Các công dân Mỹ được Nga trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia
Cuộc trao đổi 24 tù nhân là một phần trong các cuộc đàm phán giữa một bên là Hoa Kỳ, Đức, Na Uy, Ba Lan, và Slovenia còn bên kia là Nga và Belarus.
HOA THỊNH ĐỐN—Ba người Mỹ và một người có thẻ xanh Hoa Kỳ bị giam giữ oan sai ở Nga đang trên đường về nhà sau khi kết thúc cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia.
Phóng viên Wall Street Journal Evan Gershkovich, ký giả Đài phát thanh Âu Châu Tự do Alsu Kurmasheva, và cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Paul Whelan đã đến Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland giữa chiều ngày 01/08.
Cả ba người này đều bị giam giữ tại Nga trong những hoàn cảnh không rõ ràng, với việc Nga cáo buộc anh Gershkovich và ông Whelan làm gián điệp và bà Kurmasheva phát tán thông tin sai sự thật về quân đội Nga.
Tổng cộng 16 người đã được Nga phóng thích trở về Hoa Kỳ, Đức, và Vương quốc Anh. Hoa Kỳ cùng các đồng minh đã trao trả 8 tù nhân cho Nga.
Cuộc trao đổi này là một phần của cuộc đàm phán 8 quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, trong đó có 24 tù nhân giữa một bên là Hoa Kỳ, Đức, Na Uy, Ba Lan, và Slovenia còn bên kia là Nga và Belarus.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói trong một cuộc họp báo rằng nỗ lực phức tạp này dựa trên sự hợp tác của các quốc gia đồng minh, và ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ đối tác quốc tế chặt chẽ để bảo đảm rằng các thỏa thuận như vậy có thể tiếp tục được thực hiện.
“Thỏa thuận giúp điều này trở thành hiện thực là một kỳ tích ngoại giao và tình hữu nghị. Nhiều quốc gia đã giúp đạt được thỏa thuận này,” Tổng thống Biden cho biết.
“Thỏa thuận này sẽ không thể thực hiện được nếu không có các đồng minh của chúng ta là Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy, và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả họ đều đã bước ra và sát cánh cùng chúng ta, và họ đã đưa ra những quyết định táo bạo và dũng cảm.”
Ông cho biết nỗi thống khổ của các tù nhân và gia đình họ cuối cùng sắp kết thúc và việc xây dựng lòng tin với các đối tác quốc tế của quốc gia này vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ của ông.
“Hôm nay, nỗi thống khổ của họ đã qua,” ông Biden nói.
“Đây là một ví dụ mạnh mẽ về lý do tại sao việc có những người bạn trên thế giới này mà quý vị có thể tin tưởng và dựa vào lại quan trọng đến vậy. Các liên minh của chúng ta giúp người Mỹ an toàn hơn.”
Không phải ai cũng trở về nhà
Bất chấp sự phô trương rầm rộ này, thì vẫn còn những người Mỹ khác vẫn bị giam giữ ở Nga và việc họ tiếp tục bị giam cầm đang trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nước.
Đứng đầu trong số đó là ông Marc Fogel, người Pennsylvania. Ông không nằm trong số những người được Nga trả tự do, và điều này đã khiến một số thành viên trong Quốc hội lo ngại.
Các Thượng nghị sỹ Bob Casey (Dân Chủ-Pennsylvania) và John Fetterman (Dân Chủ-Pennsylvania), cùng các Dân biểu Mike Kelly (Cộng Hòa-Pennsylvania), Chris Deluzio (Dân Chủ-Pennsylvania), và Guy Reschenthaler (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng ông Fogel vẫn “bị giam giữ bất công” và kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden bảo đảm rằng “bất kỳ cuộc trao đổi tù nhân tiềm năng nào cũng phải có ông Marc Fogel.”
Ông Fogel đã bị bắt tại Nga năm 2021 và bị kết án 14 năm tù vì cáo buộc buôn bán ma túy. Vào thời điểm bị bắt, ông sở hữu chưa đến một ounce (khoảng 28gr) cần sa được bác sỹ tại Hoa Kỳ kê đơn cho ông.
Mẹ của ông Fogel hiện đang kiện Ngoại trưởng Antony Blinken vì không xác định con trai bà là “bị giam giữ sai trái,” do đó mà từ chối cung cấp thêm các nguồn lực có thể giúp ông Fogel được thả.
Tòa Bạch Ốc thừa nhận ông Fogel không có trong cuộc trao đổi tù nhân này và cho biết họ sẽ tiếp tục các nỗ lực để bảo đảm ông được phóng thích.
“Hôm nay là một ngày rất trọng đại, và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dựa trên ngày này, lấy cảm hứng và sự can đảm không ngừng từ ngày này vì tất cả những người bị bắt làm con tin hoặc bị giam giữ oan trên khắp thế giới,” Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết.
“Trong đó bao gồm cả ông Marc Fogel, người mà chúng tôi đang nỗ lực làm việc để ông ấy được Nga trả tự do.”
Cũng không có trong danh sách là nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny, người đã tử vong trong những tình huống bí ẩn tại một nhà tù của Nga ở Bắc Cực hồi đầu năm nay.
Ông Sullivan cho biết ông Navalny ban đầu được dự định sẽ có tên cuộc trao đổi này và ông đã nói chuyện với gia đình ông Navalny về vấn đề này.
“Vào đúng ngày ông ấy mất, tôi đã gặp cha mẹ ông ấy, và nói với họ rằng tổng thống đã quyết tâm thực hiện điều này sau tin tức bi thảm đó và chúng tôi sẽ làm việc ngày đêm để đến được ngày này,” ông Sullivan nói.
Ba trong số những tù nhân được Nga thả tự do trước đây từng là người đứng đầu văn phòng khu vực của Quỹ chống Tham nhũng của ông Navalny, hiện do vợ ông, bà Yulia, điều hành.
Sát thủ, điệp viên, và tội phạm mạng của Nga được trả tự do
Để đổi lấy việc thả các ký giả và nhà hoạt động, Nga đã nhận lại từ các quốc gia phương Tây vài nhân vật chủ chốt trong bộ máy tình báo và đàn áp xuyên quốc gia của họ, trong đó có một sát thủ, bốn điệp viên, và ba tội phạm bị kết án.
Những tù nhân được trả lại cho Nga gồm:
Ông Vadim Krasikov, bị kết án vì tội sát hại một phiến quân Chechnya năm 2019 ở Berlin, mà các thẩm phán trong vụ án của ông ta nhận định là một vụ ám sát do nhà chức trách Nga ra lệnh;
Ông Artem và bà Anna Dultsev, một cặp vợ chồng điệp viên người Nga đã nhận tội làm gián điệp ở Slovenia, nơi họ tự nhận là những người buôn bán nghệ thuật;
Ông Mikhail Mikushin, một điệp viên Nga bị bắt tại Na Uy năm 2022 khi tự nhận là một nhà nghiên cứu người Brazil;
Ông Pavel Rubtsov, một điệp viên Nga bị bắt tại Ba Lan tự nhận là một ký giả Tây Ban Nha;
Ông Vladislav Klyushin, người bị kết tội xâm nhập vào các công ty Hoa Kỳ và sử dụng thông tin lấy được một cách bất hợp pháp để tiến hành các giao dịch trên thị trường chứng khoán;
Ông Vadim Konoshchenok, người bị buộc tội hành động thay mặt cho tình báo Nga và buôn lậu thiết bị điện tử do Mỹ sản xuất cùng hàng trăm ngàn loại đạn dược cho quân đội Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine; và ông Roman Seleznev, người bị kết tội xâm nhập vào máy điện toán tại điểm bán hàng để đánh cắp và bán số trên thẻ tín dụng cho thế giới tội phạm ngầm.
Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng không dễ để thả một “kẻ sát nhân” như Krasikov nhưng điều đó là cần thiết để bảo đảm có được tự do cho những người bị giam giữ tại Nga.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Steffen Hebestreit của ông Scholz cho biết việc thả 15 người bị giam giữ “sai trái” ở Nga và một người Đức bị giam giữ ở Belarus chỉ có thể đạt được bằng cách trục xuất những người Nga “có lý lịch tình báo.”
“Nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức của chúng tôi và đoàn kết với Hoa Kỳ là những động lực quan trọng,” ông nói.
Khi được hối thúc trả lời câu hỏi liệu Hoa Kỳ có đưa ra quyết định đúng đắn hay không khi thả các điệp viên đã được tôi luyện của Nga để đổi lấy các ký giả và nhà hoạt động, ông Sullivan cho biết nhu cầu cần phải bảo vệ hạnh phúc của người Mỹ là xứng đáng với cái giá đó.
“Thật khó để trục xuất một tội phạm bị kết án để bảo đảm cho việc thả một người Mỹ vô tội, nhưng đôi khi sự lựa chọn là giữa việc làm như vậy và việc giao trả người về cơ bản là phải sống những ngày tháng trong tù ở một quốc gia ngoại bang thù địch hoặc trong tay một thế lực thù địch,” ông nói.
“Từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi đã đánh giá và phân tích rủi ro đó, và chúng tôi đã phán đoán rằng lợi ích của việc đoàn tụ người Mỹ và đưa mọi người trở về nhà … lớn hơn rủi ro.”
Hôm 01/08, các quan chức Hoa Kỳ đã nói rõ rằng việc trao đổi tù nhân không phải là dấu hiệu cho thấy có tiến triển trong bất kỳ lĩnh vực nào khác của mối quan hệ Mỹ-Nga.
Về vấn đề đó, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel đã ám chỉ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng viện trợ cho Ukraine và nói rộng hơn là chống lại sự xâm lược của Nga.
“Đây không phải là một dạng thiết lập lại bất kỳ mối quan hệ nào,” ông Patel cho biết. “Không phải vậy. Không có thay đổi nào cả.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times