Gần 50% trong số 80,000 doanh nghiệp nhỏ Mỹ cho biết họ sẽ không tồn tại được trong điều kiện kinh tế hiện nay
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết họ sẽ phải đóng cửa vì không thể giảm chi phí thêm chút nào nữa.
Một cuộc khảo sát mới được thực hiện trên 80,000 doanh nghiệp nhỏ cho thấy 48.6% doanh nghiệp nhỏ tin rằng họ sẽ không tồn tại được trong điều kiện kinh tế hiện nay ở Hoa Kỳ.
Cuộc khảo sát do RedBalloon và Public Square thực hiện cũng cho thấy, rằng 22.4% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ “chắc chắn sẽ không” tồn tại được nếu lạm phát vẫn tiếp tục, trong khi 26.2% cho biết doanh nghiệp của họ “có thể” sẽ không tồn tại được.
Diễn ra từ ngày 30/04 đến ngày 10/05, cuộc khảo sát này được thực hiện trên 80,000 doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 500 nhân viên trên khắp cả nước. Những người được hỏi bao gồm các nhà bán lẻ, nhà hàng, nhà cung cấp dịch vụ, và những người trong ngành dịch vụ khách sạn.
Trả lời câu hỏi về những thay đổi mà chủ doanh nghiệp cần thực hiện để duy trì hoạt động, nhiều người cho biết họ sẽ phải đóng cửa vì không thể cắt giảm chi phí thêm chút nào nữa. Những người khác cho biết họ sẽ buộc phải cắt giảm chi phí đến mức tối thiểu, trong khi những người còn lại cho biết họ có thể phải đối mặt với việc đóng cửa tới một nửa số địa điểm kinh doanh của mình.
Chia sẻ với The Epoch Times, ông Andrew Crapuchettes, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành của RedBallon, một công ty hỗ trợ tìm việc làm trên toàn quốc, nói rằng vấn đề bắt đầu kể từ khi có những đợt phong tỏa bắt buộc do COVID-19 vào năm 2020.
“Khi quý vị không phải là Amazon, thì hậu quả là rất thảm khốc,” ông nói. “Giờ đây với lạm phát tràn lan, thuế cao hơn và một thị trường lao động khó khăn, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật để tồn tại.”
Một trong những số liệu thống kê đáng kinh ngạc nhất là 80% chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết nhà cung cấp của họ đã tăng giá chỉ trong 30 ngày qua, đánh dấu tháng thứ tám liên tiếp mức giá từ nhà cung cấp tăng.
Những phát hiện quan trọng khác của cuộc khảo sát cho thấy 40% số chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng họ phải trì hoãn thanh toán hóa đơn trong năm nay để quản lý được dòng tiền. Hơn 60% hiện tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang hướng đến tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation)—khi giá cả tiếp tục tăng trong khi nền kinh tế không tăng trưởng hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. “Thời gian qua là một quãng đường khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ,” ông Crapuchettes nói thêm. “Các doanh nghiệp nhỏ là huyết mạch của nền kinh tế chúng ta.”
Bà Vera Balic và chồng là ông Chris Jordan là chủ công ty Houston Fast Track ở Texas kể từ năm 1992. Doanh nghiệp giải trí gia đình này cung cấp xe go-cart, một khu trò chơi arcade, sân golf, trò chơi bắn súng laser, và các bữa tiệc cho trẻ em. Một trong những mối quan tâm lớn nhất của họ là tìm kiếm nhân viên chất lượng.
Hai vợ chồng liên tục lo lắng về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhỏ này, trong khi phải cạnh tranh với các công ty lớn như Amazon hoặc các kho hàng khác để có được nhân viên. “Chúng tôi trả mức lương rất tốt so với ngành của mình, nhưng một số doanh nghiệp lớn hơn có thể trả nhiều hơn thế nữa, và chúng tôi luôn thấy mình rơi vào tình trạng thiếu nhân sự,” bà Balic nói với The Epoch Times. “Nhiều nhân viên của chúng tôi đã có công việc thứ hai rồi, và với tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt tăng cao, họ cũng đang gặp khó khăn.”
Tiền thuê cơ sở kinh doanh rộng 10,000 ft2 (929 m2), hai mẫu Anh của cặp đôi này đã tăng từ chỉ 900 USD một tháng vào cách đây khoảng 32 năm lên 9,045 USD một tháng như hiện nay. Ngoài ra, họ còn phải đối phó với các chi phí bổ sung để duy trì các trò chơi và thiết bị của mình.
“Mỗi lần tôi cần đặt hàng một thứ gì đó, tôi luôn phải tính toán xem chúng tôi sẽ phải tính thêm bao nhiêu tiền cho khách hàng để trang trải chi phí, nhưng không được định giá quá cao,” bà Balic cho biết. “Chúng tôi phải có khả năng sửa một số máy chơi trò chơi arcade cũ vì máy mới hiện nay thường có giá cao gấp đôi.”
Mặc dù công việc kinh doanh vẫn ổn định, nhưng bà Balic cho biết doanh thu đã giảm 13% so với cùng thời kỳ năm ngoái. “Hẳn là do nền kinh tế, và thật không dễ chịu khi quý vị làm ra chỉ vừa đủ sống,” bà nói.
Tỷ lệ lạm phát duy trì liên tục ở mức cao đang gây bất ổn cho Houston Fast Track. “Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành này, chúng tôi nhận thức được xu hướng của ngành, vì vậy chúng tôi biết cách ‘tích cóp từng xu từng đồng’ để thành công,” bà Balic cho biết. “Hiện tại, tất cả đều xoay quanh việc có thể tìm được nhân viên để làm đủ ca hay không. Chúng tôi có thể phải cắt giảm số lượng bữa tiệc được tổ chức ngay bây giờ, nếu chúng tôi không có ai làm việc.” Đội ngũ nhân viên hiện tại của họ bao gồm tổng cộng 30 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian.
Kể từ đầu năm 2024, các báo cáo được phát hành đã nêu tên một số nhà bán lẻ hàng đầu quốc gia bị buộc phải đóng cửa một số địa điểm kinh doanh của họ do chi phí tăng và doanh thu không ổn định. Những nhà bán lẻ này bao gồm Red Lobster, Cracker Barrel, TGI Fridays, Applebee’s, Outback Steakhouse, và Denny’s. Các nhà bán lẻ lớn, chẳng hạn như Best Buy, Macy’s, Rue 21, CVS, Dollar Tree, 7-Eleven, Sam Ash Music, và những nhà bán lẻ khác, cũng đã đóng cửa nhiều chi nhánh của họ trong năm nay.
Trong khi một số người đổ lỗi cho “lòng tham của doanh nghiệp” như là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát phi mã, bà Balic cho rằng lý do này chắc chắn không chuẩn xác đối với doanh nghiệp nhỏ. “Với chi phí thuê nhà, tiền vận chuyển, chi phí tiện ích, và thuế tăng cao, các doanh nghiệp đã phải tăng giá để trang trải các chi phí này và cân đối thu chi,” bà giải thích.
Ông Allan Garfinkle, chủ tịch của Crestmont Capital, một công ty 25 nhân viên tọa lạc tại quận Cam, California, đang giúp tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ trên khắp cả nước. Công ty này chuyên về các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 30 triệu USD, với mức lãi trung bình của doanh nghiệp là 2–5 triệu USD và có ít hơn 10 nhân viên. “Ngành kinh doanh vận tải đã bị ảnh hưởng rất nặng nề,” ông nói với The Epoch Times. “Rất khó để họ tồn tại được trong nền kinh tế này.”
Ông Garfinkle cho rằng nguyên nhân là do có quá nhiều thành phần quy định, xu hướng thiên vị doanh nghiệp lớn, và giá nhiên liệu tăng vọt. Ông cho biết, “Tôi lo lắng về đãi ngộ của các chủ doanh nghiệp nhỏ.” Ví dụ, ông đã thảo luận về một luật gần đây của California yêu cầu các công ty thuê nhà thầu độc lập phải phân loại lại họ thành nhân viên. Trong khi một số người cho rằng luật này hiện đang tạo ra một sân chơi bình đẳng và cung cấp mức lương tối thiểu, phúc lợi và các khoản phụ cấp bổ sung, thì những người khác lại cho rằng luật này tước đi tính linh hoạt của những người lao động được phân loại lại, và những chi phí của việc phân loại lại đó có thể làm tăng giá cho người tiêu dùng.
“Luật này của California có thể là một ví dụ nhãn tiền cho những gì sắp xảy ra với phần còn lại của đất nước,” ông Garfinkle nói thêm. “Họ muốn mọi người đều làm việc cho một tập đoàn lớn—và xu hướng này có thể khiến các nhà thầu độc lập biến mất.”
Ông cũng đặt câu hỏi về một luật mới của California có hiệu lực vào tháng Tư năm nay, yêu cầu tất cả nhân viên phục vụ thức ăn nhanh phải được trả ít nhất 20 USD một giờ. “Quy định này sẽ khiến ngay cả những thực phẩm giá cả phải chăng cũng trở nên đắt đỏ hơn, vì vậy nhiều người sẽ chỉ đơn giản là không đi ra ngoài ăn nữa.”
Ông Garfinkle lo ngại rằng sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp nhỏ trong tương lai—nếu môi trường chính trị vẫn như vậy. “Tình hình hiện tại rất nguy hiểm, và tôi tin rằng hoàn cảnh này đang đẩy chúng ta vào một con đường mà đất nước này không nên đi,” ông nói.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times