Khảo sát: 43% người Mỹ cho biết tình hình tài chính đã trở nên tệ hơn kể từ năm 2021
Nhiều người Mỹ có cái nhìn bi quan về tình hình kinh tế hiện tại.
Khi cử tri cân nhắc lựa chọn của họ tại thùng phiếu vào tháng Mười Một, họ cũng đang đánh giá lại túi tiền của mình, và nghiên cứu mới cho thấy tình hình tài chính của họ có thể đóng vai trò rất lớn.
Theo một cuộc khảo sát mới do Bankrate thực hiện, 43% người Mỹ cho biết tình hình tài chính của họ đã xấu đi kể từ tháng 01/2021.
Cuộc thăm dò cho thấy chưa đến ⅕ (19%) người Mỹ báo cáo rằng tình hình tài chính của họ đã được cải thiện, trong khi hơn ⅓ (35%) cho biết tình hình vẫn như cũ.
Các nhà nghiên cứu của Bankrate phát hiện ra rằng có sự khác biệt giữa những người ủng hộ các đảng phái khác nhau. Hơn ⅔ (68%) cử tri thuộc Đảng Cộng Hòa cho biết tình hình tài chính của họ đã xấu đi kể từ tháng 01/2021. Để so sánh, 51% người độc lập về đảng phái và 16% cử tri thuộc Đảng Dân Chủ báo cáo xu hướng tương tự.
Gần một nửa (46%) số người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ “ít có khả năng” bầu cho Tổng thống Joe Biden vì lý do kinh tế.
Hơn ¼ (26%) cho rằng họ “có nhiều khả năng hơn” và 23% cho rằng họ không có nhiều khả năng hơn và cũng không có ít khả năng hơn về việc bầu cho ông Biden.
Mặc dù những người được hỏi không nêu rõ họ ủng hộ chính sách cụ thể nào của các ứng cử viên, nhưng hơn ⅓ (37%) cho biết cựu Tổng thống Donald Trump sẽ là lựa chọn tốt hơn cho tình hình tài chính của họ.
32% cho rằng Tổng thống Biden tốt hơn cho túi tiền của họ.
6% cho rằng ứng cử viên độc lập Robert F. Kennedy, Jr. là lựa chọn tốt hơn cho tình hình tài chính của họ.
Ông Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Bankrate, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng tính đảng phái là câu chuyện chính ở đây, và như chúng ta đã biết, điều đó ảnh hưởng đến rất nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề khác nhau.”
“Mọi người có xu hướng liên kết chất lượng của nền kinh tế với người ngồi trong Oval Office, và đó là một thực tế và truyền thống đã được kiểm chứng theo thời gian.”
Cuộc khảo sát cho thấy tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự ủng hộ về mặt chính trị: những người trẻ tuổi có xu hướng ủng hộ người đương nhiệm, và những người lớn tuổi hơn sẽ chọn đề cử viên của Đảng Cộng Hòa.
Bankrate gần đây đã báo cáo rằng ⅓ số người lao động đang sống dựa vào tiền lương hàng tháng.
Kinh tế là vấn đề hàng đầu đối với cử tri
Nhiều cuộc thăm dò liên tục cho thấy nền kinh tế vẫn là vấn đề hàng đầu đối với nhiều cử tri.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Gallup, 36% liệt kê nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước đang phải đối mặt, tiếp theo là nhập cư (22%).
Tuần trước (09-14/07), Cuộc thăm dò Tiếng nói Cử tri của Center Square cho thấy lạm phát (45%), nhập cư bất hợp pháp (36%), và nền kinh tế (28%) là những vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri trước cuộc bầu cử tháng Mười Một.
Nhiều người Mỹ có cái nhìn bi quan về tình hình kinh tế hiện tại.
Dữ liệu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 23% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tuyệt vời hoặc tốt, giảm so với mức 28% vào đầu năm.
Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Đại học Michigan đã suy yếu trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng Bảy vì người tiêu dùng vẫn lo lắng về giá cả cao và tình hình kinh tế bất ổn.
Bà Joanne Hsu, giám đốc khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan, cho biết: “Gần một nửa số người tiêu dùng vẫn phản đối tác động của giá cao, ngay cả khi họ kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong những năm tới.”
“Với cuộc bầu cử sắp tới, người tiêu dùng nhận thấy sự bất ổn đáng kể trong quỹ đạo của nền kinh tế, mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên đã thay đổi quan điểm kinh tế của họ.”
Các quan chức Hệ thống Dự trữ Liên bang dự đoán lạm phát đang trên đà đạt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, với các nhà đầu tư đang dự đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Chín. Tuy nhiên, nhiều số liệu khác nhau cho thấy công chúng nghĩ rằng lạm phát cố hữu và dai dẳng sẽ còn tồn tại trong một thời gian.
Khảo sát Kỳ vọng Người tiêu dùng do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thực hiện vào tháng Sáu và báo cáo hàng tháng của Đại học Michigan cho thấy triển vọng lạm phát trong vòng một năm tới là 3%.
Lạm phát giá cả đã giảm bớt kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 06/2022. Tuy nhiên, ông Hamrick lưu ý, khi các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế quan sát thấy tốc độ lạm phát thay đổi, thì người tiêu dùng vẫn chứng kiến sức mua của họ bị xói mòn.
Ông cho biết: “Giá cả tăng cao hoặc tình trạng thiếu khả năng chi trả thực sự cần phải là trọng tâm của việc cân nhắc và thảo luận, chứ không phải lạm phát, vốn là mối quan tâm của các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương.”
“Nhưng lạm phát chính là nguyên nhân đưa chúng ta đến tình trạng hiện nay, và tình trạng thiếu khả năng chi trả hoặc giá cả tăng cao chính là mô tả thực tế hiện tại.”
Theo Cục Thống kê Lao động, kể từ tháng 01/2021, sức mua của đồng USD đã giảm 17%. Ngoài ra, mức lương theo giờ thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) cho tất cả người lao động đã giảm hơn 4%.
Khả năng chi trả nhà ở cũng là mối quan tâm chính của cử tri.
Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia (NAR) báo cáo hồi tháng trước rằng hiện tại giá nhà trung vị đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử là 419,300 USD trong tháng Năm.
Trong tháng Sáu, mức giá chào thuê nhà trung vị tăng 0.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái lên 1,654 USD, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Trong nhiều tuần qua, Tòa Bạch Ốc đã thực hiện một loạt chính sách công, công bố các biện pháp mới nhằm khôi phục khả năng chi trả cho nhà ở, từ tín dụng thuế đến giới hạn tăng tiền thuê nhà.
Liệu những nỗ lực này có làm giảm giá nhà trong thời gian tới hay không vẫn chưa thể biết được, nhưng chi phí nhà ở vẫn tiếp tục đóng góp đáng kể vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI).