Doanh số của doanh nghiệp nhỏ giảm vào tháng Sáu trong bối cảnh người Mỹ cắt giảm chi tiêu
Chi tiêu giảm mạnh nhất ở các lĩnh vực như nhà hàng, bán lẻ, và dịch vụ lưu trú.
Theo báo cáo của công ty công nghệ tài chính Fiserv, trong tháng Sáu doanh số của các doanh nghiệp nhỏ đã giảm so với tháng trước, do giá cao buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.
So với tháng Năm, chỉ số doanh nghiệp nhỏ Fiserv, thước đo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ tại Hoa Kỳ, đã giảm bốn điểm xuống còn 140 vào tháng trước, theo một tuyên bố ngày 08/07. Trong khi doanh số và giao dịch của doanh nghiệp nhỏ đã tăng theo từng năm, các số liệu này đã chậm lại theo từng tháng, cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
Trong số 34 phân ngành trong chỉ số này, dịch vụ thực phẩm và đồ uống đã có doanh số cao nhất, theo sau là nhà thầu thương mại chuyên ngành (specialty trade contractor) và các dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học, và kỹ thuật. Cả ba phân ngành này đều đã chứng kiến doanh số và giao dịch giảm vào tháng Sáu.
Trong phân ngành nhà thầu thương mại chuyên ngành, nhu cầu về dịch vụ hồ bơi và dịch vụ thợ mộc nói chung đã hạ nhiệt. Đối với các dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học, và kỹ thuật, mức tăng trưởng đã cho thấy xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây mặc dù tăng trưởng chung tính theo năm có vẻ mạnh.
Đối với ngành bán lẻ, chỉ có hàng hóa nói chung chứng kiến mức tăng trưởng doanh số hàng tháng dương. Mức giảm doanh số lớn nhất được ghi nhận ở các trạm xăng, đại lý xe cơ giới và phụ tùng, vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, và chăm sóc cá nhân.
Ông Prasanna Dhore, giám đốc dữ liệu tại Fiserv, cho biết: “Khi quý này dần kết thúc, người tiêu dùng đã hạn chế cả chi tiêu lẫn tần suất đi đến các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, và các doanh nghiệp dịch vụ khác.”
Ông cho biết, số tiền trung bình mà một khách hàng chi cho mỗi lần ghé thăm cửa hàng đã thấp hơn vào tháng Sáu, là kết quả của lạm phát và ý thức về ngân sách của người tiêu dùng. Trong khi đó, một loạt “thay đổi nhu cầu ngắn hạn theo mùa” đã xảy ra trong một số lĩnh vực. Những yếu tố này đã góp phần làm chỉ số chậm lại, ông Dhore cho biết.
Sự suy giảm trong chỉ số doanh nghiệp nhỏ có xu hướng đi kèm với gánh nặng chi phí sinh hoạt cao của gia đình.
Từ năm 2020 đến năm 2023, chi phí cho các mặt hàng bách hóa trung bình tăng gần ¼. Cụ thể, các mặt hàng như cà phê, đường, bánh mì, và giăm bông đã chứng kiến giá tăng hơn ⅓. Người dân hiện phải chi gần ¼ thu nhập hàng tháng của mình để trả tiền cho một căn nhà biệt lập dành cho một gia đình (single-family home) có giá trung vị.
Những chi phí này đã tăng lên, gây áp lực lên ngân sách của khách hàng và buộc mọi người phải chú ý hơn đến hoạt động chi tiêu của mình.
Nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) Jack Kleinhenz cho biết xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng đã trở nên khó nắm bắt. Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình nhìn chung vẫn lạc quan.
Ông cho biết: “Chi tiêu không đồng đều nhưng vẫn trong trạng thái tốt, bất chấp tốc độ trả lương chậm hơn, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, và giá hàng bán lẻ giảm.”
“Nhìn về tương lai, chúng tôi kỳ vọng các xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì mặc dù có thể sẽ phải chịu hạn chế từ sự suy giảm trong tăng trưởng việc làm và thu nhập.”
Tình hình của các cơ sở kinh doanh nhỏ
Theo báo cáo gần đây của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB), các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề vì giá cả tăng.
Hiệp hội cho biết, vào tháng Sáu, 21% chủ doanh nghiệp nhỏ báo cáo lạm phát là vấn đề hàng đầu mà doanh nghiệp của họ phải đối diện.
Ông Bill Dunkelberg, nhà kinh tế trưởng của NFIB, cho biết, “Chi phí lương tăng đã dẫn đến giá cả tăng cao ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát sẽ giảm bớt đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ khi họ chuẩn bị cho những tháng bất ổn sắp tới.”
Vào tháng Sáu, tỷ lệ lạm phát trong vòng 12 tháng là 3%, mức chưa từng bị phá vỡ kể từ tháng 06/2023.
Trong khi Chỉ số Lạc quan của Doanh nghiệp Nhỏ NFIB đạt mức cao nhất trong năm vào tháng Sáu, thì chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình lịch sử trong 13 tháng liên tiếp, cho thấy tâm lý tiêu cực vẫn đang tiếp diễn trong số các chủ doanh nghiệp.
Nhưng dẫu cho các doanh nghiệp nhỏ hiện đang phải đối mặt với một số thách thức nhất định, thì họ vẫn “ngày càng lạc quan về tương lai,” theo báo cáo Chỉ số Doanh nghiệp Nhỏ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ vào quý 2/2024.
Báo cáo cho biết: “Các kế hoạch tăng nhân sự và đầu tư đều tăng trong quý này, và kỳ vọng doanh thu cho năm tới đạt mức cao nhất từng được ghi nhận trong cuộc khảo sát này.”
Hơn 7 trong số 10 người được hỏi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng vào năm 2025, một quan điểm nhất quán giữa các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và lĩnh vực kinh doanh.
Các doanh nghiệp có tuổi đời trẻ hơn—những doanh nghiệp đi vào hoạt động được dưới 10 năm—được nhận định là lạc quan hơn về việc tuyển dụng trong tương lai và đầu tư nhiều hơn so với các doanh nghiệp đã hoạt động hơn 11 năm.
Các doanh nghiệp nhỏ là một phần quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Phòng Thương mại Hoa Kỳ ước tính rằng có hơn 33 triệu doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc, chiếm tổng cộng 99.9% tổng số doanh nghiệp Mỹ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times