Bản tin đặc biệt

Cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua để lại vết thương lòng cho trẻ em Trung Quốc

Một thanh niên Trung Quốc nói: ‘Cuộc bức hại này thực sự làm tổn thương tất cả mọi người, đặc biệt là các em nhỏ và thanh thiếu niên.’

Meimei đi học muộn. “Làm sao vậy nhỉ?” cô bé nghĩ. Sáng nào mẹ em cũng đánh thức em dậy. Em thoáng nhìn thấy cha mình. Ông cũng trễ giờ. Rõ ràng là mẹ cũng không đánh thức ông dậy. Vậy mẹ đâu rồi?

Sau đó điện thoại reo.

Cô gái 16 tuổi này nhấc điện thoại lên. Người đàn ông ở đầu dây bên kia tự giới thiệu mình là một quản lý của đồn công an địa phương. “Mẹ của cháu đã bị bắt vì tập Pháp Luân Công trong công viên. Bảo cha cháu ngày mai mang 5,000 nhân dân tệ đến đồn công an, nếu không thì hai người có thể tự biết hậu quả thế nào rồi đấy,” cô bé nhớ lại.

Cha cô bé, vốn là một nhân viên cải huấn, bắt đầu gọi điện thoại cho những người quen của mình, cố hết sức tìm xem có ai quen biết người nào ở đồn công an đó không.

Chiều hôm đó, lại có một cuộc điện thoại khác thông báo rằng mẹ em đã bị chuyển đến một đồn công an cấp cao hơn.

Meimei nói: “Tôi đã vô cùng sợ hãi.” Cô bé biết gần đây có một học viên Pháp Luân Công khác đã bị đánh tử vong tại đồn công an đó.

“Chúng ta phải cứu mẹ thôi,” Meimei van nài cha, một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ‘gương mẫu.’

Cha cô đã cầu xin một người chú khá giả giúp đỡ. Ông chú liền bắt đầu rải các phong bì đựng tiền mặt ở khắp nơi và hỏi thăm xung quanh cho đến khi tìm được đúng người.

Sau khoảng bốn ngày, người chú thu xếp được một chuyến thăm tại nhà tù. Nhưng chỉ có Meimei mới được phép vào.

Lúc đó là vào dịp Tết Nguyên Đán, mà đồn công an thì lạnh lẽo tối tăm. Meimei được dẫn vào một căn phòng nơi cô thấy một người bạn của gia đình, cũng là người tu luyện Pháp Luân Công. Ông cố né tránh, nhưng cô có thể nhìn thấy một dấu giày trên mặt ông.

Thêm vào khung cảnh ảm đạm đó là hai viên công an ngồi trong một góc, đeo kính râm và chơi cờ. Sau đó mẹ cô được dẫn vào. Meimei không thể thốt nên lời. Cô đã khóc trong suốt 15 phút còn lại.

Một lần nữa, người chú lại gửi tiền mặt cho nhiều cấp trên trong sở công an.

Meimei nói: “Thực ra, việc này không phải là hối lộ mà chỉ là cho tiền thôi.”

Cuối cùng, sau khoảng hai tuần, mẹ cô đã được thả.

“Ai đã làm điều này với mẹ,” Meimei hét lên khi nhìn thấy trên người mẹ cô đầy những vết bầm tím. Cô bé rất tức giận. Cô bé muốn chống trả, dù cho cô không thể làm gì được.

Mẹ cô ngăn em lại. “Họ cũng là nạn nhân thôi con à,” bà nói. “Bởi vì họ không biết những gì họ đang làm là sai trái.”

Meimei cảm thấy choáng váng. Cô bé biết các nguyên lý của Pháp Luân Công—chân, thiện, và nhẫn—cô có đọc sách và luyện các bài công pháp. Nhưng đây là lần đầu tiên cô thực sự hiểu được các nguyên lý này.

(Ảnh trên) Các học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể tại Quảng Châu, Trung Quốc, vào năm 1998. (Ảnh dưới bên trái) Các học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể ở Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào tháng 10/1998. (Ảnh dưới bên phải) Các học viên Pháp Luân Công nhỏ tuổi ngồi thiền ở Trung Quốc vào những năm 1990. (Ảnh: Minh Huệ, Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp)
(Ảnh trên) Các học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể tại Quảng Châu, Trung Quốc, vào năm 1998. (Ảnh dưới bên trái) Các học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể ở Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào tháng 10/1998. (Ảnh dưới bên phải) Các học viên Pháp Luân Công nhỏ tuổi ngồi thiền ở Trung Quốc vào những năm 1990. (Ảnh: Minh Huệ, Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

“Tôi nghĩ lúc đó tôi đã nhận ra thế nào là thiện,” Meimei nói.

Meimei không phải là tên thật của cô. Cô là một trong hàng triệu trẻ em lớn lên ở Trung Quốc lo sợ cho tính mạng của mình và của gia đình mình kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công 25 năm về trước.

Giống như hàng chục người khác đã nói chuyện với The Epoch Times, cô yêu cầu không tiết lộ danh tính thật của mình để bảo vệ những người thân vẫn đang sống ở Trung Quốc.

‘Trời đất đảo lộn’

Pháp Luân Công, một môn tu luyện với các bài công pháp có động tác khoan thai và các nguyên lý đạo đức, đã được truyền thừa từ sư phụ sang đệ tử qua các thời đại kể từ thời cổ đại. Môn này tương tự như vô số môn tu luyện thuộc trường phái Phật Gia hoặc Đạo Gia khác được truyền rộng ra công chúng dưới tên gọi chung là “khí công” kể từ những năm 1970.

Được tán dương chủ yếu vì mang lại lợi ích về sức khỏe thể chất và không quảng bá rầm rộ các nền tảng tinh thần của mình, khí công mang lại một con đường quý giá để người dân Trung Quốc giữ được sợi dây truyền thừa với nền văn hóa của họ trong các cuộc vận động thanh trừng bài xích truyền thống vào cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được giới thiệu ra công chúng vào khoảng thời gian muộn hơn nhiều, vào năm 1992, khi nhà sáng lập, Đại Sư Lý Hồng Chí, tổ chức một loạt các lớp giảng dạy trên khắp đất nước. Với việc công chúng đã phần nào quen thuộc với khí công, Pháp Luân Công đã đi sâu hơn vào các giá trị tinh thần—điểm then chốt để có được sức khỏe tốt và đề cao trong môn tu luyện này nằm ở việc tu tâm dưỡng tính theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.

Môn tu luyện này đã nhanh chóng lan rộng, chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng. Theo các cuộc khảo sát của chính quyền, vào cuối những năm 1990 đã có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học Pháp Luân Công, và hầu hết những người theo học đều cho biết sức khỏe thể chất và tinh thần của họ đã được cải thiện. Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ hướng dẫn con họ tập các bài công pháp cũng như sống chiểu theo các nguyên lý này.

Gần như tất cả những bạn nhỏ nói chuyện với The Epoch Times, trong độ tuổi từ 5 đến 15, đều tự xem mình là học viên Pháp Luân Công, và còn là những học viên chăm chỉ.

Vào ngày 20/07/1999, truyền thông nhà nước trên khắp Trung Quốc đã lên án Pháp Luân Công và cấm môn tu luyện này. Đêm trước ngày này, các “phụ đạo viên” Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc—các tình nguyện viên mang những chiếc đài đến phát nhạc luyện công tại các điểm luyện công ngoài trời—đã bị bắt.

Đối với nhiều người, đặc biệt là các học viên nhỏ tuổi, tin tức này khiến các em hoàn toàn sững sờ.

Cô Livia, lúc đó mới 11 tuổi, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy thật kỳ lạ.”

(Bên trái) Ảnh chụp màn hình một tờ báo Trung Quốc vào ngày 10/11/1998, mô tả Pháp Luân Công là gì. Trước năm 1999, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin tích cực về Pháp Luân Công. (Bên phải) Ảnh chụp màn hình một tờ báo Trung Quốc ngày 22/07/1999, đưa tin về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm các đảng viên tập Pháp Luân Công. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ĐCSTQ đã miêu tả Pháp Luân Công là xấu. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)
(Bên trái) Ảnh chụp màn hình một tờ báo Trung Quốc vào ngày 10/11/1998, mô tả Pháp Luân Công là gì. Trước năm 1999, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin tích cực về Pháp Luân Công. (Bên phải) Ảnh chụp màn hình một tờ báo Trung Quốc ngày 22/07/1999, đưa tin về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm các đảng viên tập Pháp Luân Công. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ĐCSTQ đã miêu tả Pháp Luân Công là xấu. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

Cô và cha mẹ cô thường xuyên ra ngoài tập các bài công pháp của Pháp Luân Công cùng những học viên khác trong vùng.

“Nhiều quan chức chính quyền biết chúng tôi và khá thân thiện với chúng tôi,” cô nói.

Nhưng đột nhiên tin tức lại miêu tả Pháp Luân Công hoàn toàn là xấu.

Cô nói: “Cha mẹ tôi và tôi không thể tin được điều đó.”

Giọng điệu của các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát đối với Pháp Luân Công gần như chuyển từ tích cực sang tiêu cực chỉ sau một đêm, cô Amy, lúc đó 8 tuổi, nhớ lại.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua để lại vết thương lòng cho trẻ em Trung Quốc

Cách đưa tin thật bất nhất.

Cô Livia, lúc đó 13 tuổi, cho biết: “Giống như trời đất đảo lộn vậy.” Điều mà ngày hôm trước là đúng thì hôm nay lại bị cho là sai. Đột nhiên, những tuyên bố phi lý giờ đây được trình bày như thể một sự thật không thể chối cãi.

Có một cảm giác phổ biến trong các học viên Pháp Luân Công rằng chắc hẳn đã có sai sót nào đó, và tình hình sẽ nhanh chóng được khắc phục.

“Nhất định là có sự hiểu lầm rồi,” cô Phoebe, lúc đó 18 tuổi, nhớ lại. “Chúng ta phải cho họ biết [những học viên Pháp Luân Công bị bắt] là người tốt. Chúng ta cần phải làm gì đó.”

Hàng ngàn người đã đến các văn phòng chính quyền địa phương hoặc đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, hoặc đơn giản là nói với người dân trên Quảng trường Thiên An Môn rằng “Pháp Luân Đại Pháp là tốt.”

Đảng đã đáp lại bằng việc bắt bớ, giam giữ, và tra tấn hàng loạt.

Một số học viên Pháp Luân Công cho biết rằng lúc đầu, công an dường như bối rối không biết phải làm gì. Những người đến Bắc Kinh đều bị bắt, thông tin cá nhân của họ đều bị ghi lại, và rồi họ được thả trong vòng vài ngày.

Nhưng điều đó đã nhanh chóng thay đổi.

Các chính quyền địa phương, dường như chịu áp lực từ cấp trên, đã bắt đầu xem việc đến Bắc Kinh kháng nghị là một hành vi phạm tội nghiêm trọng và có thể bị trừng trị bằng cách giam giữ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trong các trại lao động cưỡng bức.

Những câu chuyện về tra tấn đã nhanh chóng xuất hiện: đánh đập kéo dài hàng giờ, sốc điện bằng nhiều loại roi lùa gia súc cho đến khi mùi thịt cháy của nạn nhân tràn ngập căn phòng, thẩm vấn kéo dài nhiều ngày và cấm ngủ, cưỡng gian, đổ nước muối đậm đặc qua đường mũi, đánh vỡ các khớp xương và đâm que tre dưới móng tay, chích các loại thuốc không rõ nguồn gốc, và hàng chục các phương pháp tra tấn khác được nghĩ ra để gây nên những nỗi đau cùng cực.

Một số người được phỏng vấn cho biết gần như ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu, các học viên bắt đầu in và phát truyền đơn. Lúc đầu, những tờ truyền đơn này thường tập trung vào các trường hợp học viên bị bắt oan ở địa phương. Sau đó, họ sản xuất nhiều tờ truyền đơn và tài liệu tổng quát hơn để vạch trần tuyên truyền của ĐCSTQ và bắt đầu chuyển những tờ truyền đơn này đến thùng thư của người dân, thường là vào lúc nửa đêm.

Ai bị bắt vì có liên quan đến những tài liệu như vậy có thể phải đi tù hoặc vào trại lao động trong nhiều năm.

Các học viên Pháp Luân Công công khai thể hiện sự ủng hộ đối với đức tin của mình ở nơi công cộng đã bị công an Trung Quốc giam giữ. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)
Các học viên Pháp Luân Công công khai thể hiện sự ủng hộ đối với đức tin của mình ở nơi công cộng đã bị công an Trung Quốc giam giữ. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

Cô Livia cho biết cha mẹ của cô đã bị đưa đến các trại lao động và các cơ sở giam giữ khác nhau ít nhất 10 lần.

Một năm nọ, cả cha mẹ lẫn ông bà cô đều bị giam giữ cùng một lúc. Những người thân khác không muốn dính dáng đến việc này vì sợ rằng họ cũng sẽ bị nhắm đến nên cô phải ở nhà một mình. Cô sống qua ngày nhờ những bữa trưa ở trường và bất cứ thứ gì khác cô có thể nhận được.

“Đối với tôi, đó là một khoảng thời gian rất khốn khổ,” cô chia sẻ.

Nhưng đồ ăn thức uống và những nhu yếu phẩm cơ bản khác không phải là vấn đề thực sự đối với cô.

“Vấn đề chính nằm ở tâm lý và tinh thần, bởi vì tôi rất nhớ và lo lắng cho cha mẹ,” cô cho biết.

Bộ máy tuyên truyền

Trong những tháng đầu tiên của cuộc bức hại, thông điệp chống Pháp Luân Công trở nên ngập tràn khắp nơi, đầy rẫy trên tất cả các kênh truyền hình, đài phát thanh, và báo chí.

Đối với những ai biết rõ Pháp Luân Công, thì những bản tin tuyên truyền này nghe có vẻ vô lý. Việc môn tu luyện này bị cáo buộc là dẫn đến các vụ sát nhân, tự sát, rồi thậm chí là khủng bố—tất cả đều đi ngược lại với những nguyên lý của môn này. Các bài giảng đã nói rõ là cấm sát sinh.

Tuy nhiên, lượng tuyên truyền quá lớn đó chắc chắn đã dẫn đến kết quả là nhiều người nghe theo ít nhất một số tuyên bố.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua để lại vết thương lòng cho trẻ em Trung Quốc

Một trong những lời bôi nhọ phổ biến nhất trong giai đoạn đầu là việc các học viên Pháp Luân Công mổ bụng để “tìm Pháp Luân.” Nhiều học viên lưu ý rằng chẳng có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chuyện như vậy từng xảy ra—hoàn toàn là sự bịa đặt của nhà cầm quyền—nhưng nhiều người Trung Quốc đã tin đó là sự thật mà không chút hoài nghi.

Việc lên án Pháp Luân Công đã trở thành một hoạt động bắt buộc trên toàn quốc. Người dân được yêu cầu ký vào các đơn kiến nghị chống Pháp Luân Công, dẫm lên ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công, và chỉ trích Pháp Luân Công trước khi vào các văn phòng chính quyền. Tuyên truyền chống Pháp Luân Công đã được đưa vào sách giáo khoa tiểu học, các kỳ thi ở trường, và các lớp “giáo dục chính trị” bắt buộc đối với học sinh ở Trung Quốc.

Amy nói, trong mắt những người tin theo lời tuyên truyền này thì các học viên Pháp Luân Công còn xấu xa hơn cả bọn tội phạm.

Đối với nhiều người, bầu không khí này gợi nhớ đến sự điên cuồng thời Cách mạng Văn hóa, khi ai nấy đều phải đọc thuộc lòng những câu nói của Mao Trạch Đông ngay cả khi đến mua hàng ở tiệm bách hóa.

Chỉ là lần này, mọi người đã được huấn luyện sẵn để hùa theo vì thực dụng.

Livia cho biết, trong số những người không tin vào tuyên truyền thì có nhiều người vẫn xem các học viên Pháp Luân Công là ngu ngốc và thiếu lý trí khi kiên định vào đức tin của họ bất chấp sự vu khống của chính quyền.

(Ảnh trên bên trái) Một trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc nơi các học viên Pháp Luân Công bị đưa đến. (Ảnh trên bên phải) Các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải xem tuyên truyền của ĐCSTQ trong một buổi tẩy não tại một trung tâm do “Phòng 610” điều hành, cơ quan dẫn đầu chiến dịch bức hại Pháp Luân Công. (Ảnh dưới bên trái) Một tấm biểu ngữ có thông tin làm sáng tỏ sự thật về Pháp Luân Công được trưng bày trước công chúng ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, vào ngày 06/01/2018. (Ảnh dưới bên phải) Một đĩa CD chứa thông tin vạch trần tuyên truyền của ĐCSTQ về Pháp Luân Công, ở Bắc Kinh, vào ngày 11/12/2007. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)
(Ảnh trên bên trái) Một trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc nơi các học viên Pháp Luân Công bị đưa đến. (Ảnh trên bên phải) Các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải xem tuyên truyền của ĐCSTQ trong một buổi tẩy não tại một trung tâm do “Phòng 610” điều hành, cơ quan dẫn đầu chiến dịch bức hại Pháp Luân Công. (Ảnh dưới bên trái) Một tấm biểu ngữ có thông tin làm sáng tỏ sự thật về Pháp Luân Công được trưng bày trước công chúng ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, vào ngày 06/01/2018. (Ảnh dưới bên phải) Một đĩa CD chứa thông tin vạch trần tuyên truyền của ĐCSTQ về Pháp Luân Công, ở Bắc Kinh, vào ngày 11/12/2007. (Ảnh: Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

“[Người ta nghĩ rằng] cả nhà tôi thật ngu ngốc. Họ nghĩ rằng thật dễ [thoát khỏi rắc rối] vì các vị có thể từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công kia mà. Tại sao các vị cứ phải cố chấp vào môn đó?”

Cô nói rằng đức tin không có ý nghĩa gì đối với họ.

Amy nhớ lại một lớp học giáo dục chính trị mà tại đó cô đã cố gắng lên tiếng. “Pháp Luân Công không phải như vậy đâu,” cô cất lời khi giáo viên đang luyên thuyên giảng ra một loạt tuyên truyền. Cô giáo ngắt lời cô bé ngay lập tức. “Em có bằng chứng gì chứ?” cô giáo hét vào mặt Amy ở hành lang sau giờ học.

Amy nhanh chóng phải chịu hậu quả tồi tệ. Ngày hôm sau, cô bé bị cả lớp xa lánh. Những đứa bé khác đã gọi cô bằng những cái tên mà cô không muốn nhắc lại.

Một vài người bạn của Amy vẫn chơi với cô, nhưng sau đó cho cô biết rằng giáo viên đã yêu cầu các bạn đừng nói chuyện với cô vì sợ việc học “bị ảnh hưởng.” Cô rất vui khi biết các bạn vẫn sẵn lòng bỏ ngoài tai lời dặn của giáo viên để làm bạn với mình. Tuy nhiên, cô không muốn bạn mình gặp rắc rối. Cô đề nghị họ chỉ nên thể hiện tình bạn một cách riêng tư. Cô và các bạn bị chia cắt xa dần cho đến khi chỉ còn cô bơ vơ một mình.

Cha cô không tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã nhất quyết yêu cầu cô tiếp tục đi học và vì vậy là cô vẫn tiếp tục đến trường, liên tục phải đối mặt với sự dè bỉu và chê bai.

“Mỗi ngày đều giống như tra tấn vậy,” cô chia sẻ.

Trừng phạt liên đới

Khi cuộc bức hại được phát động, Ben mới 17 tuổi.

“Tôi đã không thể hiểu được,” anh cho biết. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.”

Bạn bè và người thân kéo đến nhà anh, cố gắng thuyết phục anh và cha từ bỏ tu luyện hay ít nhất là tu luyện một cách kín đáo. Vẫn còn ký ức từ thời Cách mạng Văn hóa, họ lo sợ rằng nếu chỉ một người bị dán nhãn là kẻ thù của Đảng, thì cả gia đình sẽ bị liên lụy vào tầm ngắm.

Các chú của anh nói với anh: “Vì các em họ của cháu, cháu không thể tập môn này nữa. Vài năm nữa là chúng lên cấp ba rồi. Chúng sẽ bị bức hại mất.”

Cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua để lại vết thương lòng cho trẻ em Trung Quốc

ĐCSTQ trừng phạt cả một nhóm hay tập thể, khi chỉ cần một người trong nhóm đó được xem là vi phạm chính trị thì cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và thậm chí là nơi làm việc hay trường học cũng sẽ bị liên lụy. Nhiều học viên gọi sự trừng phạt này là một nguyên nhân gây ra sự hành hạ về mặt tâm lý.

Phản kháng lại mệnh lệnh từ bỏ đức tin của chính quyền là một chuyện, mà từ chối lời cầu xin khẩn khoản từ những người thân và bạn bè đang cảm thấy thực sự lo lắng lại là một chuyện khác.

Năm 2000, cha của Ben bị bắt khi tới Bắc Kinh để kháng nghị lên chính quyền. Trong thập niên tiếp theo, Ben gặp cha của mình tổng cộng chỉ được vài tháng. Cha anh được phóng thích để rồi lại bị bắt giữ lần nữa và bị đưa đến trung tâm giam giữ hoặc trại lao động.

Người qua đường đọc bảng phơi bày thông tin tại một quầy thông tin Pháp Luân Công ở Flushing, khu Queens, thành phố New York, hôm 21/04/2024. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
Người qua đường đọc bảng phơi bày thông tin tại một quầy thông tin Pháp Luân Công ở Flushing, khu Queens, thành phố New York, hôm 21/04/2024. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Ben đã phải bỏ học đại học. Để trang trải cuộc sống sau khi tốt nghiệp trung học, anh làm nghề bồi bàn trong một nhà hàng, và sau đó là ở nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh khác nhau như McDonald’s và Burger King.

Không một ai dám chìa tay giúp đỡ anh. Ngay cả người quản lý của anh tại nơi làm việc cũng đã liên tục bị công an sách nhiễu.

“Tôi phải chịu đựng áp lực từ phía chủ, từ gia đình, từ bạn học và bạn bè,” anh cho biết. “Thế là tôi bắt đầu gặp phải các vấn đề về tâm lý. Tôi đã ngừng giao tiếp với người khác trong một thời gian rất lâu.”

Anh bị trầm cảm, cảm thấy vô cùng sợ hãi, và tuyệt vọng.

Năm 2009, khi cha anh được trả tự do sau hai năm bị giam giữ trong trại lao động, ông đã cỗ vũ Ben kiên định vào đức tin của mình, và dần dần trạng thái tinh thần của anh đã được cải thiện. Anh tham gia một chương trình phát triển nghề nghiệp và học viết code.

Rõ ràng là cha anh đã bị tra tấn nhưng khi được hỏi thì ông không muốn kể lại.

“Tôi đã hỏi cha tôi vài lần. Cha tôi bảo: ‘Không, cha không muốn kể lại đâu. Thật quá khủng khiếp. Cha không muốn nhớ lại những ký ức đó,’” anh cho biết.

Tuy vậy, ông có nhắc đến những lần bị đánh đập, cũng như phương thức tra tấn “ghế hổ”—nạn nhân bị bắt ngồi dựng dậy trên một băng ghế hẹp trong nhiều ngày, khiến họ chịu đau đớn tột cùng và bị thương nặng ở hông.

Vào năm 2012, Ben đã cùng cha đào thoát sang Hoa Kỳ.

Sự kiện bộc lộ nhân cách thật

Năm 2001, Yu sống trong ký túc xá của trường trung học—10 nữ sinh chen chúc trong một căn phòng có đầy giường tầng. Cô giấu một số tài liệu Pháp Luân Công dưới đệm của mình mà không nhận ra rằng người bạn cùng phòng nằm ở tầng dưới của giường có thể nhìn thấy chúng qua tấm ván giường.

“Yu, bạn có thể gỡ mấy thứ đó ra được không? Mỗi lần nhìn lên tôi đều thấy. Nó khiến tôi rất khó chịu,” nữ sinh ở giường dưới, một người bạn từ thời thơ ấu của cô, nói.

Một số bạn cùng phòng khác tình cờ nghe được cuộc trò chuyện này. Yu muốn giải thích. “Đừng tin những gì chính quyền nói,” cô nói. Cô bắt đầu kể về người bạn của mẹ cô, người đã nhiều lần đi kháng nghị ở Bắc Kinh và bị bắt và cuối cùng bị kết án 12 năm tù. Cô kể mà nước mắt trào ra lăn dài trên má.

Nhưng cô chỉ nhận được thái độ hết sức hờ hững. Một người bạn cùng phòng còn phá lên cười. “Tại sao bạn phải khóc chứ? Đó không phải là người thân của bạn mà,” nữ sinh này nói.

Yu không bao giờ tìm cách trò chuyện với các bạn cùng lớp về cuộc bức hại nữa. Cô cũng ít khi mỉm cười.

Bốn năm sau, ở trường y khoa, Yu nắm lấy một cơ hội khác—một giáo viên dạy tiếng Anh, một người Mỹ, đã lấy “anh hùng” làm chủ đề cho một bài tập nói.

Khi đến lượt Yu, cô đứng dậy và bắt đầu kể về người bạn đang bị giam cầm của gia đình cô.

Một học viên Pháp Luân Công bị công an bắt giam khi đang phản đối chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở Bắc Kinh. (Ảnh: Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp)
Một học viên Pháp Luân Công bị công an bắt giam khi đang phản đối chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở Bắc Kinh. (Ảnh: Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

“Tôi nói rằng cô ấy là một anh hùng trong lòng tôi vì cô ấy đã đứng lên vì chính tín của mình,” Yu nói.

Cả lớp im lặng. Giáo viên không nói gì cả. Cuối cùng, bí thư chi Đoàn trong lớp đã đứng lên và liến thoắng những lời tuyên truyền.

Sau giờ học, Yu cảm thấy bứt rứt. Cô nghĩ mình đã làm đúng nhưng không biết chuyện gì rồi sẽ xảy ra. Cô đã hy vọng những người bạn thân sẽ ủng hộ cô, nhưng giờ họ thậm chí còn chẳng buồn nói chuyện với cô.

Trên đường trở về ký túc xá, cô cảm thấy đau lòng và cô đơn. Khi cô mở cửa, chỉ có một nữ sinh trong phòng—nữ sinh đại diện cho học sinh trong ký túc xá. Yu không thích ở một mình với cô bạn này cho lắm, cô xem hành vi của cô ấy là thô lỗ, hư hỏng, và không biết nghĩ cho người khác vì cô ấy thường xuyên thức khuya khi người khác muốn ngủ.

Trước sự ngạc nhiên của cô, cô bạn này bắt đầu hét lên: “Yu, nếu bạn bị bắt vì chuyện này, thì mình sẽ đi giải cứu bạn!”

Trái tim Yu như tan chảy. Cô thấy mình đang mỉm cười.

Cô nói: “Việc đề cập đến Pháp Luân Công ở Trung Quốc thực sự giúp bộc lộ ra nhân cách thật của con người.”

‘Làm tam thoái’

Khi cuộc bức hại mới bắt đầu, nhiều học viên đã hy vọng rằng có lẽ nếu họ giải thích rõ hơn thì Đảng sẽ thay đổi lập trường của mình. Yu cho biết, năm này qua năm khác, họ đều tin rằng cuộc bức hại sắp kết thúc.

Tháng 11/2004, một thay đổi lớn đã xảy ra với việc Cửu Bình (hay Chín bài bình luận về ĐCSTQ), một loạt bài xã luận do The Epoch Times xuất bản, được phát hành. Những phân tích chi tiết và sâu sắc của loạt bài bình luận này về lịch sử, những tội ác, và các phương pháp tàn bạo của ĐCSTQ đã dập tắt mọi hy vọng còn sót lại về việc Đảng sẽ thay đổi.

Theo dẫn chứng trong các bài xã luận này, việc dán nhãn một nhóm người trong xã hội là kẻ thù cần tiêu diệt là chiến thuật cốt lõi của Đảng để nắm giữ quyền lực.

“Về căn bản, tôi đã ngỡ ngàng,” Livia kể lại cảm giác lần đầu tiên cô đọc Cửu Bình. Rốt cuộc thì cô cũng hiểu tại sao ĐCSTQ lại bức hại những người vô tội khi không có bất kỳ lý do hợp lý nào để tin rằng họ sẽ gây ra mối đe dọa.

Từ thời điểm đó trở đi, tâm lý chung của các học viên Pháp Luân Công dường như là cuộc bức hại chỉ có thể kết thúc khi ĐCSTQ giải thể.

“Trước đó, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận Pháp Luân Công. Chúng tôi đã cố gắng dùng lòng trắc ẩn, thiện tâm của mình, cố gắng chuyển biến cách nhìn của họ, rồi kiến ​​nghị và viết thư, làm sáng tỏ sự thật cho họ thấy,” Sam nói.

Các học viên Pháp Luân Công tập hợp cùng nhau để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại đối với đức tin của họ ở Trung Quốc, tại khu Flushing ở Queens, thành phố New York, hôm 21/04/2024. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công tập hợp cùng nhau để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại đối với đức tin của họ ở Trung Quốc, tại khu Flushing ở Queens, thành phố New York, hôm 21/04/2024. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)

“Sau Cửu Bình, tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ không [thể thành công nếu] theo con đường đó nữa. … Không thể hy vọng rằng họ sẽ thay đổi, rằng họ sẽ chấm dứt cuộc bức hại này.”

Cửu Bình đã làm dấy lên phong trào “Tam Thoái” (San Tui), đề cập đến việc mọi người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng như Đoàn Thanh niên Cộng sản, và Đội Thiếu niên Tiền phong. Tuy rằng Đảng chỉ có khoảng 100 triệu đảng viên nhưng hầu hết mọi người dân Trung Quốc đều đã gia nhập một trong các tổ chức liên đới của đảng này tại một thời điểm nào đó trong đời.

Thay vì chính thức hủy bỏ tư cách thành viên, Tam Thoái có nghĩa là đưa ra một tuyên bố để từ trong tâm tự tách mình ra khỏi ĐCSTQ và những tội ác của đảng này.

Các học viên Pháp Luân Công đã và đang thúc đẩy phong trào này ở Trung Quốc, thu thập những tuyên bố như vậy từ người dân và gửi đến Trung tâm Dịch vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu, một tổ chức bất vụ lợi được thành lập để thúc đẩy phong trào và ghi nhận tổng số người làm tam thoái, hiện ở mức hơn 430 triệu người.

Nhiều học viên nhận thấy rằng việc truyền rộng Cửu Bình đã giúp thay đổi thái độ của người dân đối với Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua để lại vết thương lòng cho trẻ em Trung Quốc

Cô Amy cho biết, ngay cả những người hoàn toàn tin vào tuyên truyền của ĐCSTQ cũng phải sửng sốt sau khi đọc loạt bài xã luận này.

“Ngay cả những người ngoan cố nhất đã bị ĐCSTQ tẩy não, họ cũng không thể cãi lại được.”

Những người nói chuyện với The Epoch Times cho biết Cửu Bình đã mang đến sự minh bạch cho những người từ lâu đã được dạy rằng sẽ không có đất nước Trung Quốc nếu không có ĐCSTQ.

Anh Mike, mới 8 tuổi khi cuộc bức hại bắt đầu, cho biết: “Ở Trung Quốc, người dân thực sự rất khó phân biệt giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc.”

Người dân cho biết Cửu Bình đã làm họ chấn động đủ để họ có một khoảnh khắc sáng suốt, giúp họ nhận ra rằng ĐCSTQ không phải là đất nước Trung Quốc.

Sát nhân để lấy nội tạng

Năm 2006, The Epoch Times là hãng truyền thông đầu tiên phát hành bản tin về việc ĐCSTQ sát hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng dùng cho ngành cấy ghép sinh lợi. Những cáo buộc này ban đầu đến từ một số người tố cáo và rồi bằng chứng nhanh chóng nhiều lên.

Sau năm 2000, hệ thống cấy ghép nội tạng có quy mô rất nhỏ của Trung Quốc đột nhiên bùng nổ. Nguồn cung cấp nội tạng nhiều đến chóng mặt, đến mức nhiều bệnh viện mở các khoa cấy ghép mới, và thậm chí các bệnh viện mới chỉ chuyên về cấy ghép cũng bắt đầu mọc lên trên khắp đất nước.

Một số bệnh viện đã công khai khoe khoang về việc hoàn thành hàng trăm ca cấy ghép mỗi năm so với chỉ một số ít ca vài năm trước đó. Tuy nhiên, nước này hầu như không có hệ thống hiến tạng. Ngay cả khi Trung Quốc thừa nhận sử dụng tử tù chờ thi hành án làm nguồn nội tạng, thì con số đó vẫn là bất khả thi. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đột nhiên tuyên án tử hình thêm nhiều người ở cấp số nhân.

Đáng chú ý nhất là các bệnh viện từng quảng cáo thời gian chờ đợi chỉ trong một hoặc hai tuần—có nghĩa là nội tạng chờ bệnh nhân chứ không phải ngược lại.

Một số cuộc điều tra độc lập sau đó đã kết luận rằng cách duy nhất mà hệ thống cấy ghép của Trung Quốc có thể hoạt động được—đặc biệt là khi xét đến thời hạn sử dụng vô cùng ngắn của một cơ quan nội tạng ngay khi cơ quan này bị lấy ra khỏi thân thể ban đầu—là khi người ta bị sát hại theo nhu cầu bất cứ khi nào một nội tạng được cần đến.

Các nhà điều tra đóng giả là người có nhu cầu đã gọi điện thoại đến các bệnh viện—giả vờ là bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng và yêu cầu một cách cụ thể về nội tạng đến từ các học viên “Pháp Luân Công”—đã được trấn an rằng những cơ quan nội tạng như vậy thực sự có sẵn.

Một số người được phỏng vấn cho biết tin tức này vừa đáng sợ vừa khiến cho người ta cảm thấy ghê tởm.

“Tôi không thể ăn uống nổi trong mấy ngày,” Ben nói. “Tôi không thể tin được chuyện như vậy lại diễn ra trong nhiều năm qua.”

Đối với Meimei, lúc này đang học xa nhà tại một trường nội trú, đó là nguồn cơn của một nỗi lo âu thường trực.

“Tôi rất sợ và lo lắng cho mẹ, đặc biệt là mỗi khi mẹ không trả lời điện thoại,” cô bày tỏ.

Thực trạng khủng khiếp này dường như đặc biệt phổ biến vào đầu những năm 2000 ở khu vực phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, dưới sự lãnh đạo của ông Bạc Hy Lai, một thủ phạm sốt sắng trong chiến dịch chống Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

“Đó là một nỗi bàng hoàng khôn xiết đối với tôi,” cô Phoebe, khi cuộc bức hại bắt đầu mới vừa học xong trung học ở Đại Liên, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Liêu Ninh, nhớ lại.

Cha cô là một luật sư và mẹ cô là một công tố viên địa phương. Thông qua lăng kính tuyên truyền màu hồng, họ đã mang đến cho cô một cuộc sống sung túc, cách biệt với nỗi đau khổ của những người dân Trung Quốc bình thường.

Phoebe và mẹ cô đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1995. Khi chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu thì cô đang học trung học. (Ảnh: Petr Svab/The Epoch Times)
Phoebe và mẹ cô đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1995. Khi chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu thì cô đang học trung học. (Ảnh: Petr Svab/The Epoch Times)

“Đối với tôi, chính quyền luôn được hình dung là rất tốt,” cô nói.

Khi ĐCSTQ bắt đầu công kích Pháp Luân Công, môn tu luyện mà Phoebe đã tập luyện cùng mẹ kể từ năm 1995, cô đã nghĩ đó hẳn là một điều hết sức vô lý.

Cô nói: “Tôi không hề biết rằng chính quyền có thể làm như thế với người dân.”

“Thậm chí quý vị không thể nghĩ đến những gì mình muốn nghĩ sao? Quý vị thậm chí không thể tin vào những điều tốt sao? … Đó là lần đầu tiên tôi thấy rõ ràng đảng này tà ác như thế nào.”

Do mẹ cô có địa vị nổi bật và thành tích tốt trong công việc, nên ban đầu không ai dám truy đuổi bà ấy—cho đến khi bà quyết định viết một bức thư thanh minh cho Pháp Luân Công và gửi đến mọi quan chức tư pháp và chấp pháp ở Trung Quốc mà bà có thể nghĩ ra được.

Tháng 12/1999, bà đã cùng cô Phoebe tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Tại một trạm kiểm soát an ninh trên Quảng trường Thiên An Môn, công an phát hiện được bức thư và một cuốn sách Pháp Luân Công trên người họ. Hai mẹ con bị bắt ngay tại chỗ và bị giam giữ trong nhiều ngày.

Sau đó, mẹ cô bị giám sát và buộc phải về hưu non. Công an định kỳ lục soát nhà của họ và mẹ cô bị giam giữ hết lần này đến lần khác. Sau đó thì rốt cuộc bà cũng bị kết án ba năm trong Trại lao động Mã Tam Gia khét tiếng. Bà được trả tự do sau một năm để phẫu thuật mắt—một dịp may mà cô Phoebe cho là do trại lao động này ngần ngại khi ngược đãi quá tàn bạo một cựu công tố viên.

Khi biết tin về các vụ sát hại các học viên để lấy nội tạng vào năm 2006, họ đã rất lo lắng khi nhận ra rằng tỉnh của họ dường như có liên can chặt chẽ.

Trại lao động nữ Mã Tam Gia, một trại giam khét tiếng vì tra tấn các nữ học viên Pháp Luân Công, ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: Minghui.org)
Trại lao động nữ Mã Tam Gia, một trại giam khét tiếng vì tra tấn các nữ học viên Pháp Luân Công, ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: Minghui.org)

“Điều này thực sự khiến tôi khiếp đảm,” cô Phoebe nói. “Tôi quyết tâm sẽ vạch trần tà ác nếu có cơ hội ra hải ngoại.”

Tuy nhiên, đơn yêu cầu cấp hộ chiếu của cô đã bị từ chối vài năm trước đó. Có vẻ như cô đã bị đưa vào danh sách đen.

Dẫu sao, cô vẫn nộp đơn lại và, điều may mắn không ngờ mà cô cho là nhờ Thần Phật phù hộ đã xảy đến, hồ sơ của chính quyền về cô đã bị sai sót sau khi chuyển sang hệ thống cấp hộ chiếu mới.

Vì tất cả thông tin cá nhân của cô trong hệ thống đều sai, nên cô đã được yêu cầu xin giấy chấp thuận từ đồn công an địa phương. Thật ngạc nhiên, địa chỉ [trên hồ sơ] của cô đã được chuyển đến một đồn công an khác, mà ở đó không ai biết cô cả. Cô đã được cấp giấy chấp thuận và sau đó là hộ chiếu, vậy là cô đến được Hoa Kỳ vào năm 2006.

Từ năm 2008, cô Phoebe làm việc tại The Epoch Times, và hiện cô phụ trách lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số. Cô cho biết, việc tham gia một hãng truyền thông sẵn sàng đưa tin về các hành vi bức hại nhân quyền ở Trung Quốc là cách cô góp phần vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Cha mẹ biến mất

Đối với cô Flora, cuộc bức hại này là một phần luôn hiện diện trong cuộc sống kể từ khi cô được sinh ra vào năm 2000. Vào thời điểm đó, cha cô đang trong trại lao động vì đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh vào năm 1999. Ông được thả ra khi cô mới 2 tuổi.

Theo những gì cô còn có thể nhớ, cô đã nghe nói về việc có người bị bắt vì tập Pháp Luân Công. Khi cô đi học, ông bà cô đã dặn dò cô đừng nhắc đến đức tin của mình. Mẹ cô luôn sử dụng những chiếc điện thoại di động cũ có pin rời. Bà dùng điện thoại cũ kiểu này mỗi khi về nhà để tránh bị giám sát. Căn nhà của họ có một chiếc chuông cửa ẩn thứ hai chỉ được tiết lộ cho những người đáng tin cậy.

“Tôi có cảm giác như mình được sinh ra trong tù vậy,” cô nói. Lúc nào cô cũng phải để ý xem mình đang nói gì và nói với ai.

Cha mẹ cô đã bị bắt vào năm 2007 trong đợt thanh trừng trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Cô nhớ lại lúc đó cô đang làm bài tập về nhà và mẹ thì đang nấu cơm tối thì có người đập cửa trước. Mẹ cô ra mở cửa và khoảng 10 người xông vào. Cô nhận ra công an đi cùng với một quan chức của trường đại học nơi mẹ cô giảng dạy cho đến khi sự nghiệp của bà đổ vỡ giữa chừng vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện vào năm 1999.

Cô cho biết, những viên công an này thậm chí còn không mang theo còng tay mà trực tiếp trói tay mẹ cô bằng một chiếc thắt lưng. Họ lục soát căn nhà của hai mẹ con, quay video, và tịch thu bất kỳ tài liệu Pháp Luân Công nào họ có thể tìm thấy. Họ cũng lấy trộm tiền mặt và TV của nhà cô. Trong khi đó, một nữ công an cố gắng đánh lạc hướng Flora, hỏi cô về bài tập về nhà như thể cô bé đang sợ hãi này không biết rõ chuyện gì đang xảy ra.

Cô Flora, một học viên Pháp Luân Công, có cha mẹ bị bắt nhiều lần trong suốt thời thơ ấu ở Trung Quốc. (Ảnh: Daksha Devnani/The Epoch Times)
Cô Flora, một học viên Pháp Luân Công, có cha mẹ bị bắt nhiều lần trong suốt thời thơ ấu ở Trung Quốc. (Ảnh: Daksha Devnani/The Epoch Times)

“Tôi không khóc bởi vì lúc đó tôi đang bàng hoàng. Nhưng tôi nhớ là chân tôi đã run lên bần bật,” cô kể lại.

Công an đưa cô lên một chiếc xe hơi để cô tới nhà bà ở cùng thành phố.

Trong chuyến đi, cô hỏi tại sao mẹ lại bị bắt.

“Có vẻ như họ không biết phải nói gì,” cô nói.

Sau đó một người trả lời: “Mẹ cháu bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.”

“Đó không phải là lý do để cô chú bắt người,” cô nhớ lại là cô đã trả lời như vậy.

Họ đã làm thinh trong suốt phần còn lại của chuyến đi.

Sau này cô được biết cha cô đã bị bắt tại cửa hàng nhỏ do ông quản lý. Ông bị nhốt suốt 19 tháng. Mẹ cô được thả sau bốn tháng.

Sau đó, vào một ngày năm 2012, Flora đi học về trong giờ nghỉ trưa và thấy cha mẹ cô lại biến mất. Dì của cô đã ở nhà, cố gắng nói dối cô về những gì đã xảy ra, nhưng chẳng ích gì vì cô nhận ra ngay.

Sau này cô mới biết công an đã ập đến khi cha mẹ cô đều có mặt ở nhà. Họ túm lấy người mẹ khi bà vừa ra mở cửa. Còn cha cô đã khóa được một cánh cửa phụ. Sau đó, ông trèo ra khỏi cửa sổ tầng bốn và trèo qua máy điều hòa không khí để đến cửa sổ bên cạnh. May mắn thay, cánh cửa sổ để mở, và ông trèo vào trong.

Thật tốt khi người hàng xóm không trình báo ông. Sau một thời gian, ông lẻn ra ngoài và đi biệt xứ. Ông đã không bao giờ trở về nhà nữa. Năm 2014, ông đào thoát ra hải ngoại.

Không lâu sau khi học xong cấp ba, Flora sang Hoa Kỳ du học. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô gia nhập Đài truyền hình NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.

Cô cho biết chính việc tự thân trải nghiệm cuộc bức hại là động lực khiến cô tham gia ngành truyền thông.

“Tôi luôn muốn trở thành một phóng viên để truyền tải tiếng nói của những người yếu thế.”

Nhà nước giám sát

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm chống lại sự tuyên truyền của nhà nước, nhiều học viên nhận thấy thái độ của công chúng đã dần thay đổi. Sự thiếu hiểu biết và thái độ thù địch đang dần tan biến, thay vào đó là sự cảm thông, mặc dù sự thờ ơ vẫn còn phổ biến.

Livia nhớ rằng cô đã tìm cách giải thích sự thật về Pháp Luân Công cho một số bạn cùng lớp ở trường trung học. Một ngày nọ, khi giáo viên lớp chính trị đề cập đến tuyên truyền về Pháp Luân Công, các bạn cùng lớp bắt đầu lên tiếng. Cô nhanh chóng tham gia để chia sẻ hiểu biết của mình với cả lớp.

“Giáo viên đã sững sờ,” cô nói. “Và cô giáo chỉ nói rằng chủ đề này bị cấm nhắc đến trong lớp học.”

Cô cho biết giáo viên lập luận rằng “vì chúng ta đang bị ĐCSTQ cai trị nên nếu chúng ta phản đối ĐCSTQ, thì lỗi là ở chúng ta.”

Các học viên Pháp Luân Công tập các bài công pháp tại một lễ mít tinh tưởng niệm 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trên bãi cỏ phía tây của Capitol Hill, vào ngày 18/07/2019. (Ảnh: Mark Zou/The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công tập các bài công pháp tại một lễ mít tinh tưởng niệm 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trên bãi cỏ phía tây của Capitol Hill, vào ngày 18/07/2019. (Ảnh: Mark Zou/The Epoch Times)

Trong những năm đầu, việc cố gắng nói về Pháp Luân Công với một người lạ sẽ dẫn đến nguy cơ cao là bị báo công an.

Cô Mia, chỉ mới 6 tuổi khi cuộc bức hại bắt đầu, đã nhớ lại nỗi kinh hoàng mà cô cảm thấy khi cha cô đề cập đến Pháp Luân Công với một người mà họ mới gặp, chẳng hạn như một tài xế taxi.

“Trong lòng tôi quả thực là đã dấy lên một nỗi sợ hãi to lớn, và tôi đã không dám nghe,” cô nói. “Tôi lo ngại phản ứng của họ.”

Một số người được phỏng vấn cho biết ngày nay có vẻ như hiếm có ai bận tâm đến việc trình báo về một học viên Pháp Luân Công.

Theo anh Mike, đặc biệt là kể từ khi trải qua các đợt phong tỏa hà khắc do dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân Trung Quốc đã nhận ra bản chất của ĐCSTQ.

Một người bạn cùng lớp của anh đã liên lạc với anh và nói: “Ngày trước khi cậu bảo chúng tôi thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả chúng tôi đều nghĩ cậu bị điên rồi. Nhưng giờ sau trận dịch COVID này, khi rất nhiều người thiệt mạng, khi họ nhốt chúng tôi ở nhà thì tôi bắt đầu hiểu ra những điều cậu nói.”

Tuy nhiên, trong khi tình hình có thể đã trở nên nới lỏng hơn theo một cách nào đó, thì ở những phương diện khác hoàn cảnh lại trở nên khắc nghiệt hơn.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công 25 năm qua để lại vết thương lòng cho trẻ em Trung Quốc

Trong một phần tư thế kỷ qua, các phương tiện giám sát điện tử thô sơ ngày càng trở nên tinh vi hơn. Đôi mắt tò mò của những người hàng xóm bị tẩy não đã được thay thế bằng ống kính máy ảnh phóng to và các thuật toán nhận dạng khuôn mặt không ngừng nghỉ.

Các học viên Pháp Luân Công đã quen với việc xem điện thoại di động là những gián điệp và camera đường phố là các viên công an. Mike cho biết các hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công chưa bao giờ được thảo luận qua các thiết bị điện tử.

Anh và những người khác mô tả nhiều cách khác nhau được sử dụng để che giấu và ngụy trang các hoạt động của họ. The Epoch Times đã quyết định không tiết lộ những cách này vì một số cách có thể vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, nhiều người khẳng định rằng lối sống như vậy gây ra những tổn thương về mặt tâm lý. Ngay cả sau khi đến Hoa Kỳ, họ vẫn phải khổ sở với nỗi sợ hãi sâu thẳm, tim đập thình thịch khi có người nào đó bất ngờ gõ cửa nhà hoặc khi họ nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát đang đến gần.

“Tôi chưa từng bị bắt hay bị đưa vào một trại lao động hoặc nhà tù,” Sam nói. “Cuộc bức hại này thực sự làm tổn thương tất cả mọi người, đặc biệt là các em nhỏ và thanh thiếu niên.”

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times