2 năm qua, Fed đã trả 400 tỷ USD chi phí lãi cho các khoản tiền gửi qua đêm của các ngân hàng và quỹ
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ hiện trả lãi suất 5.4% trên năm cho ‘các khoản dự trữ’ — bất kỳ khoản tiền nào mà một ngân hàng gửi qua đêm tại Fed.
Ngành ngân hàng đã được hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát lạm phát của Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Dựa trên dữ liệu do Fed công bố tính đến ngày 01/07, trong hai năm qua, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã trả hơn 400 tỷ USD các khoản thanh toán lãi suất và các giao dịch khác cho các ngân hàng và các quỹ trên thị trường tiền tệ để hạn chế việc cho vay nhằm chống lạm phát.
Sau một đợt tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023, ngân hàng trung ương hiện trả lãi suất 5.4% một năm cho “các khoản dự trữ” — bất kỳ khoản tiền nào mà một ngân hàng gửi tại Fed qua đêm. Tuy nhiên, không hẳn là các ngân hàng đã chuyển lợi ích bất ngờ này sang cho khách hàng, vì lãi suất tiền gửi [của khách hàng] vẫn ở mức thấp so với lãi suất mà các ngân hàng nhận được từ Fed. Khách hàng thường phải sử dụng các công cụ ít thuận tiện hơn, chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi, để tiếp cận các mức lãi suất tương đương với mức lãi suất mà Fed hiện đang trả.
Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Fed trả lãi cho các khoản dự trữ và ngân hàng trung ương này đã làm vậy kể từ năm 2008. Trong nhiều năm, lãi suất chỉ là khoảng 0.1% khi Fed giữ lãi suất gần bằng 0. Tuy nhiên, vào năm 2022, lạm phát tăng vọt lên mức 9% hàng năm, khiến Fed nhanh chóng tăng các mức lãi suất cho dự trữ này.
Lãi suất dự trữ tạo ra động lực mạnh mẽ để các ngân hàng chỉ cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất do Fed đưa ra vì việc gửi tiền vào tài khoản Fed hầu như không tốn công sức và không có rủi ro.
Fed đang sử dụng cơ chế này để thắt chặt tín dụng, giảm cầu, và do đó làm giảm áp lực lạm phát giá cả. Việc hạn chế cho vay cũng làm giảm lượng USD lưu thông vì trên thực tế các ngân hàng sẽ tạo ra tiền mới khi họ phát hành các khoản cho vay. Tiền mới sau đó rời khỏi lưu thông khi các khoản cho vay đó được hoàn trả lại.
Một cơ chế khác được gọi là “thỏa thuận mua lại đảo ngược” hay repo đảo ngược, trong đó Fed bán công khố phiếu kèm thỏa thuận mua lại những tài sản này vào ngày hôm sau với mức giá cao hơn một chút. Chênh lệch giá được Fed thể hiện dưới dạng lãi suất hàng năm và bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất của Fed, với lãi suất chủ chốt hiện ở mức 5.3%.
Mặc dù thấp hơn lãi suất dự trữ, nhưng repo đảo ngược cung cấp dòng tiền tốt hơn vì loại công cụ này trả hàng ngày, còn lãi suất dự trữ được trả hai tuần một lần. Ngoài ra, repo đảo ngược không chỉ mở cho các ngân hàng mà còn cho cả các quỹ thị trường tiền tệ.
Các hợp đồng mua lại đảo ngược đã giảm từ mức đỉnh điểm hơn 2.5 ngàn tỷ USD vào hôm 30/12/2022 xuống còn khoảng 660 tỷ USD hôm 28/06.
Lãi suất dự trữ và hợp đồng mua lại đảo ngược đã khiến Hệ thống Dự trữ Liên bang phải chi khoảng 3.5 tỷ USD mỗi tuần, dựa trên mức trung bình hàng tuần của số dư dự trữ tại Hệ thống Dự trữ Liên bang và khối lượng hợp đồng mua lại đảo ngược hàng ngày.
Về mặt kỹ thuật, Fed không gặp vấn đề gì khi phải trả hàng trăm tỷ USD tiền lãi vì họ có thể tạo ra tiền mới thông qua điện toán. Tuy nhiên, USD mới sẽ làm tăng áp lực lạm phát.
Kể từ khi chạm mức đỉnh điểm vào giữa năm 2022, lạm phát giá đã giảm đáng kể, dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động. Tuy nhiên, trong năm qua, lạm phát vẫn ở mức trên 3% — trong khi mục tiêu của Fed là 2%. Một thước đo thay thế về lạm phát giá do Cục Phân tích Kinh tế công bố đã đề ra những con số thấp hơn một chút — 2.6% cho tháng Năm — nhưng vẫn cao hơn mục tiêu của Fed.
Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay, có thể là vào tháng Chín, mặc dù mức cắt giảm dự kiến sẽ diễn ra dần dần, chẳng hạn như một phần tư điểm phần trăm sau mỗi sáu tuần.
Người Mỹ có thể nhận thấy mức lãi suất cao trong các khoản vay mua nhà và vay mua xe hơi, cũng như lãi suất tiền gửi của các ngân hàng.
Một số ngân hàng nhỏ hiện nay cung cấp tài khoản tiết kiệm lãi suất cao với lãi suất trên 5%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times