NATO điều chỉnh kho vũ khí hạt nhân để đối phó với Trung Quốc và Nga
Hôm thứ Tư (12/06), trong một hành động hiếm hoi, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề cập rằng NATO đang tiếp tục điều chỉnh năng lực hạt nhân của mình để đối phó với các mối đe dọa an ninh hiện tại.
NATO đang cử hành cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng kéo dài hai ngày tại Brussels. Trước khi cuộc họp bắt đầu, ông Stoltenberg nói với các ký giả rằng, vũ khí hạt nhân là phương tiện để “bảo đảm an ninh cuối cùng” của NATO và để duy trì hòa bình.
Đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của NATO, ông Stoltenberg cho biết tháng 06/2024, Hà Lan đã tuyên bố nhóm chiến đấu cơ F-35 đầu tiên có thể mang vũ khí hạt nhân, đồng thời cho biết Hoa Kỳ đang tiến hành hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình tại châu Âu.
Ông Stoltenberg thừa nhận môi trường an ninh hiện đang đầy rẫy thách thức. Ông nhắc lại cam kết của NATO trong việc duy trì hòa bình, ngăn chặn sự uy hiếp và đe dọa xâm lược. Chính vì vậy, NATO đang tiếp tục tăng cường các biện pháp răn đe và phòng thủ.
“Chi tiêu quốc phòng của toàn bộ NATO đang tăng lên.” Ông nói rằng, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng, các đồng minh sẽ đạt được tiến triển trong các cam kết công nghiệp quốc phòng mới, nhằm mở rộng sản xuất công nghiệp quân sự, đồng thời gửi tín hiệu nhu cầu dài hạn tới ngành công nghiệp.
Ông cho biết, các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng sẽ đưa ra quyết định nhằm bảo đảm khả năng tự vệ trong kế hoạch phòng thủ mới của NATO, thảo luận về các hành động đối nghịch của Nga với các nước NATO, và triệu tập cuộc họp nhóm lập kế hoạch hạt nhân để thảo luận về cách liên tục điều chỉnh năng lực hạt nhân của NATO.
Ông Stoltenberg cũng đề cập đến việc Trung Quốc và Nga liên tục tăng cường các hoạt động liên quan đến năng lực hạt nhân.
Ông nói: “Trong vài năm và vài tháng qua, chúng ta đã nghe thấy những tuyên bố hạt nhân nguy hiểm từ Nga… chúng ta cũng thấy Nga đã tiến hành nhiều cuộc tập trận hạt nhân hơn.”
Hôm thứ Ba (11/06), Nga cho biết quân đội của họ đã bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc diễn tập huấn luyện khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Belarus.
Sau khi xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trong các tình huống cực đoan.
Ông Stoltenberg cũng đề cập đến vấn đề hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, và dự đoán chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tăng số lượng hỏa tiễn hạt nhân đáng kể trong vài năm tới, rất nhiều trong số đó sẽ có thể phóng vào lãnh thổ NATO. Ngoài ra, Bắc Hàn và Iran cũng đang phát triển năng lực hạt nhân của riêng mình.
Đối với vấn đề này, ông cho biết NATO phải tăng cường hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, tăng cường các cuộc tập trận và liên lạc, để bảo đảm rằng khả năng răn đe hạt nhân của NATO là hiệu quả, an toàn, và đáng tin cậy.