Bộ Ngân khố Hoa Kỳ dự định vay 1.3 ngàn tỷ USD trong 6 tháng tới
Thị trường tài chính sẽ theo dõi số dư tiền mặt cuối tháng Mười Hai của Bộ Ngân khố trước các cuộc đàm phán về mức trần nợ công.
Theo Ước tính các Khoản vay Có thể bán trên Thị trường thứ cấp (Marketable Borrowing Estimates) mới đây nhất của Bộ Ngân khố, được công bố hôm 29/07, chính phủ liên bang dự định vay 1.3 ngàn tỷ USD trong sáu tháng tới.
Trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín của năm tài khóa 2024, Bộ Ngân khố dự kiến sẽ vay 740 tỷ USD thông qua số nợ ròng có thể bán được do tư nhân nắm giữ. Mức vay này giảm 106 tỷ USD so với ước tính trước đó, được đưa ra trong tháng Tư năm 2024. Sự sụt giảm này chủ yếu tính đến việc Hệ thống Dự trữ Liên bang làm chậm việc mua lại chứng khoán Ngân khố và số dư tiền mặt đầu quý cao hơn.
Hồi tháng Năm, các cơ quan tiền tệ đã công bố kế hoạch làm chậm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương để ngăn chặn sự biến động trên thị trường tài chính. Bắt đầu từ ngày 01/06, Fed đã giảm giới hạn đối với số chứng khoán Ngân khố được phép đáo hạn và không được thay thế xuống còn 25 tỷ USD.
Các quan chức cho rằng số dư tiền mặt vào cuối tháng Chín là 850 tỷ USD.
Trong quý từ tháng Mười đến tháng Mười Hai của năm tài khóa 2025, Bộ Ngân khố dự kiến sẽ vay 565 tỷ USD, giả định số dư tiền mặt cuối quý là 700 tỷ USD.
Thị trường tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ số dư tiền mặt của Bộ Ngân khố khi Hoa Thịnh Đốn có khả năng bắt đầu một vòng đàm phán khác về mức trần nợ. Mức giới hạn đối với nợ liên bang sẽ được tái lập vào ngày 02/01/2025.
Trong khi đó, trong quý từ tháng Tư đến tháng Sáu của năm tài khóa này, Bộ Ngân khố đã vay ít hơn 9 tỷ USD. Trong khoảng thời gian ba tháng này, chính phủ liên bang đã vay 234 tỷ USD và kết thúc quý với số dư tiền mặt là 778 tỷ USD.
Bộ Ngân khố sẽ công bố ước tính Hoàn trả Hàng quý trong ngày 31/07, đưa ra các kế hoạch phát hành nợ trong thời gian tới.
Tranh luận về việc phát hành nợ ngắn hạn
Trong 12 tháng qua, Hoa Thịnh Đốn đã làm ngập thị trường tài chính bằng hơn 2 ngàn tỷ USD chứng khoán nợ ngắn hạn. Việc tăng tốc bán tín phiếu—các trái phiếu đáo hạn từ 30 ngày đến một năm—là một phần trong nỗ lực của chính phủ đương nhiệm nhằm quản lý các khoản thanh toán lãi suất cao hơn và thâm hụt ngân sách đang gia tăng.
Hướng về năm tới, Bank of America dự đoán trái phiếu ngắn hạn sẽ chiếm 40% tổng lượng phát hành ròng công khố phiếu.
Các nhà phân tích ngân hàng có thể đã đưa ra dự đoán dựa trên kết luận của Ủy ban Tư vấn Vay vốn của Bộ Ngân khố vào mùa thu năm ngoái.
Biên bản tóm tắt cuộc họp ngày 31/10 nêu rõ: “Ủy ban đã tiếp tục bày tỏ sự an tâm khi tỷ lệ tín phiếu trong số nợ có thể bán được tạm thời vẫn cao hơn mức khuyến nghị do nhu cầu về tín phiếu tiếp tục mạnh mẽ và cách tiếp cận thông thường có thể dự đoán được của Bộ Ngân khố.”
Có hai nhà kinh tế khẳng định rằng chính phủ liên bang có thể đang tiến hành “phát hành công khố phiếu theo chủ nghĩa can thiệp” (ATI) bằng cách “quản lý các điều kiện tài chính” và nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung.
Ông Nouriel Roubini và ông Stephen Miran đến từ Hudson Bay Capital viết trong một ghi chú hồi tháng Bảy: “Bằng cách điều khiển mức rủi ro lãi suất mà các nhà đầu tư sở hữu, ATI hoạt động thông qua các kênh tương tự như chương trình nới lỏng định lượng của Fed.”
“Chúng tôi tính toán rằng ATI đã giảm được lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm trong năm qua khoảng một phần tư phần trăm, cung cấp biện pháp kích thích tương tự như việc cắt giảm một điểm phần trăm lãi suất Quỹ Dự trữ Liên bang, công cụ chính sách chính của ngân hàng trung ương.”
Xuất hiện trước phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm 04/06, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã bác bỏ những tuyên bố cho rằng nhu cầu về nợ dài hạn của chính phủ Hoa Kỳ đang giảm, hoặc cho rằng các nhà hoạch định chính sách công đang chờ Hệ thống Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất trước khi phát hành công khố phiếu có kỳ hạn dài hơn.
Bà Yellen nói với Thượng nghị sỹ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), “Chúng tôi không bao giờ chọn thời điểm theo thị trường.”
Cột mốc 35 ngàn tỷ USD
Vào ngày Bộ Ngân khố công bố ý định vay nợ trong vài tháng tiếp theo, dữ liệu Nợ theo ngày (Debt to the Penny) của bộ đã xác nhận rằng nợ quốc gia đã vượt mốc 35 ngàn tỷ USD hôm 26/07.
Hoa Kỳ đã chạm tới cột mốc 34 ngàn tỷ USD nợ chưa đầy bảy tháng trước đó.
Bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, cho biết mức nợ này là “đáng lo ngại” nhưng “không có gì đáng ngạc nhiên.”
“Tuy vậy, bất chấp mọi rủi ro và dấu hiệu cảnh báo, những hồi chuông báo động này dường như đang bị bỏ qua,” bà MacGuineas cho biết trong một tuyên bố. “Chúng ta sẽ phải nghiêm túc về khoản nợ, và sớm thôi. Những năm bầu cử không thể là ngoại lệ cho việc cố gắng ngăn chặn những mối nguy hiểm hoàn toàn có thể lường trước được—và nợ là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt.”
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái, gần đây đã điều chỉnh dự báo thâm hụt cho năm tài khóa này. Thâm hụt liên bang được dự kiến là 1.9 ngàn tỷ USD trong năm nay, tăng so với mức dự báo 1.5 ngàn tỷ USD trước đó.
Trong bản cập nhật triển vọng kinh tế và ngân sách 2024-2034, CBO dự kiến mức thâm hụt hàng năm sẽ lên tới gần 3 ngàn tỷ USD trong mười năm tới.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times