Hoa Kỳ quyết định gửi ‘bom chùm’ tới Ukraine
Hoa Kỳ sẽ gửi loại vũ khí gọi là “bom chùm” tới Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra để đánh lui các lực lượng Nga ra khỏi nước này.
Trình bày từ Tòa Bạch Ốc hôm 07/07, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Tổng thống (TT) Joe Biden đã trì hoãn quyết định này càng lâu càng tốt.
Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo quốc tế và xem xét tình hình trên thực địa, ông quyết định ký lệnh cung cấp cho quân đội Ukraine vũ khí mà họ yêu cầu.
“Chúng tôi tiếp tục sát cánh cùng người dân Ukraine khi họ bảo vệ chủ quyền của họ, tự do của họ, và dân chủ của họ,” ông nói.
Sau khi được khai hỏa, đầu đạn bom chùm sẽ bung ra giữa không trung và thả những quả bom nhỏ làm bằng thép trên một khu vực rộng để tấn công đồng thời nhiều mục tiêu. Đạn dược loại này có thể được bắn từ phi cơ, pháo binh, và hỏa tiễn.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức nhân đạo khác đã phản đối loại thiết bị này vì một số quả bom nhỏ trong đó không phát nổ khi được khai triển. Những quả đạn chưa nổ này gây nguy hiểm cho dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Ông Sullivan cho biết người ta ước tính rằng các lực lượng Nga đã rải “hàng chục triệu” quả bom nhỏ như vậy trong nỗ lực chiếm lấy Ukraine. Ông nói rằng “tỷ lệ bom không nổ,” số lượng bom không phát nổ, là từ 30 đến 40 phần trăm.
Ông Sullivan nói rằng xét đến mối nguy hiểm hiện hữu từ các quả bom nhỏ của Nga, thì quyết định được đưa ra là người Ukraine có quyền bảo vệ vùng đất của họ bằng bất kỳ loại vũ khí nào mà họ cho là cần thiết.
Ông nói, “Điều đó không làm cho việc này trở thành một quyết định dễ dàng.”
Ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đặc trách Chính sách, cho biết các loại đạn dược của Hoa Kỳ có tỷ lệ rỗng là 2.5%.
Ông Kahl cho biết Hoa Kỳ sẽ gửi đạn pháo tiêu chuẩn 105 mm và Đạn Thông thường được Cải tiến cho Mục đích Kép (DPICM).
DPICM là bom chùm bắn từ pháo binh.
Những người ủng hộ việc cấm bom chùm nói rằng vô số thường dân, bao gồm cả trẻ em, đã bị thương và thiệt mạng bởi những quả bom nhỏ chưa nổ.
Ông Sullivan cho biết mối nguy hiểm đối với dân thường Ukraine sẽ tăng lên nếu không làm gì.
Hơn 100 quốc gia, bao gồm cả một vài thành viên NATO, tham gia Công ước về Bom Đạn Chùm (CCM).
Ngày 03/12/2008, những quốc gia này đã ký một thỏa thuận tại Oslo, Na Uy.
Theo trang web của CCM, “Công ước về Bom Đạn Chùm là một hiệp ước quốc tế của hơn 100 quốc gia. Công ước nghiêm cấm mọi hoạt động sử dụng, sản xuất, vận chuyển, và dự trữ bom, bom chùm.”
Hoa Kỳ và Nga không tham gia CCM.
Ông Sullivan cho biết một vài quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch này.
Ông tuyên bố rằng mặc dù các thành viên của công ước CCM, chẳng hạn như Đức, đã bày tỏ sự thất vọng trước tình hình này, nhưng họ không lên án rõ ràng việc chuyển giao.
Ông nói rằng rõ ràng là Nga đã làm sai và người Ukraine chỉ đơn giản là đang cố gắng tự vệ.
Ông nói: “Cũng có nguy cơ gây dân thường bị hại nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine và chiếm thêm lãnh thổ.”
Ông Kahl cho biết các loại đạn được gửi đi này mới hơn và đáng tin cậy hơn so với những loại được sử dụng trong các cuộc xung đột trước đây.
Ông cho biết tỷ lệ hỏng của các loại đạn mới đã giảm xuống còn 2.5%.
Ông nói thêm rằng người Ukraine sẽ phải ứng phó với bom chùm ngay cả khi Hoa Kỳ không có hành động nào.
Đạn chùm vốn đã là một vấn đề
Ông Kahl nói: “Dù gì thì đây là một vấn đề mà người Ukraine sẽ phải đối phó.”
Quân đội Ukraine đã đồng ý hạn chế sử dụng loại đạn này ở các khu vực dân cư thưa thớt để ghi lại nơi đạn được sử dụng để có thể thu hồi các quả bom nhỏ chưa nổ sau chiến tranh.
Luật pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm chuyển giao bom chùm với bom có tỷ lệ bom không nổ lớn hơn một phần trăm. Tuy nhiên, ông Kahl cho biết tổng thống có thẩm quyền pháp lý để từ bỏ điều kiện đó.
TT Biden quyết định bật đèn xanh cho thỏa thuận này sau khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Quốc hội và quan chức các nước.
Ông Kahl nói, “Chúng tôi không đơn phương đưa ra quyết định; chúng tôi không phá luật.”
Cuối cùng, ông Sullivan cho biết quyết định này sẽ cho phép người Ukraine tiếp tục nỗ lực chiến tranh với đạn dược mà họ cần.
Ông nói rằng cả hai bên tham chiến đều phụ thuộc rất nhiều vào pháo binh.
Vì vậy, Hoa Kỳ và những nước khác cung cấp cho Ukraine phải tăng cường sản xuất đạn pháo binh.
Việc gửi DPICM đi sẽ “xây một cây cầu nối” giữa nhu cầu hiện tại và tương lai của Ukraine.
Ông Sullivan chỉ thiếu nước nói rằng không có đủ đạn pháo.
Ông nói: “Chúng ta cần xây một cây cầu nối từ vị trí ngày hôm nay cho đến khi chúng ta có đủ sản lượng hàng tháng.”
Theo ông Kahl, về lâu dài thì hành động này sẽ khởi tác dụng nhiều hơn để bảo vệ người Ukraine.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times