Tin tức lạm phát từ Trung Quốc kể một câu chuyện buồn
Tình trạng giảm phát ngay từ cổng nhà máy cho thấy sự bóp méo kinh tế nghiêm trọng và căn bản.
Số liệu lạm phát mới nhất của Trung Quốc có thể sẽ khiến các nhà chức trách ở Bắc Kinh phải thức trắng đêm. Việc hoàn toàn không có lạm phát tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang gặp phải những vấn đề sâu sắc hơn cả cuộc khủng hoảng địa ốc, mặc dù cuộc khủng hoảng này vốn dĩ đã rất tệ. Đồng thời, giá sản xuất giảm cho thấy bên cạnh các vấn đề mà người tiêu dùng đang gặp phải, các nhà hoạch định ở Bắc Kinh đã khiến cho tình hình càng tệ hại hơn thông qua việc bóp méo nền kinh tế Trung Quốc.
Số liệu giá mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh cho thấy những thông tin đáng lo ngại. Trong tháng Sáu giá tiêu dùng đã chỉ tăng 0.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng chung là tăng 0.4% và thậm chí là thấp hơn so với mức tăng 0.3% của tháng Năm. Những số liệu như vậy có thể là rất đáng hoan nghênh đối với các quốc gia đang phải chịu lạm phát, nhưng trong một nền kinh tế như Trung Quốc, nơi đang rất cần kích thích chi tiêu tiêu dùng, thì giá giảm cho thấy sự thất bại. Trong khi đó, giá tại nơi mà các nhà thống kê Trung Quốc gọi là “cổng nhà máy” và phần còn lại của thế giới gọi là giá sản xuất trong tháng Sáu đã giảm 0.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Do đó, tháng Sáu là tháng thứ 21 liên tiếp xảy ra mức giảm như vậy. Áp lực giảm giá liên tục này cho thấy tình trạng cung vượt cầu. Các nhà máy của Trung Quốc đang sản xuất nhiều hơn nhu cầu của cả người dân Trung Quốc và người ngoại quốc.
Những vấn đề này bắt nguồn từ sự thiếu nhiệt tình của người tiêu dùng Trung Quốc. Thái độ miễn cưỡng chi tiêu của họ không phải là điều gây bất ngờ. Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung đã kìm hãm tiền lương, và dẫu cho tiền lương có không suy giảm toàn diện đi chăng nữa, thì mức lương hiện tại cũng đã làm nản lòng những kỳ vọng được hình thành trong thời kỳ tăng trưởng nhanh kéo dài của nền kinh tế. Những diễn biến này đã gây áp lực đè nặng lên nhất vào nhóm dân số có thu nhập trung lưu và thấp hơn nữa trong phổ thu nhập của nền kinh tế.
Di sản của các đợt phong tỏa và gián đoạn công việc trong suốt thời kỳ đại dịch và một thời gian dài sau đó khi Bắc Kinh áp dụng chính sách zero COVID chắc chắn đã khiến người lao động Trung Quốc cảm thấy họ không thể kiếm được nhiều tiền như họ từng nghĩ mình có thể, và do đó làm xói mòn hơn nữa niềm tin của người tiêu dùng. Nếu như vậy còn là chưa đủ, thì cuộc khủng hoảng địa ốc đã làm giảm giá trị nhà ở. Theo China Real Estate Information Corp., 100 công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc đã ghi nhận các mức giá giảm khoảng 17% so với một năm trước. Vì hầu hết người dân Trung Quốc đều có phần lớn tài sản gắn liền với ngôi nhà của họ, nên cảm giác về sự giàu có và mong muốn chi tiêu đã bị ảnh hưởng.
Giá sản xuất giảm cho thấy một câu chuyện thậm chí còn đáng ngại hơn. Năm ngoái, do thất vọng về chi tiêu hạn hẹp của người tiêu dùng, Bắc Kinh đã tìm cách kích thích nền kinh tế bằng cách tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực mà các nhà hoạch định của Bắc Kinh nghĩ rằng sẽ thống trị trong tương lai—chẳng hạn như thiết bị điện tử tinh vi, pin, xe điện (EV), pin quang năng, v.v. Tuy nhiên, như chúng ta có thể thấy rõ từ việc giá sản xuất giảm, hiện không có đủ nhu cầu cho năng lực sản xuất tăng thêm này. Không nghi ngờ gì nữa, vấn đề như vậy vẫn sẽ phát sinh trong mọi trường hợp, nhưng hậu quả đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng vì các quốc gia phương Tây đã hành động để hạn chế các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã áp dụng hàng loạt mức thuế quan đối với xe điện, pin, và pin quang năng do Trung Quốc sản xuất, trong đó Hoa Kỳ áp thuế rộng rãi và mạnh mẽ hơn châu Âu—nhưng cả hai nơi đều đã có hành động.
Theo đó, xuất cảng của Trung Quốc sang EU và Hoa Kỳ đã giảm trong năm tháng qua, giảm 10% với EU và 17% với Hoa Kỳ. Bất chấp sự sụt giảm này, tổng xuất cảng của Trung Quốc đã tăng, chủ yếu là do xuất cảng sang Nga tăng 60%, xuất cảng sang Mỹ Latinh tăng khoảng 17%, và xuất cảng sang Đông Nam Á tăng 7%. Doanh số bán cho Nga rõ ràng phản ánh lệnh cấm vận rộng rãi của phương Tây đối với Nga, khiến Trung Quốc trở thành một trong những nguồn cung cấp duy nhất. Doanh số tăng ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á chủ yếu phản ánh các lô hàng linh kiện chuyển đến các nhà máy Trung Quốc đặt trụ sở tại những nơi đó để tránh các hạn chế của Hoa Kỳ và châu Âu. Hoa Kỳ và châu Âu đang thực hiện các bước để ngăn chặn sự lừa dối quanh co này.
Ngay cả khi người dân Hoa Kỳ và châu Âu tỏ ra chào đón hơn với các sản phẩm Trung Quốc, thì nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng năng lực sản xuất như một yếu tố thay thế cho nhu cầu tiêu dùng yếu kém sẽ vẫn là một sai lầm. Nhiều năm qua, nhiều tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã khuyên can Bắc Kinh ít phụ thuộc hơn vào xuất cảng hàng sản xuất và dựa nhiều hơn vào mô hình tăng trưởng được thúc đẩy nhờ các yếu tố trong nước. Đôi khi, Bắc Kinh đã tỏ ra đón nhận lời khuyên này và đã tuyên bố sự điều chỉnh như vậy là chính sách của họ.
Tuy nhiên quyết định năm ngoái của Bắc Kinh về việc tập trung vào sản xuất đã đi ngược lại với sự điều chỉnh căn bản cần thiết này và, cùng với thái độ thay đổi ở Hoa Kỳ và châu Âu, đã trở nên đặc biệt không đúng lúc. Việc giá tại cổng nhà máy giảm mạnh cho thấy mức độ nghiêm trọng của sai lầm đó và làm tăng thêm một vấn đề khác cho nền kinh tế Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times