Viên chức chính phủ: Hoa Kỳ có thể khai triển thêm vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga
‘Nếu kho vũ khí của đối thủ không có sự thay đổi, thì vào một thời điểm nào đó trong những năm tiếp theo, có thể chúng ta sẽ cần tăng thêm vũ khí so với số lượng được khai triển như hiện tại,’ ông Pranay Vaddi cho biết
Theo một viên chức chính phủ, chính phủ TT Biden có thể tìm cách khai triển thêm vũ khí hạt nhân trước sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga.
Ông Pranay Vaddi, viên chức phụ trách kiểm soát vũ khí hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết việc gia tăng số phi đạn hạt nhân được khai triển sẽ hủy hoại chính sách kéo dài hàng thập niên của Hoa Kỳ nhưng có thể là cần thiết một trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc.
Ông Vaddi cho biết trong cuộc họp hôm 07/06 của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí: “Nếu kho vũ khí của đối thủ không có sự thay đổi, thì vào một thời điểm nào đó trong những năm tiếp theo, có thể chúng ta sẽ cần tăng thêm vũ khí so với số lượng được khai triển như hiện tại.”
“Nếu ngày đó đến thì sẽ đưa đến một quyết định là phải có thêm vũ khí hạt nhân để ngăn chặn địch thủ của chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta.”
Ông Vaddi đưa ra nhận xét này sau khi Ủy ban Quốc hội về Vị thế Chiến lược của Hoa Kỳ công bố một bản báo cáo vào cuối năm ngoái, trong đó đề xướng việc mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga.
“Với xu hướng về mối đe dọa như hiện nay, quốc gia của chúng ta sẽ sớm phải đối mặt với một bối cảnh toàn cầu hoàn toàn khác biệt so với những điều mà đất nước này đã trải qua: chúng ta sẽ phải đối diện với một thế giới mà tại đó có hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân ngang hàng với kho vũ khí của chúng ta,” trích dẫn báo cáo.
Bà Madelyn Creedon, phục vụ trong ủy ban nêu trên vốn là cơ quan đã biên soạn báo cáo này, cũng lên tiếng tại buổi họp hôm thứ Sáu (07/06).
Bà cho rằng Trung Quốc và Nga đang “theo đường hướng rất gây hấn” để hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân và lực lượng vũ khí thông thường của họ, và có thể chúng ta sẽ cần phải đối phó với việc này.”
“Điều này hết sức quan trọng bởi vì rõ ràng là cả Nga và Trung Quốc về lâu về dài đều muốn thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” bà Creedon cho biết. “Và mục tiêu của họ là thay thế Hoa Kỳ và phương Tây bằng thứ gì đó có lợi hơn cho chế độ độc tài của họ.”
Hiện tại Hoa Kỳ tuân thủ giới hạn 1,550 đầu đạn hạt nhân chiến lược khai triển theo Hiệp ước START mới, được thiết lập với Nga vào năm 2010. Năm ngoái (2023), Moscow tuyên bố “đình chỉ” việc tham gia hiệp ước nhưng vẫn tuân thủ các giới hạn một cách tự do, một hành động mà Hoa Thịnh Đốn khẳng định là “không có căn cứ về mặt pháp lý.”
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình và Ngũ Giác Đài dự kiến sẽ trang bị thêm hơn 1,000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, ĐCSTQ đã trang bị nhiều bệ phóng phi đạn tầm xa hơn cả Hoa Kỳ.
Với việc ba cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đều đang tranh giành ảnh hưởng chính trị trên trường toàn cầu, bà Creedon cho rằng có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu, và nếu xảy ra, thì có thể sẽ xuất phát từ một cuộc xung đột khu vực ngày càng gia tăng ngoài tầm kiểm soát.
Dẫu vậy, niềm tin rằng Hoa Kỳ cần phải gia tăng tầm ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân không phải là một quan điểm phổ biến.
Dân biểu John Garamendi (Dân Chủ-California) đã đưa ra những nhận xét quan trọng trong phiên họp buổi sáng vừa qua. Ông cho rằng đất nước này đã có “đủ hỏa lực để tiêu diệt bất cứ địch thủ nào” và thay vào đó, đất nước nên ưu tiên “kiểm soát vũ khí và giảm căng thẳng.”
“Lâu rồi mới được nghe ai đó lên tiếng về việc kiềm chế và giảm thiểu rủi ro trong cuộc tranh luận về vũ khí hạt nhân,” ông Garamendi nói.