Tổng thống Biden nói với truyền thông ‘Chúng ta đã hết đạn,’ giới bình luận lo ngại
Các nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống đã bày tỏ lo ngại sau khi Tổng thống Joe Biden trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine của chính phủ ông rằng “Chúng ta đã hết đạn.”
Ông Biden đã đưa ra nhận xét này với giới truyền thông khi rời khỏi một sự kiện diễn thuyết về việc giảm bớt chi phí chăm sóc sức khỏe tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc hôm 07/07.
Trong một cuộc phỏng vấn chuyên sâu hơn với ông Fareed Zakaria của đài CNN hôm 07/07, ông Biden đã nói rằng sau nhiều tháng nhận được yêu cầu từ Kyiv, chính phủ của ông đã đưa ra “quyết định rất khó khăn” là gửi bom chùm vốn gây tranh cãi tới Ukraine bất chấp việc chính ông đã phản đối yêu cầu này ngay từ ban đầu.
Ông cho biết lý do cho sự thay đổi này là vì “đây là một cuộc chiến liên quan đến đạn dược. Và họ sắp hết loại đạn đó, còn chúng ta thì gần hết,” ông Biden nói, đề cập đến loại đạn pháo cỡ trung bình 155 mm.
Tổng thống nói rằng những quả bom chùm chỉ là một giải pháp tạm thời, và loại đạn này sẽ được gửi đến Ukraine trong một “thời kỳ chuyển tiếp” cho đến khi Hoa Kỳ và các nhà sản xuất khác có thể cung cấp cho Ukraine nhiều đạn 155 mm hơn.
Cũng hôm 07/07, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết rằng thỏa thuận này là một phần trong gói trợ giúp an ninh mới dành cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp vũ khí và thiết bị trị giá 800 triệu USD từ kho dự trữ [đạn dược] của Bộ Quốc Phòng (DoD) theo đề nghị của Ngũ Giác Đài.
Có rất nhiều phản ứng trước quyết định này, với việc một số nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống đã bày tỏ lo ngại và thất vọng về lý do tại sao tổng thống lại loan báo cho thế giới biết, bao gồm cả các đối thủ của Hoa Kỳ, rằng kho dự trữ đạn pháo của Hoa Kỳ đang ở mức thấp.
“Ông Joe Biden đang loan báo cho thế giới biết rằng Hoa Kỳ đang thiếu đạn pháo 155 mm,” nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống Steve Guest đã viết trên Twitter. “Chẳng lẽ ông Biden không hề bận tâm rằng các đối thủ của chúng ta ở Trung Quốc đang nghe đó sao?”
“Thật khó hiểu liệu có lợi ích gì khi chia sẻ thông tin này với thế giới,” nhà bình luận thuộc Đảng Cộng Hòa Matt Whitlock viết trên nền tảng này.
Nhà bình luận chính trị Ian Miles Cheong, người đã chia sẻ một đoạn video về các bình luận trên Twitter, viết: “Ông Joe Biden lẽ ra không nên hô to những gì đáng lý phải giữ kín: ‘Chúng ta hết đạn rồi.’ Nhưng bây giờ thì bí mật đã bị lộ rồi, người ta buộc phải đặt câu hỏi liệu việc tiếp tục trợ giúp cho quân đội Ukraine có khả thi không khi xung đột vẫn tiếp diễn.”
Trong các bình luận khác, Tòa Bạch Ốc nêu chi tiết rằng nhận xét của tổng thống là đang nói về số đạn dược vượt quá nguồn dự trữ của quốc gia cần được duy trì cho trường hợp bất ngờ hoặc xung đột quân sự.
Yêu cầu của Ukraine
Hồi tháng Ba, các Dân biểu Jason Crow (Dân Chủ-Colorado) và Adam Smith (Dân Chủ-Washington) đã nói rằng, Kyiv đã tăng cường đề nghị trợ giúp bom chùm lên Quốc hội [Hoa Kỳ] trong Hội nghị An ninh Munich hồi tháng Hai, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng họ muốn thả bom chống thiết giáp từ drone xuống lực lượng Nga để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công “chiến thuật biển người” mà Nga đã tiến hành kéo dài nhiều tháng để giành lấy thành phố Bakhmut phía đông.
Vào thời điểm đó, ông Biden đã quyết định ngừng cung cấp, lấy lý do tội ác chiến tranh có liên quan đến tỷ lệ thất bại của loại đạn này.
Những bộ bom chùm này, vốn được Bộ Ngoại Giao phân loại ra là Đạn dược Cải tiến thông thường có mục đích kép (DPICM), khi phát nổ sẽ phóng ra rất nhiều quả bom nhỏ hơn và gây sát thương ngẫu nhiên trên diện rộng. Tuy nhiên, nhiều quả bom nhỏ lại không thể phát nổ, gây nguy cơ nổ vào thời điểm rất lâu sau khi cuộc xung đột đã kết thúc.
Các hộp DPICM được lắp vào đạn pháo Howitzer 155 mm có thể hẹn giờ phát nổ ở độ cao đã định hoặc vào mục tiêu của cuộc tấn công.
Việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng, và vận chuyển các loại bom chùm như vậy bị cấm ở 123 quốc gia có ký hiệp ước quốc tế “Công ước về Đạn dược Thứ cấp” năm 2008.
Mặc dù Trung Quốc, Nga, Ukraine, và Hoa Kỳ không tham gia ký kết, nhưng một đạo luật năm 2009 của Hoa Kỳ đã cấm quốc gia này chuyển giao DPICM nếu tỷ lệ thất bại của bom đạn, hay còn gọi là tỷ lệ “dud”, vượt quá 1%. Tuy nhiên, tổng thống có quyền bác bỏ quy tắc này, và ông Biden cũng có quyền này.
Các bên từng ký kết như Canada, Đức, Tây Ban Nha, New Zealand, và Vương quốc Anh đã bày tỏ sự phản đối trước quyết định cung cấp bom chùm của ông Biden. Nhật Bản cho biết họ không phản đối hành động này.
Lượng vũ khí cũ của Hoa Kỳ gửi đến Ukraine được báo cáo là có tỷ lệ “dud” lên tới 2.35%.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bình luận với giới truyền thông hôm 06/07 rằng việc này là quan trọng đối với Ukraine khi kịp thời nhận được vũ khí và đạn dược cần thiết để phản công thành công và tiếp tục giành lại các vùng lãnh thổ của mình.
Ông nói thêm rằng ông tin việc chuyển giao vũ khí này là vì lợi ích của các quốc gia khác nhằm giúp quân đội Ukraine ngăn chặn sự xâm lược của Nga trước khi họ tiến sâu hơn vào châu Âu.
Theo các tài liệu dự toán, nếu không gửi đạn dược đến Ukraine, Lục quân Hoa Kỳ sẽ phải chi hơn 6 triệu dollar mỗi năm để tiêu hủy đạn pháo chùm 155 mm và các loại đạn dược cũ khác.
Kyiv hứa sẽ không sử dụng bom chùm ở Nga
Việc chính phủ Biden cung cấp loại đạn dược này không phải là không đi kèm với các điều kiện.
“Đó không phải là một quyết định dễ dàng,” ông Biden nói hôm thứ Sáu. “Nhưng phải mất một thời gian tôi mới cảm thấy thuyết phục để làm điều đó. Vấn đề chính đó là, hoặc là họ có vũ khí để ngăn chặn người Nga ngay bây giờ, khiến người Nga không thể chặn đứng cuộc tấn công của Ukraine qua các lãnh thổ này, hoặc là họ không có gì cả.”
Hôm 09/07, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng trong các lời cam đoan bằng văn bản, Ukraine cho biết họ sẽ không sử dụng bom chùm ở Nga hoặc ở các khu vực đông dân cư để hạn chế thương vong dân sự do tình trạng bom chưa nổ như vậy.
Ukraine đã phải đối mặt với một vấn đề lớn do tình trạng bom chưa phát nổ từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ. Theo Bộ Ngoại giao, gần một phần ba lãnh thổ Ukraine — hoặc khoảng 65,000 dặm vuông (168,349.23 km2) — rải rác bom mìn chưa nổ hoặc “tàn tích chất nổ sau chiến tranh” khác.
Ngoài ra, kể từ tháng 02/2022, các lực lượng quân sự của Nga đã phụ thuộc rất nhiều vào bom chùm ở Ukraine. Tuy nhiên, bom chùm của họ cũng có tỷ lệ dud cao hơn đáng kể, mà ông Sullivan cho biết là cao tới 30% đến 40%.
“Trong bối cảnh này, Ukraine đã yêu cầu bom chùm để bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình,” ông Sullivan nói trong các bình luận trước đó hôm 07/07. “Chúng tôi sẽ không để Ukraine mất khả năng phòng thủ tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc xung đột này, chỉ vậy thôi.”
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Ukraine, vì họ đã yêu cầu những loại đạn dược này,” ông nói thêm. “Ukraine buộc phải cam kết thực hiện các nỗ lực rà phá bom mìn sau khi kết thúc cuộc xung đột để giảm thiểu bất kỳ tác hại tiềm ẩn nào đối với dân thường. Và điều này sẽ là cần thiết bất kể Hoa Kỳ có cung cấp các loại đạn dược này hay không bởi vì Nga cũng sử dụng rộng rãi các loại đạn đó.
“Với việc Nga cũng đã sử dụng số lượng đáng kể bom chùm, chúng tôi sẽ phải tiếp tục trợ giúp Ukraine trong các nỗ lực rà phá bom mìn bằng mọi giá.”
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội đã bày tỏ sự thất vọng khi trước đó chính phủ ông Biden không chấp thuận yêu cầu cung cấp loại đạn này của Kyiv.
“Chúng tôi nhận thức được rằng bom chùm tạo ra một sự rủi ro cho dân thường khi chưa phát nổ,” Ông Sullivan nói. “Đây là lý do tại sao chúng tôi đã trì hoãn quyết định càng lâu càng tốt. Nhưng cũng có nguy cơ gây tổn hại lớn cho dân thường nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí đóng quân của Ukraine, chiếm thêm lãnh thổ Ukraine và khuất phục nhiều thường dân Ukraine hơn vì Ukraine không có đủ đạn pháo. Đối với chúng tôi thì điều đó khó mà chấp nhận được.”
Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm chạp và bom chùm có thể là một “nhân tố thay đổi cuộc chiến.”
“Loại đạn này sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chiến trong cuộc phản công. Và tôi thực sự hài lòng khi chính phủ cuối cùng đã đồng ý làm điều này,” ông nói với CNN hôm Chủ Nhật vừa qua.
Kho vũ khí đạn dược của đồng minh đang cạn dần
Không chỉ Hoa Kỳ đang cạn kiệt đạn 155 mm; các đồng minh Âu Châu của Ukraine đã và đang ủng hộ các nỗ lực phòng thủ của Ukraine cũng đang cạn kiệt kho dự trữ đạn dược của mình.
Theo AFP, hồi tháng Mười Một năm ngoái, một quan chức Hoa Kỳ đã cho biết quân đội Nga bắn khoảng 20,000 đạn pháo mỗi ngày, trong khi Ukraine bắn khoảng 4,000 đến 7,000 viên đạn mỗi ngày — bằng toàn bộ sản lượng hàng năm của Hoa Kỳ vào năm 2021 và vượt trên tốc độ sản xuất của các nhà sản xuất tại các nước đồng minh Tây phương.
Hôm 07/07, các quốc gia thành viên EU và Nghị viện Âu Châu đã đồng ý về gói trợ giúp trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD) cho ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu để cung cấp pháo và tên lửa cho Ukraine cũng như bổ sung nguồn cung cấp của riêng họ.
Dự luật này, vốn cho phép tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng để tăng năng lực sản xuất, đã được Ủy ban Âu Châu đề xướng hồi tháng Tư.
Cùng ngày, Lục quân Hoa Kỳ cũng công bố một hợp đồng khác trị giá 993.7 triệu USD nhằm tăng sản lượng đạn pháo 155 mm. Họ cho biết trong một tuyên bố, mục tiêu là sản xuất thêm từ 12,000 đến 20,000 viên đạn mỗi tháng.
Theo ông Mark Cancian, cố vấn cao cấp về An ninh Quốc tế từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 1 triệu viên đạn pháo cho Kyiv.
Tuy nhiên, hồi tháng Một, ông Cancian đã cảnh báo rằng với tốc độ tiêu thụ hiện tại, việc trợ giúp cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine là không bền vững, và điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ khó có thể tái thiết kho đạn 155 mm trong vài năm tới, ngay cả khi chính phủ tăng cường nguồn lực để tăng năng lực sản xuất thêm 240,000 viên đạn mỗi năm. Con số này nằm trên con số khoảng 93,000 viên đạn 155mm mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng mỗi năm cho mục đích huấn luyện.
DoD cho biết họ đang nỗ lực đẩy mạnh công suất để đạt sản lượng lên tới 480,000 viên đạn mỗi năm (40,000 viên mỗi tháng) vào năm 2025.
“Với tốc độ tăng đột phá này, sẽ mất khoảng sáu năm để tái thiết kho dự trữ đạn dược phù hợp với mức sử dụng bình thường trong thời bình và giả sử không có sự chuyển giao nào nữa từ kho dự trữ,” báo cáo cho biết. “Đó là một giả định khá lớn vì mức độ sử dụng đạn pháo cao của Ukraine.”
Ông Cancian lưu ý rằng tốc độ sản xuất hỏa tiễn chống xe tăng di động chính xác tầm xa Javelin cho bộ binh và hỏa tiễn vác vai (stinger missile) cũng không theo kịp nhu cầu của Ukraine.
Tuy nhiên, ông cho rằng “đối với hầu hết các loại vũ khí và đạn dược, Hoa Kỳ có thể tài trợ vô thời hạn.”
Nhưng với tình trạng thiếu hụt của kho dự trữ đạn dược hiện nay, sự khôn ngoan trong việc can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh khu vực của Âu Châu đã bị thách thức, do mối đe dọa đã được thiết lập và sự gây hấn đến từ đồng minh của Điện Kremlin, đó là Trung Quốc.
“Trong cuộc phỏng vấn của CNN, Tổng thống Biden không nói cụ thể nhưng dường như đang ngầm bảo rằng Hoa Kỳ đang gửi bom chùm tới Ukraine vì chúng ta sắp hết đạn pháo 155 mm để gửi cho họ,” phóng viên chính trị của Washington Examiner, ông Byron York, đã đăng trên Twitter. “Có vẻ như điều này đang ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng phòng vệ của Hoa Kỳ.”
Một báo cáo của CSIS công bố hồi tháng Một đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng cạn kiệt đạn dược quan trọng nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra vì tương lai của Đài Loan, vì “cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ thiếu năng suất tăng cường cân xứng cho một cuộc chiến tranh lớn.”
Báo cáo đã phát hiện rằng, mặc dù Hoa Kỳ có nhiều đạn dược vũ khí hạng nhẹ, nhưng việc kho dự trữ ở mức tương đối thấp cũng như quy trình sản xuất và thu mua vô cùng chậm chạp có thể khiến quốc gia này cạn kiệt các hỏa tiễn chống hạm tầm xa quan trọng (LRASM) trong vòng chưa đầy một tuần [nếu xảy ra] chiến tranh.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke và Reuters.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times