Hoa Kỳ: Các nhà lập pháp cấp tiến đang thúc đẩy xóa nợ y tế
Trong số những dữ liệu được các nhà lập pháp sử dụng có dữ liệu điều tra dân số năm 2018, cho thấy 8 triệu người Mỹ bị đẩy vào cảnh nghèo đói do chi phí y tế.
Sau nỗ lực xóa nợ sinh viên của chính phủ Tổng thống Biden, các nhà lập pháp cấp tiến cũng đang hướng tới việc xóa nợ y tế, với luật mới được đệ trình hôm 08/05.
Theo thông cáo báo chí từ các nhà lập pháp, dự luật do Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập-Vermont) và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California) cùng Dân biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan) dẫn đầu, sẽ dỡ bỏ 220 tỷ USD nợ y tế của hàng triệu người Mỹ, xóa số nợ này khỏi báo cáo tín dụng, và hạn chế việc thu nợ y tế trong tương lai.
Ông Sanders nói trong một thông cáo báo chí, “Đây là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, quốc gia giàu có nhất trong lịch sử thế giới. Người dân ở đất nước chúng ta không nên chịu cảnh phá sản vì họ mắc bệnh ung thư và không đủ khả năng thanh toán các hóa đơn y tế của mình.”
“Không ai ở Mỹ nên phải đối diện với tình trạng hủy hoại tài chính vì chi phí quá cao cho một trường hợp cấp cứu y tế bất ngờ hoặc nằm viện. Đã đến lúc phải hủy bỏ mọi khoản nợ y tế và bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người như một quyền con người chứ không phải một đặc quyền.”
Hồi năm 2020 trong quá trình tranh cử vị trí đề cử viên của Đảng Dân Chủ cho chức vụ tổng thống, ông Sanders đã đề ra chính sách này khi vận động tranh cử, cho biết vào thời điểm đó rằng ông muốn giảm bớt khoản nợ y tế ước tính khoảng 81 tỷ USD cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Các nhà lập pháp cho biết một cuộc khủng hoảng nợ y tế ở Hoa Kỳ đã bùng nổ trong những năm gần đây, “làm suy giảm tài khoản ngân hàng của người Mỹ và ngăn cản họ tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”
Việc hủy bỏ nợ y tế trên quy mô mà luật đề nghị chưa được kiểm chứng, nhưng các chương trình cứu trợ nợ y tế nhỏ hơn của chính phủ tiểu bang và địa phương — nơi chính phủ mua các khoản nợ rẻ hơn giá trị thật rất nhiều và xóa hết nợ — cung cấp một số thông tin chi tiết về những gì có thể xảy ra.
Kết quả ban đầu của một nghiên cứu do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) công bố hồi tháng Tư cho thấy những chương trình như vậy chỉ mang lại lợi ích hạn chế.
Hồi tháng Ba, Thống đốc Arizona Katie Hobbs (Dân Chủ) đã đề xướng việc cứu trợ nợ y tế cho tới một triệu người dân Arizona thông qua quan hệ đối tác với RIP Medical Debt, một tổ chức bất vụ lợi chuyên mua lại và xóa nợ, để hủy khoản nợ y tế khoảng 2 tỷ USD ở tiểu bang đó.
Hồi tháng Tư, Thống đốc Illinois J.B. Pritzker (Dân Chủ) đã đề xướng một chương trình cứu trợ nợ y tế trị giá gần 1 tỷ USD tương tự cho 340,000 cư dân Illinois trong năm đầu tiên nếu được chấp thuận, với tổng số tiền được giảm là 4 tỷ USD.
Đạo luật xoá nợ y tế liên bang
Đạo luật Xoá Nợ Y tế liên bang sẽ sửa đổi Đạo luật Thực hành Đòi nợ Công bằng, “quy định việc thu nợ y tế phát sinh trước khi dự luật này được ban hành là bất hợp pháp và tạo ra quyền có hành động pháp lý tư nhân cho bệnh nhân.”
Luật này sẽ sửa đổi thêm Đạo luật Báo cáo Tín dụng Tiêu dùng Công bằng để xóa nợ y tế khỏi báo cáo tín dụng bằng cách “ngăn các cơ quan báo cáo tín dụng báo cáo thông tin liên quan đến khoản nợ phát sinh từ chi phí y tế.”
Một chương trình tài trợ mới cũng sẽ được tạo ra trong Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ để xóa nợ y tế bằng cách “ưu tiên các nhà cung cấp có nguồn lực thấp và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.”
Các yêu cầu về thanh toán và thu nợ cũng sẽ được sửa đổi để hạn chế phát sinh nợ trong tương lai.
“Xóa bỏ nợ y tế là một quan điểm thông thường được công chúng Mỹ ủng hộ rộng rãi,” các nhà lập pháp cho biết trong một thông cáo báo chí. “Sự ủng hộ đó mang tính phi đảng phái với 84% cử tri Đảng Cộng Hòa ủng hộ việc xóa nợ. Trên thực tế, khi thăm dò về loại nợ nào người Mỹ muốn được xóa, ⅔ người Mỹ đã trả lời là nợ y tế.”
Dữ liệu đằng sau dự luật
Các nhà lập pháp nói về một cuộc khảo sát về khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe được thực hiện bởi Quỹ Commonwealth, một tổ chức tư nhân bất vụ lợi trợ giúp nghiên cứu độc lập về cải tổ chính sách y tế và cải thiện hệ thống y tế, cho thấy “nhiều người Mỹ, bất kể bảo hiểm của họ đến từ đâu, đều không được bảo hiểm đầy đủ, điều đó dẫn đến việc chăm sóc bị trì hoãn hoặc bị bỏ qua, khoản nợ y tế đáng kể, và các vấn đề sức khỏe ngày càng nghiêm trọng hơn.”
Cụ thể, các nhà lập pháp trích dẫn các kết quả khảo sát cho thấy trong số tất cả những người trưởng thành trong độ tuổi làm việc ở Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 27% nợ y tế trên 500 USD, và 15% có nợ y tế với tổng trị giá từ 2,000 USD trở lên.
Báo cáo còn phát hiện thêm rằng trong khi các sự kiện bất ngờ và tình huống khẩn cấp khiến mọi người phải gánh chịu nhiều hóa đơn y tế, nguồn gốc của phần lớn khoản nợ là dành cho việc chăm sóc liên quan đến tình trạng sức khỏe mãn tính. Cuộc khảo sát cho thấy khoảng một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc nợ xuất phát từ các vấn đề sức khỏe mãn tính và việc điều trị những căn bệnh này.
“Bệnh nhân có thể nhận được sự chăm sóc cần thiết khi đối mặt với bệnh tật hoặc thương tích mà không sợ bị hủy hoại tài chính,” ông Merkley nói. “Cuộc khủng hoảng nợ y tế của Mỹ tiếp tục gây tổn hại cho hàng triệu người, và Quốc hội phải làm tất cả những gì có thể để giảm bớt gánh nặng to lớn này cho bệnh nhân. Đạo luật Xóa Nợ Y tế của chúng tôi thiết lập một chương trình trợ cấp để xóa nợ y tế của bệnh nhân. Dự luật này là một bước tiến hợp lý sẽ giúp ích cho các gia đình ở Oregon và trên toàn quốc.”
Họ cũng trích dẫn một số dữ kiện và số liệu khác, chẳng hạn như dữ liệu điều tra dân số năm 2018, cho thấy 8 triệu người Mỹ bị đẩy vào cảnh nghèo đói do chi phí y tế, và một dữ liệu khác mà theo đó gần 75% người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng họ lo lắng về khả năng chi trả cho các chi phí y tế bất ngờ.
“Nợ y tế có thể hủy hoại điểm tín dụng và gây khó khăn cho việc vay tín dụng, vay nợ mua nhà, hoặc mua xe hơi,” các nhà lập pháp cho biết trong một thông cáo báo chí. “Ngày nay, gần 04/10 người Mỹ trưởng thành cho biết họ mắc nợ chăm sóc sức khỏe và cứ 12 người Mỹ trưởng thành thì có 1 người mắc nợ đáng kể. Phụ nữ, người Mỹ gốc Phi Châu, người khuyết tật, và những người sống ở khu vực nông thôn và miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ bị phá vỡ, cứ ba người Mỹ gốc Phi Châu thì có một người phải trả các hóa đơn y tế quá hạn, cũng như gần một nửa số phụ nữ Mỹ và gần một nửa số người trưởng thành sống ở miền Nam.”
Họ tiếp tục cho biết rằng vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn, nêu lên nghiên cứu của Đại học Yale và Stanford rằng gần đây có sự gia tăng đột biến các vụ việc bệnh viện kiện bệnh nhân vì nợ y tế, điều này “[tác động] không tương xứng đến bệnh nhân gốc Phi Châu và bệnh nhân có thu nhập thấp cũng như bệnh nhân sống ở khu vực nông thôn.”
Nghiên cứu trước đây cho thấy lợi ích hạn chế
Một bài báo nghiên cứu do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) phát hành hồi tháng Tư đã cho thấy kết quả không mấy tích cực của các lần thử nghiệm cứu trợ nợ y tế.
Các bài báo nghiên cứu được lưu hành nhằm mục đích thảo luận và nhận xét nhưng chưa được bình duyệt hoặc được hội đồng duyệt các ấn phẩm chính thức của NBER xem xét.
NBER và RIP Medical Debt đã tiến hành hai thử nghiệm ngẫu nhiên nhằm giảm khoản nợ y tế trị giá 169 triệu USD cho 83,401 người trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2020. Sau đó, nhóm nghiên cứu theo dõi kết quả bằng cách sử dụng báo cáo tín dụng, dữ liệu thu thập, và khảo sát.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times