Nỗi niềm khao khát tình yêu của Bắc Kinh
Các quan chức Trung Quốc đã vươn ra cả phương Đông lẫn phương Tây để tìm kiếm đối tác thương mại và trợ giúp kinh tế nhưng cho đến nay vẫn chưa cảm nhận được chút nồng nhiệt nào.
Bắc Kinh hẳn phải cảm nhận được nỗi thống khổ này. Nền kinh tế đang diễn ra không mấy suôn sẻ, cả trong nước lẫn các dòng chảy thương mại hoặc đầu tư, và sự nhiệt tình trên khắp toàn cầu từng có một thời đối với việc làm ăn với Trung Quốc đã giảm sút trong lòng người Mỹ, Âu Châu, và Nhật Bản.
Khó có thể bỏ qua thái độ thù địch rõ ràng của Hoa Thịnh Đốn đối với thương mại với Trung Quốc. Để đáp lại, các quan chức Trung Quốc, trong những tháng gần đây, đã bắt đầu thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị ở mọi lĩnh vực của các nước phát triển. Trong tất cả những ý định này, Bắc Kinh nếu đã không bị từ chối thẳng thừng thì cũng không cảm nhận được chút nồng nhiệt nào.
Căn nguyên mang đến nỗi tuyệt vọng của Bắc Kinh là đã đủ rõ ràng. Ở trong nước, cuộc khủng hoảng địa ốc trầm trọng và dai dẳng đã làm giảm hoạt động mua bán và xây dựng nhà ở. Một phần vì sự mất mát của cải trong cuộc khủng hoảng địa ốc nhưng cũng còn những lý do khác nữa, mà người tiêu dùng Trung Quốc vẫn không sẵn lòng chi tiêu. Trong khi đó, thái độ thù địch trước đây của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối với các doanh nghiệp tư nhân đã khiến họ không còn sốt sắng đầu tư để mở rộng hoặc thuê công nhân mới.
Hoạt động xuất cảng bị trì trệ do các chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn, Brussels, và Tokyo có mức độ thù địch khác nhau đối với thương mại với Trung Quốc, cũng như vì các doanh nghiệp ở những khu vực này đang tích cực đa dạng hóa hoạt động ở ngoại quốc và tìm nguồn cung ứng tránh khỏi Trung Quốc.
Việc thiếu sự trợ giúp kinh tế trong và ngoài nước như vậy đã dẫn đến điều chỉ có thể được gọi là “cuộc tấn công quyến rũ” gần đây của Bắc Kinh. Mục tiêu là giúp thúc đẩy nền kinh tế bằng cách giành lại một số sự nhiệt tình trước đây của ngoại quốc đối với Trung Quốc, vốn là điều đã từng giúp thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco hồi tháng Mười một năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, trấn an họ rằng họ được chào đón ở Trung Quốc và sẽ tìm thấy một môi trường kinh doanh màu mỡ ở đó. Đầu năm nay, ông đã mời một nhóm đông đảo hơn gồm các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đến Bắc Kinh để nghe thông điệp tương tự. Ngay sau buổi trình diễn đó, ông Tập đã đến châu Âu và cũng nói thông điệp đó với các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp. Mặc dù cả người Mỹ và người Âu Châu đều dành cho ông sự tiếp đón tích cực, lịch sự, và thân thiện, nhưng cả hai nỗ lực của ông đều không tạo ra nhiều hồi đáp thiết thực. Cả dòng đầu tư lẫn thương mại đều không tăng nhiều.
Mới đây nhất, Bắc Kinh đã thử làm điều tương tự với Nam Hàn và Nhật Bản. Thủ tướng Lý Cường đã gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Seoul. Trong cuộc họp đầu tiên như vậy kể từ năm 2019, ông nhắm đến việc thúc đẩy thương mại giữa ba nền kinh tế và mời gọi đầu tư vào Trung Quốc.
Bằng nhiều cách, ông Lý đã đưa ra cho người Nam Hàn và người Nhật những lời hứa giống như ông Tập đã đưa ra với người Mỹ và người Âu Châu, nhưng ông đã tiến một bước xa hơn. Ông Lý đã cố gắng hồi sinh ý tưởng về một hiệp định thương mại tự do ba bên — các cuộc đàm phán lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2012 nhưng phần lớn đã bị đình trệ kể từ đó. Đồng thời, khi ông Lý nhấn mạnh di sản Á Châu chung của ba quốc gia, thì có vẻ như ông cũng đã nỗ lực tách một hoặc cả hai nước ra khỏi mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ của họ với Hoa Kỳ.
Ở Seoul mọi người đều rất lịch sự, người Mỹ và người Âu Châu cũng vậy, nhưng không rõ ràng là ông Lý có đạt được tiến triển một cách thiết thực hay không. Đã có những lời hoa mỹ thông thường về hợp tác thương mại và năng lượng sạch, nhưng không có gì cụ thể được đưa ra từ các cuộc họp, thậm chí không có một kế hoạch, hay một cam kết nào. Mặc dù ông Lý nhất quyết tách kinh tế và thương mại ra khỏi ngoại giao và an ninh, nhưng dù sao thì các vấn đề an ninh vẫn khiến các cuộc gặp này không mấy dễ chịu.
Cả ông Yoon và ông Kishida đều gây áp lực buộc ông Lý phải để cho Trung Quốc giúp kiềm chế việc thử phi đạn và các hành động thù địch khác của Bắc Hàn. Ông Lý đã không giải quyết những lo ngại này, ngoại trừ tại một thời điểm, đã cảnh báo Nam Hàn về việc “chính trị hóa thương mại” (như thể Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm điều như vậy). Ông Kishida lưu ý các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc quanh Đài Loan và nhắc nhở ông Lý rằng bất kỳ hoạt động nào trên Eo biển Đài Loan đều “vô cùng quan trọng” đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Hẳn là ông đã có thể nhắc nhở ông Lý rằng Nhật Bản đã cam kết bảo vệ Đài Loan thậm chí còn trực tiếp hơn cả Hoa Kỳ. Điều rõ ràng đến ê chề là những tiến bộ mà ông Lý tìm kiếm không thể tiến triển nếu không có một số giải pháp cho những vấn đề này và các vấn đề an ninh khác.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times