Nhà kinh tế học: Giá nhà ở Trung Quốc cần giảm thêm 40% mới có thể điều chỉnh thị trường địa ốc
Gần đây, ông Diêu Dương (Yao Yang), giáo sư ngành kinh tế học thuộc Đại học Bắc Kinh, lưu ý rằng do chính quyền trung ương đầu tư vốn quá ít nên giá nhà ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm. Tham chiếu theo kinh nghiệm quốc tế, giá nhà cần phải giảm thêm 40% nữa thì thị trường mới có thể điều chỉnh.
Theo tin tức của hãng truyền thông Tencent Finance trong chương trình “Cùng đàm luận về Kinh tế” vào hôm 02/07, ông Diêu Dương đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Mùa hè Davos từ ngày 25-27/06.
Đầu năm nay, ông Diêu Dương từng cho biết, tốc độ điều chỉnh địa ốc quá chậm, và giá nhà lẽ ra đã phải giảm từ lâu.
Sau nửa năm, ông Diêu Dương một lần nữa khẳng định rằng dựa trên kinh nghiệm quốc tế để giải thích tình hình hiện tại của giá nhà ở Trung Quốc, giá nhà cần giảm 40% thì thị trường mới có thể điều chỉnh. Ông cho rằng hiện tại, mức điều chỉnh này vẫn chưa đạt, chính quyền trung ương đầu tư quá ít, chính quyền địa phương cũng không tích cực mở rộng quy mô cho vay, vì vậy thị trường sẽ tự tiếp tục điều chỉnh. Nếu để thị trường tự điều tiết, giá nhà chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm, ông nhận định.
Ông Diêu Dương cho biết, giai đoạn phát triển tốc độ cao của ngành địa ốc đã qua, “nền kinh tế Trung Quốc đang chờ đợi điểm tăng trưởng mới.” Ông dự đoán rằng nửa cuối năm 2024 vẫn sẽ có những chính sách mới về địa ốc, nhưng khó có thể là những “biện pháp lớn” mà mọi người mong đợi.
Kể từ năm ngoái (2023), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến địa ốc nhằm thúc đẩy ngành này hồi phục nhưng mang lại ít hiệu quả. Ông Diêu Dương cho biết, [thông thường thì] ngay sau khi chính sách được công bố, doanh số bán hàng có thể tăng gấp từ một đến hai lần vào ngày hôm sau, tuy nhiên [đối với những chính sách nói trên] hiệu quả gần như biến mất sau một tuần.
Quan điểm của ông Diêu Dương đã dẫn đến nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trong công chúng.
“Ví dụ như ở Thâm Quyến, theo thu nhập bình quân đầu người do chính quyền thành phố công bố, giá nhà ở Thâm Quyến nên vào khoảng 20,000 nhân dân tệ, nhưng hiện đã vượt qua 50,000 tệ. Nếu tính theo mức trung bình cả nước, giá nhà giảm 40% mới là mức hợp lý.”
“Theo mức thu nhập, tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương, mức giá sinh hoạt, giá trị tiền tệ… thì giá nhà nên giảm từ 50% đến 60% mới là hợp lý.”
“Khi lương tăng 10% thì giá nhà tăng 50%. Bây giờ giá nhà giảm 10%, nhưng thu nhập của tôi [lúc này] giảm 50%.”
Khủng hoảng địa ốc ở khắp nơi, giá nhà vẫn chưa chạm đáy
Dữ liệu mới nhất cho thấy, doanh số bán những căn nhà cũ rất ảm đạm.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chỉ số Trung Quốc, giá trung bình của nhà cũ tại 100 thành phố trong tháng 06/2024 là 14,762 nhân dân tệ trên một mét vuông, giảm 0.73% so với tháng trước. Mức giảm này tăng thêm 0.03 % so với tháng 05/2024 và là mức giảm liên tiếp trong 26 tháng. So với mức giảm 6.25% cùng thời kỳ năm ngoái, trong nửa đầu năm nay, giá nhà cũ tại 100 thành phố đã giảm 3.61%. Mức giảm này cao hơn 0.87 điểm phần trăm so với nửa cuối năm ngoái, do chủ sở hữu bán tháo với số lượng lớn.
Đáng chú ý là có 100 thành phố có giá nhà cũ giảm hàng tháng trong tháng 06/2024. Trong vòng 13 tháng, số lượng thành phố có giá nhà cũ giảm đã liên tiếp vượt quá con số 90.
Trước tình hình khủng hoảng địa ốc tràn lan ở Trung Quốc, công chúng có nhận thức chung là giá nhà vẫn còn xa mới chạm đáy.
Tháng 05/2024, chính quyền ĐCSTQ công bố một chính sách cho vay trị giá 300 tỷ nhân dân tệ, dự định cung cấp khoản tài trợ 500 tỷ nhân dân tệ cho các doanh nghiệp nhà nước địa phương. Chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước mua lại các sản phẩm địa ốc đã hoàn thành nhưng không bán được với “giá hợp lý” và chuyển đổi chúng thành nhà ở có bảo đảm.
Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu GaveKal Dragonomics, tính theo giá trung bình của thị trường, số tiền 500 tỷ nhân dân tệ này chỉ có thể giải quyết 12% lượng tồn kho nhà ở. Nếu các doanh nghiệp nhà nước mua với giá chiết khấu thì có thể giải quyết 20% lượng tồn kho.
Theo công ty dịch vụ tài chính Standard & Poor’s (S&P), việc chuyển đổi lượng tồn kho hiện có thành nhà ở bảo đảm sẽ tăng cường giao dịch nhà ở thấp cấp và làm giảm giá nhà nói chung.
Một quan chức ngân hàng cho biết: “Kế hoạch này mặc dù có lợi cho ngành địa ốc, nhưng lại bất lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Bởi vì về bản chất, đây chính là chuyển giao một phần rủi ro cho họ.”
Trước đó, vào ngày 04/03/2024, bà Sharmin Mossavar-Rahmani, Giám đốc Đầu tư của Goldman Sachs Wealth Management, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV đã đưa ra lời khuyên không nên đầu tư vào Trung Quốc.
Bà giải thích hàng loạt lý do dẫn đến quyết định này, bao gồm dự đoán về sự suy giảm kinh tế đều đặn của Trung Quốc trong thập niên tới. Ba trụ cột tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc là thị trường địa ốc, cơ sở hạ tầng, và xuất cảng đều đang suy yếu.