Liệu người Mỹ đã tiêu hết tiền tiết kiệm thời đại dịch?
Đại dịch cùng với lệnh phong tỏa đã gây ra một số tác động tiêu cực cho người Mỹ. Nhưng trong cái rủi có cái may: người ta tích được một khoản tiết kiệm. Người dân đã không thể tiêu được tiền của mình (trong đại dịch), vì vậy họ đã tiết kiệm.
Nhưng điều gì đã xảy ra với tất cả chỗ tiền tiết kiệm đó kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ? Người Mỹ vẫn đang tiết kiệm, hay đã tiêu sạch cả rồi?
Tiết kiệm số tiền dư lại do không tiêu hết trong đại dịch
Đứng trước việc phong tỏa, câu trả lời của chính phủ liên bang là tiến hành một số gói kích thích chi tiêu. Kết quả là từ năm 2020 đến năm 2021, 5 ngàn tỷ USD đã được bơm vào nền kinh tế.
Trong khoảng thời gian này có sự trợ giúp trực tiếp thông qua các tấm chi phiếu, các khoản tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, và việc tăng tín thuế trẻ em. Tuy nhiên, cũng có sự trợ giúp gián tiếp thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Chương trình này bao gồm một số lệnh hoãn trả nợ đối với tiền lương và tiền thuê nhà ở cấp độ địa phương và quốc gia.
Các chi phí thì giảm trong khi lại có nhiều tiền đến tay người dân hơn. Bởi không có gì để phải dùng những tấm chi phiếu này chi trả ngoài các mặt hàng thiết yếu căn bản, nên nhiều người chỉ đơn giản là gửi tiền dư thừa vào tài khoản tiết kiệm.
Kết quả là tổng số tiền gửi tiết kiệm ước tính đã đạt mức cao nhất là 2.1 ngàn tỷ USD vào tháng 08/2021.
Tiền tiết kiệm từ thời đại dịch đang dần cạn kiệt
Việc chi tiêu tiền tiết kiệm từ thời đại dịch ban đầu diễn ra từ từ, nhưng sau đó có thể đã tăng tốc do thời buổi kinh tế.
Từ tháng 09 đến tháng 12/2021, tốc độ rút tiền trung bình là 34 tỷ USD mỗi tháng. Tuy nhiên, vào năm 2022, lạm phát giá cả đã làm tăng tốc độ này lên 100 tỷ USD mỗi tháng. Tính đến quý 4/2023, tốc độ rút tiền đã chậm xuống còn 85 tỷ USD mỗi tháng.
Mặc dù chưa cạn kiệt hoàn toàn, nhưng đến năm 2023, tổng số tiền tiết kiệm cá nhân đã giảm xuống còn 500 tỷ USD.
Nhiều người không có tiền tiết kiệm khẩn cấp
Nhiều người Mỹ để dành được một chút tiền tiết kiệm, nhưng thông thường là dưới dạng các chương trình 401(k). Còn tiền để trong ngân hàng để phòng trường hợp khẩn cấp lại là một câu chuyện khác.
Năm 2022, 24% người Mỹ không có tiền tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp. Trong khi 37% có số tiền tiết kiệm đủ để trang trải chi phí sinh hoạt trong ít nhất một tháng, thì 39% cho biết họ có ít tiền tiết kiệm hơn.
Tiền tiết kiệm có thể đang tăng
Nhưng tình hình có thể đang thay đổi do những biến số không chắc chắn của nền kinh tế; nhiều người đang từ bỏ những mặt hàng xa xỉ để gửi số tiền còn lại của họ vào tài khoản tiết kiệm. Hơn một nửa (52%) đã đạt được hoặc vượt mục tiêu tiết kiệm của họ.
Nhìn chung, người Mỹ đã tiết kiệm được trung bình 6,138 USD. Thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến năm 1996) tiết kiệm được nhiều nhất, với 9,299 USD, trong khi Thế hệ Bùng nổ trẻ em (sinh từ năm 1946 đến năm 1964) tiết kiệm được ít nhất, với 4,060 USD. Số tiền tiết kiệm của các nhóm dân số khác được chia đều giữa Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012), với 6,441 USD, và Thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến năm 1980, ở giữa Thế hệ Bùng nổ trẻ em và Thế hệ Millennials), với 5,132 USD.
Thế hệ Y có thể là nhóm dân số tiết kiệm được nhiều nhất nhờ lệnh hoãn trả nợ thời sinh viên. Ngoài ra, cứ ba người trong độ tuổi từ 18 đến 34 thì có một người sống với cha mẹ và có thể tiết kiệm được tiền.
Thế hệ X và Thế hệ Bùng nổ trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc tiết kiệm vì nhiều người vẫn đang phải trả học phí từ thời đại học và các hóa đơn khác cho các con và cháu đã trưởng thành của họ.
Tình hình kinh tế ảnh hưởng đến việc tiết kiệm
Nền kinh tế đã cản trở nỗ lực tiết kiệm của người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều người đã chi tiêu tiền tiết kiệm của họ để theo kịp với giá cả tăng lên.
Trong bốn năm qua, người Mỹ đã trải qua nhiều biến động trong Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), với chỉ số CPI tăng đột ngột vào năm 2022. Sau đây là tóm lược về diễn biến CPI trong bốn năm qua:
- 2020—tăng 1.4%
- 2021—tăng 4.7%
- 2022—tăng 8.0%
- 2023—tăng 3.4%
Mặc dù CPI đã có vẻ hạ thấp hơn, nhưng chỉ số CPI của mỗi năm đều được xây dựng dựa trên chỉ số CPI của năm trước. Vậy là giá cả đã không giảm. Mà giá vẫn ở mức cao và trên thực tế đang tiếp tục tăng.
Khi chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng làm xói mòn thu nhập, người tiêu dùng đang đổ tiền tiết kiệm vào xe đẩy hàng bách hóa và bình xăng. Nếu như không có thêm thu nhập, thì không có nhiều hy vọng về việc họ gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm.
Sử dụng thẻ tín dụng có ảnh hưởng đến việc tiết kiệm không?
Nợ thẻ tín dụng đang cản trở mong muốn tiết kiệm của một số người. Tổng cộng, người Mỹ nợ hơn 1 ngàn tỷ USD nợ thẻ tín dụng. Thế hệ X gánh nhiều nợ nhất, với số dư trung bình là 9,123 USD vào năm 2023.
Nhưng nhìn chung, số dư thẻ tín dụng trung bình là khoảng 6,501 USD.
Sau đây là số dư thẻ tín dụng theo từng thế hệ :
- Thế hệ Z—3,262 USD
- Thế hệ Y—6,521 USD
- Thế hệ X—9,123 USD
- Thế hệ Bùng nổ trẻ em—6,642 USD
Năm 2021, Thế hệ X có số dư thẻ tín dụng là 7,070 USD, Thế hệ Millennials có số dư là 4,576 USD. Tuy nhiên, các thế hệ khác cũng chứng kiến sự gia tăng dư nợ.
Người tiêu dùng đang sử dụng thẻ tín dụng để trang trải cho các chi phí sinh hoạt cơ bản. Lãi suất thẻ tín dụng cao làm giảm thu nhập của người Mỹ, và do đó làm giảm lượng tiền tiết kiệm.
Cảm nhận của các thế hệ về khoản tiền tiết kiệm của họ
Nhưng những thế hệ này cảm thấy thế nào về khoản tiền tiết kiệm của họ? Và họ có nhận thức được nhu cầu tiết kiệm không?
Sau đây là tỷ lệ người cảm thấy không thoải mái với khoản tiền tiết kiệm của họ chia theo nhóm tuổi:
- Thế hệ Z—63%
- Thế hệ Y—60%
- Thế hệ X—66%
- Thế hệ Bùng nổ trẻ em—51%
Nhìn chung, trong các thế hệ, trung bình có 59% số người cảm thấy không thoải mái với khoản tiết kiệm của mình, và họ mong muốn tiết kiệm nhiều hơn.
Tiền tiết kiệm từ thời đại dịch đã gần hết
Các khoản tiết kiệm tiền dư thừa ở Hoa Kỳ đã nhanh chóng tăng lên rồi tăng chậm lại. Có thể ước tính một cách hợp lý rằng tổng số tiền tiết kiệm đạt được từ thời đại dịch đã được chi tiêu.
Chi tiêu và nợ thẻ tín dụng cao hơn do bối cảnh kinh tế có thể là những yếu tố góp phần vào việc tiêu loại tiền này. Tuy nhiên người tiêu dùng đang lo ngại, và xu hướng sau khi rút ra các bài học về nền kinh tế là tiết kiệm.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times