CEO JPMorgan đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về khoản chi tiêu thâm hụt ‘rất lớn’ của chính phủ TT Biden
‘Thâm hụt về căn bản sẽ không biến mất khỏi tầm mắt,’ ông Jamie Dimon nói, đồng thời cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ.
Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã có một cảnh báo nghiệt ngã cho hướng đi của nền kinh tế Hoa Kỳ, nói rằng ông nhận thấy khả năng “hạ cánh mềm” hiện đang thấp hơn nhiều so với mức mà thị trường đang định giá. Đồng thời, ông cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về một đợt lạm phát đình trệ tiềm ẩn theo kiểu những năm 1970, một phần là do khoản chi tiêu thâm hụt lớn của chính phủ Tổng thống Biden gây ra.
Nhận xét như trên trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/04 với The Wall Street Journal, ông Dimon đã cảnh báo về việc người Mỹ đang bị ru ngủ vào một cảm giác tự tin sai lầm vì dường như người tiêu dùng Hoa Kỳ đang ở “trạng thái khá tốt” ngay lúc này, thị trường chứng khoán tăng, trong khi việc làm dồi dào, và tỷ lệ thất nghiệp thấp (ở mức 3.8%).
“Đừng bị ru ngủ trong cảm giác an toàn sai lầm, rằng hôm nay trông có vẻ ổn, thì ngày mai cũng sẽ ổn,” ông nói. “Vì vậy hãy cố gắng tách biệt hai thứ đó ra.”
Trong khi nhiều số liệu kinh tế khác nhau đang duy trì khá tốt, dữ liệu mới công bố hôm 25/04 cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu chậm lại trong quý 1 do áp lực lạm phát và chi phí đi vay cao hơn bởi các đợt tăng lãi suất của Hệ thống Dự trữ Liên bang.
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 1.6% trong ba tháng đầu năm nay, giảm từ mức 3.4% trong quý 4 năm 2023.
Mức tăng trưởng này là thấp hơn so với mức ước tính đồng thuận 2.5%, với việc nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn đã khiến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ chìm trong sắc đỏ, dẫn tới chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones giảm hơn 600 điểm sau tiếng chuông mở đầu, mặc dù sau đó mức giảm này đã thu hẹp xuống còn khoảng 425 điểm tính đến thời điểm phát hành bản tin.
Dữ liệu của BEA cũng cho thấy lạm phát đang gia tăng trở lại một cách tồi tệ trong quý 1, tăng lên 3.4% so với quý trước, so với mức thấp hơn nhiều là 1.8% của quý trước.
Nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát đình trệ
Ông Dimon cho biết ông thấy bối cảnh kinh tế hiện tại càng ngày càng gợi nhớ đến những năm 1970, khi sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm đã dẫn đến lạm phát đình trệ, một tình trạng kinh tế độc hại, đặc trưng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và áp lực giá cả leo thang.
Ông nói, “Đối với tôi, tình hình trông giống những năm 1970 hơn một chút, và tôi cũng đã nói với nhiều người rằng mọi thứ trông đã khá khả quan vào năm 1972. Nhưng tình hình không còn là màu hồng vào năm 1973.”
Ông nêu lên một loạt vấn đề làm tăng rủi ro lạm phát trong phương trình lạm phát đình trệ, chẳng hạn như thâm hụt tài khóa “rất lớn” và chính sách kích thích tiền tệ dưới hình thức nới lỏng định lượng, chi tiêu lớn cho nền kinh tế xanh, và chi tiêu quân sự tăng vọt trên toàn thế giới trong bối cảnh xung đột địa chính trị.
“Thâm hụt về căn bản sẽ không biến mất khỏi tầm mắt,” ông Dimon nói. “Tất cả những điều đó khiến tôi phải cảnh giác rằng mọi thứ có thể không diễn ra tốt đẹp như mọi người mong đợi. Xác suất hạ cánh mềm — mà thị trường đang định giá theo xác suất 70% — tôi nghĩ chỉ bằng một nửa số đó.”
Lời cảnh báo của ông Dimon về khía cạnh lạm phát của việc chi tiêu chính phủ rất lớn diễn ra trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về nợ công ngày càng tăng của Mỹ.
Theo một báo cáo gần đây từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt chi tiêu ở Hoa Kỳ đạt 1.7 ngàn tỷ USD vào năm 2023, hay 6.3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cơ quan này cảnh báo rằng chi tiêu thâm hụt làm tăng thêm một mức nợ công ngày càng cao sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm tăng chi phí lãi vay mà Hoa Kỳ phải trả cho các chủ nợ ngoại quốc.
Theo ước tính của CBO, trong 30 năm tới, thâm hụt chi tiêu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lên 8.5% GDP vào năm 2054. Cơ quan này cũng dự đoán rằng tỷ lệ nợ trên GDP của Hoa Kỳ, vốn từng ở mức khoảng 35% GDP hồi những năm 1980, sẽ tăng vọt lên 166% vào năm 2054, gây ra “rủi ro đáng kể” đối với triển vọng tài khóa và kinh tế của Mỹ.
Dữ liệu công bố trước đó hồi tháng Tư của Bộ Ngân khố cho thấy thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 1 ngàn tỷ USD trong sáu tháng đầu năm tài khóa 2024, đặt chính phủ liên bang vào tình thế đạt mức chênh lệch ngân sách hơn ngàn tỷ USD lần thứ năm liên tiếp.
Vách đá nợ nần hiện ra?
Ông Dimon trước đó đã cảnh báo rằng tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ sẽ “tăng như đồ thị gậy hockey” vào một thời điểm nào đó, nghĩa là tăng mạnh sau một thời gian tăng tương đối dần dần. Ông đã mô tả thời điểm này như tình huống có một tính toán kiểu “nổi loạn” trên thị trường mà theo đó cuộc khủng hoảng nợ đột ngột trở nên sâu sắc hơn khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng của chính phủ trong việc trả nợ và bán tháo công khố phiếu Hoa Kỳ.
Ông Dimon cảnh báo thời điểm nợ công của Mỹ trở nên không bền vững đang đến gần.
Trong diễn văn tại một hội thảo tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng 01/2024, ông nói, “Đó là một vách đá. Chúng tôi thấy vách đá. Khoảng 10 năm nữa. Chúng ta đang đi với tốc độ 60 dặm một giờ.”
Đảng Cộng Hòa cũng đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối đối với khoản chi tiêu thâm hụt cao của chính phủ Tổng thống Biden, đưa ra những cảnh báo tương tự về tính bền vững của nợ và ước tính khi nào thảm họa sẽ nổ ra trên thị trường.
Tổng thống Joe Biden đã biện hộ cho kế hoạch chi tiêu của ông, đồng thời chỉ trích Đảng Cộng Hòa về việc thúc đẩy cắt giảm ngân sách và cố gắng đổ lỗi việc đẩy nợ công lên hơn 34 ngàn tỷ USD cho các khoản cắt giảm thuế thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 25/04 với The Wall Street Journal, ông Dimon đã được hỏi cảm nghĩ về việc liệu “Bidenomics” có tác dụng hay không.
“Một phần,” ông trả lời. “Khi quý vị tiêu số tiền đó, quý vị sẽ có sự tăng trưởng.” Ông tiếp tục nói thêm rằng ông ủng hộ một số hành động của chính phủ về chính sách công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, ông nói rằng nhiều người Mỹ có thể không được hưởng những lợi ích này, cảnh báo rằng chi tiêu rất lớn của chính phủ sẽ dẫn đến lạm phát.
Tương tự như vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức chi tiêu thâm hụt cao của chính phủ Tổng thống Biden, đồng thời cảnh báo rằng nợ công ngày càng phình to của Mỹ có nguy cơ gây ra lạm phát và thậm chí gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times