Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ là 1.27 ngàn tỷ USD tính đến thời điểm này trong năm
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, thâm hụt liên bang năm nay dự kiến sẽ lên tới 1.9 ngàn tỷ USD.
Theo Báo cáo Ngân khố Hàng tháng, chính phủ liên bang đã công bố mức thâm hụt ngân sách thấp hơn dự kiến vào tháng Sáu, do nhiều hiệu ứng niên lịch khác nhau khiến doanh thu thuế tăng và chi tiêu giảm.
Tháng trước (06/2024), thâm hụt ngân sách liên bang là 66 tỷ USD, giảm 71% so với năm trước.
Dữ liệu mới của Bộ Ngân khố cho thấy doanh thu thuế đã tăng 11% so với cùng thời kỳ năm ngoái, tổng cộng thu về 466 tỷ USD. Theo báo cáo hàng tháng, sự gia tăng này là do các khoản thanh toán thuế chậm từ các khu vực của đất nước được liên bang tuyên bố thảm họa thiên tai.
Chi tiêu đã giảm 18% từ tháng 06/2023, xuống còn 532 tỷ USD. Tuy nhiên, các quan chức cho biết mức chi tiêu sẽ tăng 11% lên 625 tỷ USD, nếu tháng 07/2023 và tháng 06/2024 được tính bắt đầu từ một ngày thường trong tuần.
Trong năm tài khóa hiện tại, doanh thu đã tăng 10% lên 3.754 ngàn tỷ USD, và chi tiêu tăng 5% lên 5.022 ngàn tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách liên bang là 1.268 ngàn tỷ USD trong chín tháng đầu năm tài khóa 2024, giảm 9% so với cùng thời kỳ năm trước.
Các khoản chi tiêu hàng tháng lớn nhất là An sinh Xã hội (129 tỷ USD), giáo dục (80 tỷ USD), y tế (75 tỷ USD), và quốc phòng (67 tỷ USD).
Chi phí thanh toán lãi ròng là khoản mục ngân sách lớn thứ ba vào tháng Sáu, tổng cộng là 81 tỷ USD. Trong năm tài khóa này, tính đến nay chi phí lãi ròng đã tăng vọt lên 682 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái.
44% thuế thu nhập cá nhân thu được (184 tỷ USD) được dành cho chi phí lãi suất vào tháng Sáu.
Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) báo cáo rằng thâm hụt liên tục trong 12 tháng là 1.6 ngàn tỷ USD, thấp hơn 154 tỷ USD so với khoảng thời gian 12 tháng trước đó.
CRFB cho biết trong một báo cáo rằng: “Khoảng cách giữa chi tiêu và doanh thu tiếp tục làm tình hình tài chính của chúng ta tệ hơn.”
“Nợ dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ 97.3% GDP vào cuối năm tài khóa 2023 lên mức kỷ lục 106.2% GDP vào năm 2027 và 122.4% vào cuối thập niên này.”
“Các nhà lập pháp cần hành động khẩn cấp để tìm ra giải pháp tức thời và lâu dài cho tình hình tài khóa suy thoái của chúng ta.”
Một cái nhìn cập nhật về ngân sách
Tháng Sáu, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã sửa đổi triển vọng thâm hụt cho năm tài khóa 2024.
Cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái này đã dự đoán rằng thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang sẽ là 1.9 ngàn tỷ USD, cao hơn 400 tỷ USD so với mức ước tính trước đó. Ngoài ra, con số này sẽ tăng so với mức thâm hụt 1.7 ngàn tỷ USD của năm ngoái (2023).
CBO cho biết trong bản Đánh giá Ngân sách Hàng tháng mới nhất rằng: “Một số chi phí chưa được ghi nhận đã góp phần vào dự báo thâm hụt cao hơn của CBO cho năm 2024, bao gồm các khoản chi mà Chính phủ có thể ghi nhận để xóa nợ sinh viên phát sinh từ một quy định được đề xướng đã công bố vào tháng Tư và một số khoản chi phát sinh từ luật cung cấp trợ giúp cho Israel, Ukraine, và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Giám đốc CBO Phillip Swagel đã trình diện trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện hôm 10/07 và nói với các nhà lập pháp rằng rủi ro tài khóa “đang gia tăng” do chi phí thanh toán lãi vay tăng vọt và mức nợ cao hơn.
Trong cuộc trao đổi với Thượng nghị sỹ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana), ông Swagel ước tính rằng chính phủ liên bang sẽ cần phải cắt giảm chi tiêu từ 7 đến 8% “chỉ để ổn định được nợ.”
“Chúng ta vẫn sẽ phải gánh một khoản nợ lớn,” ông Swagel cho biết.
Theo dữ liệu của Bộ Ngân khố, nợ quốc gia đang tiến gần đến mức 35 ngàn tỷ USD, tăng từ mức 27.6 ngàn tỷ USD vào tháng 01/2021.
Quản lý nợ và thâm hụt
Trong 12 tháng qua, Bộ Ngân khố đã phát hành khoảng 2 ngàn tỷ USD chứng khoán nợ ngắn hạn mới (T-bill, tín phiếu) để giúp quản lý tình trạng nợ công và thâm hụt ngày càng tăng.
Vào tháng Tư, Bộ Ngân khố ước tính sẽ vay 847 tỷ USD trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo, cho biết tỷ lệ tín phiếu chưa thanh toán so với tổng nợ chưa thanh toán đã tăng kể từ tháng 06/2023 và đây là một vấn đề.
“Sự gia tăng lớn về nguồn cung đòi hỏi sự gia tăng lớn về nhu cầu,” ông cho biết trong một ghi chú hôm 04/07. “Việc Fed tăng số lượng tín phiếu đang lưu hành trong khi đồng thời thực hiện thắt chặt định lượng (QT) làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố trên thị trường tài chính,” ông cho biết trong một thư điện tử gửi cho The Epoch Times.
Thách thức nằm ở chỗ nhu cầu đối với chứng khoán nợ ngắn hạn và dài hạn đang ảm đạm.
Ví dụ, phiên đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 30 năm trị giá 22 tỷ USD hôm 11/07 đã diễn ra với các tín hiệu khác nhau, với lợi suất cao hơn 8 điểm cơ bản so với kỳ vọng. Ngoài ra, các đại lý sơ cấp—các tổ chức tài chính thu mua nguồn cung mà các nhà đầu tư không mua—đã mua 16% lượng công khố phiếu.
Tại phiên đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 3 năm trị giá 57 tỷ USD hôm 90/07, kết quả chỉ ở mức trung bình khi các đại lý sơ cấp đã mua 15% nguồn cung.
Mức trung bình các đại lý sơ cấp đã mua trong 12 tháng là khoảng 13%.
Nếu Hệ thống Dự trữ Liên bang bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm, thì nhu cầu của các gia đình và quỹ thị trường tiền tệ của Hoa Kỳ đối với công khố phiếu sẽ có thể giảm dần. Do đó, xu hướng này “sẽ gây áp lực tăng lên lãi suất ngắn hạn vì nguồn cung công khố phiếu lớn không được đáp ứng bằng nhu cầu mạnh mẽ tương tự,” ông Slok cho biết.
Theo CME FedWatch Tool, Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm vào tháng Chín. Khả năng này được cải thiện sau khi lạm phát tháng Sáu thấp hơn dự kiến.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times