Chủ tịch Fed Powell: Hạ cánh cứng không phải là một ‘kịch bản có nhiều khả năng xảy ra’
Ông Powell cảnh báo về việc cần cân bằng giữa duy trì lãi suất cao và cắt giảm lãi suất sớm.
Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết trong phiên hỏi đáp tại Câu lạc bộ Kinh tế Hoa Thịnh Đốn vào ngày 15/07 rằng nền kinh tế Hoa Kỳ khó có thể hạ cánh cứng khi lạm phát đang giảm và tăng trưởng vẫn vững chắc.
Ông Powell cho biết: “Tôi không loại trừ khả năng này, nhưng tôi cho rằng kịch bản hạ cánh cứng này không phải là kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất, hoặc không phải là một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra.”
“Chúng tôi sẽ rất vui nếu có thêm nhiều bất ngờ tích cực về nền kinh tế.”
Hạ cánh cứng là thuật ngữ kinh tế dùng để mô tả tình trạng nền kinh tế rơi vào suy thoái sau một khoảng thời gian tăng trưởng.
Trong cuộc trò chuyện với ông David Rubenstein, đồng chủ tịch quỹ đầu tư The Carlyle Group, ông Powell cho biết ông tin rằng có một con đường để giảm lạm phát mà không gây ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Hiện tại, người đứng đầu ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cho biết các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng giữa hai mục tiêu mâu thuẫn. Cắt giảm lãi suất trước thời hạn có thể khiến áp lực lạm phát hồi sinh trở lại, trong khi duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ quá lâu có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng.
Mặc dù ông cho rằng chính sách hiện nay đang thắt chặt, nhưng không thắt chặt “thái quá”, lưu ý rằng mức lãi suất trung tính “có thể đã tăng nên.”
Lãi suất trung tính, hay còn gọi là lãi suất tự nhiên, là mức lãi suất thực giúp nền kinh tế duy trì toàn dụng lao động trong khi vẫn bảo đảm lạm phát không đổi.
Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các hành động nới lỏng chính sách để chờ cho tới lúc lạm phát giảm xuống 2%, thì “có lẽ chúng ta sẽ chờ đợi quá lâu,” ông Powell nhận xét, đề cập tới quan điểm lạm phát 2% của nhà kinh tế lỗi lạc Milton Friedman.
Đây là lần đầu tiên ông Powell xuất hiện kể từ khi có số liệu lạm phát mới nhất.
Tuần trước (08-14/07), tỷ lệ lạm phát hàng năm đã chậm lại còn 3%, giảm từ mức 3.3 %. Chỉ số Giá Tiêu dùng hàng tháng đã giảm lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nổ ra vào năm 2020, giảm 0.1%.
Chỉ số Giá Sản xuất (PPI), một thước đo mức giá mà doanh nghiệp phải trả cho hàng hóa và dịch vụ và là một chỉ báo tiềm năng về diễn biến lạm phát trong tương lai, tăng cao hơn dự kiến một chút với tốc độ 0.2 %.
Ông Powell đến Capitol Hill
Tuần trước, người đứng đầu Fed đã có mặt tại Capitol Hill để trình bày chính sách tiền tệ bán niên của mình trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.
Ông Powell cảnh báo rằng việc duy trì lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài “có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế và việc làm một cách không đáng có,” đồng thời lưu ý rằng lạm phát vượt quá xu hướng “không phải là rủi ro duy nhất mà chúng ta phải đối mặt.”
Mặc dù các nhà quản lý tiền tệ đang chờ đợi có thêm dữ liệu tốt để “củng cố niềm tin rằng lạm phát đang tiến triển bền vững hướng tới 2%,” nhưng ông Powell đã nói với các nhà lập pháp rằng Fed không cần phải đợi cho đến khi lạm phát đạt mức mục tiêu đó.
Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường tương lai đang kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm đầu tiên tại cuộc họp hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào tháng Chín.
Lãi suất quỹ liên bang chuẩn hiện ở mức từ 5.25% đến 5.5%, mức cao nhất trong vòng 23 năm.
Bản tóm tắt dự báo kinh tế được cập nhật vào tháng Sáu cho thấy các quan chức dự đoán chỉ có một lần giảm lãi suất trong năm nay, hạ lãi suất chính sách trung vị xuống mức 5.1%. Các nhà hoạch định chính sách đã dự kiến sẽ có ba lần giảm lãi suất.
Các quan chức Fed đang nói gì
Xuất hiện trước Phòng Thương mại Khu vực Little Rock ở Arkansas hôm 11/07, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis Alberto Musalem cho biết, dữ liệu lạm phát gần đây cho thấy “tiến triển hơn nữa hướng tới mục tiêu giảm lạm phát.”
“Tôi sẽ tìm thêm bằng chứng cho thấy có thể kỳ vọng lạm phát sẽ hội tụ ở mức 2% trong tương lai,” ông Musalem nói, đồng thời lưu ý rằng các số liệu gần đây “phù hợp với các báo cáo cho thấy người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn với giá cả và các công ty đang phản ứng bằng cách giảm giá và chiết khấu.”
Thống đốc Fed Lisa Cook cho biết lộ trình lãi suất chính sách sẽ phụ thuộc vào dữ liệu.
Hôm 10/07, bà Cook cho biết tại sự kiện Hội nghị các Nhà kinh tế Úc năm 2024 rằng: “Tuy nhiên, ngay cả trong số những quốc gia cắt giảm lãi suất, con đường tương lai của lãi suất chính sách nhìn chung vẫn được xem là còn phụ thuộc vào việc lạm phát tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu.”
Bà Cook lưu ý rằng các xu hướng kinh tế của Hoa Kỳ báo hiệu một “cuộc hạ cánh mềm.”
“Lạm phát đã giảm đáng kể so với mức cao nhất, và thị trường lao động đã dần hạ nhiệt nhưng vẫn còn mạnh,” bà nói. “Tất nhiên, tôi đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu đầu vào để xem tiếp theo nền kinh tế sẽ diễn tiến như thế nào.”
Tại cuộc thảo luận bàn tròn với các phóng viên hôm 11/07, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly cho biết dữ liệu kinh tế mới ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất.
Bà Daly cho biết: “Với thông tin mà chúng tôi nhận được hôm nay, bao gồm dữ liệu về việc làm, lạm phát, tăng trưởng GDP, và triển vọng kinh tế, tôi thấy một số điều chỉnh chính sách có khả năng sẽ là cần thiết.”
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 1.4% trong quý 1.
Theo mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến là 2% trong quý 2.
Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4.1% vào tháng Sáu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times