IMF cảnh báo về rủi ro lạm phát tăng, nguy cơ chính phủ chi tiêu quá nhiều
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về rủi ro lạm phát tăng do chi phí trong lĩnh vực dịch vụ tăng cao, đồng thời việc chính phủ chi tiêu quá nhiều cùng các tác động của phi toàn cầu hóa cũng đang khiến vấn đề càng thêm nghiêm trọng. Tình trạng này có thể khiến ngân hàng trung ương Hoa Kỳ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, làm giảm triển vọng cho một một cuộc hạ cánh mềm.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong một bài đăng blog của ông Pierre-Olivier Gourinchas, giám đốc nghiên cứu của IMF, vốn là một bản tóm tắt về ấn bản báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của quỹ này, cũng như trong bản đầy đủ của chính báo cáo đó.
“Tin tốt là khi lạm phát chung đã lắng xuống, lạm phát đã giảm mà không có suy thoái,” ông Gourinchas viết trong bài đăng trên blog. “Tin xấu là lạm phát giá năng lượng và thực phẩm hiện đã gần trở lại mức trước khi có đại dịch ở nhiều quốc gia, trong khi lạm phát chung thì lại không.”
IMF dự đoán lạm phát trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ, sẽ giảm tốc một cách chậm hơn vào nửa cuối năm, chủ yếu là do giá dịch vụ tăng.
“Lạm phát dịch vụ đang kìm hãm tiến trình giảm lạm phát, làm phức tạp thêm quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ,” IMF cho biết trong bản tóm tắt báo cáo. “Do đó, rủi ro lạm phát tăng đã tăng lên, làm tăng triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và bất ổn chính sách gia tăng.”
Lạm phát liên tục ở mức cao có nghĩa là đợt cắt giảm lãi suất được mong đợi từ lâu của Hệ thống Dự trữ Liên bang—mà thị trường tin chắc sẽ bắt đầu vào tháng Chín—có thể sẽ bị trì hoãn.
Ngược lại, lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ làm tăng rủi ro bên ngoài, rủi ro tài khóa, và rủi ro tài chính, làm tăng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái.
“Chúng tôi dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại còn 5.9% trong năm nay từ mức 6.7% của năm ngoái, nhìn chung đang trên đà cho một cuộc hạ cánh mềm,” ông Gourinchas viết. “Nhưng ở một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, tiến bộ trong quá trình giảm lạm phát đã chậm lại, và rủi ro đang tăng lên.”
Ông Gourinchas lưu ý rằng, rủi ro lạm phát tăng xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế Hoa Kỳ đang ngày càng cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là trên thị trường lao động.
Những dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy rằng thị trường lao động Hoa Kỳ đang mất đà đã xuất hiện trong báo cáo tạo việc làm mới nhất, cho thấy việc tuyển dụng của chính phủ và lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã chiếm khoảng ¾ số việc làm tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp đạt đến 4.1%, mức cao nhất trong vòng 2.5 năm.
Một trong những lý do khiến tiền lương dịch vụ tăng là giá hàng hóa vẫn cao so với dịch vụ, khiến dịch vụ trở nên tương đối rẻ hơn và làm tăng nhu cầu tương đối của dịch vụ, ông Gourinchas viết trong bài đăng trên blog. Ngược lại, hệ quả này lại gây áp lực tăng giá cho dịch vụ và tiền lương.
“Thật vậy, giá dịch vụ và lạm phát tiền lương là hai lĩnh vực chính đáng quan tâm khi nói đến con đường giảm lạm phát,” ông viết. “Trừ phi lạm phát hàng hóa giảm hơn nữa, nếu không thì giá dịch vụ và tiền lương tăng có thể khiến lạm phát chung cao hơn mức mong muốn.”
Theo giám đốc nghiên cứu của IMF, chỉ riêng tình hình này, ngay cả khi không tính đến các yếu tố khác như chi tiêu quá mức của chính phủ và sự gián đoạn thương mại toàn cầu làm giảm nguồn cung và đẩy giá hàng hóa lên cao, cũng đã gây ra một “rủi ro đáng kể đối với kịch bản hạ cánh mềm.”
Chi tiêu quá mức, rủi ro phi toàn cầu hóa
Mặc dù IMF không nhận thấy bất kỳ áp lực thị trường tức thời nào đối với nợ phát hành bằng công khố phiếu Hoa Kỳ, nhưng tổ chức này đã bày tỏ những lo ngại mang tính dài hạn về sự gia tăng nợ và sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nguồn tài chính ngắn hạn.
“Thật đáng lo ngại khi một quốc gia như Hoa Kỳ, ở mức toàn dụng lao động, vẫn duy trì một lập trường tài khóa khiến tỷ lệ nợ trên GDP của nước này tăng đều đặn, với những rủi ro cho cả nền kinh tế trong nước và toàn cầu,” ông Gourinchas viết. “Việc Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào nguồn tài trợ ngắn hạn cũng đáng lo ngại.”
Nợ cao hơn, tăng trưởng chậm hơn, và thâm hụt lớn hơn làm tăng nguy cơ chênh lệch lãi suất giữa công khố phiếu và các loại chứng khoán nợ khác sẽ lên cao hơn, gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.
IMF đã viết trong phiên bản đầy đủ của báo cáo rằng: “Sự tiến triển đặc biệt gần đây của Hoa Kỳ chắc chắn rất ấn tượng và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng tiến triển đó cũng phản ánh các yếu tố mạnh mẽ về phương diện cầu, bao gồm cả lập trường tài chính không phù hợp với tính bền vững tài khóa dài hạn.”
“Điều này làm gia tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm lạm phát, cũng như rủi ro dài hạn về ổn định tài chính và tài khóa đối với nền kinh tế toàn cầu vì có nguy cơ đẩy chi phí vay nợ toàn cầu lên cao.”
“Không thể duy trì mãi như thế được, phải có sự thay đổi.”
Khi nợ chính phủ tăng cao, thì nợ này làm tăng nguy cơ chuyển hướng đột ngột sang tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, điều mà IMF cho biết có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, và làm giảm sự ủng hộ đối với kiềm chế tài khóa và những cải tổ cần thiết khác.
IMF cũng đã cảnh báo về sự gia tăng của quá trình phi toàn cầu hóa dưới hình thức gia tăng sự phân mảnh địa kinh tế. Các rào cản gia tăng đối với dòng chảy hàng hóa, vốn, và lao động sẽ có nghĩa là một sự chậm lại về phía cung, một tình huống mà sẽ gây ra lạm phát.
Về mặt tích cực, IMF cho biết chính sách tài khóa nới lỏng hơn có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, mặc dù chính sách như vậy có nguy cơ dẫn đến sự điều chỉnh chính sách tốn kém hơn về sau.
Lạm phát cũng có thể giảm nhanh hơn dự kiến nếu số người tham gia lực lượng lao động tiếp tục tăng, điều giúp Fed có thêm động lực để bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn.
IMF khuyến nghị rằng các ngân hàng trung ương nên có cách tiếp cận cân bằng, không cắt giảm lãi suất quá sớm hoặc chờ đợi quá lâu dẫn đến không đạt được mục tiêu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times