Chuyên gia: Động cơ khiến ĐCSTQ bí mật tuyển dụng quân nhân phương Tây
Gần đây, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tăng cường tuyển dụng các sỹ quan đã về hưu của không quân phương Tây để huấn luyện quân đội đã thu hút sự chú ý của các nước phương Tây. Các chuyên gia và nhà bình luận quân sự của Đài Loan cho rằng đây là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thu thập kinh nghiệm thực chiến để tấn công Đài Loan.
Hôm 05/06, qua Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC), Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ thay mặt chính phủ cùng bốn quốc gia khác trong liên minh Ngũ Nhãn (Úc, Canada, New Zealand, và Vương quốc Anh) đã phát hành một thông báo chung, tiết lộ rằng ĐCSTQ đang liên tục tuyển dụng các quân nhân tại ngũ và giải ngũ của phương Tây để huấn luyện quân đội của họ.
Giám đốc NCSC Michael C. Casey cho biết, quân đội ĐCSTQ luôn tích cực tuyển dụng các nhân tài quân sự phương Tây để huấn luyện phi công cho lực lượng không quân. Họ sử dụng các công ty tư nhân trên khắp thế giới để hợp tác ngầm với quân đội ĐCSTQ và dùng mức lương cao để thu hút nhân tài. Mặc dù các chính phủ phương Tây đã thực hiện một số biện pháp đối phó, nhưng việc tuyển dụng của quân đội ĐCSTQ vẫn phát triển và thay đổi liên tục. Ông Casey cho biết, mục đích phát hành thông báo chung của liên minh Ngũ Nhãn là để nhấn mạnh mối đe dọa liên tục này, đồng thời cùng nhau ngăn chặn các hành vi của quân nhân phương Tây tại ngũ hoặc giải ngũ có nguy cơ làm suy yếu an ninh quốc gia.
Thông báo chung cũng cung cấp các thông tin chi tiết về hoạt động tuyển dụng của quân đội ĐCSTQ, và khuyến khích những người bị tuyển dụng liên lạc với các cơ quan liên quan để phơi bày sự việc.
Thông báo chỉ ra rằng quân đội ĐCSTQ luôn nhắm đến các quân nhân tại ngũ và giải ngũ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quốc gia phương Tây khác. Họ sử dụng các công ty tư nhân ở Nam Phi và Trung Quốc để tuyển dụng các cựu phi công chiến đấu cơ từ Canada, Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Úc, Hoa Kỳ, và các quốc gia phương Tây khác, nhằm huấn luyện phi công cho không quân và hải quân của ĐCSTQ. Họ sử dụng kỹ năng và kiến thức chuyên môn của những người này để nâng cao khả năng tác chiến trên không của mình, đồng thời tìm hiểu sâu về chiến thuật, kỹ thuật, và quy trình tác chiến của phương Tây. Thông tin mà quân đội ĐCSTQ nhận được từ các nhân tài quân sự phương Tây đã đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Thông báo cũng kiến nghị rằng cần áp đặt các hạn chế thương mại đối với Học viện Thử nghiệm Bay Nam Phi (TFASA), Công ty Công nghệ Hàng không Bắc Kinh (BCAT), Stratos, và các nhà cung cấp khác đã cung cấp nhân tài quân sự phương Tây cho quân đội ĐCSTQ. Thông báo cũng nhấn mạnh rằng cần sửa đổi luật và thay đổi quy định quản lý để cấm các cựu quân nhân làm việc tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, toàn bộ việc tuyển dụng của quân đội ĐCSTQ đều được thực hiện một cách bí mật. Họ có thể liên lạc trực tiếp [với những quân nhân phương Tây] qua người quen hoặc thư điện tử cá nhân, hoặc gián tiếp qua các mạng xã hội chuyên dụng và nền tảng tìm việc trực tuyến. Các công ty tham gia có thể bao gồm các công ty tư nhân từ khắp nơi trên thế giới. Những công ty này có mối quan hệ rất bí mật với quân đội ĐCSTQ.
Thông báo cho biết, những nhân tài quân sự được tuyển dụng có thể làm việc tại Trung Quốc, Nam Phi, hoặc các địa điểm khác và nhận được đãi ngộ rất lớn.
Chuyên gia: ĐCSTQ chuẩn bị cho thực chiến tấn công Đài Loan
Một số chuyên gia quân sự và nhà bình luận của Đài Loan cho rằng hành động này của ĐCSTQ là nhằm chuẩn bị cho thực chiến tấn công Đài Loan.
Cựu Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan, kiêm Giáo sư Khoa Chính trị của Học viện Chính trị Tác chiến thuộc Đại học Quốc phòng, Đài Loan Trương Diên Đình (Zhang Yanting), gần đây đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, các phi công giải ngũ có kinh nghiệm thực chiến, trong khi quân đội ĐCSTQ thiếu kinh nghiệm này. Những quân nhân này có thể truyền đạt toàn bộ các tình huống thực chiến, mối đe dọa, cũng như cách phát triển sức mạnh chiến đấu và những kinh nghiệm quý báu cho quân nhân ĐCSTQ. Hơn nữa, mỗi người đều có chuyên môn khác nhau, có người lái chiến đấu cơ, có người lái phi cơ săn tàu ngầm, có người lái phi cơ của hàng không mẫu hạm, nên họ có thể bù đắp được những thiếu sót về kinh nghiệm thực chiến của ĐCSTQ.
Ông Trương nói rằng ĐCSTQ không cần các phi công có kỹ thuật toàn diện, mà là cần các sỹ quan trong từng lĩnh vực vì mỗi người đều có chuyên môn riêng. Từ đó, ĐCSTQ có thể thu thập được thông tin tình báo đa dạng, toàn diện và chuyên sâu hơn trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, ĐCSTQ sẽ hiểu được tình báo tác chiến điện tử của các nước phương Tây.
Ông Trương cho biết, chiến tranh tương lai sẽ chủ yếu xoay quanh chiến tranh điện tử. Việc nắm bắt phổ tần số điện tử, cách vận hành chiến tranh điện tử, và phương pháp trang bị là những dữ liệu và thông tin quý giá đối với ĐCSTQ. “Ai nắm bắt được chiến tranh điện tử thì sẽ nắm được chiến thắng trên chiến trường.”
Ông Trương Diên Đình còn cho rằng, ĐCSTQ dùng nhiều biện pháp khác nhau để thu thập thông tin tình báo quân sự, nhằm chuẩn bị cho thực chiến ở Eo biển Đài Loan. Ông cho rằng Đài Loan có ba điểm yếu lớn: Thiếu thông tin về tình hình địch, người dân không có ý thức phòng ngừa, và nguy cơ từ các gián điệp ĐCSTQ xâm nhập vào Đài Loan. Ông kêu gọi chính phủ Đài Loan phải đồng thời hành động trên ba phương diện này thì mới có thể ngăn chặn ĐCSTQ xâm phạm Đài Loan.
Ký giả kỳ cựu Đài Loan kiêm bình luận viên quân sự Kỳ Lạc Nghĩa (Qi Leyi) cũng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng ĐCSTQ tuyển dụng các sỹ quan quân đội phương Tây giải ngũ là vì họ chú trọng vào kinh nghiệm thực tiễn của những sỹ quan này. Ông Kỳ cho rằng, đặc biệt đối với những người làm việc ở tuyến đầu, ngoài việc thu được kỹ thuật, ĐCSTQ còn có thể lấy được một số thông tin tình báo. Có rất nhiều thông tin tình báo có thể được suy luận ngược lại để có thể hiểu rõ thực hư về tình hình quân sự của các nước khác. Vì vậy, đây là chiêu thức ‘rút củi đáy nồi,’ và cũng là một phần của chiến tranh tình báo.
ĐCSTQ dùng mức lương cao để tuyển dụng các sỹ quan quân đội giải ngũ của phương Tây
Việc ĐCSTQ tuyển dụng các phi công và kỹ sư hàng không phương Tây giải ngũ đã bị các hãng truyền thông phơi bày từ năm 2022.
Mặc dù Học viện Bay Thử nghiệm Nam Phi (TFASA) luôn phủ nhận việc họ cung cấp các đợt huấn luyện quân sự bí mật, nhưng tổ chức này đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 06/2023. TFASA cũng từng phủ nhận việc tuyển dụng công dân Hoa Kỳ và công dân Anh quốc, nhưng vào tháng 10/2022, công dân Úc Daniel Duggan, từng là phi công của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đã bị chính phủ Úc bắt giữ và dẫn độ về Hoa Kỳ để xét xử. Ông Duggan thực sự là huấn luyện viên của TFASA và đã từng huấn luyện phi công Trung Quốc về kỹ thuật hạ cánh trên hàng không mẫu hạm.
Theo thông tin, sau hơn mười năm phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, ông Duggan đã di cư sang Úc và thành lập một công ty tên là Top Gun Tasmania. Công ty này thuê các phi công từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để cung cấp dịch vụ bay trải nghiệm trên chiến đấu cơ cho du khách. Các loại phi cơ mà ông Duggan lái bao gồm chiến đấu cơ tấn công thẳng đứng AV-8B Harrier, chiến đấu cơ huấn luyện trên hàng không mẫu hạm T2C Buckeye, và chiến đấu cơ tấn công A4J Skyhawk. Ông còn có bằng huấn luyện viên bay chiến thuật và sở hữu giấy phép phi công vận tải hàng không (ATPL) do Hoa Kỳ và Úc cấp. Ông Duggan từng làm việc tại Bắc Kinh vào năm 2014. Tháng Năm năm nay, ông Duggan thừa nhận từng hợp tác với gián điệp Trung Quốc Tô Bân (Su Bin), người đã đánh cắp bí mật quân sự của Hoa Kỳ, nhưng phủ nhận mình biết việc ông Tô Bân là gián điệp.
Vương quốc Anh từng có tới 30 phi công giải ngũ được quân đội ĐCSTQ tuyển dụng với mức lương cao (có thể lên tới khoảng 270,000 USD mỗi năm). Các phi công Anh được tuyển dụng đều có kinh nghiệm vận hành phi cơ phản lực tốc độ cao và trực thăng, đã từng lái các loại phi cơ như các chiến đấu cơ Typhoon, Jaguar, Harrier Jet, và Tornado.
Nước Pháp cũng là mục tiêu mà ĐCSTQ nhắm tới. Bắc Kinh luôn tích cực tìm kiếm các huấn luyện viên người Pháp có kỹ năng để hướng dẫn phi công Trung Quốc hạ cánh trên hàng không mẫu hạm và học hỏi chiến lược của không quân NATO. Ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc, Pháp là quốc gia duy nhất sở hữu hàng không mẫu hạm có bệ phóng. Vào tháng 04/2022, sau khi một chiến đấu cơ của ĐCSTQ rơi ở Thương Khâu, Hà Nam, hai phi công đã nhảy dù thành công. Một người là phi công Trung Quốc, người còn lại là một sỹ quan cao cấp giải ngũ của không quân Pháp.
Ông Âu Tích Phú (Ou Xifu), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị Quân sự và Khái niệm Tác chiến của ĐCSTQ thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ĐCSTQ tuyển dụng các phi công hàng không mẫu hạm giải ngũ của phương Tây đến Trung Quốc, chủ yếu là để giúp huấn luyện phi công hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ. Nhờ những phi công này, quân đội ĐCSTQ còn tiếp thu những kinh nghiệm, bài học về chiến thuật và phương pháp tác chiến của hàng không mẫu hạm, từ đó nâng cao khả năng tác chiến của hàng không mẫu hạm của mình trong tương lai.
Ông Âu nói rằng hạ cánh một chiến đấu cơ trên boong của hàng không mẫu hạm chật hẹp là một động tác rất khó. Về cách thức chiến đấu, ĐCSTQ hoàn toàn không có kinh nghiệm này, phải bắt đầu từ con số không, và chỉ có thể học hỏi từ các quốc gia phương Tây. Cách thức chiến đấu của hàng không mẫu hạm tất nhiên là bí mật quốc gia, không có quốc gia nào sẵn sàng dạy cho ĐCSTQ bí mật độc quyền này. Vì vậy, ĐCSTQ đã dùng số tiền lớn để thu hút các phi công giải ngũ của phương Tây truyền dạy các kinh nghiệm chiến đấu của hàng không mẫu hạm cho quân đội của họ.