Cuộc chiến giá cả trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc ngày càng khốc liệt, khiến người bán lao đao
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên khốc liệt hơn. Các nền tảng mua sắm trực tuyến phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng tăng trưởng chậm và áp lực giá cả tăng cao, buộc phải đưa ra các chương trình giảm giá mạnh và chính sách trả hàng hào phóng để thu hút khách hàng. Điều này dẫn đến việc người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử gặp khó khăn để tồn tại.
Ông Lỗ Chấn Vượng (Lu Zhenwang), nhà điều hành thương mại điện tử tại Thượng Hải, nói với Reuters rằng: “Thời kỳ tốt đẹp của thương mại điện tử đã kết thúc.” Nền tảng của ông Lỗ giúp các tiểu thương bán các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày.
“Tình hình cạnh tranh năm nay rất khốc liệt, tôi nghĩ nhiều người bán sẽ không trụ được quá ba năm,” ông Lỗ cho biết.
Ngày ‘Song Thập Nhất’ trở thành đề xuất ‘mạo hiểm’
Nền kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng địa ốc kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Theo Reuters, mặc dù các nền tảng thương mại điện tử đưa ra các chương trình giảm giá hấp dẫn, dùng các nhân vật nổi tiếng trên mạng để bán hàng trực tuyến, và chính sách trả hàng hào phóng đã mang lại doanh thu cho ngành thương mại điện tử, tuy nhiên, các biện pháp này lại gây tổn hại đến những người bán hàng mà các nền tảng này dựa vào.
Đã từng có thời thương mại điện tử chiếm 27% ngành bán lẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Euromonitor International cho thấy, với sự chậm lại do suy giảm kinh tế, tăng trưởng thương mại điện tử những năm gần đây chỉ còn ở mức một con số.
Ở Trung Quốc, lễ hội mua sắm “618” (18/06) là sự kiện bán hàng lớn thứ hai hàng năm chỉ sau “Song Thập Nhất” (ngày 11/11). Nhưng năm nay, tăng trưởng doanh số bán hàng của ngày hội “618” đã chậm lại. Theo nhà cung cấp dữ liệu Syntun, trong suốt thời gian diễn ra ngày hội mua sắm kết thúc vào ngày 20/06, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đã giảm 7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chỉ còn 743 tỷ nhân dân tệ (102 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên doanh số bán hàng của ngày hội hội “618” sụt giảm.
Theo Reuters, ông Lỗ Chấn Vượng cho biết kết quả là sự nhiệt tình tham gia lễ hội mua sắm của người dân giảm sút rõ rệt, ngày hội mua sắm lớn nhất “Song Thập Nhất” giờ đây đã trở thành một đề nghị “mạo hiểm.”
“Quý vị không biết mình có thể bán được bao nhiêu sản phẩm, nhưng quý vị phải chuẩn bị hàng có sẵn trong kho để phục vụ cho ngày này,” ông Lỗ nói. “Trong suốt thời gian diễn ra ngày hội mua sắm, gần như không thể có sự tăng trưởng bùng nổ.”
Năm ngoái, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội mua sắm “Song Thập Nhất,” doanh số bán hàng chỉ tăng vỏn vẹn 2%.
Người bán bắt đầu tự bảo vệ mình
Người bán hàng cũng bắt đầu phản đối các tác dụng phụ từ chính sách bán hàng của các nền tảng thương mại điện tử.
Trong thời gian diễn ra ngày hội mua sắm “618,” người sáng lập thương hiệu thời trang nữ Inman kêu gọi kiểm soát chính sách “bảo vệ trả hàng,” chính sách này buộc người bán phải chịu chi phí trả hàng. Người bán trên các nền tảng thương mại điện tử nói với Reuters rằng họ phải trả giá đắt cho chính sách này.
Tối ngày 13/06, ông Phương Kiến Hoa (Fang Jianhua), nhà sáng lập Inman, đã đăng một bài viết trên trương mục WeChat công chúng nói rằng, theo sự gia tăng cạnh tranh ngày càng gay gắt, các nền tảng thương mại đã dần yêu cầu bắt buộc người bán chịu chi phí vận chuyển khi trả hàng nhằm thu hút người tiêu dùng. Điều này đã làm tăng đáng kể áp lực kinh doanh cho người bán.
“Hiện tại, tỷ lệ trả hàng trên các nền tảng thương mại điện tử là khoảng 60%, tỷ lệ thanh toán chỉ khoảng 30%, trong khi tỷ lệ thanh toán của ba, bốn năm trước đây là 60%. So sánh ra thì thấy có sự khác biệt rất lớn,” ông Phương nói.
Ông Lỗ Chấn Vượng nói với Reuters rằng, chính sách bảo vệ trả hàng khiến tỷ lệ trả hàng của các sản phẩm như quần áo tăng vọt. Ông nói: “Quý vị bán được ba bộ quần áo, thì ít nhất sẽ có hai bộ bị trả lại, quý vị phải chịu chi phí vận chuyển cả chiều đi lẫn chiều trả về.”
Ký giả của Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh (Beijing Youth Daily) ở Trung Quốc đã tìm hiểu được rằng, trong hoạt động bán hàng thường ngày, người bán có thể tự lựa chọn mua dịch vụ bảo hiểm phí vận chuyển khi trả hàng. Tuy nhiên, mỗi khi có chương trình bán giảm giá, nền tảng sẽ đưa ra yêu cầu “bắt buộc phải mua bảo hiểm phí vận chuyển khi trả hàng,” khiến người bán phải tự mình mua bảo hiểm phí vận chuyển mới có thể tham gia chương trình bán giảm giá. Một số người bán phàn nàn: “Hoạt động khuyến mãi giảm giá của các nền tảng thương mại điện tử ngày càng nhiều, không chỉ vào dịp ‘Song Thập Nhất’ và ‘618’ mà gần như mỗi tháng đều có các hoạt động bán giảm giá với nhiều tên gọi khác nhau.”
Pinduoduo, JD.com, và các nền tảng Taobao và Tmall của Alibaba đều không phúc đáp yêu cầu bình luận của Reuters.
Trạng thái bình thường mới: Sự cạnh tranh giữa các nền tảng và giữa những người bán
Theo Reuters, ông Davy Huang, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty tư vấn thương mại điện tử Azoya cho biết, tỷ lệ trả hàng của người tiêu dùng tăng cao do việc mua sắm bốc đồng, khiến các nhà bán lẻ nhỏ không có đủ dòng tiền để chịu chi phí, vì thế tình hình kinh doanh của họ ngày càng khó khăn hơn.
“Nhưng tôi nghĩ tỷ lệ trả hàng chỉ là một phần nhỏ trong những thách thức mà các doanh nghiệp bán lẻ này phải đối mặt,” ông Huang nói thêm. “Họ còn phải đối mặt với chi phí cao để thu hút lưu lượng truy cập, cũng như chi phí đắt đỏ khi hợp tác với các KOL (Key Opinion Leader, hay ‘người chủ chốt có ảnh hưởng đến dư luận’) và người bán hàng phát hình trực tiếp (livestreamer).”
Trước đó, bà Sherri He, giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc của công ty tư vấn quản lý Kearney, cho biết trên Bloomberg rằng: “Ngày hội mua sắm ‘618’ năm nay là ngày hội khốc liệt nhất từ trước đến nay.”
“Trong bối cảnh tiêu dùng giảm sút, các nền tảng thương mại điện tử đang đối mặt với áp lực thành tích to lớn,” bà Sherri He nói.
Theo Reuters, các nhà bán lẻ cũng cảm nhận được ảnh hưởng từ việc bán hàng trực tiếp của các nhà máy. Giáo sư kinh tế học Sử Hạc Lăng (Shi Heling) của Đại học Monash tại Melbourne, Úc cho biết một số nhà cung cấp trên Pinduoduo đã chịu lỗ trong suốt hai năm.
“Họ không hy vọng rằng giá cả cuối cùng sẽ bù đắp được chi phí, nhưng họ phải tiếp tục bán hàng qua Pinduoduo, nếu không họ sẽ phải đóng cửa nhà máy,” ông Sử Hạc Lăng nói.