Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân ‘nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác’
‘Lần đầu tiên, Trung Quốc giờ đây cũng có thể khai triển một số lượng nhỏ đầu đạn trên các loại hỏa tiễn trong thời bình.’
Theo một báo cáo mới được công bố gần đây, Trung Quốc đang trong quá trình mở rộng và hiện đại hóa đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình với một tốc độ mà có thể dẫn đến việc sở hữu nhiều hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa hơn Hoa Kỳ hoặc Nga trong thập niên tới.
Theo báo cáo vũ khí thường niên do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 17/06, từ tháng 01/2023 đến tháng 01/2024, Trung Quốc đã gia tăng kho dự trữ hạt nhân của mình từ 410 lên 500 đầu đạn.
“Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác,” ông Hans M. Kristensen, chuyên gia cộng sự cấp cao của Chương trình Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt của SIPRI và giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn Khoa học gia Mỹ quốc, cho biết trong một tuyên bố. “Nhưng ở hầu hết các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều có những kế hoạch hoặc nỗ lực đáng kể để tăng cường lực lượng hạt nhân.”
Báo cáo lưu ý rằng “lần đầu tiên, Trung Quốc giờ đây cũng có thể khai triển một số lượng nhỏ đầu đạn trên các loại hỏa tiễn trong thời bình.” Số lượng đầu đạn mà Trung Quốc khai triển tương đối nhỏ, 24 đầu đạn, tương đương 5% kho dự trữ của quốc gia này.
Mặc dù vậy, tổng số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được cho là vẫn nhỏ hơn so với số vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và Nga. Để so sánh, tính đến tháng 01/2024, Hoa Kỳ sở hữu 5,044 đầu đạn, còn Nga sở hữu 5,580 đầu đạn. Hoa Thịnh Đốn đã khai triển 1,770 đầu đạn, trong khi Moscow khai triển 1,710 đầu đạn.
Quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc theo như báo cáo của SIPRI giống với một báo cáo của Ngũ Giác Đài năm 2023, ước tính rằng Trung Quốc sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân hoạt động tính đến tháng 05/2023. Ngũ Giác Đài cũng dự đoán rằng Bắc Kinh có thể có hơn 1,000 đầu đạn hạt nhân hoạt động vào năm 2030 và tiếp tục tăng kho dự trữ đến năm 2035.
Năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Bắc Kinh không tuân theo các chuẩn tắc và luật pháp quốc tế liên quan đến phổ biến hạt nhân và không thành thật với cộng đồng quốc tế về mức độ mở rộng hạt nhân của mình.
Ông nói, “Trung Quốc đang phát triển kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng mà không có bất kỳ sự minh bạch nào về năng lực quân sự của mình.”
Đầu tháng này (06/2024), ông Pranay Vaddi, quan chức hàng đầu về kiểm soát vũ khí của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ có thể tìm cách khai triển thêm vũ khí hạt nhân để đáp trả việc mở rộng kho dự trữ từ Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn. Theo ông Vaddi, những quốc gia này “đều đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với tốc độ chóng mặt, tỏ ra ít hoặc không quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí.”
“Chúng ta có thể đạt đến một điểm mà trong những năm sắp tới việc tăng thêm số lượng [vũ khí hạt nhân] hiện đang được khai triển là cần thiết,” ông Vaddi cho biết trong cuộc họp hôm 07/06 của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí. “Nếu ngày đó đến, việc này sẽ dẫn đến quyết tâm cần có thêm vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các địch thủ của chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta.”
Những lời nhận xét của vị phụ tá cấp cao của Tòa Bạch Ốc này được đưa ra sau khi Ủy ban Quốc hội về Vị thế Chiến lược Hoa Kỳ (Congressional Commission on the Strategic Posture of the United States) công bố một báo cáo hồi cuối năm ngoái (2023), trong đó khuyến nghị Hoa Kỳ mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình để ngăn chặn hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga.
Báo cáo viết, “Căn cứ vào quỹ đạo đe dọa hiện tại, quốc gia của chúng ta sẽ sớm gặp phải một bối cảnh toàn cầu về cơ bản hoàn toàn khác so với những gì đã từng trải qua: chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế giới nơi mà hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân ngang bằng với chúng ta.”
Kho vũ khí hạt nhân được củng cố trên toàn cầu
Báo cáo của SIPRI cho thấy các kho vũ khí hạt nhân đang được củng cố trên toàn cầu. Trong số ước tính 12,121 đầu đạn trên toàn thế giới vào tháng 01/2024, khoảng 2,100 đầu đạn đã được khai triển “trong tình trạng sẵn sàng vận hành cao đối với hỏa tiễn đạn đạo,” và khoảng 9,585 đầu đạn được cất giữ trong kho dự trữ quân sự để có thể sẵn sàng khai triển [khi cần thiết].
Có chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Hàn, và Israel.
“Mặc dù tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu tiếp tục giảm do các loại vũ khí thời Chiến tranh Lạnh đang dần được tháo dỡ, nhưng thật đáng tiếc là chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự gia tăng hàng năm về số lượng đầu đạn hạt nhân đang hoạt động,” Giám đốc SIPRI Dan Smith cho biết. “Xu hướng này dường như sẽ tiếp tục và có thể tăng tốc trong những năm tới và vô cùng đáng lo ngại.”
Báo cáo cũng cho rằng, cuộc xung đột Ukraine-Nga đang diễn ra và cuộc chiến Israel-Hamas đã làm suy yếu chính sách ngoại giao hạt nhân hồi năm 2023, đồng thời lưu ý rằng Nga đã đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Hoa Kỳ vào tháng 01/2023.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times