TT Putin: Nga sẽ có ‘các biện pháp đáp trả’ nếu Hoa Kỳ khai triển phi đạn ở Đức
Đầu tháng này, Hoa Thịnh Đốn công bố các kế hoạch sẽ bắt đầu khai triển phi đạn tầm xa trên lãnh thổ Đức vào năm 2026.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ dỡ bỏ lệnh tạm hoãn khai triển phi đạn tầm trung nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch khai triển phi đạn tầm xa tại Đức.
“Nếu Hoa Kỳ thực hiện các kế hoạch này, chúng ta sẽ coi như mình không có lệnh tạm hoãn đơn phương khai triển các vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn nữa,” ông Putin nói hôm 28/07, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.
Phát biểu trước các học viên hải quân tại St. Petersburg, Nga, ông Putin cho biết những phi đạn của Hoa Kỳ được khai triển tại Đức sẽ có thể tấn công “các cơ sở chỉ huy quốc gia và quân sự, các trung tâm hành chính-công nghiệp, và cơ sở hạ tầng quốc phòng” của Nga.
“Thời gian bay của những phi đạn như vậy—mà cuối cùng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân—sẽ mất khoảng 10 phút để đến được các mục tiêu trên lãnh thổ của chúng ta,” ông nói.
Ông Putin tiếp tục khẳng định rằng, để đáp trả mối đe dọa này, Nga đã đang phát triển các “hệ thống tấn công” mới mà hiện đang trong “giai đoạn cuối.”
“Chúng ta sẽ có biện pháp đáp trả đối với việc khai triển của họ, xét đến các hành động của Hoa Kỳ và các vệ tinh của nước này tại châu Âu và các khu vực khác trên thế giới,” ông nói.
Phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về những nhận xét của ông Putin, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố, “Chúng tôi không có tuyên bố nào vào thời điểm này.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm công bố bài viết này.
“Hoa Kỳ sẽ bắt đầu khai triển theo từng đợt các năng lực hỏa lực tầm xa của Lực lượng Đặc nhiệm Đa Miền tại Đức vào năm 2026,” chính phủ của Hoa Kỳ và của Đức cho biết trong một tuyên bố chung hôm 10/07.
Theo tuyên bố chung, hành động này nhằm chứng minh cam kết liên tục của Hoa Thịnh Đốn đối với liên minh NATO của phương Tây và “những đóng góp vào khả năng răn đe tích hợp của châu Âu.”
Thông báo này xảy ra đồng thời với một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt của NATO ở Hoa Thịnh Đốn, trong đó các thành viên liên minh—gồm cả Đức—tái khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh, một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi kế hoạch khai triển phi đạn của Hoa Kỳ là một “bước đi cần thiết để ngăn chặn Nga.”
Vào thời điểm đó, ông Sergey Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, gọi hành động này là một “chiến thuật đe dọa,” đồng thời nói thêm rằng Moscow sẽ có “phản ứng quân sự.”
Ông Anatoly Antonov, phái viên của Moscow tại Hoa Thịnh Đốn, gọi quyết định của Hoa Kỳ và Đức là một “sai lầm nghiêm trọng” có nguy cơ gây ra “sự leo thang không thể kiểm soát trong bối cảnh căng thẳng gia tăng nguy hiểm dọc theo quỹ đạo Nga-NATO.”
Ông Antonov cũng cáo buộc Hoa Kỳ phớt lờ “hậu quả nguy hiểm của việc vi phạm Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).”
Tháng trước, ông Putin đe dọa sẽ khôi phục lại việc sản xuất phi đạn tầm trung của Nga vốn đã bị cấm theo Hiệp ước INF.
Theo Moscow, Hoa Kỳ hiện đang sản xuất phi đạn tầm trung của riêng mình và đã khai triển các phi đạn như vậy ở châu Âu và Đông Nam Á.