôn lường
Phi cơ không người lái (UAV) thực hiện một loạt các chức năng quan trọng trên chiến trường, cung cấp các hình ảnh thời gian thực từ tiền tuyến và chuyển tiếp thông tin tình báo giúp ích cho quá trình ra quyết định trở lại cho những người vận hành thiết bị này.
Các phi cơ này cũng đóng những vai trò quan trọng trong quá trình tác chiến, chẳng hạn như tấn công các mục tiêu phía sau chiến tuyến của kẻ thù, vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng và các xe quân sự, đồng thời ám sát các thủ lĩnh của quân địch.
“Phi cơ không người lái có các chức năng và khả năng khác nhau,” ông Agar cho biết. “Các phi cơ này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích chiến trường — chiến thuật, tác chiến, và chiến lược.”
Cùng ngày xảy ra vụ việc ở Moscow, một phi cơ không người lái của Israel đã sát hại ba chiến binh Palestine ở Bờ Tây sau một cuộc tấn công trước đó vốn đã khiến bốn người định cư Israel thiệt mạng.
Quân đội Hoa Kỳ đã thử nghiệm công nghệ phi cơ không người lái từ những năm 1930 khi bắt đầu vận hành phi cơ được điều khiển bằng sóng vô tuyến từ xa. Trong chín thập niên kể từ đó, công nghệ cũng như các chiến thuật [sử dụng] phi cơ không người lái — đã phát triển vượt bậc.
Việc sử dụng phi cơ không người lái chiến đấu trở nên phổ biến trong “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu, sau vụ tấn công 11/09 năm 2001.
Trong giai đoạn này, phi cơ không người lái tầm trung đã được khai triển trong các cuộc xung đột phi đối xứng ở những nơi như Yemen và Afghanistan, chống lại những kẻ thù thiếu khả năng phòng không hiệu quả.
Ông Agar cho biết: “Phi cơ không người lái có thể được sử dụng rất hiệu quả khi hệ thống phòng không của kẻ thù yếu hoặc không tồn tại.”
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, vũ khí này không hiệu quả lắm trước các hệ thống phòng không có năng lực, vì loại phi cơ này là những mục tiêu dễ nhắm vào.”
Các biện pháp phản công
Khi quân đội Nga lần đầu tiên tiến vào Ukraine hồi đầu năm 2022, việc thiếu sự yểm trợ trên không khiến họ dễ bị các UAV tầm trung của Kyiv tấn công, đặc biệt là phi cơ không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Tuy nhiên, kể từ đó, quân đội Nga đã củng cố các vị trí tiền tuyến của họ và xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả với phi cơ không người lái của Ukraine.
“Ban đầu, người Nga hoàn toàn không được chuẩn bị tinh thần đối với các phi cơ Bayraktar,” ông Agar nói.
“Tuy nhiên, họ đã trở nên thành thạo hơn nhiều trong các kỹ thuật gây nhiễu điện tử và đã học được cách vô hiệu hóa các phi cơ không người lái tầm trung,” ông nói thêm.
Theo Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute), một viện nghiên cứu chính sách của Vương quốc Anh chuyên về các vấn đề an ninh, Ukraine hiện đang mất khoảng 10,000 phi cơ không người lái mỗi tháng trên chiến trường.
Trong khi đó, Nga đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ phi cơ không người lái kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, đồng thời thực hiện một số cải tiến đáng chú ý cho hạm đội UAV có vũ trang của mình.
Hạm đội này bao gồm phi cơ không người lái tấn công lớp Lancet, đã phát triển nhanh chóng — về phạm vi hoạt động, độ bền, và kích thước trọng tải — kể từ khi ra mắt chiến trường vào mùa hè năm ngoái.
Giờ đây, từ phía sau các phòng tuyến kiên cố, quân đội Nga đang dựa vào phi cơ không người lái để ngăn chặn một cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine cuối cùng đã bắt đầu hồi đầu tháng này.
Sau một cuộc đụng độ gần đây ở khu vực Zaporizhzhia, Moscow đã công bố đoạn video cho thấy hệ thống phòng không IRIS-T tân tiến bị phi cơ không người lái của Nga tấn công.
Các nhà bình luận Nga đã nói rằng hệ thống IRIS-T, vừa mới được Đức chuyển giao cho Ukraine, đã bị phiên bản mới nhất của Lancet là Lancet-3, tấn công.
Tuy nhiên, Kyiv vẫn chưa xác nhận việc mất hệ thống phòng không này.
Hệ thống phòng thủ dần cạn kiệt
Hồi tháng Mười năm ngoái, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine.
Trong khi Kyiv nói rằng các cuộc tấn công này cấu thành nên tội ác chiến tranh, thì Moscow lại lập luận rằng họ đang sử dụng các loại vũ khí chính xác để tránh thương vong cho thường dân.
Thường được tiến hành theo từng đợt, các cuộc tấn công này phụ thuộc rất nhiều vào phi cơ không người lái “Kamikaze,” như chiếc Shahed-136 do Iran sản xuất, vốn sẽ phát nổ khi đâm trúng các mục tiêu.
Nga đã phát động một chiến dịch tấn công mới hôm 20/06, nhắm vào cả Kyiv lẫn thành phố Lviv ở phía tây. Theo các quan chức Ukraine, cuộc tấn công mới nhất này bao gồm 30 phi cơ không người lái Shahed, 28 trong số đó đã bị bắn hạ thành công.
Về phần mình, Moscow cáo buộc Kyiv phóng đại tính hiệu quả của hệ thống phòng không của nước này.
Việc sử dụng rộng rãi phi cơ không người lái trong các cuộc tấn công này vừa cho phép những người điều khiển Nga phát hiện ra những kẽ hở trong hệ thống phòng không của Ukraine vừa buộc phía phòng thủ phải vắt kiệt nguồn cung cấp đạn dược.
Về vấn đề này, theo ông Agar, các phi cơ không người lái có một “tỷ lệ chi phí-lợi ích tuyệt vời.”
Ông giải thích: “Quân địch buộc phải sử dụng các hệ thống phòng không đắt đỏ để vô hiệu hóa các phi cơ không người lái ít tốn kém hơn nhiều.”
“Đó là lý do tại sao các đồng minh của Kyiv đang cung cấp các hệ thống phòng không tân tiến,” ông nói thêm. “Để ngăn chặn các UAV tân tiến, quý vị cần có hệ thống phòng không tân tiến.”
Phi cơ không người lái trên bầu trời Moscow
Tuy nhiên, người Nga không phải là những người duy nhất sử dụng hiệu quả các chiến đấu cơ không người lái.
“Người Ukraine cũng phụ thuộc rất nhiều vào UAV,” ông Agar nói. “Cùng với Bayraktar, họ đang sử dụng phi cơ không người lái Switchblade do Hoa Kỳ sản xuất và phi cơ không người lái do Vương quốc Anh cung cấp.”
Giai đoạn mở đầu của cuộc xung đột này đa phần được chi phối bởi việc sử dụng các chiến đấu cơ không người lái tầm trung. Tuy nhiên, khi Nga học được cách ứng phó với những điều này, thì Kyiv đã chuyển sang sử dụng các UAV nhỏ hơn, trong đó có nhiều chiếc dành cho mục đích dân sự.
Ông Agar cho biết: “Người Ukraine thường sử dụng các phi cơ không người lái giá rẻ, có sẵn trên thị trường, mà họ tự chế bằng cách cho thêm một trọng tải có thể phát nổ.”
“Tuy nhiên, những thiết bị này hoạt động kém khi đối mặt với hệ thống phòng không mạnh hoặc hệ thống gây nhiễu hiệu quả,” ông nói thêm.
Trong một số trường hợp, UAV đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Đáng chú ý, cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái hồi tuần này ở Moscow không phải là lần đầu tiên.
Hôm 03/05, chính Điện Kremlin đã bị hai phi cơ không người lái đang lao tới đe dọa trong chóng vánh. Chưa đầy một tháng sau, ba tòa nhà dân cư ở Moscow bị hư hại sau khi bị một nhóm UAV tấn công.
Nga đổ lỗi cả hai cuộc tấn công đó cho Kyiv, mà như thường lệ phía Kyiv vẫn phủ nhận mọi sự liên can của mình.
Về phần mình, ông Agar tin rằng các phi cơ không người lái đã đe dọa Moscow không có nguồn gốc từ Ukraine.
Ông nói: “Kyiv thường sử dụng phi cơ không người lái tầm ngắn hơn, và những thiết bị đó không thể tiếp cận thủ đô của Nga,” đồng thời cho biết thêm rằng vũ khí này rất có thể được phóng từ “một nơi nào đó bên trong lãnh thổ Nga.”
Đơn giản là vì kinh tế
Moscow không phải là mục tiêu duy nhất của các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái tầm xa trong những tháng gần đây.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, ba căn cứ không quân — tất cả đều nằm trong lãnh thổ Nga — đã bị UAV tấn công. Một số quân nhân thiệt mạng và một số phi cơ bị hư hại, trong đó có một số được trang bị các loại vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Kyiv từ chối nhận trách nhiệm, nhưng các cuộc tấn công trên đã được giới chức Ukraine ca ngợi.
Hồi tháng trước, các lực lượng thân Ukraine đã tổ chức một cuộc tấn công chóng vánh xuyên biên giới vào khu vực Belgorod của Nga. Theo các quan chức Nga, những người tấn công đã sử dụng phi cơ không người lái “bốn cánh quạt” (quadcopter) thương mại nhỏ để thả chất nổ vào các mục tiêu.
Ngoài ra, cũng không phải tất cả các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái nhằm vào Nga đều được thực hiện trên không.
Hồi tháng Mười năm ngoái, cảng Sevastopol — nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga — đã bị các phi cơ không người lái cả trên không và dưới nước tấn công, làm hư hại một tàu quét mìn.
Vào thời điểm đó, Moscow đã cáo buộc Kyiv dàn dựng vụ tấn công này với sự giúp đỡ của “các chuyên gia Anh” — một cáo buộc mà London đã phản đối mạnh mẽ.
Một cuộc tấn công tương tự vào Sevastopol, lần này có sự tham gia của xuồng cao tốc không người lái, đã bị lực lượng hải quân Nga đẩy lùi hồi tháng Tư.
Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang tích cực thiết kế và chế tạo các phi cơ không người lái tấn công mới của riêng mình.
Hôm 20/06, Ukroboronprom, tập đoàn sản xuất vũ khí quốc doanh của Ukraine, cho biết họ đã thử nghiệm thành công một UAV mới với phạm vi hoạt động là 620 dặm (khoảng 1000 km) và tải trọng là 75 kg.
Ông Agar cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều vào phi cơ không người lái — của cả hai bên — đơn giản là vì lý do kinh tế.
“Nga có một kho vũ khí chiến lược rất lớn, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo,” ông cho hay. “Tuy nhiên, những thứ này rất đắt và rất khó thay thế.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times