Chuyên gia: Lợi suất trái phiếu Trung Quốc chạm mức thấp mới, có thể kích ứng dòng vốn chảy ra và rủi ro tài chính
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư đang đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc, đẩy giá trái phiếu lên cao và lợi suất xuống mức thấp kỷ lục.
Do đó, ngân hàng trung ương đã tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ nhưng đã chỉ trích thị trường vì làm suy yếu nền kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo rằng hành động này có thể đẩy nhanh dòng vốn chảy ra và dẫn đến sự sụp đổ của các tổ chức tài chính.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã phục hồi nhẹ sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm là 2.18% vào tháng Bảy. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm và 30 năm vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Trong tháng Ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn. Khi thị trường nhà ở suy yếu và bất ổn kinh tế gia tăng, tiền đã chảy nhiều hơn vào thị trường trái phiếu.
Cuối tháng Tư, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 2.21%, thấp hơn đáng kể so với một năm trước và thấp hơn 1% so với mức đỉnh điểm vào tháng 11/2020.
Trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài 30 năm, lần đầu tiên được phát hành trên sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến vào cuối tháng Năm, đã tràn ngập lệnh mua vào ngay trong ngày giao dịch đầu tiên. Cả hai sở giao dịch đều phải tạm dừng giao dịch, trong đó sở giao dịch Thượng Hải đã trải qua hai lần tạm dừng chưa từng có.
Trái phiếu chính phủ năm nay có lãi suất thấp, với trái phiếu tiết kiệm kỳ hạn ba năm chỉ có lãi suất 2.38%, chỉ cao hơn một chút so với lãi suất của các ngân hàng nhà nước.
Nói chuyện với The Epoch Times, nhà kinh tế học sống tại Hoa Kỳ Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) nhận xét, lợi suất trái phiếu giảm có thể làm tăng khoảng cách lãi suất của Trung Quốc với Hoa Kỳ, đẩy nhanh quá trình mất giá của đồng nhân dân tệ, và làm tăng dòng vốn chảy ra. Hơn nữa, sự bất ổn của thị trường có thể dẫn đến những khoản thua lỗ hoặc sự đóng cửa đối với các tổ chức tài chính đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ.
Kể từ tháng Tư, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của Trung Quốc, đã đưa ra nhiều cảnh báo về bong bóng thị trường trái phiếu tiềm ẩn. Trình bày tại một diễn đàn tài chính vào tháng Sáu, Thống đốc PBOC Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tương tự như sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank nếu cơn sốt trái phiếu này không được kiểm soát. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank xảy ra do tình trạng rút tiền ồ ạt và sự mất giá của các khoản đầu tư vào công khố phiếu Hoa Kỳ sau khi Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất.
PBOC đã công bố quyết định mua vào trái phiếu chính phủ hôm 01/07. Hành động chưa từng có này nhằm mục đích tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ trên thị trường lên vượt quá nhu cầu. Bằng cách này, PBOC đặt mục tiêu hạ giá trái phiếu chính phủ và giữ trái phiếu trong phạm vi có thể quản lý được, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ngăn ngừa rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Các nhà phân tích thị trường bi quan về nền kinh tế Trung Quốc
Một số chuyên gia trong nước gần đây đã bày tỏ sự bi quan về nền kinh tế Trung Quốc.
Hôm 07/07, Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải đã tổ chức một diễn đàn kinh tế, trong đó hiệu trưởng Lưu Nguyên Xuân (Liu Yuanchun) tuyên bố rằng để hiểu được nền kinh tế Trung Quốc, cần phải xem xét toàn diện môi trường bên ngoài và động lực bên trong của nước này. Ông cho biết nếu chỉ tập trung vào một phạm vi hẹp như tài chính hoặc công nghiệp thì sẽ không có câu trả lời.
Ông Lưu cho biết địa chính trị đã trở thành yếu tố rủi ro chi phối trên toàn cầu, vượt qua ảnh hưởng của vốn và đã làm thay đổi căn bản cách phân bổ nguồn lực kinh tế truyền thống. Ông lưu ý rằng những điều chỉnh sâu sắc trong lĩnh vực địa ốc báo hiệu sự kết thúc của mô hình phát triển thông thường, và nêu lên sự chuyển đổi hoàn toàn trong cấu trúc kinh tế của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng việc này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên “doanh thu tài chính từ việc bán đất,” đòi hỏi phải điều chỉnh các nguồn thu của chính phủ.
Ông Lý Đạo Quỳ (Li Daokui), giáo sư kinh tế và viện trưởng Viện Tư tưởng và Thực tiễn Kinh tế Trung Quốc(ACCEPT) tại Đại học Thanh Hoa, đã nêu bật mối lo ngại của mình trong bài trình bày quan trọng tại Hội nghị Tài chính Thường niên Seashell năm 2024 hôm 03/07. Ông nhấn mạnh rằng vấn đề chính là nhu cầu tụt hậu so với năng suất. Trong khi công nghệ thúc đẩy năng suất, một nền kinh tế không thể phát triển mạnh chỉ dựa vào sản xuất mà không có hoạt động tiêu dùng tương ứng với sự tăng trưởng của nền kinh tế đó.
Ông Lý đã cảnh báo rằng nếu không có đủ cầu, các nhà sản xuất và doanh nghiệp sẽ cắt giảm giá và bị giảm lợi nhuận, dẫn đến thua lỗ, doanh nghiệp phải đóng cửa, lợi nhuận của nhà đầu tư giảm, và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và hoạt động cho vay của ngân hàng. Kết quả này sẽ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư và làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Lý Hằng Thanh nói với The Epoch Times rằng các học giả trong hệ thống của ĐCSTQ chưa đề cập đến các vấn đề cốt lõi. Ông tin rằng nguyên nhân gốc rễ của việc Trung Quốc suy thoái kinh tế là sự chệch hướng khỏi nền kinh tế thị trường thực sự và thiếu sự bảo vệ của pháp luật. Sự can thiệp của chính quyền gây ra những khoản chi phí và cản trở sự phát triển; một nền kinh tế thị trường không có sự can thiệp của chính quyền là lối thoát, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu có một xã hội pháp quyền để giành được lòng tin của công chúng và bảo vệ tài sản cũng như quyền sở hữu trí tuệ, yếu tố sẽ khuyến khích đầu tư và phát triển liên tục.
Ông nói, “Nếu không có hai biện pháp này, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ không có nhiều triển vọng. Thực tế rằng [nền kinh tế] không có sự cải thiện đáng kể nào mặc dù đã có nhiều biện pháp chính sách đã chứng minh điểm này.”