CEO Goldman cảnh báo khi chi phí lãi vay của Hoa Kỳ vượt quá chi tiêu cho quốc phòng, Medicare
Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cho biết: ‘Chúng ta cần phải giải quyết các khoản nợ và thâm hụt.’
Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông David M. Solomon là lãnh đạo doanh nghiệp mới nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức chi tiêu thâm hụt của chính phủ Tổng thống Biden, khi chi phí thanh toán lãi cho khoản nợ chính phủ đang phình to của Hoa Kỳ đã vượt quá chi tiêu trong cả hai lĩnh vực quan trọng là quốc phòng và Medicare.
Nói chuyện với Bloomberg Television hôm thứ Hai (13/05), vị giám đốc ngân hàng đầu tư này cho biết, “Tôi nghĩ mức nợ ở Hoa Kỳ [và] mức chi tiêu là thứ mà chúng ta cần tập trung sâu sắc hơn và đối thoại nhiều hơn những gì chúng ta đã chứng kiến.” Theo ông, nếu không làm gì đó để kiềm chế chi tiêu, thì việc chi tiêu và nợ nần như vậy có thể tạo ra vấn đề.
Nhận xét của ông được đưa ra khi chi phí trả lãi vay cho khoản nợ chính phủ ngày càng tăng của Hoa Kỳ lên tới 514 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm tài khóa hiện tại, trở thành khoản chi lớn thứ hai trong ngân sách, và vượt quá cả chi tiêu quốc phòng và chi tiêu cho Medicare.
Báo cáo hàng tháng mới nhất của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ—được công bố hôm 08/05—cho thấy 514 tỷ USD mà chính phủ đã chi cho việc trả lãi vay ròng tính đến thời điểm hiện tại trong năm tài khóa này đã vượt qua chi tiêu cho cả quốc phòng (498 tỷ USD) và Medicare (465 tỷ USD).
Chi tiêu lãi suất—hiện là phần tăng trưởng nhanh nhất của ngân sách—hiện lớn hơn tổng số tiền chi cho giáo dục (128 tỷ USD), giao thông vận tải (70 tỷ USD), và cựu chiến binh (183 tỷ USD) cộng lại.
Nhóm phi đảng phái Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) dự đoán rằng đến năm 2051, chi tiêu cho lãi vay sẽ là khoản chi lớn nhất trong ngân sách. Hiện tại, chỉ có chi tiêu An sinh Xã hội (837 tỷ USD) là lớn hơn số tiền được phân bổ để trả lãi cho khoản nợ đang ngày càng tăng của quốc gia.
CRFB cho biết trong một tuyên bố: “Nợ tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất. Nếu không cải tổ để giảm nợ và lãi, chi phí lãi vay sẽ tiếp tục tăng, lấn át chi tiêu cho các ưu tiên khác, và tạo ra gánh nặng cho các thế hệ tương lai.”
CRFB đã tuyên bố như vậy trong bối cảnh một số nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp, và nhà lập pháp cảnh báo về việc chi tiêu thâm hụt ngoài tầm kiểm soát đang làm tăng thêm gánh nặng nợ nần.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) cho biết vào tháng 10/2023—tháng đầu tiên của năm tài khóa 2024—rằng thời điểm để thành lập một ủy ban lưỡng đảng nhằm giải quyết khoản nợ 34.6 ngàn tỷ USD của chính phủ liên bang đã trôi qua từ lâu.
Ông nói vào thời điểm đó: “Hậu quả nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ là không thể gánh chịu nổi.” Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi của ông về một ủy ban như vậy, dự án này vẫn trong tình trạng lấp lửng.
Nhiều thành viên Đảng Dân Chủ và các nhóm thiên tả phản đối ủy ban này vì họ sợ ủy ban này sẽ khuyến nghị cắt giảm An sinh Xã hội, trong khi một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự miễn cưỡng vì lo ngại tăng thuế là biện pháp cửa hậu cho việc việc giải quyết nợ.
Đại dịch không còn nữa
Nhận xét trên Bloomberg Television hôm thứ Hai (13/05), ông Solomon nói rằng một phần khoản chi tiêu lớn được tài trợ bằng nợ của chính phủ Hoa Kỳ trong những năm gần đây có thể đã được biện minh là để ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ trong thời gian phong tỏa vì COVID-19. Tuy nhiên, ông chê bai một thực tế là mặc dù đại dịch không còn là một yếu tố nữa, nhưng việc chi tiêu vẫn cứ tiếp tục.
Ông cảnh báo: “Mức chi tiêu … đang tiếp tục với tốc độ mà tôi nghĩ đang làm tăng mức nợ của chúng ta và gây ra những vấn đề cho chúng ta trong tương lai.”
Hồi tháng Ba, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu ngân sách trị giá 7.3 ngàn tỷ USD, bao gồm việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và buộc những người có tài sản 100 triệu USD phải trả thuế ít nhất 25% thu nhập của họ.
Ông Johnson đã chỉ trích kế hoạch chi tiết này, ông cho rằng nó phản ánh “sự khao khát vô độ đối với việc chi tiêu liều lĩnh.”
Theo một báo cáo gần đây từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt chi tiêu ở Hoa Kỳ đạt 1.7 ngàn tỷ USD vào năm 2023, tương đương 6.3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cơ quan này ước tính rằng mức chi tiêu thâm hụt sẽ tăng lên 8.5% GDP vào năm 2054.
Đồng thời, CBO dự đoán tỷ lệ nợ trên GDP của Hoa Kỳ, vốn trong những năm 1980 là khoảng 35% GDP, sẽ tăng lên 166% vào năm 2054, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng này sẽ gây ra “rủi ro đáng kể” đối với triển vọng tài khóa và kinh tế của Hoa Kỳ.
Ông Solomon cho rằng thâm hụt chi tiêu của Mỹ là vấn đề “đáng được quan tâm rất nhiều.”
“Hy vọng rằng sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn khi chúng ta bước qua cuộc bầu cử và bước vào chính phủ tiếp theo,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng, “chúng ta cần phải giải quyết các khoản nợ và thâm hụt.”
‘Đồng USD sẽ chẳng có giá trị gì’
Ông Elon Musk, Tổng giám đốc Tesla, gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chi tiêu quá lớn của chính phủ, cảnh báo rằng đồng USD sẽ trở nên vô giá trị trừ phi thực hiện các bước để làm chậm tốc độ tăng nợ quốc gia của Hoa Kỳ.
Ông Musk nói trong một bài đăng trên X: “Chúng ta cần phải làm gì đó với khoản nợ quốc gia của mình nếu không đồng USD sẽ chẳng có giá trị gì.”
Tỷ phú công nghệ này đang phản ứng với một bài đăng về lời cảnh báo của Tướng H.R. McMaster rằng thế giới đang trên bờ vực của Đệ tam Thế chiến và cần phải tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho các mối đe dọa tiềm tàng.
Ông Musk đã nhiều lần vận động đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine nhằm chấm dứt thiệt hại về nhân mạng.
Giống như ông Musk, nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett cũng đã cảnh báo về những hậu quả “quan trọng” của việc thâm hụt chi tiêu. Tuy nhiên, người sáng lập Berkshire Hathaway dự đoán rằng, khi gặp khó khăn, chính phủ sẽ chọn tăng thuế thay vì giảm chi tiêu.
“Tôi nghĩ mức thuế cao hơn có thể xảy ra,” ông Buffett nói hôm 04/05 tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway ở Omaha.
Ông nói, “Họ có thể quyết định rằng một ngày nào đó, họ không muốn thâm hụt tài khó khóa lớn như vậy vì điều đó gây ra một số hậu quả quan trọng. Vì vậy, họ có thể không muốn giảm chi tiêu và họ có thể quyết định sẽ lấy đi một tỷ lệ phần trăm lớn hơn trong tài sản của chúng ta, và chúng ta sẽ trả phải số tiền đó.”
Các nhà phân tích tại Đại học Pennsylvania ước tính rằng khi tỷ lệ nợ trên GDP đạt khoảng 200%, thì tình thế sẽ không thể xoay chuyển được nữa—đó là khi không có khoản tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu nào trong tương lai có thể ngăn được chính phủ vỡ nợ.
Giám đốc điều hành JPMorgan, ông Jamie Dimon đã dự đoán rằng tỷ lệ nợ trên GDP của Hoa Kỳ sẽ “tăng vọt như đồ thị hockey” vào một thời điểm nào đó, nghĩa là tăng mạnh và trở nên không bền vững sau một thời gian tăng tương đối dần dần.
Nói chuyện trong một hội thảo tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng 01/2024, ông Dimon nhận xét: “Đó là một vách đá. Chúng ta đang nhìn thấy vách đá. Khoảng 10 năm nữa là sẽ đến thời điểm đó. Chúng ta đang đi với tốc độ 60 dặm một giờ.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times