Tình hình tài chính eo hẹp, ĐCSTQ một lần nữa yêu cầu quân đội phải ‘thắt lưng buộc bụng’
Trong bối cảnh kinh tế trong nước liên tục suy giảm và tình hình tài chính của Trung Quốc cộng sản không mấy khả quan, các cơ quan đảng và chính quyền đã nhiều lần đề cập đến việc cắt giảm chi tiêu. Gần đây, quân đội Trung Quốc lại một lần nữa kêu gọi “thắt lưng buộc bụng.”
Các nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ hiện không còn tiền; vừa muốn bảo đảm chi phí quốc phòng mà cũng không dám cắt giảm phúc lợi của quân nhân, ĐCSTQ chỉ có thể giảm kinh phí mua sắm trang bị quân sự và huấn luyện.
Theo Báo quân đội của ĐCSTQ hôm 20/06, Văn phòng Quân ủy Trung ương ĐCSTQ gần đây đã phát hành tài liệu liên quan đến “xây dựng quân đội tiết kiệm.” Tài liệu đề cập đến việc “xây dựng tư tưởng thắt lưng buộc bụng, tính toán kỹ lưỡng,” nhằm “nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quân sự và hiệu quả sử dụng tài nguyên quốc phòng.”
Nhà bình luận thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng trong những năm gần đây ĐCSTQ có một số lần đưa ra khẩu hiệu xây dựng quân đội tiết kiệm hoặc quân đội “thắt lưng buộc bụng,” nhưng bối cảnh bối cảnh hiện đã khác trước, rõ ràng họ là không còn tiền để cấp cho quân đội nữa.
Chính sách zero COVID với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hà khắc trong 3 năm (từ năm 2020 đến 2022) đã làm cạn kiệt nguồn tài chính địa phương. Từ nửa cuối năm 2021, làn sóng giảm lương công chức gần như ảnh hưởng đến tất cả các tỉnh của Trung Quốc, tiền phụ cấp và tiền thưởng bị giảm xuống hoặc bỏ hẳn. Sau khi kết thúc chính sách zero COVID hồi cuối năm 2022, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục suy thoái, rất khó phục hồi.
Những năm gần đây, các cơ quan đảng và chính quyền của ĐCSTQ thường xuyên đề cập đến việc “thắt lưng buộc bụng.” “Báo cáo công tác của chính phủ” tại cuộc họp lưỡng hội của ĐCSTQ vào tháng Ba năm nay đưa ra đề xuất “các cấp chính quyền phải quen với việc thắt lưng buộc bụng.” Sau đó, các địa phương đã kiểm soát nghiêm ngặt chi phí “tam công” (chi phí đi công tác, chi phí mua sắm và vận hành xe, chi phí tiếp đãi công vụ) và cắt giảm chi tiêu chung.
Cuối năm ngoái, một người dân biết rõ tình hình đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, các khoản trợ cấp của chính quyền địa phương cho quân đội cũng bị giảm hoặc xóa bỏ.
Ông Hoa (Hua), một người dân tại Hoa lục từng phục vụ trong quân đội, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Hiện giờ các đồng đội của tôi ở trong quân đội không còn nhận được các khoản trợ cấp nữa. Họ chưa được chi trả những khoản trợ cấp đó trong khoảng nửa năm.”
Ông Chung Nguyên cho rằng, các khoản trợ cấp từ địa phương có thể giảm, tuy nhiên các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ hẳn là sẽ ưu tiên bảo đảm ngân sách quốc phòng, đây thực tế là khoản chi lớn nhất để duy trì ổn định, tiếp theo là các khoản chi cho duy trì ổn định xã hội thông thường, sau đó mới đến việc bảo đảm tiền lương và phúc lợi cho công chức.
Theo báo cáo dự thảo ngân sách được công bố tại buổi khai mạc cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ hồi tháng Ba, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ tăng 7.2%. Tuy nhiên, tháng 04/2024, Tướng John C. Aquilino, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết, mặc dù kinh tế suy thoái nhưng chi tiêu cho quân sự của ĐCSTQ có thể “vượt xa” mức tăng 7.2% mà chính phủ công bố.
Ông Chung nói rằng: “Trong ấn tượng của hầu hết mọi người, chi phí quân sự của ĐCSTQ dường như là một hố sâu không đáy tuy nhiên không thể tăng thêm vô hạn. Kinh tế đang suy thoái, nguồn tài chính thu vào không đủ chi, [vậy nên] chi phí quân sự chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, việc chế tạo thêm một hàng không mẫu hạm Phúc Kiến không chỉ tốn tiền cho chính việc sản xuất hàng không mẫu hạm đó, mà còn cần một lượng lớn tiền của cho các loại chiến đấu cơ, khu trục hạm, và tàu ngầm hộ tống khác nhau. Các cơ sở bến cảng và bảo hộ tương ứng, việc huấn luyện, bảo dưỡng bảo trì thường xuyên, và hàng ngàn thủy thủ v.v… cũng là một lượng chi phí rất lớn. Ngoài ra, ĐCSTQ sẽ ưu tiên bảo đảm tiền lương cho sỹ quan và hạ sỹ quan.”
Từ ngày 17-19/06 năm nay, ĐCSTQ vừa tổ chức Hội nghị Công tác Chính trị Toàn quân tại Diên An. Tại hội nghị, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố hiếm thấy rằng, “Hiện nay, tình hình thế giới, quốc gia, đảng, và quân đội đều đang diễn ra những biến đổi sâu sắc và phức tạp, quân đội chúng ta đang đối mặt với những thử thách chính trị phức tạp.”
Ông Chung Nguyên cho rằng, tại Hội nghị Công tác Chính trị Quân đội lần này của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến việc cần phải mở ra các chính sách và chế độ đãi ngộ cho quân nhân, bảo đảm thực hiện “chặng cuối cùng,” nhằm nâng cao cảm nhận về sự thụ hưởng và sở hữu của binh sỹ. Điều này cho thấy lãnh đạo ĐCSTQ rất lo sợ quân đội sẽ nổi loạn vì vấn đề đãi ngộ.
Những năm gần đây, ông Tập Cận Bình liên tục tăng cường đầu tư vào quân đội. Mức lương của quân nhân đã được tăng lên đáng kể vào các năm 2014, 2018, và 2021. Từ ngày 15/10/2023, chính phủ chính thức thi hành “Quy định tạm thời về bảo đảm đãi ngộ cho nhân viên văn phòng trong quân đội” nhằm tiếp tục nâng cao chế độ đãi ngộ cho những nhân viên này.
Đồng thời, trong những năm gần đây, tình hình địa chính trị của ĐCSTQ ngày càng xấu đi. ĐCSTQ liên tục khiêu khích, gây căng thẳng tại khu vực Biển Đông và Eo biển Đài Loan, quân đội ĐCSTQ cũng thường xuyên nhấn mạnh việc sẵn sàng chiến đấu.
Ông Chung Nguyên nói rằng, nếu ĐCSTQ không thể giảm tiền lương và đãi ngộ, thì rất có thể họ sẽ phải cắt giảm chi phí cho trang bị và huấn luyện. Việc khống chế chi phí cho quân đội của ĐCSTQ và việc xây dựng quân đội tiết kiệm sẽ sớm được phản ánh trong việc mua sắm trang bị mới và huấn luyện hàng ngày. Bên cạnh đó, ĐCSTQ đang tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân; đây là một việc thật sự rất tốn kém và sẽ khiến chi phí cho vũ khí thông thường bị giảm xuống. Điều này có nghĩa là việc nâng cấp và thay mới trang bị thông thường của quân đội ĐCSTQ có thể đã đến một bước ngoặt, khoảng cách về quân sự với Hoa Kỳ sẽ ngày càng lớn hơn.