Khảo sát: Gần 50% thế hệ Z nhận trợ giúp tài chính từ gia đình
Gần 7 trên 10 người thuộc thế hệ Z đang thay đổi lối sống để ứng phó với chi phí tăng cao, bao gồm cả việc tìm kiếm những cửa hàng bách hóa giá rẻ hơn.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bank of America (BofA), một lượng lớn những người thuộc thế hệ Z từ 18 đến 27 tuổi đang phụ thuộc vào người thân để đáp ứng các nhu cầu tài chính của mình, trong đó nhiều người phải cắt giảm chi phí hàng ngày để ứng phó với chi phí sinh hoạt tăng cao.
BofA cho biết trong một tuyên bố hôm 10/07 rằng, trong số những người Mỹ thuộc Thế hệ Z, 46% phụ thuộc vào sự trợ giúp tài chính từ cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình. Nhiều người trả lời cho biết họ “không có dự định mua nhà (50%), tiết kiệm cho hưu trí (46%), hoặc bắt đầu đầu tư (40%) trong vòng năm năm tới.” Hơn một nửa số người trả lời được phát hiện là đang không tự trả tiền nhà của họ. Trong số những người tự chi trả chi phí nhà ở, có 20% cho biết hơn một nửa tiền lương của họ được dùng để trang trải các chi phí này.
Chi phí nhà ở đã tăng vọt trong những năm qua, với chi phí cho một căn nhà loại dành cho một gia đình (single-family) có mức giá trung vị tăng hơn 18% kể từ năm 2021. Để đủ khả năng mua một căn nhà như vậy, một người hiện phải chi hơn ¼ * thu nhập của họ. Trong khi đó, giá các loại thực phẩm như bánh mì, đường, trứng, giăm bông, và cà phê đều tăng theo tỷ lệ hai chữ số.
Trong hoàn cảnh lạm phát này, triển vọng có việc làm mới cũng đang thu hẹp khi các nhà tuyển dụng công bố số lượng tuyển dụng thấp nhất trong nửa đầu năm nay kể từ năm 2016.
Theo BofA, để đối phó với chi phí tăng cao, phần lớn thế hệ Z đang thực hiện những thay đổi về lối sống. Sự thay đổi này này bao gồm cắt giảm ăn uống bên ngoài, tránh tham dự các sự kiện với bạn bè, và mua sắm tại các cửa hàng bách hóa có giá cả phải chăng.
Cuộc khảo sát cho thấy Thế hệ Z có thể đang vạch ra “những ranh giới tài chính vững chắc hơn” so với các thế hệ trước trong vấn đề bị bạn bè gây sức ép phải chi tiêu quá mức. Hơn ⅓ số người cho biết họ cảm thấy thoải mái khi từ chối các cơ hội giao lưu trong khi thừa nhận rằng họ không đủ khả năng chi trả cho khoản chi phí đó.
Chủ tịch bộ phận Khách hàng Cá nhân của BofA Holly O’Neill cho biết: “Mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại do chi phí sinh hoạt, những người Mỹ trẻ tuổi đang thể hiện tính kỷ luật và tầm nhìn xa trong mô hình tiết kiệm và chi tiêu của họ.”
“Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục trao quyền cho Thế hệ Z để họ nỗ lực đạt được tài chính lành mạnh và đạt được các mục tiêu dài hạn của mình.”
Lập kế hoạch tài chính
Theo báo cáo của Corebridge Financial, ngoài việc trở nên kỷ luật hơn trong các hoạt động chi tiêu, Thế hệ Z còn bắt đầu lập kế hoạch tài chính sớm hơn các thế hệ trước.
Cuộc khảo sát cho thấy 73% thế hệ Z cho biết họ bắt đầu nghiêm túc quản lý tài chính trước tuổi 25.
Ngược lại, hầu hết những người thuộc Thế hệ Millennials chỉ bắt đầu lập kế hoạch tài chính nghiêm túc trước khi bước sang tuổi 35. Gần một nửa thế hệ bùng nổ trẻ em bắt đầu lập kế hoạch sau khi họ bước sang tuổi 35.
Cô Terri Fiedler, chủ tịch Dịch vụ Hưu trí tại Corebridge Financial, cho biết: “Thời điểm tốt nhất để bắt đầu gieo những hạt giống thành công về mặt tài chính là càng sớm càng tốt, vì vậy, thật tuyệt khi thấy những người trẻ tuổi bắt đầu lập kế hoạch tài chính sớm.”
“Việc xây dựng nền tảng nhận thức, hiểu biết, và kỹ năng tài chính ngay từ sớm có thể mang lại tác động to lớn đến cá nhân, gia đình và toàn xã hội.”
Kế hoạch về hưu của Thế hệ Z và Thế hệ X
Thế hệ Z cũng đang chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho về hưu. Một báo cáo của BlackRock nêu rằng gần 70% Thế hệ Z “hiện đã đầu tư vào quỹ mục tiêu hoặc đang có kế hoạch đầu tư sớm.”
Phần lớn thế hệ Z cho biết họ đang trên đà thực hiện kế hoạch về hưu với lối sống mà họ mong muốn, cao nhất trong tất cả các thế hệ. Tiếp theo là Thế hệ Millennials, Thế hệ Bùng nổ dân số, và thế hệ X (sinh trong giai đoạn 1965–80).
Thế hệ X, hiện ở độ tuổi 40 và 50, đang tiến đến giai đoạn quan trọng trong kế hoạch về hưu của họ. Một báo cáo của Allianz phát hiện ra rằng những người thuộc nhóm dân số này “kém tự tin hơn bao giờ hết về tài chính của họ và lo lắng hơn về việc về hưu so với Thế hệ Bùng nổ dân số hoặc Thế hệ Millennials.”
Một vấn đề quan trọng mà thế hệ Z quan tâm là họ có thể không tiết kiệm đủ tiền cho việc về hưu. Phần lớn trong số họ cho biết họ muốn tiết kiệm nhiều hơn.
Bà L. Kelly LaVigne, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng Consumer Insights của Allianz Life, cho biết: “Tiết kiệm nhiều hơn nhìn chung là nền tảng cho việc về hưu.”
“Tuy nhiên, Thế hệ X có thể cần phải tiến xa hơn một bước và nhớ rằng chiến lược về hưu không chỉ là về một con số lớn cuối cùng trong ngân hàng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times