Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc vì trợ giúp Iran phát triển phi cơ không người lái
Bộ Ngân khố đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, Iran, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những cá nhân mà họ cho rằng đang cung cấp các linh kiện cho chương trình phát triển phi cơ không người lái của Iran.
Hôm thứ Ba (19/09), Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc, Iran, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những cá nhân mà họ cho là đang cung cấp thiết bị cho hoạt động phát triển phi cơ không người lái và phi cơ quân sự của Iran.
Những đối tượng bị trừng phạt bao gồm một công ty Trung Quốc và hai cá nhân. Bộ Ngân khố cho biết trong một tuyên bố rằng Công ty TNHH Công nghệ Gia Tư Bác Thâm Quyến tạo thuận tiện cho việc cung cấp các bộ phận có thể được sử dụng để sản xuất phi cơ không người lái (UAV), chẳng hạn như hệ thống và cảm biến đo độ cao bằng radar cấp hàng không vũ trụ, cho Công ty Công nghiệp Sản xuất Phi cơ Iran.
Ông Brian E Nelson, Thứ trưởng Bộ Ngân khố phụ trách khủng bố và tình báo tài chính, cho biết: “Việc Iran tiếp tục phát triển một cách có chủ ý các phi cơ không người lái của mình đã tạo điều kiện cho Nga, các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Trung Đông, và các tác nhân gây bất ổn khác phá hoại sự ổn định toàn cầu.”
Ông nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động để ngăn chặn các mạng lưới mua sắm phi cơ không người lái của Iran, và khuyến khích các khu vực pháp lý thực hiện thẩm định cần thiết để ngăn chặn việc xuất cảng các linh kiện này sang Iran.”
Hồi tháng Ba, Bộ Ngân khố đã bổ sung năm công ty có trụ sở tại Trung Quốc cũng như một cá nhân vào danh sách Công Dân Bị Chỉ Định Đặc Biệt (Specially Designated Nationals) và danh sách Những Người Bị Chặn (Blocked Persons), cáo buộc họ “phải chịu trách nhiệm về việc bán và vận chuyển hàng ngàn linh kiện hàng không vũ trụ” cho nhà sản xuất phi cơ không người lái của Iran.
Chính phủ Hoa Kỳ đã nêu tên loại phi cơ không người lái Shahed-136 do Công ty Công nghiệp Sản xuất Phi cơ của Iran sản xuất, và cho biết Iran đã sử dụng loại phi cơ không người lái đó để tấn công các tàu chở dầu. Chính phủ cũng cho biết loại phi cơ Shahed-136 này đã được bán cho Nga để sử dụng trong cuộc tấn công vào Ukraine.
Các công ty Trung Quốc bị lọt vào tầm ngắm khi đó là Công ty Máy móc Koto Phú Dương Hàng Châu, Công ty Thương mại Quốc tế Raven, Công ty S&C Trade PTY, Công ty Công nghệ Caspro Thâm Quyến, và Công ty Công nghệ Cao su và Nhựa Alpha Quế Lâm.
Hôm thứ Ba (19/09), giám đốc và cổ đông kiểm soát của Công ty Công nghệ Cao su và Nhựa Alpha Quế Lâm có trụ sở tại Trung Quốc, ông Đổng Văn Ba (Dong Wenbo), và chủ sở hữu kiêm giám đốc điều hành của Công ty TNHH Công nghệ Gia Tư Bác Thâm Quyến, ông Tô Xuân Bằng (Su Chunpeng), cũng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách nói trên.
Cùng ngày đó, Bộ Ngân khố cũng đã ban hành lệnh trừng phạt đối với ba cá nhân ở Iran, ba công ty có trụ sở tại Nga, và hai cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tehran liên tục phủ nhận việc gửi vũ khí tới Moscow kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Hôm thứ Hai (18/09), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thừa nhận rằng Iran và Nga từ lâu đã có mối bang giao bền chặt. Tuy nhiên, ông phủ nhận việc đất nước của ông đã gửi phi cơ không người lái tới Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Iran sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Việc mua sắm, phát triển, và phổ biến UAV của Iran gây bất ổn cho khu vực Trung Đông và trợ giúp cho cuộc chiến vô cớ và phi lý của Nga đối với Ukraine.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ trong tay mình để phá vỡ những nỗ lực này, đồng thời sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.”
Những hạn chế trên được công bố chỉ một ngày sau khi năm người Mỹ bị Iran giam giữ đến Qatar, sau khi được trả tự do trong một thỏa thuận trong đó Tổng thống Joe Biden đồng ý giải tỏa gần 6 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Iran.
Iran và Nga đã xây dựng liên kết quốc phòng chặt chẽ hơn kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Tòa Bạch Ốc cho biết hợp tác quân sự ngày càng phát triển giữa hai nước này qua các thương vụ bán vũ khí đang trực tiếp dẫn đến việc sát hại người Ukraine.
Tương tự, Nga và Trung Quốc đã ký kết liên kết đối tác “không giới hạn” bao gồm hợp tác quân sự chiến lược. Các công ty ở Trung Quốc, trong đó có một số thuộc sở hữu nhà nước, đã không ngừng bán vũ khí và các thiết bị quân sự khác cho Nga trong suốt cuộc chiến, mặc dù Tòa Bạch Ốc không thừa nhận liệu họ có bằng chứng cho thấy những hành động này có nhận được sự phối hợp từ chính quyền Bắc Kinh hay không.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu, Andrew Thornebrooke, và The Associated Press
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times