Khối ngoại quốc nắm giữ lượng công khố phiếu Hoa Kỳ cao kỷ lục ngay cả khi Trung Quốc, Nhật Bản bán ra
Hoạt động bán ra của Bắc Kinh và Tokyo diễn ra trong bối cảnh đồng nhân dân tệ và đồng yên liên tục chịu áp lực giảm giá.
Lượng công khố phiếu Hoa Kỳ mà ngoại quốc nắm giữ đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào tháng Năm, ngay cả khi Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia nắm giữ nhiều công khố phiếu Hoa Kỳ nhất thế giới, đi ngược lại xu hướng này khi giảm lượng nắm giữ công khố phiếu.
Hôm 18/07, dữ liệu mới từ Hệ thống Vốn Quốc tế của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho thấy lượng công khố phiếu Hoa Kỳ mà ngoại quốc nắm giữ đã tăng lên mức kỷ lục 8.129 ngàn tỷ USD, từ mức 8.04 ngàn tỷ USD được điều chỉnh tăng của tháng Tư.
Nhật Bản, nhà đầu tư ngoại quốc hàng đầu vào công khố phiếu Hoa Kỳ, đã giảm 22 tỷ USD khỏi danh mục công khố phiếu của họ xuống còn 1.128 ngàn tỷ USD. Lượng công khố phiếu do Nhật Bản nắm giữ đã tăng 3% so với một năm trước.
Các nhà quan sát thị trường đang theo dõi chặt chẽ cách Tokyo quản lý công khố phiếu Hoa Kỳ trong bối cảnh các quan chức cố gắng trợ giúp đồng yên Nhật.
Đồng yên đã giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng ba thập niên so với đồng USD. Để đảo ngược xu hướng này, kể từ tháng Tư các nhà quản lý tiền tệ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán USD và mua yên.
Trung Quốc, quốc gia nắm giữ lượng công khố phiếu Hoa Kỳ lớn thứ hai thế giới, đã giảm lượng nắm giữ từ hơn 2 tỷ USD xuống còn 768.3 tỷ USD. Lượng nắm giữ của Trung Quốc đã giảm khoảng 10% kể từ tháng 05/2023.
Giống như Nhật Bản, đồng tiền của Trung Quốc đã suy yếu trong năm nay, với đồng nhân dân tệ ở ngoại quốc giảm hơn 2% tính đến thời điểm hiện tại. Năm ngoái, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã bán đồng bạc xanh để mua vào nhân dân tệ nhằm làm chậm quá trình mất giá của đồng tiền này.
Những quốc gia đáng chú ý khác mua nợ của Hoa Kỳ trong tháng Năm là Vương quốc Anh (13 tỷ USD), Canada (16 tỷ USD), và Ireland (10 tỷ USD). Ngoài Bắc Kinh và Tokyo, chỉ có Hồng Kông (-3 tỷ USD) và Thụy Sĩ (-1 tỷ USD) là giảm lượng nắm giữ của họ.
Nợ liên bang do các nhà đầu tư ngoại quốc và quốc tế nắm giữ tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội là khoảng 28%, mức thấp nhất trong vòng 14 năm.
Diễn biến thị trường nợ Hoa Kỳ
Đầu tư ngoại quốc vào công khố phiếu Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng khi lợi suất giảm do kỳ vọng Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng Chín.
Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn là 4.21%, giảm so với mức cao nhất của năm 2024 là 4.71% đạt được hồi cuối tháng Tư. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm chỉ thấp hơn 4.5% một chút, giảm so với mức cao nhất trong năm nay là 5.04% đạt được vào cuối tháng Tư.
Trong gần một năm, chính phủ liên bang đã phải đối diện với thách thức do nhu cầu đối với chứng khoán nợ ngắn hạn và dài hạn yếu, đặc biệt là nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước.
Phiên đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 20 năm trị giá 13 tỷ USD hôm 16/07 đã cho thấy nhu cầu trong nước hiện đang thấp hơn. Người mua quốc tế đã mua hơn 77% nguồn cung, cao hơn mức trung bình sáu tháng là gần 70%. Ngoài ra, các đại lý sơ cấp—các tổ chức tài chính mua nguồn cung còn lại—chỉ mua 8% số chứng khoán nợ này.
Phiên đấu giá kỳ phiếu kỳ hạn 7 năm trị giá 44 tỷ USD vào hôm 29/05 đã mang lại doanh số bán thấp hơn mức trung bình, khiến các đại lý sơ cấp phải mua 12% nguồn cung.
Một lý do chính khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh có thể là do nguồn cung quá dồi dào.
Trong 12 tháng qua, nguồn cung tín phiếu—nợ chính phủ ngắn hạn có kỳ hạn từ bốn đến 52 tuần—đã tăng khoảng 2 ngàn tỷ USD. Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo, cho biết điều đó có thể là một vấn đề.
“Sự gia tăng lớn về nguồn cung đòi hỏi sự gia tăng lớn về nhu cầu,” ông Slok cho biết trong một ghi chú nghiên cứu trong tháng này. “Việc Fed tăng số lượng tín phiếu đang lưu hành trong khi đồng thời thực hiện thắt chặt định lượng (QT) làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố trên thị trường tài chính.”
Ngân hàng trung ương đã cắt giảm bảng cân đối kế toán bằng cách giảm lượng công khố phiếu nắm giữ. Tuy nhiên, bà Althea Spinozzi, người đứng đầu bộ phận chiến lược thu nhập cố định tại Saxo, cho biết trong một ghi chú phân tích trong tháng này, rằng Fed gần đây đã công bố sẽ giảm 30 tỷ USD khỏi mức trần công khố phiếu đến hạn mà không tái đầu tư hàng tháng của họ, nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ tái đầu tư vào công khố phiếu và cung cấp “hỗ trợ chung cho các chứng khoán này.”
Việc Fed hạ lãi suất trong vài tháng tới sẽ giúp ích hay gây tổn hại cho thị trường công khố phiếu vẫn còn là một vấn đề gây tranh luận.
Ông Slok cho biết nếu Fed bắt đầu hạ lãi suất chính sách trong vài tháng tới, “chúng ta có thể thấy nhu cầu tín phiếu của các gia đình và quỹ thị trường tiền tệ giảm, điều mà cuối cùng sẽ gây áp lực tăng lên lãi suất ngắn hạn do nguồn cung tín phiếu lớn không được đáp ứng bằng nhu cầu mạnh mẽ tương tự.”
Tuy nhiên, bà Sponizzi cho biết bà nghĩ khó mà mong đợi có được mức tăng lãi suất đột biến trong mùa hè này vì các quan chức tiếp tục “bảo đảm rằng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống lạm phát và sự cải thiện này sẽ tiếp tục.”
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư dài hạn nên cân nhắc liệu đợt tăng giá ngắn hạn của công khố phiếu Hoa Kỳ có bền vững trong dài hạn hay không,” bà cho biết. “Khả năng tăng tốc kinh tế khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất không phải là xa vời, đặc biệt là nếu thị trường chứng khoán tiếp tục đạt những mức cao mới.”
Các ước tính gần đây của Bộ Ngân khố cho thấy chính phủ liên bang không có ý định giảm tốc việc vay nợ.
Mùa xuân năm ngoái, Bộ Ngân khố đã công bố rằng bộ có kế hoạch vay hơn 1 ngàn tỷ USD trong nửa cuối năm tài khóa 2024. Ngoài ra, Bộ Ngân khố còn xác nhận rằng bộ đã vay 748 tỷ USD trong quý từ tháng Một đến tháng Ba trong năm tài khóa hiện tại.
Tuy nhiên, bất chấp làn sóng tín phiếu to lớn này, thị trường công khố phiếu đã tương đối bình lặng so với mùa thu năm 2022, khi chính sách ngân sách sơ bộ (mini budget) của Vương quốc Anh gây ra hỗn loạn cho công khố phiếu Anh dài hạn, hay còn gọi là “gilt.” Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm đã tăng vọt tới 155 điểm cơ bản từ ngày 04/09 đến ngày 16/10/2022.
Điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ vẫn lạc quan.
Hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng “không thể duy trì mãi được, phải có sự thay đổi” vì Hoa Kỳ là thị trường công khố phiếu lớn nhất thế giới.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, “Lập trường tài khóa không phù hợp với tính bền vững tài khóa dài hạn là đặc biệt đáng lo ngại. Sự không phù hợp này làm tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm lạm phát, cũng như rủi ro đối với sự ổn định tài chính và tài khóa dài hạn của nền kinh tế toàn cầu.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times